TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ ba 18 Tháng Sáu
2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 18 Tháng Sáu 2013
Trung Quốc đang lèo lái nền kinh tế thế giới ?
TQ đọ sức với châu Âu về rượu
vang ?
REUTERS/Stringer
Về hồ sơ kinh tế, báo Le Figaro hôm nay đặc biệt quan
tâm đến Trung Quốc-cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Tờ báo đặt câu hỏi
: « Trung Quốc đang lèo lái nền kinh tế thế giới ? ».
Báo Le
Figaro nhận định, sau 12 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),
Trung Quốc vẫn hành động theo luật lệ riêng của mình trên trường quốc tế. Tờ
báo nhắc lại một số vụ tranh cãi gần đây giữa châu Âu và Trung Quốc như
ngày 04/06/2013, châu Âu tuyên bố đánh thuế pin mặt trời của Trung Quốc, vì
lên án Trung Quốc đã trợ giá cho các công ty nhằm phá giá thị trường.
Thế
là ngay sau đó, Trung Quốc trả đũa bằng việc đánh thuế lên rượu nhập khẩu từ
châu Âu. Trung Quốc còn đe dọa đang nắm trong tay « các con bài khác ». Đó
chính là mặt hàng xe hơi cao cấp của châu Âu. Do đó, châu Âu tấn công Trung
Quốc trên hồ sơ hàng thép ống.
Ngoài
ra, Trung Quốc còn tăng cường quốc tế hóa các công ty của mình. Tân Bộ trưởng
Tài chính Trung Quốc không ngại đe dọa rằng « không ai cần đầu tư vào một
quốc gia nếu họ không được hoan nghênh » và nếu phát hiện ở nước đó có một
số biểu hiện của chính sách bảo hộ. Năm ngoái, ngoài lĩnh vực tài chính,
Trung Quốc đã đầu tư 60 triệu euro ở nước ngoài .
Năm 2012, so với các châu
lục khác, Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào châu Âu (33%) và quan tâm đến
ngành năng lượng. Đồng thời, Trung Quốc còn tận dụng mua công nghệ và kỹ
năng để các công ty của mình có thể phát triển sau đó.
Báo Le
Figaro điểm lại một số vụ thâu tóm lớn gần đây của Trung Quốc đối với các
công ty trên thế giới như vụ tập đoàn Sông Hối (Trung Quốc) mua lại tập
đoàn thực phẩm Smithfied Food của Hoa Kỳ, hay các công ty của Pháp như
Justin Bridou, Cochonou, cho thấy khao khát muốn thâu tóm thị trường thế giới
của Trung Quốc. Chính tại châu Âu, Trung Quốc đã nhanh chóng điều động các
con tốt của mình trên bàn cờ.
Để mở rộng
hơn ra thị trường châu Âu, tập đoàn xe hơi Trung Quốc Great Wall Motors đã
chọn đặt nhà máy tại Bulgary. Việc làm này chính là một phương tiện khẳng định
sức mạnh của Trung Quốc trên thế giới.
Trung Quốc
không muốn dựa hoàn toàn nữa vào xuất khẩu, mà ưu tiên kích thích sức tiêu
thụ nội địa hơn là trở thành công xưởng của thế giới. Chính phủ nhắm đến một
nền kinh tế vĩ mô « ổn định », củng cố nhu cầu tiêu thụ của người dân trong
nước.
Trước những bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng giữa các vùng miền,
chính phủ muốn tránh một sự bùng nổ trên đất nước. Bằng chứng là năm ngoái,
lương bổng trong lĩnh vực tư nhân khu vực thành thị đã tăng đến 17,1%. Đây
là biện pháp mà chính phủ mong muốn nhằm tăng sức tiêu thụ của người dân.
Hiện
nay, Trung Quốc không còn đóng vai trò là công xưởng của thế giới. Về vấn đề
này, luận điệu của chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng. Nếu các công ty nước
ngoài nhắm đến thị trường nội địa Trung Quốc sẽ rất được hoan nghênh. Nhưng
nếu mục đích là sản xuất tại Trung Quốc để xuất khẩu thì nên sản xuất tại
các nước khác như Việt Nam, Lào hay Cam Bốt.
