Friday, December 28, 2012

Việt Nam Đi Hết Chu Kỳ


 

Việt Nam Đi Hết Chu Kỳ

 

Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA

 

...vét vàng bỏ chạy là chính sách mà nhiều người có chức có quyền đánh giá là khôn ngoan hơn cả...

Việt Nam đã đi hết chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau khi đổi mới kinh tế 25 năm trước. Rồi sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007 thì cũng hết một chu kỳ hồ hởi để bước vào nhiều sóng gió vì khả năng quản lý vĩ mô quá kém của lãnh đạo. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện ấy trong bài tổng kết 2012 của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiếp tục loạt bài tổng kết kinh tế năm 2012 và như đã hẹn, thưa ông, kỳ này chúng ta sẽ nói về tình hình kinh tế của Việt Nam. Theo thông lệ thì xin ông trình bày cho bối cảnh của cả hồ sơ này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được đặt câu chuyện kinh tế này trong một bối cảnh dài trước khi nói đến chuyện hiện tại bất trắc và tương lai u ám.

- Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã mượn màu dân tộc để tiến hành việc gọi là "xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước" dù rằng về thực chất, họ không biết xã hội chủ nghĩa ấy là gì. Nhờ khai thác tinh thần dân tộc, họ chiến thắng năm 1975 và đòi tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà vì không biết là gì nên đã xoá giỏi hơn xây và gây ra khủng hoảng trong 10 năm liền.

- Từ đó, họ biết là sai mà chưa rõ thế nào là đúng, cho nên tiến hành đổi mới một cách cầm chừng và thật ra là thả nổi cho dân chúng làm ăn từ năm 1987. Rồi họ vừa làm vừa học, và chỉ đổi mới có chọn lọc từ trên đầu xuống là từ 20 năm trước, khi Liên bang Xô viết đã tan rã.

Vũ Hoàng: Tức là trong phần bối cảnh, ông đã phân định ra nhiều thời kỳ khác nhau vì trình độ nhận thức và chính sách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, nếu so sánh với quá khứ trên cái trục thời gian thì tình hình kinh tế Việt Nam đã có thay đổi tương đối khá hơn 20-25 năm trước. Nhưng nếu so sánh trên cái trục không gian với các nước Đông Á khác thì Việt Nam vẫn còn lạc hậu - và thực tế thì tụt hậu từ năm năm qua và hết là một kinh nghiệm được quốc tế khen như rồng cọp để khuyến khích.

- Nhìn trong lâu dài, nếu cứ thả nổi cho người dân tự do làm ăn thì sau một giai đoạn hỗn loạn kinh tế chừng năm bảy năm, người dân Việt Nam đã có thể tìm ra con đường khác cho xứ sở, chẳng kém gì các dân tộc Á Châu khác ở chung quanh. Nhưng vì biến động trong khối Xô viết, đảng Cộng sản Việt Nam sợ bị mất quyền, họ nhân danh một ý thức hệ đã phá sản mà tiến hành cải cách có chọn lọc theo kinh nghiệm của Trung Quốc để vẫn duy trì quyền lực độc tôn của đảng và xây dựng một thứ tư bản chủ nghĩa nhà nước, cho tay chân và thân tộc của đảng viên. Vì vậy Việt Nam mới tụt hậu trong khi nền độc lập của đất nước lại bị đe dọa. Nghĩa là người ta đi tròn một chu kỳ oan nghiệt giữa hai mục tiêu đều không đạt được là độc lập quốc gia và canh tân xứ sở. Xong phần bối cảnh này ta mới đi vào cụ thể....

Vũ Hoàng: Thưa ông, đi vào phần cụ thể là như thế nào với số liệu gì làm cơ sở thẩm xét?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam vẫn là một nước nghèo của thế giới, với lợi tức bình quân một đầu người là cỡ ngàn mốt ngàn hai đô la trong cả năm, đứng hạng 132 trong 185 nước hội viên của Ngân hàng Thế giới. Nói cụ thể thì hơn hai chục năm sau khi chính thức đổi mới, Việt Nam mới bước lên cái ngưỡng gọi là có lợi tức loại trung bình thấp.

- Nhờ đã có lợi tức loại trung bình, Việt Nam được nâng cấp cho nên hết được viện trợ ưu đãi và thực tế là đi vay không tiền lời trong khuôn khổ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA thuộc Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo. Từ năm 2007 thì phải vay Ngân hàng Thế giới theo khuôn khổ tín dụng IBRD của định chế này, dự án lần đầu tiên là vào năm 2009. Then chốt ở đây là đã lên tới mức trung bình, nhưng mà còn thấp! Cũng vì vậy, hai tuần trước, nhân hội nghị của các cơ quan và quốc gia cấp viện cho Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội mới lại cào mặt ăn vạ rằng mức gia tăng lợi tức ấy chỉ là giả tạo vì lạm phát, chứ dân Việt Nam vẫn còn nghèo. Họ nói vậy để kèo nèo xin vay theo điều kiện ưu đãi dành cho các nước nghèo, dù rằng loại tín dụng IBRD vẫn là quá rẻ nếu so với điều kiện thông thường của thị trường.

- Chúng ta thấy ra bi hài kịch là lãnh đạo tự khoe thành tích làm cho dân giàu nước mạnh mà dân còn nghèo và nước thì yếu. Tuần qua, lãnh đạo xứ này còn tưng bừng kỷ niệm việc đánh thắng nước Mỹ vào năm 1972 với cái gọi là "Điện Biên Phủ trên không" trong khi các đại gia thì lái xe du lịch bạc triệu mà hơn 70% dân chúng vẫn chưa kiếm ra năm đô la lợi tức trong một ngày và nếu biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ thì bị bỏ tù.

Vũ Hoàng: Bây giờ ta mới đi vào nguyên nhân của tình trạng ấy. Vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việt Nam đã đi hết chu kỳ dễ dãi của việc chuyển hướng kinh tế ra khỏi chế độ tập trung quản lý theo kế hoạch máy móc và duy ý chí của nhà nước. Nhưng sau đó lại theo cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" do nhà nước đặt ra, mà bên trên thì chẳng ai biết định hướng ấy là gì. Vì không hiểu ra, nên bên trong hệ thống lãnh đạo, người có chức có quyền đã có thể tự tiện vạch ra những hướng có lợi cho cơ sở, gia đình hay vây cánh của họ.

- Đã vậy, Việt Nam lại bước vào chu kỳ hồ hởi khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 mà không thấy thời điểm ấy cũng là khởi đầu của cơn chấn động lớn trên toàn cầu với ảnh hưởng dội vào Việt Nam, làm bể bóng đầu tư và đánh sụt mức đầu tư của nước ngoài. Vẫn theo nếp cũ học được từ Trung Quốc, Hà Nội đã lại gia tăng đầu tư và bơm tín dụng như liều thuốc đổ bệnh nên kinh tế vừa bị suy trầm vừa lạm phát. Lý do cơ bản của hoạn nạn này là khả năng quản lý vĩ mô quá kém với nhiều biện pháp co giật thất thường của các cơ quan chức năng. Nhưng người dân còn thấy ra rằng đấy là cơ hội cho một số đại gia bành trướng ảnh hưởng và thu vét phương tiện cho họ. Nghĩa là vì tư lợi mà làm lệch chính sách công quyền.

Vũ Hoàng: Thưa ông, dường như là từ đầu năm ngoái, lãnh đạo của Việt Nam cũng có thấy ra điều ấy với Nghị quyết 11 và một gói chính sách để đẩy lui lạm phát.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đấy là quyết định đạp thắng để ổn định vật giá với cái giá phải trả là lãi suất quá cao làm doanh nghiệp thiếu vốn và chết kẹt khiến các ngân hàng cũng bị rủi ro mất nợ.

- Sâu xa hơn thế, lãnh đạo Hà Nội cũng thấy ra những thất quân bình trong cơ cấu kinh tế, nên từ Tháng 10 năm ngoái, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương mới đề ra ba yêu cầu tái cơ cấu, là thứ nhất đầu tư của khu vực công, thứ hai là hệ thống tài chính và ngân hàng và thứ ba là doanh nghiệp nhà nước, trong đó, nổi cộm hơn cả là phải tái cấu trúc lại các tập đoàn kinh tế nhà nước, những trung tâm có khả năng quản trị thấp mà quyền lợi cao. Một năm đã qua rồi mà yêu cầu tái cơ cấu ấy vẫn chưa tiến hành. Bàng bạc ở trên và lồng lên tất cả là nạn tham nhũng, một thuộc tính kinh tế của chế độ độc tài.

Vũ Hoàng: Thưa ông, hậu quả ngày nay là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hậu quả là ngày nay, Việt Nam đã hết thời kỳ tăng trưởng trên 7% một năm, tức là cứ 10 năm lại nhân đôi lợi tức, mà sẽ quanh quẩn ở mức 5% một năm, là phải 14 năm nữa thì lợi tức bình quân mới vượt mức hai ngàn một năm và từ nay đến đó sẽ là nhiều bất trắc. Các con số trừu tượng ấy thật ra vô nghĩa với mấy vạn doanh nghiệp của tư nhân bị vỡ nợ và hàng triệu người đang thất nghiệp. Nhiều cơ sở tư doanh không chỉ bị ngộp nợ và hàng hóa ế ẩm, tồn kho chất đống mà đã gặp cảnh ngộ gọi là "chết lâm sàng" và thị trường địa ốc bị đông lạnh.

- Nhìn lại thì Việt Nam có tăng trưởng mà thiếu phẩm chất, tương tự như Trung Quốc và thua xa các nước Đông Á khác. Đó là sự tăng trưởng bất công, không bền mà gây ô nhiễm, là làm hư hao tài nguyên quốc gia cho các thế hệ về sau. Ngay cho thế hệ này thì khoảng cách về lợi tức đã đào sâu và bị thiệt hại nhất chính là các sắc tộc thiểu số ở miền sơn cước. Đấy là vấn đề đạo lý và cũng là mối nguy khác về an ninh mà không xuất hiện từ biển Đông.

- Về viễn ảnh cho năm tới thì gánh nợ của nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã thành vấn đề, nhưng nặng đến mức nào thì không ai rõ. Và hệ thống ngân hàng thì có thể sụp vì mất nợ, mà mất đến cỡ nào và ai sẽ trả thì chẳng ai hay. Mà đấy chỉ là một phần của rủi ro thôi.

Vũ Hoàng: Theo nhận định của các định chế quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, thì năm tới đây Việt Nam có thể bị ba loại rủi ro như kinh tế toàn cầu bị đình trệ, vẫn còn gặp bất ổn về quản lý vĩ mô, và nếu lãnh đạo Việt Nam có cải cách thì vẫn gặp trở ngại trong thi hành. Ông nghĩ sao về những nhận định ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các định chế quốc tế ấy vẫn phải có những khuyến cáo với ngôn ngữ ngoại giao, trên cơ sở của những đánh giá tương đối vẫn là lạc quan.

- Quả thật rằng Việt Nam đã lầm lẫn nặng khi tìm sức tăng trưởng cao bằng đầu tư của công quyền trút vào khu vực kinh tế nhà nước và bằng tín dụng được cấp phát theo diện chính sách nên cũng ưu tiên trút vào các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy xứ này mới gặp các rủi ro trong năm tới như ông vừa nhắc đến. Nhưng rủi ro lớn nhất lại không nằm ở ba lĩnh vực đó mà là tình trạng tê liệt về chính trị vì quyền lực phe phái ở bên trong.

- Cả ba cái đầu là đảng, chính phủ và quốc hội đều nói đến cải tổ kinh tế và thực sự có những phát biểu hay can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng mà không đưa ra được một chính sách rõ rệt và nhất quán. Trong khi ấy, tay chân của ngần ấy phe phái vẫn tranh giành ảnh hưởng với nhau để bòn rút tài sản và bỏ chạy ra ngoài trước khi cả hệ thống bị sụp đổ. Tôi thiển nghĩ rằng mối nguy lớn nhất trong năm tới nằm ở đó và một thước đo của mức độ nguy ngập này chính là giá vàng. Đâu biết chừng vét vàng bỏ chạy là chính sách mà nhiều người có chức có quyền đánh giá là khôn ngoan hơn cả?

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-31/10/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link