Máu
người không phải nước lã
Tương Lai
Phải đánh vật với bài viết này để đưa lên mạng kịp
trong ngày 17.2 không phải vì đã cạn ý, nghẹn lời mà vì sự trăn trở chưa thể tự
lý giải được cho mình : tại sao người ta buộc phải làm thế hay cứ muốn làm thế
: Cố tình bắt dân tộc phải quên đi nỗi đau về một cuộc chiến tranh đã phơi trần
bộ mặt thật của cái người “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trong suốt ngần ấy
năm?
Không sao hiểu nổi khi cố tình
lờ đi, quên đi, không cho nhắc lại, bỏ tù những ai muốn biểu tỏ lòng căm thù
quân cướp nước gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu trên đất nước ta do Trung Quốc
tiến hành. Một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc chiến
Triều Tiên 1950, điều động 9 quân đoàn chủ lực và 3 sư đoàn độc lập với hàng
trăm xe tăng, hàng nghìn pháo, súng cối, dàn hỏa tiễn cùng với sự yểm trợ của
hạm đội Nam Hải và không quân sẵn sàng ứng phó. Một cuộc chiến tranh xâm lược
tàn khốc trên toàn tuyến biên giới với tội ác trời không dung, đất không tha,
lặp lại điều cha ông chúng xưa kia đã từng làm : giết sạch, đốt sạch. Các thị
xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng.
Máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã nhuộm đỏ trên biên cương tổ quốc.
Tôi vẫn cố tin và mong điều mình tin đó là sự thật : những người
ra cái mệnh lệnh ấy, vạch đường lối ấy, thảo chủ trương ấy, đưa ra chỉ
thị ấy dù là trên mực đen giấy trắng hay chỉ thị mật được truyền miệng trực
tiếp đến các cấp ủy, đến hệ thống truyền thông, báo chí… cũng có trái tim yệu
nước và căm giận bọn cướp nước. Vì, máu Việt Nam vẫn chảy trong huyết quản họ.
Hàng ngày họ vẫn phải nhìn vào ánh mắt của con cháu họ, những ánh mắt tuổi thơ
cần sự trong sáng và trung thực để lớn lên làm người tử tế. Họ, qua “đường giây
nóng” hay chỉ là cấp thực hiện có thể ráo hoảnh thề thốt với phóng viên nước
ngoài rằng không hề biết, hoặc không hề có những chủ trương, quyết sách, chỉ
thị nọ, nhưng chẳng nhẽ lương tâm họ chai lỳ trước những lời nói dối để trong
sâu thẳm tâm linh họ cũng chối bỏ nốt những thoáng dằn vặt hay run sợ ” Mai
sau dầu đến thế nào, Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỷ thần“.[Nguyễn Du]
Bởi chưng, máu người đâu phải nước lã! Anh linh của hàng vạn
đồng bào và chiến sĩ của ta ngã xuống trên sáu tỉnh biên giới ba mươi lăm năm
trước đây đã dồn góp vào, bối đắp thêm cho khí thiêng sông núi giữ
nhịp cho mạch sống đất nước, đang nâng đỡ chúng ta, nhắc nhở chúng ta, soi rọi
đầu óc chúng ta, và cũng nghiêm khắc trách phạt, căn dặn chúng ta hãy sống
trong cuộc đời này như thế nào.
“Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một
cõi đi về“[Trịnh Công Sơn]. Ấy vậy mà Nguyễn Gia Thiều lại từng cảnh báo :
“Kìa thế cục như in giấc mộng. Máy huyền vi mở đóng khôn lường”! Trong
sự “mở đóng khôn lường” đó, cuộc sống tự mở lấy đường đi cho chính nó.
Mọi vương triều, chính thể đều cuốn trôi theo dòng thác thời gian để cho sự
sòng phẳng nghiêm cẩn của lịch sử phán xét chúng. Lịch sử gần và lịch sử xa
đang hòa quyện vào nhau trong sự đa dạng và nhiễu nhương của thời cuộc hôm nay.
Những Trần Hưng Đạo rồi Trần Ích Tắc thế kỷ XIII, những Quang
Trung Nguyễn Huệ và rồi Lê Chiêu Thống, thế kỷ XVIII đang được nhân bản với
những gương mặt “hiện đại” của thế kỷ XX, rồi thế kỷ XXI này càng làm nổi rõ
thêm lực tỏa sáng cũng như sức trĩu nặng của “đôi vầng nhật nguyệt” trên
hai vai những người đương thời! Mà lịch sử có khi đi những bước chậm rãi nhưng
không thiếu những chuyển động đột biến.
Thế rồi, nói như Einstein “trong
ánh chớp của những cơn giông sáng lòe của một giai đoạn chuyển động, người ta
thấy các sự việc và con người như trần truồng… Các dân tộc chỉ bị thúc đẩy để
phát triển bằng nguy cơ và chấn động, mong rằng những chấn động này dẫn tới
những hệ quả tích cực“.
Vậy thì, những bàn tay dại dột đang cố tình che dấu sự thật có
che được nòng súng quân Trung Quốc xâm lược của
pháo Bằng Tường dội sang xối xả
dằng dặc dòng người sơ tán đổ về xuôi
Lẫn lộn người Kinh, người Tày, người Dao
nào gánh, nào xe, nào gùi, nào vác
hiển hiện những ngày xưa loạn lạc
biên ải xưa giặc giã mới tràn vào
những gương mặt nghìn năm đanh sắt lại
máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới
vẫn mới cả nón mê cả áo vá chân trần…
Miếng cơm ăn lẫn cát bụi bên đường
giấc ngủ ngồi che hờ tàu lá chuối
ngôi nhà không bỏ trống sau lưng
đàn trâu lang thang lũ gà con xao xác
lũ trẻ con mắt tròn ngơ ngác
chân trẻ con lũn cũn chạy như đùa
Trẻ con trên ôtô, trên xe trâu, xe thồ
trẻ con trên lưng trẻ con trên tay
trẻ con lon ton níu váy níu áo
đòn gánh nữa kìa kẽo kẹt nghiến trên vai
một đầu gánh là trẻ con còn đầu kia là nồi là gạo
mắt trẻ con cứ tròn thao láo
như hòn sỏi ném theo đoàn quân đi…
Bịt thông tin thì bịt, nhưng bịt “ánh mắt trẻ con cứ tròn
thao láo” mà nhà thơ Nguyễn Duy miêu tả trong “chùm thơ mặt trận Lạng
Sơn tháng 2.1979″ thì quá táng tận lương tâm.
Ánh “mắt trẻ con cứ tròn thao láo” ấy đang nhìn ông
chúng, nhìn cha chúng trong mâm cơm của các vị, trong giấc ngủ của các vị đấy.
Chẳng nhẽ các cháu sẽ vẫn tiếp tục bị bưng bít về tội ác của quân xâm lược
Trung Quốc trong cuộc chiến thanh biên giới tháng 2.1979 khi người ta gỡ bỏ yêu
cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách
giáo khoa.
Lời khẳng định “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng
các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật” cũng bị
bóc khỏi các trang mạng và trang viết. Một tít lớn chạy trên trang điện tử của
báo Thanh Niên : “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ
Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh
chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979-chiến
tranh bảo vệ biên giới phía Bắc” chỉ giữ trên mạng có nửa buổi, sau đó biến
mất! Chương trình tưởng niệm, thắp nến tri ân ‘Hướng về Hoàng Sa’ dự kiến diễn
ra tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) cũng bị hủy vào giờ chót với lời cáo lỗi
tội nghiệp của ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, rằng
“do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo“, một kịch bản vụng về.buộc
người diễn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để rửa mặt cho ai đó tọa lạc trên ngôi
cao, quyền lớn.
Vậy thì ở đây, sự thật không còn là sự thật nữa
hay ai đó sợ sự thật? Trang viet-studies ngày
11-2-2014 đăng bài của Hoàng An Vĩnh thì nói toạc ra rằng ” Cuộc trao
đổi qua đường dây nóng giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng là lý do
khiến Việt Nam đột ngột chấm dứt các hoạt động tưởng niệm 40 năm hải chiến
Hoàng Sa và 35 năm Chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc 1979“.
Liệu đây có phải là “sự thật”?
Nhưng hình ảnh kèm ngay đây thì chắc chắn là sự thật 100% không
có gì phải bàn nữa. Hãy xem người ta chỉ đạo đục bỏ dòng chữ Trung Quốc xâm
lược trên tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê. Ai chỉ đạo. Ai?
Chẳng nhẽ nhân dân ta “vì đại cục”, muốn giữ “hòa hiếu” với nhân dân Trung Quốc
đã tự ý “đục bỏ lòng yêu nước” của chính mình?
Và rồi ai chỉ đạo quét nhiều lớp nước vôi rất dày để làm
mờ đi dòng chữ ghi tên người nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm được khắc trên bệ
đá đặt bức tượng của người con gái từng là biểu tượng sống động của tuổi
trẻ trên tuyến đầu biên cương tổ quốc?
Trong bài báo có tên “Lại đục bỏ lòng yêu nước“, nhà báo
Lê Đức Dục viết :
“Sau khi chị hy sinh, tên của chị được đặt cho ngôi trường
cấp 2 xã Bình Ngọc (Móng Cái-Quảng Ninh) là trường Trung học cơ sở Hoàng Thị
Hồng Chiêm. Ở góc trường có bức tượng chị Chiêm bằng xi măng đặt trên bệ đá,
tay trái cầm khẩu AK, tay phải cầm thủ pháo, mắt nhìn thẳng kiên nghị về phía
trước, chân dẫm lên chiếc mũ quân Tàu… Vậy rồi gần 4 năm trước, năm 2010, cũng
không biết vì lý do gì, trường không còn mang tên Hoàng Thị Hồng Chiêm nữa,
quay lại với tên cũ là trường THCS Bình Ngọc“.
Chao ôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm với tầm nhìn xuyên suốt lịch sử về vị
thế địa- chính trị của bán đảo hình chữ S này đã những muốn mở nước về phương
nam để lùi xa bớt sức ép trứng chọi đá của nước láng giềng khổng lồ nhằm tạo dựng
cái thế “vạn đại dung thân” Nếu cụ Trạng Trình mà sống lại thì chắc cũng
phải lắc đầu chào thua cái “viễn kiến” hiện đại, tự co mình lại trong sự tự
huyễn “lấy nhu thắng cương“, kìm nén tối đa sức quật khởi của truyền
thống dân tộc mà ông cha bao đời truyền dạy nhằm giữ lấy hòa khí với cái nước
lớn “cùng chung ý thức hệ“!
Khốn nỗi, do lú lẫn hay hoang mang trong cơn bĩ cực đã biến chữ
“nhu” thành nhu nhược, xúc phạm đến lòng tự hào dân tộc, gây
phẫn nộ trong nhân dân. Về chuyện này thì lịch sử cũng đã có ghi, nhất là vào
những thời đoạn suy mạt của những vương triều. Không thiếu những hoàng thân,
quốc thích vì muốn giữ cái ngai vàng ruỗng nát đang lung lay đã quỳ gối trước
các thế lực xâm lược hoặc chạy sang Tàu cầu viện. Vì quyền lực gắn với lợi ích
của riêng của bản thân, gia đình, dòng họ, chúng đã phản bội tổ quôc, rước voi
dày mã tổ, bêu tiếng xấu muôn đời. Thế nhưng, hình như lịch sử không thấy ghi
những chuyện như kiểu “đục bỏ lòng yêu nước” của thời hiện đại!
Hãy ngược dòng thời gian để có cái nhìn đối sánh, lướt qua những
gì mà những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời hiện đạicùng chung thức hệ với
Mao – Đặng và những hậu duệ của họ đã “vượt xa” những bậc tiền bối ra sao.
Thoát khỏi ách Bắc thuộc, bước vào kỷ nguyên Đại Việt thì tìm về dân
tộc và thân dân là phương thuốc tích cực nhất để giải
nọc động vọng ngoại, giải Hán hóa, phải chăng đó là cội nguồn của hào khí “Đông
A” khiến vương triều Trần huy động được sức mạnh của quân dân, “lấy ít địch
nhiều”, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ XIII.
Sử gia Trần Quốc Vượng đưa ra một nhận định sâu sắc về ông vua
thứ 7 báo hiệu thời suy vong của vương triều Trần : “Ông vua trụy lạc Trần
Dụ Tông vẫn còn một điểm lương tri khi làm thơ ca ngợi đức độ Trần Thái Tông :
“miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng”. “Tuy đồng mà bất đồng” là một công thức hay
để chỉ thế đối sánh Việt Nam-Trung Quốc. Đồng ở cách, bất đồng ở cốt, giống
nhau ở phần biểu kiến, hiện tượng, kết quả Trung Quốc hóa, hội nhập văn
hóa với Trung Quốc trên bề mặt, khác nhau ở phần tiềm ẩn, bản chất- kết quả dân
tộc hóa, giải Hán hóa dưới bề sâu. Thực thể dân tộc tính đầu đời Trần rõ ràng
đến mức, trăm năm sau, cái ông vua thiếu quả quyết và bất lực như Nghệ Tông
cũng biết nói một câu khôn ngoan, đúng đắn : “Triều đình ngày trước dựng nước
tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam, Bắc đều làm chủ
nước mình, không cần phải bắt chước nhau“.
Xin nhớ là nhà sử học uyên bác này chỉ điểm xuyết đôi dòng
về thời suy mạt của một vương triều để chỉ ra điều nổi bật nhất trong tâm thế
Việt Nam : quyết không bao giờ khuất phục phong kiến phương bắc cho dù kẻ bành
trướng có sức mạnh áp đảo quyết đẩy dân tộc mình vào cái thế “châu chấu đá xe”.
Chỉ e răng có khi vị sử gia uyên bác này chưa lường được cái sức
mạnh của “ý thức hệ” được ghi đậm trên mười sáu chữ bịp bợm vẫn đang phù
phép, biến hóa những việc làm phi đạo lý, thất nhân tâm, quay lưng lại với
dân, chà đạp lên truyền thống dân tộc biến thành “tinh thần cảnh giác cách
mạng” nhằm chống lại “các lực lượng thù địch” làm mất uy tín của
Đảng khi mà “còn Đảng là còn mình“. Chẳng thế mà một ông từng giữ chức
rất to không úp mở vòng vo, đã nói toạc ra rằng “mất vài hòn đảo chưa sao,
mất Đảng là mất tất cả“.
Chẳng trách mà bọn xâm lược đang nuôi mộng siêu cường sẵn sàng
làm tất cả để thực hiện chủ nghĩa bành trướng sẵn sàng hà hơi tiếp sức cho
những người đang cố níu kéo cái ”ý thức hệ” lỗi thời đã mục ruỗng nhưng
vẫn đang là cái bình phong che chắn cho một thể chế chính trị đang triệt tiêu
động lực của sự nghiệp phát triển đất nước.
Chẳng phải là khi Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến tranh xâm
lược năm 1979 xua hơn 60 vạn quân tràn sang sáu tỉnh biên giới thì “điều
thực sự mà Trung Quốc muốn là ” làm cho Việt Nam bị kiệt quệ cả về quân sự và
kinh tế, và điều này sẽ diễn ra lâu dài“. Đây là nhận định của tạp chí Mỹ” Tuần
tin tức“, số ra ngày 21 tháng 3 năm 1979.
Trong chuyến thăm Mỹ trước đó, ngày 1.1.1979, Đăng Tiểu Bình đã
thăm dò về cuộc chiến tranh chốngViệt Nam và phản ứng của Mỹ. Với ông ta, đánh
Việt Nam chính là cách vạch rõ ranh giới bạn-thù, nói rõ Trung Quốc không còn
anh em, tình nghĩa gì với Việt Nam nữa. Tại Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ,
Đặng nói : “Chúng tôi không thể cho phép Việt Nam gây rối loạn khắp nơi, vì
hòa bình và ổn định của thế giới, vì chính đất nước mình, chúng tôi có khả năng
không thể không làm những việc mà chúng tôi không muốn làm”.
Tại Tokyo,
Đặng nói với Thủ tướng Nhật Tanaka: “Không trừng phạt kẻ xâm lược, sẽ tạo ra
những nguy hiểm phản ứng dây chuyền”, “ đang suy tính, để trừng phạt dù có gặp
những nguy hiểm nào đó cũng phải hành động”, ..“đối phó với loại người như thế,
không có những bài học cần thiết thì e rằng các hình thức khác đều không có
hiệu quả”. Thế đó!
Thật ra thì không phải đợi đến tháng 1 năm 1979, sau khi Việt
Nam đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, từ năm 1975 Trung Quôc
đã thực thi chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam, cái gai mắc ngang cổ họng chủ
nghĩa bành trướng Đại Hán không cho chúng nuốt trôi các nước Đông Nam Á và
chiếm trọn Biển Đông.
Tên lính xung kích được chúng sử dụng là bè lũ diệt chủng PolPot
ở Campuchia. Trung Quốc hứa viện trợ không hoàn lại cho chính quyền PolPot một
tỉ đôla trong vòng năm năm, bao gồm kinh tế và quân sự. Theo AFP thì số viện
trợ đó chiếm hơn một nửa tổng số viện trợ của Trung Quốc cho nước ngoài. Đặc biệt
là về quân sự : từ bảy sư đoàn năm 1975 lên 23 sư đoàn; giúp xây dựng ba thứ
quân và các binh chủng. Tổng số vũ khí mang nhãn hiệu Trung Quốc lên tới 450
khẩu pháo lớn, 294 xe tăng, 1.200 xe các loại, 42 máy bay; Trung Quốc đã cử
hàng nghìn cố vấn quân sự đến Cam-pu-chia.
Thực chất cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam là nhằm thực
thi âm mưu và thủ đoạn của người “vừa là đồng chí, vừa là anh em” cùng
chung “ý thức hệ” chứ chẳng phải là ai khác cả. Chẳng những thế, Đặng
Tiểu Bình còn láo xược gọi các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc tấn công Việt
Nam khi nhân dân ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài ngót nửa thế kỷ, mình
còn đầy thương tích là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học“.
Không hiểu những người trung thành với cái gọi là “ý thức hệ ”
với Đặng Tiểu Bình và những người kế tục ông ta đang ra sức bảo vệ cho mười sáu
chữ bịp bợm có nhớ về “bài học” này không? Có thể người ta cố tình quên, nhưng
thế giới thì họ nhớ. Tại Mỹ, bài báo nhan đề “ Ai cho ai bài học”
trên nhật báo phố Wall số ra ngày 6 tháng 3 năm 1979 đưa ra nhận xét : “ Sau
khi tính số lỗ lãi của đòn trừng phạt Việt Nam vừa qua của Trung Quốc, thế giới
có thể nhất trí rằng : Trung Quốc đã phải rút khỏi cuộc chiến tranh với uy tín
bị tổn thương và mặt mày đầy máu me, thương tích …”.
Có người lại cố nghĩ rằng, không phải cố tình quên mà là cao
kiến hơn, người ta cố nín nhịn để vận dụng chính sách Câu Tiễn sau khi thua
trận ở Cối Kê, quyết nằm gai nếm mật để phục thù, rửa hận lấy lại giang sơn?
Nếu có được cái quyết tâm đáng kính đó thì hãy nhớ rằng, những hậu duệ của Ngô
Phù Sai thế kỷ XXI này ranh ma quỷ quyệt gấp vạn lần bậc tiền bối của họ. Hãy
đọc lại những lời nham hiểm của Đặng Tiểu Bình vừa nêu ở trên thì cũng thấy
được phần nào trong khi những Ngũ Tử Tư của thời hiện đại này thì chẳng ai chịu
rỗi hơi khuyên can những người bị điếc đặc bởi tai đầy ắp những giáo điều ẩm
mốc đã biến thành kinh nhật tụng.
Hay là ai đó định chịu nhục như Hàn Tín thuở hàn vi phải chui
qua háng của anh bán thịt giữa chợ để mưu sự nghiệp kinh bang tế thế mà cuối
thế kỷ XXI này không biết có thấy được không. Rõ ràng là chuyện “đục bỏ lòng
yêu nước“, hay cuống cuồng trước sự cau mày phật ý hoặc lời khiển trách
qua đường dây nóng, so với chuyện chịu nhục để “lấy được thiên hạ” của người
tráng sĩ ở Hoài Âm xưa thì chẳng thấm vào đâu. Chỉ có điều, những Lưu Bang,
Hạng Vũ nơi xứ sở của hơn tỷ dân đang nuôi mộng siêu cường hôm nay không dễ bị
lừa bởi những mưu vặt của người không biết khai thác cái lợi thế mà thời đại
đang tạo ra để tự mình vươn lên hội nhập vào thế giới văn minh, tự cô lập để
vuột mất thời cơ. Mà mất thời cơ là cái mất lớn nhất.
Ấy vậy mà, trong khi nhà cầm quyền nín nhịn không cho phép công
bố sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu này thì bộ máy truyền thông
Trung Quốc, từ thông tấn báo chí đến văn học nghệ thuật suốt 35 năm nay đã ra
rả gieo vào đầu thế hệ trẻ nước họ và dân chúng họ “về cuộc đánh trả tự vệ“.
Nhiều nguồn tin cho rằng có tới trên 90% người dân TQ vẫn hiểu rằng năm 1979 bộ
đội Việt Nam đã vượt biên giới sang tấn công , bắt buộc quân đội họ phải tự vệ
!
Và, cũng do sự “nín nhịn” vì “đại cuộc” tệ hại này mà phần lớn
học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong hơn 1,4 triệu sinh viên
nước ta hầu như không biết về cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc tiến
hành.
E rằng, Hứa Thế Hữu, viên tướng Tổng chỉ huy quân xâm lược Trung Quốc
trong cuộc chiến tranh biên giới đã thất bại với chiến lược biển người quen
thuộc chắc cũng tự an ủi rằng mình không bị chết bỏ mạng như viên tướng xâm lược
của thế kỷ XVIII cũng họ Hứa, đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh, mà lại được thăng
chức. Oái oăm hơn nữa là mười năm sau, ngày 19.9.2008 lại được báo Hà Nội Mới,
“tiếng nói của Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội” trong một bài viết nhan đề là “Thu
phục tướng tài” đã ca ngợi viên tướng xâm lược bắn giết dân mình ở biên giới,
hậu duệ của viên tướng xâm lược thế kỷ XVIII, là một tướng tài. Cần nói thêm
rằng, Hứa Thế Hữu cũng chính là viên tướng chỉ huy cuộc đánh chiếm Hoàng Sa!
Đến Lê Chiêu Thống, kẻ đã rước Hứa Thế Hanh vào nước mình cũng
chưa hề được nghe nói hay được đọc dòng nào là y đã tán tụng những tên xâm lược
như hôm nay người ta đang làm. Quả là chẳng còn gì để nói.
Vì thế, không lạ khi vào những năm chẵn như năm vừa rồi kỷ niệm chiến
thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó
kỷ niệm cuộc chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đòn quyết định đánh
sụp sức mạnh không quân của đế quôc Mỹ, đưa tới việc ký kết Hiệp định Paris,
các cuộc kỷ niệm ấy diễn ra rất rầm rộ và hào hùng. Thế nhưng, kỷ niệm 35 năm
cuộc chiến tranh biên giới đánh tan gần 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc thì
không khí lạnh tanh! Có chăng chỉ có sự náo động của lực lượng trấn áp, kể cả
côn đồ được thuê để hành hung người biểu tình hô khẩu hiệu yêu nước chống bọn xâm
lược.
Mọi sự dài dòng giải thích hay cao giọng rao giảng nhằm hạ nhiệt
những bức xúc đang sục sôi trong tâm trạng xã hội trở nên trơ trẽn trước thực
tế phũ phàng của những điều vừa dẫn ra! Chính cái đó nói lên tại sao lòng dân
ly tán, trật tự an toàn xã hội rối loạn. Khi mà sự nói dối lộ liễu, “sự nói dối
vĩ đại”, đang cầm chịch cho nhịp đập của xã hội thì trách gì chuyện văn hóa
xuống cấp, đạo lý suy đồi.
Vậy thì, nếu “ dân tộc và thân dân”
là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc động vọng ngoại, giải Hán hóa buổi mở
đầu kỷ nguyên Đại Việt cách đây mười thế kỷ khi đất nước khỏi ách bắc thuộc thì
trong thời đại của nền văn minh trí tuệ và kinh tế tri thức hôm nay, biết vứt
bỏ cái ý thức hệ lỗi thời, đặt lợi ích của dân tộc và tổ quốc lên trên hết và
trước hết để thực tâm mở rộng dân chủ, công khai và minh bạch xây dựng nhà nước
pháp quyền và mạnh dạn phát huy sức mạnh của xã hội dân sự nhằm huy động ý chí
và sáng kiến của dân, tạo ra một động lực mới, thúc đẩy phát triển. Đó là mệnh
lệnh của cuộc sống, và cuộc sống sẽ mở đường đi cho chính nó.
Máu của đồng bào và chiến sĩ ta đổ ra trong các cuộc chiến tranh
giữ nước đã thấm đẫm từng tấc đất, thước núi, triền sông, vụng biển sẽ
không uổng nếu mệnh lệnh ấy của cuộc sống được thực hiện.
Ngày 16.2.2014
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment