Tuesday, March 4, 2014

Putin bị dân Ukraine làm mất mặt


Putin bị dân Ukraine làm mất mặt
28.02.2014 - Ngô Nhân Dụng

Trong một tuần qua, thế giới chờ coi ông Vladimir Putin làm gì. Thứ nhất, tất cả đều công nhận ông Putin đã bị mất mặt. Thứ hai, cho tới giờ ông vẫn chưa nói gì cả, chắc chắn còn đang tính phải đi những nước cờ nào trên bàn cờ mới mà dân Ukraine đang bày ra. Mọi người chờ, mà chính ông Putin cũng đang chờ đợi. Nhưng chính người dân Ukraine sẽ quyết định kết cục của bàn cờ sẽ ra sao.

Ông Putin bị mất mặt khi Viktor Yanukovych, con gà của ông chạy trốn trước cuộc cách mạng của dân Ukraine, khiến ông không tận hưởng cuộc vui say trong ngày bế mạc Thế Vận Hội Mùa Ðông. Ngày hôm qua Yanukovych họp báo ở Rostov, thành phố bên sông Don, có hai điều đáng chú ý. Thứ nhất, Yanukovych nói tiếng Nga trong cuộc họp báo. Thứ nhì, ông ta tự coi vẫn là tổng thống xứ Ukraine, bị “bọn quá khích” đe dọa, và chạy sang Nga xin bảo vệ; nhưng không thấy chính phủ Nga nói một câu nào cả.

Nói Putin bị mất mặt chưa đủ. Ông bị mất uy tín đối với dân Nga, nếu tiếp tục hoàn toàn thụ động để cho Ukraine vượt khỏi tầm tay. Hơn nữa, ông còn những mối lo khác. Putin vẫn nắm trong tay chính quyền nhiều nước Cộng Hòa cũ của Liên Xô trong vùng Trung Á Châu, và Belarus, cũng như vẫn đe dọa các sắc tộc nhỏ khác hiện còn nằm trong Liên Bang Nga. Nếu hoàn toàn bó tay ở Ukraine, Putin bị các nước kia khinh thường, từ nay khó nói gì mà họ nghe ngay.
Vì vậy, Putin không thể hoàn toàn thụ động. Nhưng nếu hành động, thì phải làm gì?

Có hai việc mà Putin không làm, hay chưa làm, không sử dụng hai thứ sức mạnh ông nắm trong tay. Thứ nhất, quân Nga không tiến qua Ukraine. Thứ hai, Putin không cắt đường dẫn hơi đốt qua Ukraine, cho dân nước này và các nước Âu Châu sử dụng (Nga cung cấp 2 phần 3 đến 3 phần 4 số hơi đốt cho vùng này), để dân Ukraine tiếp tục được sưởi ấm trong mùa Ðông này, với giá hơi đốt rẻ hơn giá thị trường thế giới. 

Không sử dụng các vũ khí nắm sẵn trong tay, Putin muốn thế giới lưu giữ hình ảnh tốt đẹp của ông mà thế vận hội đã vẽ ra. Chủ đề của thế vận hội bao giờ cũng là hòa bình và tình huynh đệ trong nhân loại. 

Thứ hai, ngay khi Yanukovych chạy trốn, ngoại trưởng Nga đã nói chuyện với ngoại trưởng Mỹ rằng chính phủ Nga sẽ không can thiệp bằng quân đội. Putin cần cho thế giới thấy là chính phủ của mình giữ lời, vì cả thế giới được nghe lời tuyên bố đó.

Nhưng không thể hoàn toàn thụ động, không làm gì cả. 

Vì vậy, Putin phải gửi tín hiệu cho dân Nga và thế giới bên ngoài biết ông còn nhiều quân cờ nắm trong tay. Ông cho 150,000 quân với 900 chiến xa tập diễn ngay vùng biên giới sát Ukraine. Bộ Tư Lệnh Nga nói rằng cuộc tập trận này đã được hoạch định từ lâu, không liên can gì tới tình hình Ukraine; nhưng ai cũng biết đó là một cách nhắc nhở dân Ukraine, và cả khối NATO, vẫn còn đang thảo luận việc mời Ukraine gia nhập.

 Putin cũng muốn nhắc lại cho thế giới nhớ chuyện gì đã xẩy ra năm 2008 khi quân Nga dậy cho Georgia một bài học. Georgia cũng là một nước Cộng Hòa trong Liên Bang Xô Viết cũ như Ukraine, khi họ tiến hành việc thảo luận gia nhập NATO, Nga đã gây những xung đột biên giới rồi tấn công. Hậu quả là hai vùng thuộc Georgia được quân Nga “giải phóng,” Abkhazia và South Ossetia đã tuyên bố ly khai và tự trị; từ đó thành những lãnh thổ thân thiện với Nga. Cả hai vùng này gồm những sắc dân không phải người Georgia, và vẫn đòi tự trị từ khi nước này độc lập. 

Năm 2008, chính phủ Mỹ đang bận lo chiến tranh Afghanistan và Iraq, bị đặt vào thế không thể can thiệp. Các nước Âu châu bị kẹt vì ông tổng thống Georgia đã gây sự trước khi bị quân Nga tấn công chớp nhoáng; rồi rút đi ngay.

Năm nay, ông Putin chưa có cớ gì để đánh Ukraine, như 6 năm trước tại Georgia. Nhưng ông vẫn có quân cờ ly khai để sử dụng. Và ông đã bắn một tín hiệu khác, ở bán đảo Crimea. Chúng ta biết Crimea là một vùng ngã tư quốc tế. Các đế quốc Hy Lạp, La Mã đã từng chiếm miền đất phì nhiêu bên bờ Hắc Hải này, sau đó tới những đạo quân Hung Nô, Mông Cổ, quân Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng Ðế quốc Ottoman. Chính quyền Nga từ gần 300 năm nay vẫn coi đây là một cửa ngõ để hải quân của Nga có thể đặt căn cứ tại Hắc Hải và tiến sang đến Ðịa Trung Hải. 

Sau cuộc chiến tranh Crimea đầu thế kỷ thứ 19, Nga hoàng thua, trả lại bán đảo này về địa vị ngã tư quốc tế; cho đến khi Stalin chiếm lại. Cuộc hội nghị họp các lãnh tụ Mỹ, Anh, Nga Yalta để chia cắt thế giới thời hậu chiến, Yalta nằm trên bán đảo Crimea, Stalin đóng vai chủ nhà, đón Churchill và Roosevelt.

Ðáng lẽ nước Ukraine không có vùng Crimea, vì tại đó chỉ có hơn 20% là dân Ukraine; có 12% là người Tác Ta (Tartar) vốn đã lập một vương quốc khắp vùng này, cho đến khi họ bị Stalin bắt, giết và lưu đầy. 

Nhưng dân gốc Nga chiếm trên 55% dân số Crimea. Ukraine được hưởng vùng Crimea vì năm 1954 ông Khrushchev đã gán vùng này cho nước Cộng Hòa Ukraine. Một phần vì ông ta sinh ngay trong vùng biên giới hai nước, coi Ukraine cũng như “nhà.” Một phần cũng vì chính quyền Xô Viết nghĩ rằng Crimea thuộc nước nào cũng vậy, đằng nào cũng thuộc Liên Xô. Ông Brezhnev thì có lúc nhận chính ông là người Ukraine, chỉ nhận là người Nga khi cần leo lên trong đảng Cộng sản. Hai ông Brezhnev và Khrushchev không ngờ có ngày Liên Xô sập, với bao nhiêu chuyện rắc rối.

Chính quyền Nga sau này vẫn phải công nhận Crimea thuộc Ukraine. Năm 1994, hai nước ký một “công ước” trao đổi trên nhiều mặt: Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine ở Crimea, đổi lại, Ukraine trả lại cho Nga tất cả vũ khí nguyên tử đang chứa, rồi tuyên bố không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân. 

Chính phủ Ukraine nắm quyền cử người làm thủ tướng Crimea mặc dù công nhận đây là một vùng tự trị. Nga được phép đóng Hạm Ðội Hắc Hải tại Sevastopol, một hải cảng của Crimea. Hiệp ước này cũng hạn chế quyền di chuyển của hải quân Nga, nhưng vừa đây họ mới vi phạm. 

Khi chính phủ Ukraine đang thành lập ở Kiev, một nhóm người Nga đã dùng vũ khí tấn công chiếm tòa nhà Quốc Hội Ukraine. Họ có vẻ là một nhóm chuyên nghiệp, chắc là các biệt kích Nga sang giúp dân gốc Nga. Dưới họng súng, các đại biểu Quốc Hội Crimea họp, bầu một thủ tướng mới. Trong cùng thời gian đó, nhiều xe quân đội Nga ra khỏi căn cứ, đi một vòng rồi lại trở về.

Ông Putin đã cho dân Ukraine trông thấy các bắp thịt trên cánh tay ông. Nhưng ông vẫn chưa nói gì cả. Không phải vì ông sợ phản ứng của Mỹ và các nước Âu Châu thuộc NATO. Nếu sợ, ông chỉ sợ dân Ukraine.

Nếu Nga làm quá, trong không khí cuộc cách mạng vừa xảy ra, dân Ukraine sẽ không chịu nhục. Ukraine không yếu như Georgia hồi 2008. Nước họ chia rẽ, nhưng đặc tính của cảnh chia rẽ này là xung đột giữa dân gốc Nga và các nhóm dân khác không phải người Nga. Tinh thần ái quốc của người Ukraine được kích thích tột độ nếu phải chống lại quân Nga. Dân Tartar và các nhóm khác cũng thù ghét người Nga vì họ được chế độ cộng sản ưu đãi. Nếu có chiến tranh, quân Nga không dễ thành công như ở Georgia.

Võ khí tự vệ tốt nhất của dân Ukraine là dùng đường lối ngoại giao hòa hoãn. Họ phải cương quyết bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn, trong khi công khai tuyên bố bảo đảm quyền lợi của người gốc Nga, như xưa nay họ vẫn làm. Khi chính quyền và nhân dân Ukraine chứng tỏ họ đủ can đảm đối đầu với nước láng giềng lớn và mạnh, thì chắc chắn ông Putin sẽ phải nản lòng.

Ukraine sẽ được các nước Âu Châu và Mỹ giúp. Nhưng Ukraine phải biết bảo vệ quyền tự chủ của mình, không để cho các cường quốc xỏ mũi. Các nước Tây phương đang chuẩn bị giúp 15 tỷ đô la cho Ukraine để qua cơn khó khăn kinh tế, do các chính quyền tham nhũng trước gây ra. 

Nhưng chính phủ Ukraine có thể tuyên bố ngay rằng họ không bàn với các nước Tây phương về chuyện gia nhập minh ước NATO. Ðây là một cách làm cho ông Putin khỏi bị mất mặt thêm nữa.

 Bởi vì một nước nhỏ không bao giờ nên dại dột làm mất mặt một nước lớn ngay bên cạnh mình. Ðảng cộng sản Việt Nam đã dại dột như vậy, khi viết ngay trong hiến pháp rằng Trung Quốc là một kẻ thù truyền kiếp!

Chính quyền Ukraine cần một khoảng thời gian ít nhất ba, bốn năm để phục hồi kinh tế. Nước Ukraine vốn giầu có, nhưng từ khi độc lập, guồng máy thống trị vẫn chịu ảnh hưởng của giới thư lại cầm quyền thời cộng sản cũ. 

Ðây là nước cải tổ kinh tế chậm chạp nhất so với Ðông Âu. 

Nước bên cạnh Ukraine là Ba Lan thay đổi nhanh chóng, cả kinh tế lẫn chính trị, cho nên bây giờ đã giàu có. Những nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Lithuiana cũng tiến mạnh được nhờ cải tổ nhanh chóng. 

Vì giới quyền quý Ukraine bảo vệ quyền lợi của họ, cho nên tài nguyên bị phung phí, rơi vào tay bọn tham nhũng và các đại gia thân tín với họ.

Các nước Tây phương có thể giúp Ukraine đi qua chặng đường gian nan này, bằng viện trợ kinh tế. Về mặt ngoại giao, các chính phủ Mỹ, Anh, Pháp đều ký chung bản hiệp ước giữa Nga và Ukraine năm 1994, do đó, họ có quyền nhân danh bản thỏa hiệp đó để thảo luận với chính phủ hai nước. 

Tốt nhất là Mỹ và các nước Châu Âu cũng giúp Ukraine bằng cách tránh không làm ông Putin mất mặt thêm. Vì nếu mất mặt quá, ông ta có thể làm bậy. Nhưng trong cuộc cờ hiện nay, mỗi bên đều đang dọ sức nhau, bên nào có vẻ yếu sẽ bị lấn. 

Hiện nay Putin đang phát passport cho dân gốc Nga ở Crimea, một thủ đoạn ông đã làm ở Georgia năm 2008. Chính quyền Mỹ, Anh, Pháp và Ðức phải công khai phản đối hành động này, nếu không thì Putin sẽ còn làm tới.

Cuộc cách mạng lật đổ Viktor Yanukovich tại Ukraine là một thắng lợi lớn cho các nước Tây phương. Nhưng không nên coi đó là một thắng lợi chiến thuật trên bàn cờ địa lý chính trị. Thắng lợi lớn nhất nằm trong lãnh vực văn hóa. Trong khi các nước Tây phương phải thông báo cho ông Putin biết họ cương quyết chống việc ly khai, chia cắt nước Ukraine, về ngoại giao họ cần phải chứng tỏ sẽ hết sức giúp chính phủ Ukraine qua khỏi cơn khủng hoảng kinh tế.

Cuộc cách mạng cho thấy dân Ukraine đã chọn con đường sống tự do dân chủ, mặc dầu họ đã thất vọng khá nhiều sau hơn 20 năm thí nghiệm với thể chế dân chủ. Họ chọn liên minh với Châu Âu mà không chọn Nga, cũng vì mọi cam kết với các nước tự do dân chủ đều công khai, minh bạch. Trong khi đó, liên hệ với Nga, cũng như thời cộng sản, hoàn toàn là chuyện bí mật “giữa các ông lớn với nhau,” người dân không được tham dự mà cũng không được biết.

 Liên lạc kinh tế với Âu Châu chắc chắn phải đặt trên luật pháp, bị luật pháp ràng buộc. Trong khi các liên lạc kinh tế với các công ty quốc doanh và độc quyền ở Nga cũng nửa sáng nửa tối. Dân Ukraine đã chọn lối sống tự do dân chủ, công khai, minh bạch, cho nên họ hướng về Âu Châu. Ðây là thắng lợi của nền văn minh tôn trọng tự do dân chủ.

Luật sư đòi triệu tập các lãnh tụ CSVN ra tòa

ĐÀ NẴNG 3-3 (NV) - Luật sư vừa có văn bản gửi tòa án thành phố Đà Nẵng yêu cầu triệu tập các ông cầm đầu CSVN tới phiên xử ông Trương Duy Nhất vì ông bị quy cho tội bôi bác cả lãnh tụ và chế độ.
Nhà báo Trương Duy Nhất bị dẫn giải từ Đà Nẵng ra Hà Nội để giam giữ điều tra từ Tháng 5-2013. (Hình: Tuổi Trẻ)

Trong văn bản đề ngày 25/2/2014, luật sư Trần Vũ Hải, người biện hộ cho ông Trương Duy Nhất, yêu cầu tòa án Đà Nẵng “triệu tập những người bị hại hoặc người có nghĩa vụ liên quan” gồm cả các lãnh tụ cầm đầu đảng và nhà nước CSVN cũng như các “giám định viên” được sử dụng để tạo ra bản cáo trạng truy tố ông Nhất.

Ông Trương Duy Nhất, 50 tuổi, bị bắt hồi Tháng 5-2013 và bị đưa ra xử sơ thẩm ở Đà Nẵng ngày 4/3/2014 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” của điều 258 Luật Hình Sự CSVN.

Bản cáo trạng viên dẫn 12 bài viết mà ông Trương Duy Nhất phổ biến trên blog “Một Góc Nhìn Khác” rất nổi tiếng chỉ trích từ tổng bí thư, chủ tịch nước đến thủ tướng, chủ tịch quốc hội của chế độ Hà Nội. 

Cáo trạng nói rằng ông Nhất “có nội dung sai sự thật, bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước, như Trương Tấn sang, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, và “xâm phạm đến uy tín, đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ”.

Theo LS Trần Đình Triển, cho đến khi ông gửi lá thư kiến nghị, ông không hề thấy những ông và các cơ quan nhà nước cSVN vừa kể có “ý kiến, quan điểm” gì đối với các bài viết của ông Nhất được dùng làm căn cứ để buộc tội. Thật ra, ông Nhất chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận “trong đó có quyền phát biểu công khai quan điểm, ý kiến đánh giá và phê phán những vị lãn hđạo đảng, chính quyền theo đúng hiến pháp và luật pháp Việt nam”.

Ông đặt dấu hỏi không biết những ông lãnh tụ kể trên đã đọc các bài viết của ông Nhất chưa? Những bài viết đó có “xâm phạm lợi ích hợp pháp” của họ với tư cách cá nhân hay lãnh đạo không? Nếu “xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp” của những người đó thì yêu cầu nêu rõ quyền nào, lợi ích nào theo quy định của pháp luật? Những ông đó có “văn bản yêu cầu xử lý” Trương Duy Nhất vì những bài đó không?

Theo luật sư Trần Vũ Hải “chúng tôi chưa nhận được thông tin, ý kiến từ các vị này nên chúng tôi kiến nghị tòa triệu tập các vị này ra phiên tòa sơ thẩm, để làm sáng tỏ vấn đề nêu trên”. LS Triển cho hay tại phiên tòa xử Đinh Nhật Uy ở Long An ngày 29/10/2013 thì tòa án đã triệu tập các nhân chứng đại diện cho VNPT, Viettel 'để làm rõ ý kiến của họ” liên quan đến trang Facebook của Đinh Nhật Uy do những nội dung được coi là xúc phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của VNPT, Viettel” là các căn cứ để buộc tội Uy theo điều 258 Hình Sự.

Vì hai vụ án đều quy chụp theo điều 258 với những sư tương tự nên cần có các “bị hại” ra tòa đối chất.

Ngoài ra, luật sư Trần Vũ Hải cũng viết trong thư kiến nghị cho thấy cơ quan “giám định” các bài viết của ông Trương Duy Nhất là Bộ Tông Tin – Truyền Thông CSVN công bố “danh sách giám định vụ việc, tổ chức giám định viên vụ việc” và được ông Đặng Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Pháp Chế của Bộ TT-TT nhìn nhận “chưa thực hiện theo quy định”. Như vậy, bản kết luận điều tra dùng làm căn cứ truy tố ông Trương Duy Nhất đã sai hoàn toàn về thủ tục tố tụng hình sự thì không thể lấy đó mà lôi ông ra tòa.

LS Triển đòi tòa án triệu tập 15 người gồm các ông bà lãnh tụ bị đả kích và các ông bà “giám định viên” ra phiên xử sơ thẩm để đối chứng, đối chất cũng như phải cung cấp cho ông Trương Duy Nhất 12 bài viết của ông để ông tự biện hộ.
Tại New York hôm Thứ Hai 3/3/2014, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền lên án chế độ Hà Nội là đàn áp không ngừng nghỉ các người vận động dân chủ hóa đất nước chỉ vì chế độ Hà Nội không chấp nhận cho ai phê bình hay phản biện. Ông Trương Duy Nhất từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn Kết tại miền Trung. Năm 2010, ông tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho việc viết blog để ‘có thể nói thẳng những suy nghĩ của mình”.

Vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất xảy ra sau khi blogger này mời gọi độc giả “Bỏ phiếu cùng Quốc hội”, sau khi Quốc hội Việt Nam, thông qua một nghị quyết, theo đó, hàng năm, các đại biểu Quốc hội sẽ bày tỏ sự tín nhiệm của họ với 49 chức danh, vốn do các đại biểu Quốc hội từng bỏ phiếu bầu chọn: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” trong dân, do Trương Duy Nhất thực hiện thì ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước dẫn đầu cả về số phiếu bầu (958) lẫn mức độ “Tín nhiệm cao” (13%). Ông Nguyễn Tấn Dũng xếp thứ nhì về số phiếu bầu (820) và dẫn đầu về mức độ… “Không tín nhiệm” (76%). (TN)


Duy Nhất nhưng không cô đơn

Lê Vĩnh

       


Đầu tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Tư Pháp Quốc Hội khoe rằng: “điều tra ở Việt Nam được coi là một trong những cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới”. Cái cơ quan “điều tra giỏi nhất thế giới” này sau 7 tháng bắt giam blogger Trương Duy Nhất biệt tăm biệt tích để “điều tra” đã tìm ra được “bằng chứng phạm tội” của Trương Duy Nhất là hơn 1000 bài viết đăng công khai trên trang blog cá nhân của chính ông Nhất, rồi nhùng nhằng mãi cho đến nay (đầu tháng ba), tức là 9 tháng sau khi bắt mới đưa ông Nhất ra toà.

Ở những nước pháp quyền và tôn trọng con người, tất cả mọi công dân đều được coi là vô tội trước khi tòa xét xử và tất cả các tin tức đều được tuyệt đối giữ kín trong quá trình điều tra; nhưng ở dưới chế độ XHCN ở nước ta thì khác. Sau khi điều tra xong thì mọi việc sẽ đi theo một quy trình của nền “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Bước đầu tiên là gần đến ngày xử án cơ quan điều tra "tiết lộ" cho báo chí biết một số nội dung của cuộc điều tra để báo chí định hướng dư luận. 

Hiện nay, khi mà sự đoàn kết trong đảng không còn giữ gìn được như “giữ gìn con ngươi”, thì ngoài việc định hướng, những bài báo này còn là cách ngăn chặn không để cho các phe phái có ý kiến khác về vụ việc. Bước báo chí định hướng đã được làm từ đầu tháng 12 năm ngoái, nhưng không biết vì lý do gì mà đến ngày 4/3 này mới đưa ra toà.

Anh Nhất đã được "nhắc nhở"
Trong bước định hướng dư luận, các tờ báo nhà nước làm trước công việc của toà án. Cáo buộc anh Trương Duy Nhất càng nhiều tội càng tốt. Trong đó đương nhiên không thể thiếu những điểm mang tính “công thức” như : “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “tuyên truyền xuyên tạc, tư cách đạo đức cách mạng, phủ nhận các thành quả, công lao của Đảng trong bảo vệ và xây dựng đất nước”, hoặc xa gần nhắc đến chuyện “nhận tiền từ các tổ chức phản động nước ngoài”, hoặc “được các thế lực thù địch cổ võ khuyến khích”, “ v.v.... 

Công thức đó cũng không quên “sự tử tế” của các cơ quan chức năng để làm nổi bật lên sự “ngoan cố” của Trương Duy Nhất, như: “Các cơ quan chức năng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng Trương Duy Nhất vẫn chứng nào tật nấy”, hầu kích thích sự bực bội trong dư luận đối với nạn nhân.

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về “sự tử tế”, “sự nhắc nhở nhiều lần của các cơ quan chức năng”, vì đây là điều rất “đặc trưng XHCN” và cũng là đặc trưng của ngành an ninh ở nước ta. Họ “nhắc nhở” như thế nào thì hàng triệu nạn nhân trên khắp nước và nhiều oan hồn bên kia thế giới đã biết.

Người ta còn nhớ mấy năm tước đây, sau khi tướng công an Vũ Hải Triều khoe rằng đã đánh sập được 300 trang mạng “phản động” thì ngay sau đó tướng công an Nguyễn Văn Hưởng không úp mở, thẳng thừng “nhắc nhở” các nhà trí thức và giới blogger trong tầm nhắm của họ rằng, ngoài những phiền phức cho bản thân và gia đình thì chuyện xẩy ra tai nạn không phài là điều khó khăn gì đối với công an. 

Bên cạnh sự “nhắc nhở” như vậy trong xã hội thực tế, trên mạng ảo người ta không thể không nhắc đến một vị “cớm” có lẽ thuộc hàng “tầm cỡ”, mang nick name Tomcat, chuyên nghề “nhắc nhở” các nhà đấu tranh hoặc blogger bị đảng xem là thành phần cần phải cảnh cáo, như Cù Huy Hà Vũ, Người Buôn Gió, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Hữu Vinh, v.v.... và tất nhiên không bỏ sót Trương Duy Nhất.

Trên trang blog của mình, anh Trương Duy Nhất thuật lại: “Tomcat cho rằng các bài viết của tôi đã khiến cho một số lãnh đạo và những người làm công tác an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu”. Nhưng những hăm dọa đó chỉ làm anh Nhất cười khẩy, hay cười thú vị, và có lúc cười sặc mất cả tách càfê nóng cầm trên tay mỗi sáng, như anh viết trong một số bài sau đó.

Có người cho rằng anh Nhất dám cười khẩy trước lời cảnh báo của “con mèo Tomcat” là vì chủ trang “Một Góc Nhìn Khác” có gốc to, có chỗ dựa lớn. Nếu lời đồn đoán này đúng thì sự kiện Trương Duy Nhất nay gặp hoạn nạn cho thấy nhân vật uy quyền làm chỗ dựa của anh có lẽ đang ở thế hạ phong. 

Điều này đúng hay sai xin để thời gian trả lời. 

Tuy nhiên, qua những cảnh báo “có gang có thép” của Tomcat, người ta thấy được một “đặc trưng” của ngành tư pháp XHCN là, không cần biết hiến pháp, luật pháp quy định ra sao, cũng không cần biết khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp” giăng mắc khắp hang cùng ngõ hẻm để làm gì; chỉ cần một số lãnh đạo khó chịu, hoặc “những người làm công tác an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu” là đủ để người viết bị sách nhiễu và có thể bị bỏ tù rồi.

Anh Nhất nói sai sự thật?

Đưa Trương Duy Nhất ra toà kết án thì lẽ ra phải dựa trên pháp luật, nhưng qua bản cáo trạng người ta không thể tìm được nội dung những bài viết công khai của Trương Duy Nhất vi phạm điều khoản nào trong luật pháp, mà chỉ kết luận chung chung rằng Trương Duy Nhất châm biếm, chê bai, phê phán đảng, “bôi nhọ chế độ”. 

Châm biếm, diễu cợt lãnh đạo, phê phán các chính sách của nhà nước, là điều bình thường ở các nước mà người dân là chủ và chính phủ làm thuê. Chính nhờ vậy mà các chính phủ không dám lạm quyền và đất nước tiến lên. Chỉ dưới các chế độ độc tài nơi mà đất nước được xem là của lãnh tụ và dân chỉ là đám con cái thì các phê phán như của anh Nhất mới bị xem là điều cấm kỵ. 

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng lại cứ phải làm dáng tiến bộ trước thế giới nên buộc đẻ ra các điều luật 79, 88, 258, v.v.. thật chung chung, mơ hồ để tha hồ ghép tội cho những ai họ muốn. Khổ nỗi thủ thuật này đã có quá nhiều chế độ độc tài khác dùng rồi nên các điều luật kể trên đang bị cả thế giới phỉ nhổ.

Đặc biệt trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát nhân quyền của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đầu tháng 2 vừa qua, việc hàng mấy chục nước xếp hàng để đề xuất 227 khuyến nghị cho nhà cầm quyền VN đã nói lên thực chất chế độ cai trị ở VN như thế nào rồi.

Ngay chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản và chế độ cai trị tại VN cũng chẳng thể ca ngợi chế độ như họ vẫn thường làm được nữa. Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã mếu máo nói về sự suy thoái đạo đức chính trị của “một bộ phận không nhỏ”, kể cả những người lãnh đạo; rồi “tham nhũng là quốc nạn”.

 Ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã từng nói đến “bầy sâu lúc nhúc”, nói đến kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” trong hàng ngũ thượng tầng lãnh đạo, nói đến “đồng chí X” và nhiều lãnh tụ khác nữa. Bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan khẳng định “cán bộ ăn của dân không từ một thứ gì”. Bộ trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận xác nhận bằng cấp giả chỉ chui vào được bộ máy công quyền.

 Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận sự thật hiển nhiên trước mắt: Nếu không tham nhũng thì các quan chức lấy tiền đây xây dinh thự lâu đài? Các đại biểu quốc hội và nhiều quan chức khác xác nhận tệ nạn chạy chức chạy quyền, tình trạng vô tích sự của 30% công chức; rồi các vụ Vinashin, Vinalines, Nguyễn Trường Tô, Bùi Tiến Dũng (PMU 18), Dương Chí Dũng, Trần văn Truyền (đang nóng với dinh thự cực hoành tráng bằng đồng lương "thanh tra chính phủ") và còn nhiều, nhiều nữa kể ra không hết....

Như vậy, anh Trương Duy Nhất có nói sai sự thật hay ngay cả nói điều gì "mới" không? Nếu viện Giám Sát viết cáo trạng buộc tội anh Nhất viết bài "không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,…", thì họ phải đưa ông Trọng, ông Sang, bà Doan và vô số lãnh tụ ra tòa mới phải.

Duy Nhất nhưng không đơn độc
Khi đọc các bài viết của anh Nhất người ta chỉ mới tán thành, đồng ý với các lập luận vững chắc của anh. Nhưng khi lãnh đạo xem đó là có "tội" đối với đảng, thì Trương Duy Nhất trở thành người của công chúng, người của nhân dân. Vì tại điểm đó, sự can đảm của anh Nhất đã nổi bật; sự chà đạp lẽ phải và đóng kịch tự phê của lãnh đạo đã đến mức quá nham nhở; và cảm giác phải đứng cùng anh Nhất đã trở thành ý thức trách nhiệm ở nhiều người.

Tuần trước luật sư Hà Huy Sơn có bài (’MẤY Ý KIẾN TRƯỚC NGÀY MỞ PHIÊN TÒA XỬ ÔNG TRƯƠNG DUY NHẤT’, 

http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/27/may-y-kien-truoc-ngay-mo-phien-toa-xu-ong-truong-duy-nhat/#more-10147), so sánh các chi tiết tương tự giữa hai bản cáo trạng TS Cù Huy Hà Vũ (bị xử tù với điều 88 bộ luật hình sự) và cáo trạng Trương Duy Nhất (điều 258). Nghĩa là ai cũng hiểu sự xấu xa của loại tòa án mà các bản án đều đã được "ở trên gởi xuống rồi". Tội đến đâu và xử nặng thế nào đều đã được “quyết” ở chỗ khác. Chi bộ đảng tại toà án chỉ họp hành để làm theo chỉ thị.


Có thể nói MỘT GÓC NHÌN KHÁC không còn là góc nhìn của Duy Nhất nữa! Đó là góc nhìn chung của những con người biết sống VÌ LẼ PHẢI. Một nhà hoạt động nổi tiếng nhận xét một cách thân thương rằng: "Nhất không chỉ là một ông ’Quảng Nam hay cãi’, mà là một nhà báo, một trí thức can đảm đứng về phía lẽ phải. Vì vậy tôi chẳng ngạc nhiên khi công an ghi trong cáo trạng là Trương Duy Nhất không tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi của anh ta. Người cần ăn năn hối cải là ai khác chứ chắc chắn không phải là Trương Duy Nhất."


Không những thế, một số trí thức, ký giả khác còn kêu gọi phải có nhiều Trương Duy Nhất hơn nữa. Trong tình trạng hơn 800 tờ báo, mấy chục đài phát thanh, truyền hình đều chỉ theo một hiệu lệnh, viết gì, đăng gì; nhà báo không thể… nhìn khác và viết khác; dù nói lên đúng là thực trạng của đất nước, xã hội; thì giới trí thức, nhà văn, nhà báo chân chính không thể cứ ngồi yên chấp nhận. 

Nhà Văn Phạm Viết Đào phát biểu rất cụ thể: “Đó chính là lý do khiến cho các mạng xã hội ra đời… Các trang mạng xã hội đang gánh vác cái nhiệm vụ nặng nề đó là việc bù đắp những phần thiếu hụt, phần què quặt của cộng đồng thông tin chính thống… Thử vào các đài truyền hình và các phương tiện chính thống mà xem: thấy xã hội chúng ta hoàn thiện êm đẹp một cách giả tạo…”. (Tham luận của nhà văn Phạm Viết Đào đọc tại hội thảo ngày 24/12/2012 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam...). Và hiện đang có nhiều Trương Duy Nhất khác nối bước anh Nhất.


Chị Trương Duy Nhất đã có thư kêu gọi giới trí thức, đặc biệt các nhà văn, nhà báo chân chính hãy đến với chồng bà trong phiên toà sắp tới, bất kể những đòn phép của nhà nước để ngăn cản sự tập trung của khối người dũng cảm này. Nhưng ngay cả nếu không có lời kêu gọi của chị Nhất thì mọi người cũng đã nhận thức được rằng phiên xử nhà báo Trương Duy Nhất là cơ hội cho tất cả những ai chống điều 258 đoàn kết thành một khối, gia tăng tinh thần và đề ra phương thức đấu tranh chung cụ thể để chống lại chính sách vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. 

Cùng đến với Trương Duy Nhất trong ngày xử ông chính là một trong những cách biểu hiện tinh thần và ước muốn đó. Chúng ta cũng muốn cùng nhau tranh đấu, vận động cho anh Trương Duy Nhất bằng nhiều cách trước công luận và chính giới quốc tế, đặc biệt qua các NGO và các tổ chức nhân quyền thế giới.

Trong ngày xử sắp tới, chúng ta muốn gởi tới anh và gia đình anh rằng: Bên cạnh DUY NHẤT có NHÂN DÂN!

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link