Friday, December 6, 2013

Trung Quốc : Phong trào phản kháng ‘‘các công dân mới’’


 

TRUNG QUỐC - XÃ HỘI - 

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Mười Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Mười Hai 2013

Trung Quốc : Phong trào phản kháng ‘‘các công dân mới’’


Biểu tình đòi trả tự do cho giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba

Biểu tình đòi trả tự do cho giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba

Reuters

Trọng Thành  RFI


Hôm qua, 04/12/2013, là ngày thứ hai của phiên tòa xét xử ba nhà hoạt động thuộc « phong trào công dân mới » tại Trung Quốc. Ba nhà hoạt động bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền, sau hành động chăng biểu ngữ đòi các quan chức lãnh đạo Trung Quốc khai báo tài sản. Nhân dịp này RFI giới thiệu phóng sự của nhà báo Stéphane Lagarde về những điểm mới trong các hoạt động của phong trào dân chủ Trung Quốc trong thời gian một hai năm trở lại đây.


Từ hơn hai năm nay, người Trung Quốc bắt đầu quyết định gặp gỡ nhau để chia sẻ các suy nghĩ, nhiều người sẵn sàng tập hợp trên đường phố để đòi hỏi các quyền tự do cá nhân. Người ta gọi đây là « phong trào các công dân mới ». Phóng sự về phong trào này của RFI có tên gọi : « Tại Trung Quốc khi người dân tìm cách tổ chức với nhau để chống lại chế độ độc đảng ». Phóng sự gần 20 phút của Stéphane Lagarde là kết quả của nhiều tuần lễ làm việc để tìm cách tiếp xúc được với các thành viên của những nhóm dân chủ khác nhau trên đất nước Trung Quốc.

Dân oan khiến kiến, cựu binh Mùa xuân Bắc Kinh, thành viên Hiến chương 08…

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại khu phố trung tâm của thủ đô Bắc Kinh, nơi người nước ngoài hòa trộn với người Trung Quốc. Không khí đông đúc này tạo thuận lợi cho cuộc phỏng vấn. Người đầu tiên trả lời phỏng vấn trong phóng sự nguyên là một nữ dân oan đi khiếu kiện, một nhân vật nổi tiếng của phong trào hiện nay :

« Phong trào các công dân bắt đầu từ cuối năm 2011 với các cuộc tập hợp trên đường phố ở nhiều nơi tại miền nam Trung Quốc, đặc biệt ở tỉnh Quảng Đông, nhất là ở hai thành phố Quảng Châu và Thẩm Quyến. Các công dân bắt đầu xuống đường để đòi các giới chức chính quyền công khai tài sản của họ. Nhưng ngay từ năm 2010, chúng tôi đã bắt đầu tổ chức các bữa ăn tập thể. Các thanh niên có cùng quan điểm tập hợp nhau lại, dù không có bất cứ một ý thức chính trị nào. Sau đó, từ bàn ăn họ xuống đường. Năm 2012, rất nhiều người ở miền nam bị bắt giữ. Nhưng cuối năm 2012, phong trào các công dân mới trỗi dậy ở Bắc Kinh, tại quận Haiyan, khu vực các trường đại học. Các sinh viên, thanh niên tuần hành mang theo các khẩu hiệu yêu cầu các quan chức công bố tài sản. »

Việc các công dân xuống đường bày tỏ quan điểm khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại. Kể từ đầu năm nay, khoảng 130 người tham gia vào phong trào công dân mới đã bị bắt giữ.

Luật sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một trong những người sáng lập một trong những người sáng lập « Sáng kiến Hiến pháp mở » (Công minh thôi tiến, gọi tắt là « Gongmen »), một hiệp hội phi chính phủ, chủ trương ra đời một Hiến pháp mới cởi mở hơn cho Trung Quốc. Ông Hứa đã bị bắt giữ ngày 16/07, sau khi tham gia một cuộc biểu tình, ông bị cáo buộc tổ chức lật đổ chính quyền. Kể từ đó, các thành viên phong trào công dân mới tỏ ra thận trọng hơn. Một người tham gia phong trào công dân mới, biết rõ luật sư Hứa Chí Vĩnh, cho biết :

« Kể từ năm 2008, Trung Quốc đi vào một giai đoạn mới trên phương diện bảo vệ quyền con người. Ngày càng có nhiều người Trung Quốc sẵn sàng tham gia phong trào xã hội, và đặc biệt họ có đủ phương tiện để làm. Hiện nay, họ có nhiều hoạt động tập thể. Mọi người tập hợp nhau lại để bảo vệ quyền lợi của mình. Phong trào này được mệnh danh là phong trào công dân mới. Những người sử dụng internet bày tỏ quan điểm và quyết định gặp nhau trong đời thực. Các luật sư gặp gỡ những người khiếu kiện. Có các những liên hệ với các nhà cải cách trong hàng ngũ của đảng Cộng sản. »

Một thành viên khác cho biết sơ qua về các thành phần khác nhau của phong trào :

« Tham gia vào phong trào hiện nay có các nhóm chính : thứ nhất là các luật sư, thứ hai là những dân oan khiếu kiến, những người khai sinh ra phong trào từ năm 2003. Nhóm thứ ba là những người đã từng tham gia vào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 và những người tham gia vào hiến chương 08. Nhìn chung, tham gia phong trào có những người sử dụng internet và các blogger, nay quyết định rời máy tính để xuống đường bày tỏ quan điểm.»

Hỗ trợ các tù nhân lương tâm qua phong trào « Đưa đồ ăn »

Nhờ ở sức mạnh của các mạng xã hội, mà các phong trào xã hội công dân ở Trung Quốc có một tầm mức lớn mạnh. Trong phong trào này có nhiều hình thức khác nhau. Phóng viên Stéphane Lagarde đưa thính giả đến với một phong trào khá nổi tiếng mới ra đời vào tháng 7/2013, mang tên « Đưa đồ ăn » (Tống phạn/Song fan). Phong trào xã hội này có xu hướng muốn trở thành một đảng chính trị. Một người tham gia phong trào cho biết :

« Có một người bạn đã cho tôi tên của đảng mang tên ‘‘Đưa đồ ăn’’. Có nhiều trào lưu tư tưởng tại Trung Quốc, có một số phong trào có quan điểm khá cứng rắn, có phong trào lại mềm dẻo. Để làm nổi bật sự khác biệt, người ta thêm vào tên chính thức một tên hiệu.

Ví dụ các thị dân gọi tầng lớp cách mạng thuộc tầng lớp thấp là ‘‘guốc gỗ’’, còn những người ở dưới đáy thì gọi giới cải cách ngồi trên là ‘‘giày da’’. Chúng tôi thuộc về đảng ‘‘mang đồ ăn’’. Chúng tôi không chấp nhận thuộc về hai phái, phái những người theo xu hướng ‘‘cải cách mềm’’, hay phái ‘‘cách mạng cứng rắn’’.

Mục tiêu của chúng tôi là giúp những người vợ và con cái của những người bị chế độ bắt giam. Các nhà ly khai bày tỏ lập trường công khai rất dũng cảm, họ thể hiện tinh thần hy sinh, chấp nhận mạo hiểm, và gia đình của họ phải chịu nhiều đau khổ. Những con người này cần đến sự khuyến khích và sự hỗ trợ của chúng tôi. Nếu không ai có dũng khí để tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động, thì ít nhất cũng thông qua đảng của chúng tôi để đóng góp tiền cho gia đình các nhà tranh đấu. »

Về nguyên tắc hoạt động của đảng « Mang đồ ăn », một thành viên cho biết điều quan trọng nhất là sự minh bạch.

« Khi quyên góp các khoản tiền đóng góp trên mạng, cần phải có một cách quản lý minh bạch đến mức không thể chê trách được. Đây là cách thức duy nhất để giữ được lòng tin và sự ủng hộ của công chúng. Cần phải là mỗi người đóng góp được coi như một người quyết định. Mỗi người có thể lựa chọn sử dụng số tiền mình đóng góp như thế nào. Không ai có thể lừa dối, đây là điều hết sức quan trọng để bảo đảm được niềm tin của tất cả. Đây là điều chúng tôi đã làm được, với phong trào cho ăn. Ngoài việc quyên góp tiền, mục tiêu khác là mọi người được thông báo về những gì diễn ra trên đất nước này, và tham gia vào đời sống dân chủ, để tất cả mọi người cùng nhau xây dựng phương pháp dân chủ. »

Cafe văn học : Một hình thức đóng góp khác

Ngoài hình thức đóng góp trực tiếp cho gia đình các tù nhân lương tâm qua đảng « Đưa đồ ăn » hay các nhóm khác nhau, những người tham gia phong trào công dân mới có thể đóng góp tiền giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm, các nhà tranh đấu, qua hình thức quyên góp mua chỗ ngồi trong một bữa ăn với một nhân vật nổi tiếng thông qua một địa chỉ giả trên mạng mang tên « Hàng thịt » (Ro Pu/Nhục Phô) (theo một số nguồn tin địa chỉ này đã bị chính quyền đóng cửa cách đây ít lâu, nhưng có thể có địa chỉ khác tương tự xuất hiện). Thông qua địa chỉ này, người đóng góp bỏ tiền để mua chỗ trong một quán cafe văn học tại Bắc Kinh, để có thể được ngồi chung với các nhân vật nổi tiếng, các nhà văn, luật sư, nghệ sĩ… Tiền thu được sẽ được chuyển đến gia đình các tù nhân lương tâm. Những người đóng góp không biết tiền của họ sẽ được dành để giúp ai, nhưng đây là một hành động để bày tỏ sự ủng hộ.

Số tiền đóng góp nói chung là không nhiều, nhưng hoạt động của phong trào Đóng góp đồ ăn có mục tiêu chính là để đánh động sự quan tâm đến số phận của các tù nhân lương tâm, hiện không được các phương tiện truyền thông quốc tế biết đến. Đây cũng là một cách để học được phương thức vận hành của một phong trào dân chủ.

Các bữa ăn bí mật tại hơn một trăm thành phố

Bất chấp các vụ bắt giữ, các bữa ăn bí mật của phong trào công dân tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục được tổ chức. Những người đến cuộc hẹn thường chọn các lối đi khác nhau để tránh bị phát hiện trước khi lọt vào một quán ăn. Một nhóm cho biết họ chọn gặp nhau vào thứ bảy tuần cuối cùng của tháng vào mỗi tháng, tại một quán ăn bất kỳ để tránh bị phát hiện.

Một người phụ nữ cho biết những người lấy chữ ký vì nhân quyền đến gặp nhau ở đây để bàn luận về việc làm thế nào để cổ vũ nền dân chủ. Một viên chức nhà nước tham gia vào bữa ăn này nhận xét về ý nghĩa của hoạt động này :

« Hiện nay, các bữa ăn lớn biến mất, do bị chính quyền tấn công. Nhưng các bữa ăn vẫn tiếp tục được tổ chức tại khoảng 100 thành phố tại Trung Quốc. Các bữa ăn được tiến hành một cách lặng lẽ, những người tham gia ngày càng đông hơn. Mục tiêu của các bữa ăn này tất nhiên không phải là để ăn, mà là để tập hợp nhau lại. »

Bàn ăn và cách mạng

Theo nhà báo Stéphane Lagarde, bất kể kiểm duyệt, bất kể tuyên truyền độc đoán của nhà nước, rất nhiều tiếng nói cất lên mang những quan điểm khác với chính quyền. Các phong trào công dân kể trên mang dáng dấp của các tập hợp đa tiếng nói, hơn là các nhóm đồng nhất. Nhóm mạnh nhất là các nạn nhân của chế độ của hệ thống, những người khiếu kiện, các dân oan bị đàn áp trước đây và sau đó là các trí thức nỗ lực tập hợp những người vô sản cùng khổ vào năm 2010, với các khẩu hiệu như : « Tôn trọng Hiến pháp »... Theo nhiều người, Hiến pháp Trung Quốc hiện nay rất tốt, nhưng vấn đề là có áp dụng nó hay không.

Stéphane Lagarde ghi nhận không khí xã hội tại Trung Quốc rất giống với văn hóa của vùng Nam Âu, nơi những điều quan trọng thường được bàn bạc trong bữa ăn, trong không khí gia đình bạn hữu thân mật. Càng ăn, càng làm cách mạng tốt. Đã từ rất lâu, tại Trung Quốc, khi có vấn đề, khi có bất đồng, người ta tập hợp xung quanh bàn ăn để giải quyết. Trong thời gian cách mạng Hoa nhài, phong trào Mùa xuân Ả rập vừa qua, các nhà tranh đấu Trung Quốc cũng đã tập hợp xung quanh các bữa ăn để tìm cách làm thay đổi xã hội. Đây là điều khó tưởng tượng được ở một xã hội khác.

Trong bối cảnh, nhiều nhà tranh đấu đang bị tù đày, nhiều người sắp sửa phải nhận các bản án nặng, tương lai hiểm nguy đang chờ đón nhiều người, nhưng các bữa ăn của các công dân mới không hề biểu lộ không khí u ám, bữa ăn của các nhà tranh đấu là một thời điểm sảng khoái, người ta nói chuyện và cười đùa. Ngay cả trong trường hợp một khuôn khổ hẹp hơn và nghiêm túc hơn, trí thức hơn, như ở quán cafe văn học kể trên, dù không được tham dự nhà báo Pháp tin rằng tại đây không khí cũng không kém phần sôi động.

Hiện tại phong trào dân chủ Trung Quốc theo dõi sát phiên tòa xét xử bà Lưu Bình (Liu Ping) và hai ông Vỹ Trung Bình (Wei Zhongping), Lý Thế Hoa (Li Sihua). Đây được coi là một trắc nghiệm cho thái độ của chính quyền hiện tại đối với phong trào dân chủ các công dân mới.

Tin bài liên quan

















Phong trào đối lập ở Trung Quốc tung "Hiến chương 08" đòi dân chủ

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link