Luật gia Lê Hiếu Đằng trò truyện với Bauxite Việt Nam về
quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản.
Sáng hôm nay, 5/12/2013, chúng tôi đến thăm
Anh Lê Hiếu Đằng tại bệnh viện 115. Theo nguyện vọng của Anh, BVN có
cuộc trò chuyện thân tình mặc dù Anh đang trở bệnh. Sau đây là bản ghi âm cuộc
trò chuyện ấy do chúng tôi văn bản hóa gần như nguyên vẹn nhằm gửi đến bạn đọc
xa gần.
Bauxite Việt Nam
BVN: Thưa anh, sáng sớm hôm nay thế giới mạng đã lan truyền
rất nhanh lời tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam của anh sau hơn 40 năm ở
trong đảng. Anh có thể cho biết vì sao anh chọn thời điểm này tuyên bố ra khỏi
đảng?
LHĐ:Việc tôi tuyên bố ra
khỏi đảng là hệ quả tất yếu của bài viết của tôi trước đây khi nằm trên giường
bệnh. Nhưng do hoàn cảnh, do gia đình mà mình chưa thực hiện được. Nhưng bây
giờ đã đến lúc thấy cần phải làm. Mình đã tuyên bố thì việc đầu tiên là chính
bản thân mình phải ra khỏi đảng đã, rồi đến những người khác sẽ xem, nếu thấy
việc làm của mình mà chính đáng họ sẽ hưởng ứng. Với lại bây giờ thấy đảng đã
tệ hại quá đi. Vừa rồi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp tôi thấy đi ngược lại hoàn
toàn nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Tình hình kinh tế xã hội ngày càng xuống
cấp, không thể nào chấp nhận được một cái đảng như vậy. Mình là một thành viên
của đảng, dù sao mình cũng có trách nhiệm. Bây giờ mình ra khỏi đảng thì mình
không còn trách nhiệm gì nữa. Mình là một công dân tự do.Với tư cách là một
công dân tự do, mình có phạm vi hoạt động rộng rãi hơn, không bị vòng kim cô
ràng buộc, mình có thể hoạt động rộng rãi, có thể sử dụng được tất cả các quyền
công dân để mình đấu tranh.
BVN: Thực ra có không ít đảng viên muốn bỏ đảng nhưng
không biết vì lý do gì mà họ vẫn lần lữa không chịu ra, hoặc chỉ lẳng lặng bỏ
sinh hoạt mà không tuyên bố ra khỏi đảng. Cũng có những người tâm huyết nói với
nhau cần đợi một thời điểm thích hợp sẽ cùng tuyên bố ra đảng. Anh nghĩ thế nào
về tâm sự ấy?
LHĐ: Về thời điểm nào thích
hợp thì tôi cho rằng thời điểm này là thích hợp rồi.Chế độ này đã quá tệ, mọi
lĩnh vực đều xuống cấp không thể nào cứu vãn được, mà các ông ấy vẫn chỉ đặt lợi
ích của các tập đoàn, của gia đình và bản thân chứ không còn đặt lợi ích của
đất nước lên trên. Nhất là đối với người nông dân, cụ thể là vấn đề ruộng đất,
người dân đã rất cực khổ mà mấy ông ấy vẫn rất vô cảm, có thể nói không có chút
xúc động gì, không sửa chữa được gì hết mà còn tệ hại hơn. Vì thế tôi thấy
không còn có thể chịu đựng được nữa.
BVN:Như vậy có nghĩa rằng lâu nay các đảng viên có tâm
huyết, các nhân sỹ trí thức vẫn cứ kiên trì chờ đợi xem đảng, hay nói đúng ra
là bộ phận lãnh đạo của đảng, có tiếp thu những ý kiến xây dựng chân thành, mở
ra con đường dân chủ hóa đất nước hay không, nhưng cho đến lúc này thì họ đã
hoàn toàn thất vọng, không thể còn trông cậy vào sự sửa chữa của đảng nữa?
LHĐ: Đúng thế. Thời cơ vàng
là sự sửa đổi Hiến pháp và Kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức, lẽ ra anh phải
chú ý để có thay đổi, để tạo được không khí dân chủ, mà cơ bản nhất là chuyển
một nhà nước chuyên chế, nhà nước toàn trị thành nhà nước dân chủ, để hòa vào
dòng chảy của thế giới. Mà thế giới hiện nay đang chú trọng bảo vệ môi trường,
bảo vệ nhân quyền, làm những việc thiết thân với con người hơn với CNXH rất xa xôi,
mơ hồ không bao giờ có được, nói như ông TBT chờ100 năm nữa vẫn chưa có được.
Thế thì tại sao lại bắt cả dân tộc phải chờ đợi?Bản thân các ông ấy đều cho con
cháu đi Mỹ, đi Châu Âu du học, tức là đi theo Chủ nghĩa Tư bản, thế mà lại bắt
cả dân tộc đi theo CNXH chẳng ra cái gì cả. Nó xa xôi, nó chỉ là hứa hẹn suông.
CNXH đã tan tành trên ngay quê hương nó là Liên Xô.Lẽ ra mấy ông phải mở mắt ra
chứ thế mà cứ nhắm mắt mà đi theo. Như thế chứng tỏ các ông ấy chỉ đặt quyền
lợi của bản thân lên trên chứ không quan tâm gì đến quyền lợi của đất nước của
dân tộc.
BVN: Cũng có người nghĩ rằng thực chất thì đảng này đang
xây dựng CNTB, tất nhiên là CNTB man rợ, CNTB thân hữu. Trong khi đó cứ tuyên
bố theo CNXH, chủ nghĩa Mác-Lê nin, nhưng thực ra chỉ cốt để duy trì sự độc
tôn, độc trị. Cũng có biện luận rằng làm như thế là để giữ ổn định cho xã hội,
nếu bây giờ tuyên bố bỏ CNXH thì xã hội sẽ loạn. Cho nên họ cứ tuyên bố như thế
nhưng thực chất thì họ đang tự động chuyển sang CNTB.Vậy thì có nên cứ lẳng
lặng ủng hộ quá trình ấy hay là cần phải vạch ra cho rõ ràng, phải phê phán,
phản đối, phải ra khỏi đảng?
LHĐ: Đối với dân tộc, nói
cái gì phải nói cho rõ ràng. Nói gì thì nói, CNTB man rợ nó còn tệ hơn trước
đây. Tại sao anh lại không theo CNTB văn minh? CNTB cũng có mặt khiếm khuyết
của nó nhưng lẽ ra phải không duy trì CNXH, CN Mác Lê-nin.Bây giờ có cái tệ hại
là cứ dọa người dân là xã hội xáo trộn. Nhưng thực ra đôi lúc có sự xáo trôn
một ít cũng rất cần thiết.
BVN:Con đường đấu tranh để chuyển hóa đảng cộng sản, chuyển
hóa xã hội sang dân chủ bây giờ đã khác; ai cũng thấy là không thể dùng vũ lực
lật đổ đảng cộng sản, mà phải chuyển hóa một cách ôn hòa theo con đường mà đảng
vẫn lên án là “diễn biến hòa bình”. Có phải vì thế mà gần đây anh đã tham gia
Ban cố vấn của Diễn đàn Xã hội Dân sự?
Anh có thực sự tin rằng phát triển xã hội dân sự là lối ra tốt đẹp cho đất nước
hay không?
LHĐ: Bây giờ không hy vọng gì
đảng và nhà nước thay đổi. Phải có yếu tố tác động đến mấy ông,phải xây dựng
một xã hội dân sự mạnh đủ sức hạn chế quyền lực, tạo áp lực để mấy ông phải
thay đổi. Bản thân tôi là đảng viên, cũng có nhiều bạn bè thân thiết, những
đảng viên, những người lãnh đạo không cao lắm nhưng cũng là bậc trung, họ có
những nhận thức tiến bộ, thấy được vấn đề, không mù quáng. Chỉ có những người
chóp bu, ông nào cũng có lợi ích, có lĩnh vực để chia chác nhau làm cho đất nước
khốn khổ vậy. Nông dân là lực lượng chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
vừa rồi, lẽ ra họ phải được hưởng nhiều, bây giờ họ lại khổ nhất. Chỉ có quan
chức và bà con của quan chức là hưởng lợi nhiều. Đa số người dân thì rất khổ,
phải ly hương phải đi tìm sự sống. Cái này không thể chấp nhận được.
BVN:Vừa rồi theo anh nói có những đảng viên ở cương vị
khá nhận thức được vấn đề nhưng cũng có nhiều người, nhất là những người ngoài
đảng thắc mắc trong hàng mấy triệu đảng viên có phải những người có nhận thức
tiến bộ chỉ là thiểu số, nếu không phải như thế thì tại sao đa số đảng viên lại
không lên tiếng? Có phải là những đảng viên thường không có tiếng nói, không có
tác động gì tới đường lối của đảng, tức là họ cũng nằm trong bộ phận bị trị mà
như thế không hề đúng với cương lĩnh của đảng?
LHĐ: Đúng rồi. Tôi là đảng
viên trong nhiều năm, sinh hoạt trong chi bộ tôi thấy các đảng viên, chi bộ,
các cấp ủy chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có mấy ông Bộ Chính trị, chóp bu quyết định
thôi. Ban chấp hành Trung ương họp chẳng có ai dám nói gì đâu. Vừa rồi Quốc hội
thông qua Hiến pháp chỉ có 2 người không bỏ phiếu thì có thể nói Quốc hội này
là phản động, không phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân, nhất là vấn
đề ruộng đất.
BVN: Nhân việc anh tuyên bố ra khỏi đảng, anh có gì
nhắn nhủ với các đồng chí cũ của anh, tức là các đảng viên đảng cộng sản?
LHĐ: (Lặng im giây lát rồi
vừa nói vừa khóc) Tôi có nhiều bạn bè là đảng viên, thực ra bây giờ tôi ra khỏi
đảng rồi, không còn sinh hoạt đảng nữa. Lẽ ra bây giờ phải đoàn kết nhau lại để
đấu tranh, phải có dũng khí, nếu ai cũng sợ cho bản thân mình, sợ cho bản thân
gia đình mình thì đất nước sẽ ra thế nào, đất nước này ai lo? Thành ra tôi thấy
thế này là không được, vì lợi ích cá nhân, gia đình, mà quên lợi ích đất nước
thì không được, tôi thấy thế thì quá tệ hại.
BVN: Ngoài ra anh còn muốn thông qua diễn đàn Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ điều gì nữa?
LHĐ: Tôi muốn nhắn anh chị
em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng
thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này
chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi?
Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng
à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh
mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày. Chỉ có kẻ yếu mới thích bắt bớ tù đày. Nếu
mạnh thì phải đối thoại. Thí dụ như trường hợp của tôi chưa có ai đến đối thoại
với tôi. Tôi nói thêm bây giờ chính là lúc của nhân sỹ trí thức. Bao giờ cũng
vậy, xã hội nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy,nhân sỹ trí thức phải đi đầu,
phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, đừng có sợ. Bây giờ là mình
phải phá tan không khí sợ hãi mà bao nhiêu năm, từ năm 1954 đến giờ, do
mấy ông tạo nên. Bây giờ tôi thấy, ai cũng sợ, cái gì cũng sợ. Sợ ma, sợ
quỷ, sợ cái quái quỷ gì… Mình là con người tự do, mình sợ cái gì.Mình không sợ
vì mình là chính nghĩa, và như vậy mình làm việc đúng thì không thể ai nói gì,
làm gì được mình hết. Đừng có nói chưa chín muồi. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức
đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác
động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã
hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.
BVN: Xin cảm ơn anh và xin nhanh chóng truyền tải tất
cả những lời tâm sự chân thành và tha thiết của anh đến bạn đọc của Bauxite Viêt Nam và qua đó sẽ gửi đến rộng rãi
những người dân trong xã hội, kể cả những đảng viên và những người lãnh đạo của
đảng. Một lần nữa cảm ơn anh và xin chúc anh chóng phục hồi sức khỏe.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment