Monday, February 17, 2014

Nhận định của một vị tướng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc 1979


Nhận định của một vị tướng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc 1979

PetroTimes - Vẫn tác phong nhanh nhẹn, hồ hởi và lối tư duy sắc sảo, mạch lạc của người chỉ huy chiến đấu năm xưa khi anh kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong những tháng năm ở chiến trường. Trưởng thành từ người chiến sĩ ngoài mặt trận rồi sau này trở thành Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, anh là người lính chiến dày dạn kinh nghiệm. Trong những ngày đầu chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc, anh giữ cương vị Phó chính ủy trung đoàn. Ông dành cho phóng viên PetroTimes một cuộc trò chuyện rất tâm đắc.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm đang tặng hoa cho các cựu chiến binh cao tuổi của Sư đoàn 316
PV: Thưa anh, là người trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu chống quân Trung Quốc trên biên giới phía Bắc, sau 35 năm nhìn lại, anh có suy nghĩ như thế nào về cuộc chiến ấy?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Trước hết phải nói thế này, tôi có một suy nghĩ khác với nhiều người về cuộc chiến tranh đó. Lâu nay chúng ta quen với tên gọi là Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung, như vậy không đúng.
Theo tôi, phải gọi đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam. Lý do là hai nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị gắn bó từ những năm chúng ta còn kháng chiến chống Pháp. Biên giới lãnh thổ đã được phân định rõ ràng. Vậy mà phía Trung Quốc ngang nhiên đưa hàng chục vạn quân đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc đã dùng sức mạnh áp đảo để chiếm 4 thị xã và hàng chục huyện dọc biên giới của ta trong thời gian gần một tháng. Như vậy rõ ràng phải gọi nó là cuộc chiến tranh xâm lược.
PV: Khi chiến tranh nổ ra, anh đang đóng quân ở đâu và giữ cương vị gì?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Lúc đó Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 chúng tôi đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là Lai Châu). Tôi là Phó chính ủy trung đoàn. Ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn nên chiều ngày 18/2 chúng tôi mới nhận được thông báo Trung Quốc đã đánh vào thị xã Lào Cai. Thế là ngay chiều hôm ấy, trung đoàn tôi và Trung đoàn 174 được lệnh khẩn cấp hành quân về Lào Cai để đánh phản kích.
PV: Tình thế chiến trường lúc đó thế nào, thưa anh?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Ở hướng Lào Cai, quân Trung Quốc không đánh theo hướng trực diện qua cầu Hồ Kiều vào thị xã mà tiến bằng hai hướng Quang Kim, Bát Xát và ngã ba Bản Phiệt xuống. Pháo của địch bắn rất dữ dội để dọn đường cho bộ binh nên sau một ngày chúng đã chiếm được thị xã Lào Cai. Lực lượng địch được huy động đông gấp hàng chục lần phía ta.
Trước tình hình đó, Trung tướng Vũ Lập – Tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh phá một số cây cầu để làm chậm tốc độ tiến công của địch. Đồng thời, Trung đoàn 148 nhận nhiệm vụ phòng ngự để bảo vệ dân, dàn quân từ Cốc San lên tuyến đường đi Sa Pa. Từ 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường, hàng vạn người dân hoảng loạn chạy sơ tán về phía sau. Như vậy là bộ đội tiến lên phía trước, còn dân chạy về phía sau, tránh chết chóc. Trước đó chúng ta quen với chiến tranh giải phóng, bây giờ mới thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cảnh tượng lúc đó giống như trong những bộ phim của Nga trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Trung đoàn 148 có tới 80% là chiến sĩ trải qua chiến đấu ở chiến trường chống Mỹ từ phía Nam ra, rất kiên cường, dũng cảm. Đại đội 10 của Tiểu đoàn 6 chiếm giữa điểm cao 608, Trung Quốc dùng một sư đoàn tấn công 7 ngày nhưng không lên nổi. Sau đó họ lấn chiếm được một nửa điểm cao thì tôi tổ chức cho bộ đội đánh giáp lá cà khiến quân địch hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Chính vì thế, Sư đoàn 316 đã đánh thọc sườn, chặn quân Trung Quốc không tiến sâu được nữa.
Suốt 1 tuần lễ, Trung Quốc dùng hơn một quân đoàn và lực lượng pháo binh rất mạnh để đánh về Cam Đường và Sa Pa nhưng rồi cũng chỉ quanh quẩn ở thị xã Lao Cai. Khi địch vào được Sa Pa thì chúng tôi đã bảo vệ dân rút an toàn về phía sau. Nếu tiến thêm nữa thì Trung Quốc sẽ gặp khó khăn vì Trung đoàn 148 đã chặn đánh chúng ở đèo Khí tượng.
Bây giờ tôi không muốn nhắc lại chi tiết những trận chiến đấu ác liệt ngày đó nữa. Chỉ biết rằng, cuộc chiến đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả hai phía. Sau mấy trận chiến đấu, tôi được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba và được bổ nhiệm thẳng lên làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 148.
PV: Là cán bộ trực tiếp chỉ huy chiến đấu, anh rút ra những điều gì về cuộc chiến tranh đó?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Đó là những vấn đề tôi vẫn suy nghĩ từ nhiều năm nay. Thứ nhất là chúng tôi bất ngờ trước sự tấn công của Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì quá vội vã. Chỉ 15 ngày sau khi Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Ca-tơ là đánh ta luôn. Trong tư duy của chúng tôi trước đó thì không thể có chuyện Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự để đánh Việt Nam mà vẫn chỉ là những mâu thuẫn trong quan hệ đối ngoại, sẽ được hai nhà nước giải quyết bằng con đường ngoại giao. Vì thế, một số đơn vị đóng quân ở phía Bắc chỉ huấn luyện và tham gia sản xuất. Mà huấn luyện thì cũng vẫn huấn luyện bộ đội theo cách đánh Mỹ.
Thứ hai là nếu chúng ta xác định rằng Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam thì chủ động hơn trong cách đánh phòng ngự. Và với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm ở chiến trường đánh Mỹ, chắc chắn bộ đội ta sẽ chặn đứng được bước tiến của địch trong những ngày đầu.
Thứ ba là qua thực tế chiến trường, chúng tôi thấy trình độ tác chiến, kỹ năng chiến đấu của quân Trung Quốc còn kém, lính rất nhát. Bởi bao nhiêu năm quân đội Trung Quốc không đương đầu với cuộc chiến tranh nào nên khi chạm trán với những người lính thiện chiến Việt Nam, lính Trung Quốc rất lúng túng, chỉ dựa vào quân đông và hỏa lực mạnh. Tư tưởng của người lính trên chiến trường có ý nghĩa quyết định thắng bại. Quân đội ta đánh Pháp, đánh Mỹ và vừa đánh thắng bọn Pôn Pốt ở Campuchia hơn một tháng trước đó có tác động đến tư tưởng của quân Trung Quốc. Họ run sợ. Nếu cố tiến sâu nữa thì Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nề hơn.
Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội ta bắn cháy trong cuộc chiến tranh biên giới.
PV: Với kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường, anh thấy quân Trung Quốc với quân đông, hỏa lực mạnh như thế thì tốc độ tấn công, hiệu suất chiến đấu của họ trên thực tế thế nào?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi cho là tốc độ tấn công của họ quá chậm. Ở các hướng, tính bình quân mỗi ngày họ chỉ tiến được hơn 1 cây số. Bởi họ đã vấp phải sự kháng cự dũng cảm của quân và dân ta. Như ở Lào Cai, một quân đoàn của Trung Quốc mà đánh nhau với một trung đoàn của ta còn mất hàng tuần mới tiến được có mấy cây số. Chính vì thế, khi quân Trung Quốc vào được Sa Pa và Cam Đường thì chúng tôi đã bảo vệ dân rút hết về phía sau rồi.
Trung Quốc nói tiêu diệt quân chủ lực của ta nhưng không có chuyện đó. Mặc dù lực lượng mạnh như thế nhưng tấn công xâm lược mà không diệt gọn được đại đội nào của ta. Ta lượng sức mình yếu trước kẻ mạnh nên phải bảo toàn lực lượng, có đơn vị vừa đánh vừa rút. Và thực chất là tháng 2/1979, Trung Quốc mới đánh nhau với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ ở biên giới của ta thôi. Thế mà họ đã bị thiệt hại nặng nề.
PV: Anh có nhận xét gì về cuộc tấn công xâm lược ấy của Trung Quốc?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Trung Quốc đã thất bại cả về quân sự, chính trị, ngoại giao; cả về ý nghĩa xã hội, nhân văn. Phát động một cuộc chiến tranh xâm lược như thế, họ muốn gây sức ép buộc ta rút quân khỏi Campuchia và kéo dài việc đàm phán phân định biên giới. Nhưng qua cuộc xâm lược ấy, họ thể hiện sự yếu kém. Cho nên tôi cho rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đã thua về nhiều mặt chứ chẳng vẻ vang gì như họ vẫn tuyên truyền lâu nay.
PV: Anh muốn nói gì với thế hệ trẻ hôm nay qua cuộc chiến tranh ấy?
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tôi muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ sự thật của cuộc chiến tranh xâm lược ấy của Trung Quốc. Từ đó tự hào với truyền thống đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc – truyền thống quý báu của bất kỳ thế hệ nào. Như vậy, vấn đề giáo dục truyền thống phải được chú trọng. Tôi thấy các bảo tàng quân sự của ta không có nội dung phản ánh cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Đó là một thiếu sót, cần phải bổ sung ngay. Lịch sử là lịch sử. Thế hệ trẻ cần được hiểu rõ sự thật lịch sử tháng 2/1979!
PV: Xin cám ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện!
Đức Toàn

