From: NGUYỄN VÂN TÙNG .
Subject: Làm thế nào để TQ đánh bại Mỹ ?
Subject: Làm thế nào để TQ đánh bại Mỹ ?
Làm
thế nào để Trung Quốc đánh bại Mỹ?
NGUYỄN HƯNG QUỐC - VOA
Tôi mới đọc bài “Làm thế nào để Trung Quốc đánh
bại Mỹ?” (How China Can Defeat America) của Diêm Học Thông (Yan Xuetong) trên
tờ The New York Times. Một bài viết thật hay. Trong đó, Diêm Học Thông vạch
ra kế sách để Trung Quốc có thể thắng Mỹ và trở thành siêu cường quốc số một
trên thế giới.
|
Diêm Học Thông sinh năm
1952, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Berkeley, California năm 1992 và hiện đang
làm giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh,
tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, người được tạp chí Chính
sách Đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ bình chọn là một trong 100 trí thức công
chúng có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2008. Ông cũng là người, như lời chính
ông tự nhận trong bài viết, bị nhiều học giả Tây phương liệt vào thành phần
“diều hâu” ở Trung Quốc.
Trong bài viết nêu trên,
Diêm Học Thông cho biết, trong tình hình hiện nay, khi kinh tế của Trung Quốc
càng ngày càng phát triển mạnh mẽ, một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc là Mỹ là
điều không thể tránh khỏi. Nhiều nhà lãnh đạo trấn an dân chúng là cuộc đối đầu
sẽ diễn ra trong hòa bình. Nhưng Diêm Học Thông không tin vào điều đó. Theo
ông, một siêu cường mới nổi bao giờ cũng muốn khẳng định vị thế của mình, điều
mà siêu cường được xem là độc nhất và độc tôn trong hiện tại không bao giờ chấp
nhận được. Huống gì giữa Trung Quốc và Mỹ lại có những xung khắc hầu như không
thể hóa giải được về ý thức hệ và thể chế chính trị. Không hóa giải được thì
sao? Thì có chiến tranh. Chứ còn gì nữa?
Nhưng theo Diêm Học
Thông, nếu xung đột diễn ra, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc không thể
thắng được. Dù Mỹ có suy thoái đến mấy thì Mỹ vẫn mạnh hơn ở hai điểm quan
trọng:
Thứ nhất, Mỹ có nhiều
kinh nghiệm chiến tranh hơn. Gần đây, Mỹ tiến hành cả ba cuộc chiến tranh cùng
lúc: ở Iraq, Afghanistan và Libya. Mà vẫn đầy sinh lực. Còn Trung Quốc thì từ
sau chiến tranh với Việt Nam vào năm 1979, không hề tham gia vào một trận đánh
lớn nào. Hầu hết các tướng lãnh, do đó, đều không có kinh nghiệm trận mạc.
Nhưng yếu tố thứ hai này
mới thực quan trọng: Mỹ có đồng minh quân sự ở khắp nơi, với hơn 50 quốc gia.
Trong đó không ít đồng minh sẵn sàng sống chết với Mỹ. Còn Trung Quốc thì hoàn
toàn không có. May lắm thì có Bắc Hàn và Pakistan. Nhưng đó không hẳn là đồng
minh. Khi xảy ra chiến tranh với Mỹ, chưa chắc đã có nước nào nhảy vào đứng
chung chiến tuyến với Trung Quốc.
Theo Diêm Học Thông, đó
chính là điểm yếu nhất của Trung Quốc. Muốn khắc phục được nhược điểm ấy, tức
muốn mạnh hơn Mỹ và đánh thắng được Mỹ, Trung Quốc phải chiến thắng, trước
tiên, trái tim của mọi người trên thế giới. Nhưng để chiến thắng mặt trận đó,
những cuộc viện trợ kinh tế hào phóng mà Trung Quốc đã vung tay thực hiện rõ
ràng là không đủ.
Diêm Học Thông đề nghị:
để chinh phục thiện cảm của thế giới, phải bắt đầu từ ngay trong nhà mình:
chính phủ phải chuyển trọng tâm từ việc phát triển kinh tế sang việc xây dựng
một xã hội hài hòa, bình đẳng, không có khoảng cách quá xa giữa người giàu và
người nghèo; phải từ bỏ tâm lý sùng bái tiền bạc để đề cao các giá trị đạo đức
truyền thống; phải chống tham nhũng để xây dựng một quốc gia công chính và bình
quyền. Đối với nước ngoài, Trung Quốc phải thể hiện một gương mặt nhân đạo,
phải có chính sách ngoại giao có chất lượng cao hơn hẳn Mỹ, đặc biệt về phương
diện đạo đức, phải dám nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ các nước nhỏ và yếu. Hơn
nữa, Trung Quốc phải cố gắng thu hút thật nhiều nhân tài từ khắp nơi trên thế
giới để nâng cao khả năng quản trị của mình.
Nói cách khác, theo Diêm
Học Thông, cuộc chiến tranh thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc chiến tranh
nhằm tranh thủ nhân tâm trên thế giới. Cuối cùng, quốc gia nào chứng minh được
rõ thứ quyền lực nhân đạo nhất, quốc gia ấy sẽ chiến thắng.
Kể ra, nếu, trong tương lai,
Trung Quốc thực sự là một siêu cường mang bộ mặt nhân đạo như thế thì việc nước
nào thắng trong trận chiến Trung-Mỹ cũng chẳng phải là một vấn đề gì quan trọng
khiến chúng ta phải quan tâm.
Tôi nhắc đến bài báo của
Diêm Học Thông vì một lý do khác. Đọc xong, trong óc lóe lên ý nghĩ: sẽ viết
một bài, đại khái, làm thế nào để Việt Nam thắng Trung Quốc? Nhưng nghĩ tới
nghĩ lui, thấy không ổn.
Thứ nhất, mình chỉ là một
blogger chứ chả phải chính khách chính khiếc gì cả; bàn những vấn đề như vậy,
nghe “nổ” quá.
Thứ hai, chuyện Việt Nam
thắng Trung Quốc giống như một thứ khoa học viễn tưởng. Cả hai đều không nên
chút nào. Thôi thì bàn chuyện làm thế nào để thua Trung Quốc một cách nhanh chóng
vậy.
Một đề tài như thế đã bao
hàm cái ý là Việt Nam nhất định thua Trung Quốc. Không cần bàn cãi nữa. Chỉ
phân tích vấn đề là: làm thế nào để thua cho nhanh thôi.
Nói thế, tôi biết, nhiều
người sẽ cho là nhảm. Muốn thua nhanh ư? – Dễ quá! Cứ ký một hiệp ước trao
nhượng chủ quyền cho Trung Quốc là xong ngay thôi. Hay cứ để Trung Quốc tràn
qua biên giới tiếp quản Bộ chính trị, Trung ương Đảng và guồng máy chính phủ.
Là xong. Chỉ mất vài tuần, hay nhiều lắm, vài tháng.
Nhưng một “kế hoạch” như
thế chắc chắn là bất khả thi.
Lý do thứ nhất là dân
chúng sẽ bất mãn và sẽ quyết liệt tranh đấu, thứ nhất, với những kẻ bán nước,
và thứ hai, với những kẻ cướp nước.
Lý do thứ hai là các nước
Đông Nam Á sẽ hoảng lên: Trung Quốc chiếm Việt Nam, thế nào cũng tràn qua Lào
và Miên, sau đó, Thái Lan, Miến Điện, Singapore, Mã Lai Á và Indonesia. Thuyết
domino một thời nổi tiếng lừng lẫy lại tái hiện. Úc, xa xôi đến vậy, cũng sẽ
run bắn lên. Dĩ nhiên, họ sẽ không khoanh tay chờ Trung Quốc xông vào nhà.
Nhưng có lẽ sẽ không có nước nào đủ can đảm trực diện khai chiến với Trung
Quốc. Cách thức quen thuộc, ít tốn kém và không chừng hiệu quả nhất là đổ viện
trợ, kể cả vũ khí cho dân chúng Việt Nam để họ đánh nhau với Trung Quốc.
Như vậy, chiến tranh sẽ
dằng dai. Và cuối cùng, như ngày xưa, Việt Nam sẽ đánh bật Trung Quốc và giành
lại độc lập.
Bởi vậy, có thể nói “Kế hoạch”
trao nhượng chủ quyền nghe tưởng dễ, nhưng thực tế, lại không thể thực hiện
được. Đó là chưa kể, nó khá nguy hiểm. Lỡ lúc quân Trung Quốc chưa sang “tiếp
quản”, dân chúng nổi giận đứng lên tiêu diệt giới cầm quyền thì không biết họ
sẽ chui vào đâu để trốn? Số lượng ống cống ở Việt Nam chắc không bằng Libya.
Lại dơ bẩn nữa.
Tôi xin đề nghị một cách
khác:
Hiểm họa lớn nhất đối với
“kế hoạch thua nhanh” chính là ở dân chúng. Trọng tâm chiến lược, do đó, phải
là dân chúng. Nhưng không thể giết hết dân chúng. Mà cũng không cần giết hết.
Chỉ cần làm sao cho họ không thấy chuyện Trung Quốc đe dọa Việt Nam, đừng bất
mãn vì chuyện Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, đừng nổi giận nếu một ngày nào đó
lính Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Làm được những điều đó là bảo đảm an toàn.
Sẽ không có ai, trong dân chúng, nổi giận chính quyền nếu chính quyền ký hiệp
ước trao nhượng chủ quyền. Sẽ không có ai, trong dân chúng, căm thù Trung Quốc
khi Trung Quốc kiểm soát hết đất đai, rừng núi, hải đảo và cả vùng biển mênh
mông của Việt Nam. Mọi người sẽ coi đó là những chuyện bình thường.
Dĩ nhiên, những việc như
vậy cần phải có thời gian. Không nên sốt ruột. Cần có thời gian để dân chúng
tập thói quen không quan tâm đến việc nước. Cần có thời gian để mọi người tập
thói quen xài hàng giả của Trung Quốc và xem phim lịch sử Việt Nam đóng theo
khuôn mẫu của Trung Quốc để dần dần nhận ra Việt Nam, thật ra, chỉ là một tỉnh
lẻ của Trung Quốc. Cần có thời gian để mọi người tập thói quen nhịn nhục trước
Trung Quốc. Cần có thời gian để mọi người tập thói quen xem bất cứ chuyện gì
xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam đều không phải chuyện của mình.
Sau khi những việc như
vậy đã hoàn tất thì việc Việt Nam được sát nhập vào Trung Quốc sẽ vô cùng an
toàn và dễ dàng. Sẽ chẳng có ai bất mãn hay phản kháng cả. Lúc ấy, ngay cả khi
Mỹ hay bất cứ nước nào “quỳ lạy” xin dâng vũ khí cho dân chúng Việt Nam để họ chống
lại Trung Quốc thì cũng chẳng ai thèm nhận.
Lúc ấy, sứ mệnh coi như
hoàn thành mỹ mãn.
À, mà này, đến đây, tôi
mới nhận ra “kế hoạch” tôi vừa viết ở trên hình như cũng chẳng mới mẻ gì lắm,
phải không?
Không chừng đã có kẻ áp
dụng rồi.
~~~~~~~~~~~~~~~~
Nguồn: How China Can Defeat America - The New York Times
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment