Saturday, June 22, 2013

Mỹ tiếp tục quan ngại về nạn buôn người tại Việt Nam


 

Mỹ tiếp tục quan ngại về nạn buôn người tại Việt Nam


Dân biểu Mỹ Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền - Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tại buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam, trong đó có chủ đề nạn buôn người, 11/04/2013.

Dân biểu Mỹ Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền - Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tại buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam, trong đó có chủ đề nạn buôn người, 11/04/2013.

Ảnh : Quốc hội Mỹ

Trọng Nghĩa


Trong bản báo cáo thường niên về tình trạng buôn người trên thế giới 2013 được Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố hôm qua, 19/06/2013, Việt Nam tiếp tục bị xếp vào Bậc 2 (Tier 2), tức là các quốc gia có vấn đề trong địa hạt buôn người, nhưng chưa phải là thuộc diện tệ hại nhất (Tier 3). Theo bản phúc trình, cho dù đã có nhiều nỗ lực đáng kể, nhưng chính quyền Việt Nam chưa tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực tối thiểu về bài trừ tệ nạn buôn người.

Trong phần nói về Việt Nam, dài gần 6 trang, bộ Ngoại giao Mỹ nêu bật tình trạng Việt Nam là xuất phát điểm, và trong một chừng mực ít hơn, cũng là mục tiêu của tệ nạn buôn đàn ông, phụ nữ và trẻ em, bị đẩy vào các hoạt động mãi dâm và bị cưỡng bức lao động.

Việt Nam cũng là nơi xuất phát của những lao động nam nữ phải ra nước ngoài làm việc, một cách cá nhân hay thông qua các công ty xuất khẩu lao động của nhà nước, tư nhân hay công tư hỗn hợp. Nhiều người trong số này đã phải làm việc trong những điều kiện khổ sai.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu lên tình trạng phụ nữ và trẻ em Việt Nam thường bị bán cho các đường dây mãi dâm xuyên suốt châu Á, bị lừa gạt với các lời hứa hẹn là sẽ có công ăn việc làm tốt, nhưng rốt cuộc bị bán vào các ổ mãi dâm ở vùng biên giới Cam Bốt, Lào và Trung Quốc, hay đưa qua các nước khác như Thái Lan và Malaysia.

Bản phúc trình còn nhắc đến tình trạng nhiều phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị ép buộc hành nghề mại dâm ở các nước Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Nga.

Một tệ nạn đáng buồn đã được báo cáo Mỹ nêu lên : Đó là chính các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam lại thường buộc những người muốn ra ngoại quốc lao động là phải trả các chi phí quá cao, khiến những người này - khi ra nước ngoài - bị nợ nần và dễ bị cưỡng bức lao động.

Xin nhắc lại là trong bảng xếp hạng của bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam được liệt vào Bậc 2 vào năm ngoái. Trước đó, thứ hạng của Việt Nam tệ hơn, vì thuộc Bậc 2 “cần theo dõi”. Quốc gia nào nằm trong danh sách này quá 2 năm sẽ lập tức bị giáng xuống Bậc 3, tức là diện tồi tệ nhất, bao gồm những nước vừa không đạt tiêu chuẩn tối thiểu, vừa không cố gắng phòng chống nạn buôn người.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link