Nhà văn Võ Thị Hảo : Bưng bít thông tin về cuộc chiến tranh biên giới 17/02/1979 là thể hiện sự vô trách nhiệm

Võ Thị Hảo


Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung vào năm 1979 tuy là một cuộc chiến ngắn hạn do Bắc Kinh tiến hành nhưng nó đã gây ra biết bao tang tóc đổ vỡ cho người dân Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.
Sau khi cuộc chiến chấm dứt, nhà cầm quyền CSVN lúc đó đã tuyên bố đây là chiến thắng vĩ đại.
Tuy nhiên từ đó tới nay nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm chiến thắng này như họ đã từng tổ chức rầm rộ chiến thắng Điện Biên Phủ 1945 hay 30.4.75. Ngoài ra họ cũng chưa bao giờ dám tổ chức tưởng niệm sự hy sinh của quân và dân Việt Nam trong trận chiến bảo vệ tổ quốc trước quân Trung quốc xâm lược này. Thậm chí họ còn ngăn cấm bất kỳ thông tin nào về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 17.2.1979.
Tại sao như vậy ?  Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa nhà văn Võ Thị Hảo và phóng viên Trần Quang Thành:
 
Track #1
Chú thêm: một nguồn đáng tin cậy cho phóng viên Dân quyền biết  rằng công văn cấm đoán được phóng viên Trần Quang Thành nhắc tới trong câu hỏi cuối là có thật, và người ký là chính cái  ông quan to của ĐCSVN  người mà đã chối đay đảy rằng ông ta không biết gì  và ở Việt Nam không có kiểm duyệt trong một phỏng vấn với một đài nước ngoài.





No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -21/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link