Cuối
cùng, để áp đặt tầm ảnh hưởng kinh kế của mình trên thế giới, Trung Quốc vẫn
giữ vũ khí chính của mình là đồng nhân dân tệ. Trung Quốc tự ấn định hối suất
của đồng nhân dân tệ, mà không tuân theo quy tắc cung-cầu trên thị trường
như đồng đô-la hay euro. Trong các hoạt động giao thương quốc tế, Trung Quốc
luôn dùng đồng nội địa của mình để trao đổi để khẳng định sức mạnh và tầm ảnh
hưởng của mình. Tờ báo nhận định hiện Trung Quốc đang đợi đồng nhân dân tệ
trở thành đơn vị tiền tệ trao đổi thứ ba trên thế giới cùng với đồng đô la
và euro.
Công
ty sản xuất rượu Trung Quốc phô trương thế lực tại Vinexpo
Vẫn liên
quan đến Trung Quốc, báo Le Monde cho biết tại Triển lãm rượu Vinexpo đang
diễn ra tại Bordeaux có khoảng hai mươi gian hàng Trung Quốc trưng bày tại
đây. Theo nhận định từ tác giả bài báo, mỗi tháng, người Trung Quốc mua lại
một lâu đài có ruộng trồng nho hay một nhà sản xuất rượu hoặc một nhà cung
cấp rượu.
Hiện
nay, Trung Quốc là nguồn tiêu thu rượu vang đứng thứ 5 trên thế giới, đồng
thời cũng là thị trường tiêu thụ hàng đầu của rượu vang Bordeaux. Nhân dịp
này, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll cũng khẳng định không hề
trợ giá cho lĩnh vực rượu vang trong khi Trung Quốc đòi mở cuộc điều tra về
rượu vang châu Âu.
Dân
Trung Quốc lên thành thị làm ăn bỏ lại con nhỏ ở quê nhà.
Hôm nay,
báo Công giáo La Croix cũng quan tâm đến Trung Quốc nhưng ở góc độ khác : «
di cư nội địa Trung Quốc bỏ lại 61 triệu trẻ em đơn độc », đó là tựa của
bài báo trên La Croix. Hàng trăm triệu nông dân đã rời nông thôn từ 20 năm
nay để lên thành thị làm việc và góp phần vào sự phát triển của Trung Quốc
nhưng họ đã bỏ lại phía sau đàn con nhỏ cho người già ở quê chăm nuôi.
Bài báo
lấy ví dụ ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi có thành phần dân cư chủ yếu là trẻ em dưới
14 tuổi và người già trên 60 tuổi. Đây là nơi cung ứng một lượng công nhân
lớn cho đất nước. Tại tỉnh này, nhiều trẻ em phải sống xa cha mẹ và hầu như
là rơi vào tình trạng « gần như mồ côi » theo như nhận định của tờ báo.
Cha
mẹ bỏ đi làm xa thường giao con lại cho ông bà chăm nuôi nếu họ còn sức khỏe
tốt, nếu không thì giao lại cho người làng khác chăm mà không hề có tý liên
hệ gia đình gì cả.
Thường
thì cha mẹ gửi tiền đều đặn về nuôi con nhưng chỉ về quê thăm con vào dịp lễ
tết. Bài báo trên La Croix còn đánh giá rằng do xa cách cha mẹ lâu ngày,
thiếu tình cảm gia đình và giáo dục của cha mẹ nên chất lượng cuộc sống và
sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của các trẻ này thấp hơn so với trẻ em bình
thường sống với cả cha lẫn mẹ.
Hội
nghị G8, tổng thống Nga Putin bị cô lập trên hồ sơ Syria
Trở lại
thời sự tại châu Âu, báo chí Pháp hôm nay đều quan tâm đến hội nghị G8 đang
diễn ra tại Bắc Ai Len nhưng đặc biệt hồ sơ Syria nổi cộm lên nhất và gây
nhiều tranh cãi giữa tổng thống Nga Putin với phần còn lại của các lãnh đạo
thế giới.
Qua bài
viết của tờ Le Monde mang tựa : « Cuộc khủng hoảng tại Syria ngự trị tại Hội
nghị G8 », tờ báo nhận định trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị G8, ông
Putin có cuộc trao đổi riêng với ông Barack Obama và ông Hollande về hồi sơ
Syria. Nếu ông Putin cứ khăng khăng giữ lập trường của mình vào lần họp báo
trước đó với thủ tướng Anh David Cameron tại Downing Street hôm chủ nhật rồi
thì xem ra trao đổi giữa hai bên sẽ khá căng thẳng.
Tờ báo
miêu tả mặt thủ tướng Anh cau có, lên án chế độ Bachar Al-Assas là « độc
tài khát máu » trong khi ông Putin thì vênh mặt lên trời công nhận chế độ Damas
là « chính phủ hợp pháp ». Tổng thống Nga còn kịch liệt lên án các nước
phương Tây ủng hộ quân nổi dậy Syria.
Ông Putin gay gắt : « Không cần phải
hỗ trợ những người sau khi giết kẻ thù của mình rồi nhai ngấu nghiến các cơ
quan nội tạng của họ giữa chốn công cộng », ông có ý ám chỉ đến video được
tung ra hồi tháng Năm, một chiến binh Syria moi ruột một người lính.
Giọng điệu
công kích của tổng thống Nga cho thấy rõ ràng còn lâu Nga mới bỏ cuộc như
báo thiên hữu Le Figaro cũng đồng nhận định : « Tại Bắc Ai Len, ít có hy vọng
là ông Putin sẽ nhượng bộ ». Báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua sự việc
này qua bài viết : « Ông Putin bị cô lập trước các đồng nhiệm của mình trên
hồ sơ Syria ».
Brazil
: Biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn
Rời khỏi
châu Âu để nhìn sang châu Mỹ La Tinh, tờ báo Le Monde hôm nay cho biết các
cuộc biểu tình ngày càng đông tại các thành phố lớn tại Brazil để phản đối
cuộc sống quá đắt đỏ. Nguyên nhân theo tờ báo là do « khủng hoảng về giao
thông đã gây ra bước đầu của sự nổi loạn trong xã hội ».
Đó cũng chính là tựa
đề của bài viết.
Theo bài
báo, hàng chục ngàn người đổ xuống các đường phố ở Sao Paulo, Rio de
Janeiro, Brasilia và nhiều thành phố khác để phản đối việc tăng giá các dịch
vụ công cộng, tham nhũng, lãng phí trong chính quyền và chống lại sự nghèo
đói. Báo Le Monde nhận định tình hình náo loạn bắt đầu nổ ra sau khi nhà nước
thông báo tăng giá xe buýt dù chỉ tăng thêm 20 centime cũng đủ châm ngòi
cho sự phẫn nộ trong dân chúng.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi
cảnh sát đã dùng bạo lực để ngăn cản.
Lần này,
người dân xuống đường không phải để nhảy vũ điệu Sampa mà để thể hiện thái
độ tức giận trước sự quản lý sai lệch của chính phủ và các khoản đầu tư
công kếch xù tại hai giải bóng đá quốc tế là Cúp Liên đoàn các châu lục và
Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) 2014 trong khi đó các dịch vụ công như y tế,
giáo dục thì đang trong tình trạng thê thảm.
Các cuộc
biểu tình mới đây cho thấy những bất ổn ngày càng nghiêm trọng trong xã hội
Brazil, một nền kinh tế đang chậm lại và có dấu hiệu của sự tăng trưởng
kinh tế đang thoi thóp, đồng thời còn tạo ra vết rạng nứt trong dân chúng.
Theo nhận định của người biểu tình thì « những cuộc chống đối trên là tấm
gương phản ánh một xã hội Brazil phong kiến và bảo thủ chỉ biết chú tâm đến
các cúp bóng đá ».
Theo kết quả thăm dò, phần lớn người dân ủng hộ phong
trào phản kháng không gây bạo lực.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130618-trung-quoc-dang-leo-lai-nen-kinh-te-the-gioi
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment