Thảm sát Côn Minh: Điềm báo không thể hạ cánh mềm
Phạm Chí Dũng
Điềm báo vĩnh biệt
Không một chế độ chính trị nào có thể tồn tại vĩnh viễn, nhất là với những thể chế không muốn vĩnh biệt khúc quanh độc tài. Quy luật đó chắc chắn sẽ ứng với đảng cầm quyền Trung Quốc, bằng vào những câu chuyện tang thương mà chế độ này phải gánh chịu trong vài năm gần đây và trong kiếp nạn phân rã vào những năm đang tới.
Vụ nổ bom xe jeep ở Bắc Kinh tháng 12
năm 2013 và vụ thảm sát bằng dao ở Côn Minh vào
tháng 3 năm 2014 đã kích hoạt bầu không khí hoảng loạn chưa từng thấy ngay trong lòng
Nội Hán.
Hai cuộc tấn công bị xem là của người Duy Ngô Nhĩ, dù
đậm đặc màu sắc khủng bố, đã trở nên một chỉ dấu cho thấy chính thể Bắc Kinh cùng cơ chế bảo vệ an ninh của nó không ghê gớm như người ta tưởng, cùng lúc biến thành một điềm dấu tiên đoán về vận mệnh khó có thể hạ cánh mềm của chính thể này trong tương lai không quá xa.
Đặc tính tâm lý học của vụ tấn công bừa bãi bằng dao của nhóm người cực đoan vào đám
đông hành khách vô tội ở Côn Minh còn là
cú phát nổ đầu đời cho mối thâm thù thâm
căn cố đế giữa sắc tộc ly khai với chế độ cầm quyền – một hệ nạn mà có thể kéo dài rất nhiều năm sau, ngay cả khi tổ chức Bộ Chính trị ở Bắc Kinh biến mất.
Như một quy luật, nếu nội trị không khởi xướng trào lưu rối loạn bởi các phong trào dân chủ mà lại bằng hành động bạo lực, cái kết thúc của nội tình xã hội và những đấu tranh nội bộ hầu như sẽ chìm trong máu lửa và nạn cát cứ – điều đã xảy ra không biết bao nhiêu lần trong lịch sử đẫm máu Trung Hoa.
Bất kể tiếng hô độc đoán vẫn thét lên dưới ảnh Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn,
tiếng nổ và những vụ chém giết cứ lan dần và lan nhanh trong lòng Nội Hán.
Hệt như khuôn mặt dị dạng trong bức tranh “Tiếng thét” của Edvard Munch, tiếng nổ Nội Hán khởi nguồn từ tiếng lòng bị xét nát của người dân và kết thúc bằng tia xé rách khối không gian u thẫm giữa bốn bức tường tăm tối.
Tiếng nổ đó được kích phát bởi chính tiếng kêu thét của quá khứ.
Văn Cầm Hải – một nhà văn và cũng
là nhà nghiên cứu lịch sử ở nước ngoài – đã có cơ hội để đo đếm sự thất bại của chính sách ngoại giao lòng dân của Trung Quốc ở các vùng dân tộc thiểu số. Trong một chuyến đến vùng Nội Mông, ông đã viết lại những ghi nhận của mình: “Tôi đã biết về sự nhẫn nhịn của người sa mạc qua một người bạn Mông Cổ mời tôi ăn thịt nướng trong đêm mưa ở Lan Châu – thủ phủ tỉnh Cam Túc. Anh ta khuyên tôi rằng, nếu muốn giết sói, hãy cho nó
chạy và hú đến lúc nào nó quỵ xuống vì sức lực mà chúng bỏ ra!… Trung Quốc cần có một sự thay đổi tận gốc quan điểm lịch sử và thời đại về sức mạnh và sự tồn tại hài hòa của mình với thế giới. Nếu không thay đổi, dù có bỏ ra hàng tỷ đô la, dù có hào nhoáng kết nối với chính quyền bản địa bằng những thỏa thuận hay kiềm chế chính trị nhưng không thể nào mua được lòng dân, Trung
Quốc sẽ quỵ ngã bởi chính sức mạnh hung hãn của mình, như hình ảnh con sói mà người Mông Cổ từng nói với tôi trong đêm mưa ở Lan Châu”.
Con sói
Dù hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc luôn áp đặt những vụ việc xảy ra ở Tân Cương là hành vi của một nhóm khủng bố, nhưng chỉ có những người ngơ ngác về thời cuộc mới không cảm nhận được những nguyên cớ thâm sâu về lịch sử trong quan hệ của người Hán với vùng tự trị này.
Không chỉ là mâu thuẫn đơn thuần về địa giới hành chính, đó
còn là khoảng cách biệt đáng kể về chính sách mà người Hán được hưởng so với các sắc tộc thiểu số, tâm thế lấn át về văn hóa và tôn
giáo mà người Hán đã tạo ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, để cuối cùng tạo nên một hình ảnh phân hóa toàn diện và không thể chấp nhận được giữa kẻ mập phì và người thiếu ăn.
Không khác gì khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc, các khu tự trị Tây Tạng ở Tây Nam và Nội Mông ở phía Bắc cũng đang trở thành những hiểm họa ngấm ngầm đối với tình trạng an ninh của người Hán sống tại những khu vực này, và cả với thể chế chính trị mà Bắc Kinh đang cố gắng duy trì đến chừng nào có thể. Từ năm 2008 đến nay, những hiểm họa này luôn có chiều hướng bùng phát và trở thành nguy cơ không hề nhỏ đối với một dân tộc có truyền thống tự tôn cực đoan như người Hán, làm nên một cảnh sắc cực đoan mà người ta đã từng thấy không ít lần trong chiều dài lịch sử không khoan nhượng của dân tộc Trung Hoa.
Nguy cơ đó lại đang được cộng hưởng một cách có tổ chức và quy mô bởi những hành động bài bản và có kỷ luật trong lòng Trung
Quốc. Với vụ nổ bom ở thủ phủ Thiên An Môn và vụ thảm sát ở Côn Minh, hẳn nhiên đó là một sự thách thức trực tiếp với người quá cố Mao Trạch Đông và bề dày gần bảy chục năm “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung quốc”.
Sâu xa hơn, cho dù bị xem là “khủng bố Tân Cương” thì cũng không
thể phủ nhận rằng mối mâu thuẫn sắc tộc giữa dân tộc Duy Ngô Nhĩ với người Hán, và trên hết là với chế độ cầm quyền độc đoán, đã công
nhiên vọt thành mối xung đột đối kháng đến mức sẵn lòng lấy mạng đổi mạng.
Đó cũng là nguồn gốc mà có thể sản sinh ra vô số cuộc bạo động, bạo loạn của hoàng hôn lịch sử chưa bao giờ ngưng máu đổ trong lòng dân tộc Trung Hoa.
Máu người
Giờ đây, chính thể cầm quyền chuyên chế và độc đoán ở quốc gia bị xem chỉ còn vỏ cộng sản này đã không còn
có thể nói đến chuyện an toàn trong bất kỳ căn phòng trú
ẩn nào.
Bắc Kinh không chỉ ngập ngụa ô nhiễm, mà đang và sẽ không còn là nơi yên tĩnh cho giới quan chức chức chính trị cao cấp nghỉ dưỡng và quyết định về tương lai của thế giới. Khái niệm bất an có lẽ sẽ trở thành từ ngữ cửa miệng của chính giới tương lai ngay tại thủ đô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hay tại bất cứ một địa điểm nào có trưng diện ảnh Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và phơi bày bức tranh nhân viên
thành quản đánh hội đồng đến chết người dân bán dạo.
Với những gì đã và đang xảy ra, không thiếu cơ sở để cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang phải trả một cái giá không hề rẻ cho những gì mà họ đã siết bức đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ và
vùng Tây Tạng.
Duy có điều, tình cảnh “kiêu ngạo cộng sản” của giới quan chức cao cấp Kinh Bắc đã đến mức bĩ cực. Vẫn hầu như chưa có gì được ngộ ra từ giá cả quá đắt đỏ, một thứ giá đang phải tính bằng máu người. Dàn đồng ca tuyên giáo mới đây của Bắc Kinh vẫn không bớt hung hăng đe dọa sẽ “dập tắt tiếng nói của Đạt Lai Lạt Ma”.
Nhưng ở vùng đất xa xôi huyền thoại, sau hơn 120 vụ tự thiêu của tu sĩ Tây Tạng để phản kháng chính sách
đàn áp của Bắc Kinh, mọi chuyện vẫn đang tự cháy bỏng. Ngọn lửa phản kháng vẫn rừng rực và còn lâu mới bị dập tắt.
Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông đã làm nên
một vành đai sắt Tây – Bắc siết lấy cơ thể phù thũng của Nội Hán.
Còn lâu mới tái lập được sự ổn định chính trị trong lòng Đại Hán. Thậm chí ngược lại, Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo mới của ông đang phải đối diện với định đề số phận của lịch sử: nhà nước độc đảng Trung Hoa đã tồn tại gần bảy chục năm, và chừng đó là quá đủ để thu xếp cho một sự thay thế khác – nhiều khả năng là một cuộc tắm máu mang tính sở trường – di chứng không quá hiếm hoi trong lịch sử nối đuôi toàn trị của các triều đại Trung Quốc.
P.C.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment