Tôn giáo trong vai trò xã hội dân sự tại Việt Nam !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 190 (01-03-2014)
Cuộc nổi dậy của nhân dân Ukraine suốt hơn tháng nay nhằm hạ
bệ tổng thống độc tài Yanukovych đã làm sôi sục cả thế giới. Rất nhiều hình ảnh
đánh động lòng người đã được đưa lên các phương tiện truyền thông, trong đó có
loạt hình về các linh mục Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương. Sự hiện diện
cuả họ tại quảng trường Maidan (nơi có những cuộc tập hợp khổng lồ) đã ngăn cản
nhiều cuộc bạo động phát xuất từ đám dân nổi giận, và đã vài lần chấm dứt những
cuộc nổ súng tấn công từ phiá cảnh sát.
Họ đã tới đó để chủ yếu cử hành thánh
lễ cho hàng vạn người đang tham dự các cuộc biểu tình. Các thánh lễ đã gây ảnh
hưởng rất lớn trong dân, kể cả những người ngoài Công giáo. Vì thế, bộ trưởng
tôn giáo của Ukraine đã tức giận phát biểu: “Các linh mục không có quyền cử
hành thánh lễ tại các cuộc biểu tình.
Thái độ xem thường luật pháp có hệ thống
này cần phải bị trừng trị”. Và ông ta đe dọa rút giấy phép hoạt động lẫn đặt
Giáo hội Công giáo ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo cao cấp nhất của
Giáo hội, Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, đã trả lời thẳng thừng với ông: “Mặc
dù không làm chính trị, nhưng Giáo hội không thể khoanh tay đứng nhìn khi các
tín hữu yêu cầu được chăm sóc tinh thần. Giáo hội chúng tôi luôn đứng về phía
sự thật và công lý, bất chấp mọi mối đe dọa, và sẽ làm như vậy vì đó là sứ mệnh
đã được Chúa trao cho".
Ngoài ra, tại Ukraine còn ba phái Chính
thống giáo nữa. Bốn Giáo hội này thường cạnh tranh ảnh hưởng với nhau. Tuy thế,
trong những ngày này, giáo sĩ của cả bốn bên đều có mặt tại các cuộc biểu tình.
Họ nêu gương cho xã hội về việc hợp tác với nhau trong bối cảnh căng thẳng.
(Theo Trần Mạnh Trác, Tấm gương mục tử). Nay thì các vị lãnh đạo tinh thần tại Ukraine
hẳn đã bình yên trở về, vì tổng thống độc tài đã cao bay xa chạy.
Tại Việt Nam, cũng đang nổi lên hình ảnh các chức sắc thuộc 5 Giáo hội liên kết với nhau trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo lẫn dân chủ nhân quyền dưới cái tên Hội đồng Liên tôn. Thật ra, Hội đồng Liên tôn này đã xuất hiện từ năm 2000 gồm 3 Giáo hội với Tuyên bố về chính sách tôn giáo của CS tại VN (27-12-2000).
Vì sự ngăn cản và phá hoại của nhà cầm quyền, Hội đồng này phải ngưng hoạt
động. Đến năm 2008, một Hội đồng Liên tôn khác với 5 Giáo hội lại được thành
lập và có ra Lời Kêu gọi Dân chủ cho đất nước (30-04-2008). Thế nhưng cũng chết
yểu như Hội đồng đầu tiên. Gần nửa năm 2013, một Hội đồng Liên tôn mới xuất
hiện và trình làng với “Tuyên bố chung về việc sửa đổi Hiến pháp” (01-05-2013).
Đến ngày 06-08-2013 lại có Bản lên tiếng v/v nhân quyền tại VN tiếp tục bị vi
phạm sau chuyến Mỹ du của Chủ tịch nước. Ngày 30-08: Bản Lên tiếng v/v nhà cầm
quyền dùng nhà tù ngược đãi những thanh niên ái quốc. Ngày 10-09: Bản Lên tiếng
về vụ việc tại Giáo xứ Mỹ Yên, thuộc Giáo phận Vinh. Ngày 04-10: Bản Lên tiếng
về Pháp lệnh tôn giáo và Nghị định áp dụng Pháp lệnh. Mới nhất là Bản Lên tiếng
đầu Xuân Giáp Ngọ về Nhân quyền và các tù nhân lương tâm hôm 17-02-2014.
Bên
cạnh đó, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và Sài Gòn, từ mấy năm qua, đã liên tục tổ
chức những buổi cầu nguyện cho công lý (đặc biệt khi có phiên tòa xử các tù
nhân lương tâm). Các buổi cầu nguyện này thu hút không những người Công giáo mà
cả lương dân và cán bộ nhà nước cộng sản. Nhà Dòng lại còn tổ chức các khóa
huấn luyện về truyền thông và lập Nhóm Truyền thông Chúa Cứu Thế để rao truyền
sự thật và bênh vực lẽ phải trong cái chế độ đầy gian trá và bất công này.
Dĩ nhiên nhà cầm quyền không thể ngồi yên trước việc xuất hiện các xã hội dân sự hoặc mới mẻ hoặc có hoạt động mới mẻ ấy, vốn muốn chung vai với một số xã hội dân sự đúng nghĩa vừa hình thành và hoạt động từ giữa năm 2012 tới nay, như Phong trào Con đường VN, Câu lạc bộ bóng đá No-U, Nhóm No-U Saigon, Diễn đàn xã hội dân sự, Nhóm Anh em Dân chủ, Hội Phụ nữ nhân quyền, Hội Bầu bí tương thân, Hiệp hội Dân oan, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm… Toàn Dòng Chúa Cứu Thế cũng như các chức sắc tham gia Hội đồng Liên tôn đều bị theo dõi, thậm chí bị cản trở hay bị hăm dọa (y như nhiều thành viên cốt cán của các xã hội dân sự kể trên).
Bởi
lẽ nhà cầm quyền chỉ muốn có những xã hội dân sự do họ thành lập, điều khiển và
trả lương đang chen chúc nhau trong cái rọ Mặt trận Tổ quốc là cơ cấu ngoại vi
của đảng. Trong cái rọ này, về mặt dân sự thì có hội cựu chiến binh, hội nông
dân, hội phụ nữ, hội nghệ sĩ, hội nhà văn… về phía tôn giáo thì có các giáo hội
quốc doanh (đối đầu với các Giáo hội chân chính truyền thừa; riêng Công giáo
thì chỉ có Ủy ban Đoàn kết). Các xã hội dân sự giả tạo này chỉ làm có ba việc:
xưng tụng các chính sách của nhà nước, theo dõi đồng nghiệp hay đồng đạo để
lũng đoạn, lừa gạt thế giới rằng VN có đủ tự do và nhân quyền.
(Trong phái đoàn VN đến tham dự cuộc Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu tại Geneve mới
đây có những áo đen, áo vàng… với cái lưỡi đỏ).
Dĩ nhiên, đã từ lâu, cơ cấu lãnh đạo các Giáo hội (hoặc các tổ chức nội Giáo hội) tại VN có những lời nói hay việc làm đòi hỏi độc lập tôn giáo, bênh vực công lý nhân quyền, thúc đẩy tự do dân chủ. Ví dụ gần đây là sự lên tiếng của các Tôn giáo về việc sửa đổi Hiến pháp (tiếc thay đã không có hiệu lực do sự cố chấp, gian trá và lộng quyền của đảng CS). Thế nhưng, các xã hội dân sự đúng nghĩa này đang thực hiện những hành động đúng đắn là tuyên bố hay hoạt động để góp phần cải thiện xã hội còn được tín tín đồ lẫn người dân mong đợi nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
Lý do thứ nhất là công luận đã thấy được vai trò lớn lao và hữu hiệu của các tôn giáo trong các chế độ độc tài Cộng sản bên Đông Âu, các chế độ độc tài quân phiệt bên Đông Á, Tây Á hay Nam Mỹ trong thế kỷ trước và thế kỷ này. Dĩ nhiên các Giáo hội không làm chính trị theo nghĩa chuyên biệt, thành lập các đảng chính trị để giành quyền (ngoại trừ vài phái Hồi giáo bên Trung Đông), nhưng việc các chức sắc dũng cảm lên tiếng về công bằng xã hội, nhiệt thành thúc đẩy tín hữu dấn thân vào chính trường, sáng suốt cố vấn cho các chính đảng dân chủ đã góp phần xóa sổ bao chế độ áp bức con người và tàn hại xã hội.
Lý do thứ hai là hầu như ai ai cũng thấy mọi tôn giáo chân chính qua giáo lý, tổ chức và các hoạt động thờ phượng hay hoạt động xã hội đều nhắm mục đích là thăng tiến chân thiện mỹ cho mỗi con người, từ đó thăng tiến chân thiện mỹ cho toàn xã hội, và tối hậu là đưa toàn thể nhân loại tiến về Cõi Chân Thiện Mỹ vĩnh hằng, Đấng Chân Thiện Mỹ tuyệt đối.
Cụ thể, việc thăng tiến chân thiện mỹ đó là giúp con người đi tìm sự thật về bản tính và hành động của Đấng Tối Cao (Thượng Đế quan), về ý nghĩa và mục đích đời mình (nhân sinh quan), về nguồn gốc và điểm đến của thế giới và lịch sử (vũ trụ quan), đồng thời thêm yêu mến sự thật, sống trong sự thật và rao truyền sự thật. Đó là giúp con người đi tìm sự thiện đích thực nhờ lời dạy của Đấng Tối Cao mình tôn thờ, của Tôn giáo mình gia nhập, từ đó thể hiện sự thiện trong đời mình, nghĩa là sống sao cho đạo đức, cho liêm chính, cho công bằng, cho xả kỷ và giúp cho tha nhân lẫn toàn xã hội cũng nên thiện hảo.
Đó là giúp con người đi tìm sự
mỹ, sự đẹp, nghĩa là tình thương, hiệp nhất, đoàn kết. (Bởi lẽ đẹp là sự hài
hòa, kết hợp: bức tranh đẹp là kết hợp hài hòa màu sắc và bố cục, vũ điệu đẹp
là kết hợp hài hòa các động tác cơ thể, giai điệu đẹp là kết hợp hài hòa những
âm thanh trầm bổng, gia đình đẹp hay xã hội đẹp là kết hợp hài hòa, hiệp nhất
đoàn kết bá nhân bá tánh. Điều này mang tên là tình thương và đây là nghệ thuật
cao quý hơn cả). “Cái đẹp sẽ cứu thế giới” (Dostoievsky) có nghĩa là chính tình
thương sẽ cứu thế giới khỏi bị tận diệt. Tôn giáo giúp con người đi tìm sự mỹ chính
là dạy cho biết tình thương là gì, biết sống tình thương thế nào và biết khơi
dậy tình thương nơi kẻ khác ra sao.
Trong thực tế xã hội VN hiện thời, nơi cái chế độ duy vật vô thần, độc tài toàn trị CS chỉ biết gieo dối trá, làm tà ác và gây chia rẽ (ngõ hầu đảng muôn niên thống trị), thì các Giáo hội có phận sự giúp cho những người sống trong u mê, lầm lạc, gian trá biết được sự thật của vấn đề, sự thật của xã hội, sự thật của lịch sử, và cao hơn hết là sự thật về ý nghĩa đời người (chết không phải là hết!).
Như thế, con người tôn giáo phải biết dũng cảm trình bày sự thực khi nó bị bưng
bít, bênh vực sự thực khi nó bị xuyên tạc.
Phải biết phản đối việc tẩy não,
nhồi sọ, cưỡng bức ý thức (trong giáo dục), việc tuyên truyền xuyên tạc, đầu
độc công luận (trong thông tin), việc bịt miệng các tiếng nói phản biện, đối
lập (trong chính trị), nhất là việc giới hạn tiếng nói của các tôn giáo (trong
văn hóa). “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Đức Giê-su) có nghĩa là vậy. Tiếp
đến, các Giáo hội có phận sự giúp cho những người sống trong bất công bất chính,
làm chuyện thất nhơn ác đức, hại đồng loại hại xã hội, cướp giật cá nhân lẫn
tập thể, tham lam nhũng nhiễu, biết được lẽ phải, biết công bằng đối với tha
nhân, tôn trọng quyền lợi tinh thần và vật chất của họ, theo ngôn ngữ chính trị
là tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Như thế người có tôn giáo phải biết dũng
cảm trình bày lẽ phải khi nó bị bịt miệng, bênh vực lẽ phải khi nó bị lăng nhục!
Cuối cùng, các Giáo hội có phận sự giúp cho những người sống trong dửng dưng vô
cảm, căm tức ghen ghét, bất hòa chia rẽ, báo oán trả hận, thấy được tình thương
là ý nghĩa của cuộc đời mình, nền tảng của hạnh phúc mình, động lực cho hành
động mình và giềng mối cho xã hội mình. Như thế người có tôn giáo không sống
dửng dưng vô cảm trước sự lan tràn của đau khổ, sự hoành hành của hận thù, sự
lũng đoạn của chia rẽ, mà phải thể hiện tình thương đối với những kẻ túng thiếu
đói nghèo, nhất là về nhân quyền nhân phẩm.
Xét như một xã hội dân sự, tôn giáo không thể giới hạn trong chùa chiền, thánh thất mà cần bung ra giữa trần đời; không thể bằng lòng với việc rao giảng giáo lý trong cộng đồng giáo hội mà phải đòi cho được rao giảng trên đường phố, giữa xã hội để hóa giải những tà thuyết; không thể bằng lòng với việc dạy dỗ tín đồ mà phải đòi được giáo dục giới trẻ và quần chúng; không thể bằng lòng với bác ái cứu trợ mà còn phải đòi thực thi bác ái giải phóng, nghĩa là không chỉ giúp kẻ đói cơm áo, lâm bệnh tật mà còn giúp những kẻ bị chà đạp nhân phẩm, bị tước bỏ nhân quyền; không thể bằng lòng với việc lên tiếng về công lý hòa bình cách chung chung mà còn phải hành động: chức sắc và tín đồ, mỗi hạng theo một cách thức riêng. Có như thế, tôn giáo mới thể hiện được nhiệm vụ của mình là đem đạo vào đời, lấy đạo cứu đời, và mới mời gọi được mọi người đi đến Chân Thiện Mỹ tuyệt đối.
BAN BIÊN TẬP
Khi đảng kỷ niệm ngày 4 tốt
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment