Saturday, February 22, 2014

Từ đỉnh cao của sự kiêu ngạo đến tận đáy của bạc nhược


Từ đỉnh cao của sự kiêu ngạo đến tận đáy của bạc nhược

Công an đánh đập,tra tấn Sinh viên Công Giáo VINH - Hà nội

Song Chi
Theo RFA
000_Hkg9489123.jpg
Có người còn đưa ra những bằng chứng cụ thể như trước đây, trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, người ta có thể nói những người cộng sản là cuồng tín, tàn ác, sắt máu nhưng đâu ai nói họ hèn, hay thậm chí, ngay trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, nhà nước cộng sản VN lúc đó cũng đâu đến nỗi bạc nhược trước Trung Cộng như bây giờ.

Miễn là được yên thân

Thật ra hỏi cũng tức là đã tự trả lời. Tôi tin rằng chúng ta hiểu vì sao họ lại hèn đến mức bất chấp mọi lời chửi rủa, không thể nào không lọt đến tai họ, của người dân, bất chấp việc bị Bắc Kinh coi khinh như giẻ rách, bất chấp cả việc mất đất mất đảo mất biển, mất dần chủ quyền, miễn là được yên thân. Cho dù chỉ là sự bình yên tạm bợ được Bắc Kinh ban phát tùy theo từng thời điểm, từng giai đoạn nằm trong sự tính toán chiến lược thâm sâu.

Có gì đâu. Trước đây nếu những người cộng sản chưa biết sợ khi lao vào cuộc chiến với Pháp, với Mỹ, vì khi đó ít ra họ còn có lý tưởng, còn có niềm tin vào đảng, vào tương lai sẽ xây dựng một nước VN xã hội chủ nghĩa tươi đẹp hơn, công bằng hơn các chế độ tư bản thối nát. Mọi đói nghèo lạc hậu khốn khó của hiện tại dễ dàng được đổ thừa cho chiến tranh và sau khi chiến thắng “ta sẽ xây dựng trăm nghìn lần hơn”.

Khi đó họ còn có các nước XHCN anh em bên cạnh, đặc biệt có hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc không tiếc sức tiếc của chi viện tối đa từ tài chính, lương thực, hàng hóa ở hậu phương cho tới vũ khí các loại ngoài mặt trận, chưa kể cố vấn, và cả lính Nga, lính Tàu đều có mặt tại VN.

Sau chiến tranh, khi mọi chuyện thỉnh thoảng lại được phía Liên Xô, Trung Quốc tiết lộ, người ta mới biết có đến hàng ngàn binh lính và cố vấn Liên Xô, hàng trăm ngàn binh lính Trung Quốc thuộc các binh chủng khác nhau đã trực tiếp chiến đấu bên cạnh người lính cộng sản Bắc Việt. Như đầu đề một bài báo trên đài RFA viết về ngày 30 tháng Tư từ mấy năm trước: “Chống “ngoại xâm” bằng “ngoại nhân”.Trên thực tế, cả hai miền Nam Bắc anh em một nhà đã lao vào đánh giết nhau chỉ với xương thịt da là của VN, còn lại mọi thứ là của các đồng minh đôi bên!

Trước đây nếu những người cộng sản chưa biết sợ vì họ còn lừa bịp được nhân dân tin vào tính chính nghĩa của cuộc chiến, tính chính danh của họ khi giỏi bưng bít thông tin, tuyên truyền một chiều.

Nhưng bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Lý tưởng không còn, niềm tin vào học thuyết Mác Lênin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tin vào sự toàn thắng của phe xã hội chủ nghĩa và sự triệt tiêu của các nước tư bản…tất cả đã vỡ vụn đến mức phải u mê lú lẫn lắm giờ này mới còn nói đến những điều như vậy. 

Nhìn quanh quất cả thế giới bây giờ chỉ có mấy quốc gia là còn do đảng cộng sản lãnh đạo, nhưng mỗi nước mỗi con đường, mỗi toan tính riêng, chẳng ai giúp ai, thậm chí hai nước “anh em, đồng chí” Việt-Trung còn đánh nhau vỡ mật mấy lần và vẫn đang trong tình trạng lấp lửng không biết liệu có lại xảy ra chiến tranh nữa hay không.

nguyenxuandienblog-305.jpg
Chiến thuật nhảy đầm của nhà cầm quyền VN nhằm ngăn chặn nhân sĩ trí thức tưởng niệm ngày chiến tranh biên giới 17/2. Ảnh chụp hôm 16/2/2014 tại Hà Nội.

Thời đó, miền Bắc dốc hết sức người sức của cho cuộc chiến, cả xã hội sống cần kiệm đơn giản, người ở hậu phương hay ở mặt trận, người lính hay tướng tá ai cũng vô sản gần như nhau, ai cũng đói khổ nên chẳng ai tỵ nạnh so bì ai.

Bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Dân đa số vẫn khổ nhưng đảng viên quan chức người nào cũng giàu, càng chức lớn càng giàu, càng giàu càng sợ mất, mà muốn giữ của, giữ ghế thì bằng mọi giá phải giữ cho chế độ tồn tại, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc. Bây giờ nếu chiến tranh nổ ra, cái đám giàu có con ông cháu cha ấy chắc chắn sẽ tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không phải đã từng có ý kiến đề xuất cho đóng tiền thay việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đó sao. Cuối cùng cũng vẫn là dân đen tiếp tục phải hy sinh xương máu, nhưng lần này liệu họ có cam chịu hy sinh để cho kẻ khác tiếp tục ngồi hưởng hết đời cha đến đời con, cháu, chắt…?

Bây giờ mọi chuyện đã khác. Đảng cộng sản không còn được người dân tin nghe nữa, không những thế, đảng cộng sản từ lâu đã trở thành một thế lực phản động, là lực cản lớn nhất cho con đường phát triển trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh của đất nước.

Đâu cũng thấy “thế lực thù địch”

Không còn bạn bè đồng minh cũng không còn dân bên cạnh, nhìn đâu cũng chỉ tưởng tượng ra những “thế lực thù địch”, đảng cộng sản VN trở nên hèn là phải.
Đó là chưa kể, đánh nhau với các nước dân chủ như Pháp như Mỹ thì chính phủ các nước ấy còn biết sợ dân, sợ báo chí truyền thông, sợ dư luận quốc tế, nếu báo chí, dư luận và người dân mà làm căng quá thì họ phải rút khỏi cuộc chiến. Còn với một chế độ độc tài độc đảng như Trung Cộng, báo chí truyền thông, luật pháp nằm trong túi nhà cầm quyền, muốn định hướng báo chí viết cái gì, muốn nhồi sọ người dân ra sao mà chẳng được.

Lính Mỹ mà chết, báo Mỹ, dân Mỹ làm ầm lên. 

Còn Trung Cộng nếu có chết hàng vạn, hàng chục vạn lính lẫn dân thường, từ chỉ huy đến Tổng Bí thư vẫn chả hể hấn gì. Người dân Trung Quốc thì bị nhà cầm quyền tuyên truyền sai lệch, kích động lòng tự hào dân tộc, phần lớn chắc chắn sẽ lại tin và ủng hộ nhà nước của họ. Cứ nhìn cách báo chí, người dân TQ phản ứng với Nhật, Philippines, cho tới VN lâu nay thì rõ.

Đánh nhau với Trung Cộng là đánh nhau với một nhà nước bất chấp luật pháp quốc tế, nói một đằng làm một nẻo, vừa cướp đất, đảo của nước khác vừa la làng. Là đánh nhau với các thế hệ lãnh đạo có đủ mưu mẹo thâm sâu để có thể mua chuộc dàn lãnh đạo nước khác, bao vây, cô lập, lũng đoạn về kinh tế, chính trị, trong khi vẫn tiếp tục chiến lược “gậm nhấm” dần dần biển, đảo của nước khác song song với cuộc xâm lăng từ từ bằng con đường văn hóa. Với một sự tấn công mọi mặt như thế, đảng cộng sản VN phải vất vả chống đỡ hơn nhiều so với một kẻ thù trực diện, công khai ngoài chiến trường. Và họ thừa biết điều đó.

Chưa kể mấy chục năm thắm thiết như “môi với răng”, nhà cầm quyền TQ quá hiểu nhà cầm quyền VN, hiểu những điểm yếu chết người, hiểu cái hèn muốn giữ vững chế độ bằng mọi giá của họ. Và Bắc Kinh đã tận dụng tối đa những điểm yếu ấy. Qua thời gian, khi sự lệ thuộc về mọi mặt của VN vào TQ càng lớn, cái hèn của tập đoàn Ba Đình đối với tập đoàn Trung Nam Hải cũng càng lớn.

Cái hèn, cái sợ ấy càng nhân lên khi chính họ tự hù dọa mình và hù dọa nhân dân. Rằng TQ mạnh thế, to thế, đông thế, ta đánh nhau với nó chỉ có thua thiệt, chi bằng cố gắng duy trì mối quan hệ tốt giữa hai bên. Họ cảnh báo người dân đừng dại mà sa vào âm mưu kích động thù hằn, gây chia rẽ tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai đảng, hai nước của các “thế lực thù địch”. Họ khuyên nhủ người dân rằng chiến tranh là tai họa, đánh nhau thì dân khổ, lại thêm những người vợ mất chồng, những bà mẹ mất con…

Sao bây giờ họ tử tế thế. Sao trước đây họ không nghĩ được như thế trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, bỏ qua bao nhiêu cơ hội có thể tìm kiếm hòa bình, thống nhất bằng một con đường khác, không phải hy sinh xương máu? Ngay cả khi đã có thỏa hiệp ngưng bắn, đình chiến trong 3 ngày vào dịp Tết Mậu Thân 1968, họ vẫn cứ phát lệnh “tổng tấn công”, ngay cả khi Hiệp định hòa bình Paris đã được ký kết, Mỹ đã rút khỏi VN, họ vẫn cứ quyết đánh chiếm miền Nam cho bằng được?

Câu trả lời chỉ vì khi ấy chưa chiếm được hết đất nước thì phải đánh chiếm cho bằng được, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Còn bây giờ khi đã có được quyền lực thì sợ mất, phải giữ bằng mọi giá, trở thành hèn hạ bạc nhược, bất cứ người dân nào có suy tư đến vận mệnh đất nước cũng đều phải nhận thấy vì nó quá lộ liễu.

Hèn đến độ mọi thứ thông tin có liên quan đến “anh bạn vàng” và mối quan hệ bất xứng giữa hai bên đều trở thành “nhạy cảm”, cấm kỵ, Trung Cộng có lấn lướt, ngang ngược, chơi xấu đến đâu cũng nhịn.

Hèn đến độ sẵn sàng công khai đàn áp những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Sài Gòn, Hà Nội, bắt bớ, đánh đập, kể cả kết án tù dài hạn một số khuôn mặt nổi bật trong các phong trào biểu tình và những người lên tiếng mạnh mẽ nhất, trong khi tiếp tục sách nhiễu người thân của họ và tìm mọi cách triệt tiêu đường sống lẫn nghề nghiệp của người khác. Sẵn sàng sử dụng mọi trò bẩn, ném đá giấu tay, khi thì cho côn đồ ném mắm tôm, chất bẩn vào những người yêu nước, chặn đường gây sự tấn công, đạp ngã xe gây tai nạn, dùng đội ngũ dư luận viên, bồi bút viết bài bôi nhọ, vu khống những người dám dũng cảm lên tiếng v.v…

Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia độc tài nhất chắc cũng thua xa mưu trí của nhà cầm quyền VN trong những chiêu trò đối phó với chính người dân của họ. Mới đây là dùng công an giả dạng công nhân đem mấy phiến đá ra đục cho rõ to, bụi mù mịt tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Gươm, Hà Nội để phá đám người yêu nước định tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa 19 tháng Một; lần sau, cũng ngay trước chân tượng đài Lý Thái Tổ, họ lại cho đám đảng viên, hưu trí ra nhảy nhót quay cuồng, vặn âm thanh thật to để ngăn chặn lễ tưởng niệm 35 năm ngày chiến tranh biên giới Việt-Trung 17 tháng Hai và 60 vạn hương hồn dân quân đã ngã xuống trong cuộc chiến ấy…Hà Nội có thể “hãnh diện” vì cái trò thô bỉ này của họ đã được báo chí khắp thế giới loan tải để dư luận thế giới tha hồ mà khinh bỉ họ.

Mở một cái ngoặc ở đây, tình cờ đọc được bài viết “Ký ức đám cưới của con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn: 17.2.1979” trên báo Thanh Niên của nhân vật chính, kể về cái đám cưới diễn ra ngay đúng vào ngày Trung Quốc tấn công VN trên toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc.

Nếu như ở bất cứ một quốc gia dân chủ nào khác, có một cái đám cưới của con trai ông Tổng thống hay Thủ tướng khi chiến tranh xảy ra như vậy thì ông Tổng thống hay Thủ tướng đó sẽ lập tức hoãn ngay đám cưới con trai lại và lên truyền hình loan báo chiến tranh đồng thời trấn an người dân. Hoặc thậm chí phải đích thân bay ra chiến trường có mặt bên cạnh các người lính, nếu không muốn người dân chửi cho mục mả, đòi phải từ chức ngay. Đôi khi người kể chuyện cứ hồn nhiên kể lại một sự kiện nào đó và nghĩ rằng như thế chứng tỏ sự điềm tĩnh, coi là bình thường của các lãnh đạo VN khi chiến tranh bất ngờ xảy ra, nhưng người đọc lại hiểu ra những sự thật khác!

Khi một đảng cầm quyền có những người lãnh đạo vẫn thản nhiên ăn mừng một đám cưới khi hàng ngàn người lính lẫn người dân đã ngã xuống ngay trong ngày đầu tiên giao chiến với quân thù, thì cũng chẳng lạ gì nhiều năm sau, các thế hệ đàn em của họ có thể ra lệnh cho một thiểu số dân chúng nhảy múa ngay trong cái ngày nổ ra chiến tranh ấy!
Song Chi, 20/02/2014

Người Việt trước ý đồ Hán hóa

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California
Cập nhật: 03:24 GMT - thứ sáu, 21 tháng 2, 2014
Lịch sử Việt Nam là chiều dài của những chiến tích chống ngoại xâm. Nhiều lần bị Bắc thuộc rồi nước Việt cũng giành được độc lập, tự chủ. Nhiều lần bị xâm lăng rồi dân Việt cũng đánh đuổi được giặc ngoại xâm.
Qua hàng nghìn năm, lịch sử đã chứng minh Trung Quốc luôn muốn biến đất Nam Việt thành một tỉnh của họ nhưng không thành. Các đoàn quân với binh hùng, tướng mạnh sau những chinh phục lẫy lừng ở nhiều nơi khác, khi đến biên cương Việt Nam đều phải khựng lại vì sức kháng cự của dân Việt.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Nhưng lịch sử cận đại vẫn cho thấy hiểm họa xâm lăng từ phương bắc thời nào, lúc nào cũng có.
Tháng 1/1974 lãnh đạo Bắc Kinh đưa chiến hạm xuống chiếm Hoàng Sa, lúc đó còn là một phần của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Dù không giữ được các đảo, những người lính hải quân Việt Nam Cộng hòa đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ miền đất đó. Trong trận hải chiến Hoàng Sa, 74 binh lính Việt Nam Cộng hòa đã tử trận.

Năm năm sau, khi đất nước đã thống nhất, đêm 17/2/1979 Trung Quốc lại đem 60 vạn quân tấn công vào các tỉnh dọc biên giới phía bắc của lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài một tháng trước khi bộ đội Việt Nam đẩy lui quân xâm lăng về qua biên giới. Bảo vệ được đất nước nhưng con số binh lính và dân Việt hy sinh trong cuộc chiến này lên đến 6 vạn người.

Chiến tranh biên giới còn âm ỉ kéo dài nhiều năm sau đó và có lúc đã nóng lên ở Hoàng Liên Sơn.
Đến tháng 3/1988 Trung Quốc lại đem tàu chiến xuống chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong trận hải chiến Gạc Ma, 64 bộ đội hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh.

Ý đồ Hán hóa

Lịch sử Việt Nam từ xa xưa với Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đánh bại đoàn quân giặc nhưng gần đây xung đột biên giới, đụng độ trên Biển Đông là nhắc nhở dân Việt về ý đồ Hán hóa nước Việt từ phương Bắc vẫn còn.
"Nếu không cảnh tỉnh, cùng nhau đoàn kết trong tinh thần Diên Hồng thì hiểm họa lại bị Bắc thuộc có thể xảy ra."
Nếu không cảnh tỉnh, cùng nhau đoàn kết trong tinh thần Diên Hồng thì hiểm họa lại bị Bắc thuộc có thể xảy ra.
Nhiều người Việt đã nhận thức được điều này. Trong nước dù có những khó khăn, nhưng để khơi dậy tinh thần Diên Hồng nên từ vài năm qua, đặc biệt là vào đầu năm nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa, một số cơ sở truyền thông đã nhắc đến trận chiến và sự hy sinh của 74 binh lính Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ Tổ quốc.

Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tán đồng việc đưa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình giáo khoa. Tuy nhiên các báo sau khi đưa tin về đề nghị này lại phải gỡ bài xuống, rồi chương trình tưởng niệm Hoàng Sa tại Đà Nẵng bị hủy bỏ vào giờ chót. Những sự kiện đó cho thấy sự phức tạp của vấn đề.

Ngày 17/2 vừa qua là mốc thời gian ghi dấu 35 năm cuộc chiến tranh chống lại tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Ở thủ đô Hà Nội, sáng Chủ nhật 16/2 dự trù có tập họp tưởng niệm trước tượng đài Lý Thái Tổ, nhưng nơi đây đã bị giới chức chính quyền giành chỗ, cho dựng sân khấu và đúng lúc cuộc biểu tình diễn ra, giới chức năng thành phố đã mở nhạc cho ca hát nhảy múa, một việc làm bị nhiều người lên án là hành động vô ơn và sỉ nhục đối với anh linh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ.

Tại Sài Gòn, tuy số công an theo dõi đông hơn số người tham dự, sáng 18/2 khoảng 30 nhân sĩ, trí thức đã tụ họp dưới tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh để tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979.

Xét về ý nghĩa thì địa điểm tại Sài Gòn thật thích hợp với truyền thống dân tộc vì nơi đó mang danh những anh hùng đã được người Việt của mọi thời đại tôn vinh.

Dấu tích lịch sử chống xâm lăng từ phương Bắc của dân tộc Việt được thể hiện qua việc đặt tên đường phố, tên đơn vị hành chánh trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội và tại Sài Gòn, thủ đô cũ của Việt Nam Cộng Hòa.
Biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để phản đối chính sách bành trướng của Bắc Kinh (ảnh Bùi Văn Phú)

Không nên ngăn cản

Hà Nội có con phố và một quận mang tên Hai Bà Trưng thì Sài Gòn một thời cũng đã có con đường lớn ghi công hai vị nữ anh hùng cỡi voi dẹp quân phương Bắc. Trước năm 1975, lễ Hai Bà Trưng được tổ chức lớn tại thủ đô miền nam.

Sài Gòn và Hà Nội đều có đại lộ Trần Hưng Đạo là dũng tướng dẹp quân Nguyên, có đường Lý Thường Kiệt là tác giả bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt: “Nam quốc Sơn hà Nam đế cư”. Sài Gòn đã từng có những trường cấp ba mang danh Trưng Vương và Hưng Đạo.
Thủ đô của Việt Nam ngày nay có đường Quang Trung, anh hùng đại phá quân Thanh, có quận Đống Đa.

 Trung tâm Sài Gòn giờ vẫn còn phố Nguyễn Huệ là một tên khác của vua Quang Trung, vẫn có đại lộ Lê Lợi ghi công anh hùng áo vải đất Lam Sơn đã thắng quân Minh, có đường Trần Bình Trọng, bị giặc bắt và đã để lại câu nói bất hủ “Ta thà là quỉ nước nam còn hơn làm vua đất bắc”. Những con đường lịch sử đó của Sài Gòn đã có từ hơn nửa thế kỷ.

Những năm qua một số tỉnh thành đã đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa là sự khẳng định chủ quyền quốc gia trên những vùng đất đó.

"Trước hiểm họa mất đất mất biển là có thật, nhà nước không nên ngăn cản sinh hoạt tưởng niệm những người đã chết để bảo vệ Tổ quốc và cũng không nên phân biệt những chiến binh đã hy sinh."

Tuy nhà nước có tỏ động thái bảo vệ lãnh thổ một cách hòa bình và trong tinh thần ngoại giao, nhưng mặt khác lại có những sự việc làm nhiều người bức xúc. Đó là khi dân muốn biểu tỏ lòng yêu nước qua những phát biểu, những bài viết hay những cuộc xuống đường để phản đối chính sách hung hãn, âm mưu lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc thì lại bị ngăn cản.

Trong một số trường hợp nhà nước còn bỏ tù nhiều người, như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phương Uyên, Tạ Phong Tần. Nhiều người lên tiếng phản đối chính sách xâm lăng của Bắc Kinh đã bị trấn áp dưới nhiều hình thức.

Trước hiểm họa mất đất mất biển là có thật, nhà nước không nên ngăn cản sinh hoạt tưởng niệm những người đã chết để bảo vệ Tổ quốc và cũng không nên phân biệt những chiến binh đã hy sinh, dù họ đứng ở phía nào trong cuộc chiến Nam Bắc trước đây, dù bỏ mình ở Hoàng Sa năm 1974, dọc biên giới phía Bắc năm 1979 hay ở Gạc Ma năm 1988.

Như thế mới khơi dậy được tinh thần Diên Hồng trong lòng dân Việt trước sự đe dọa từ phương Bắc ngày một lớn. Như thế mới thể hiện được tinh thần dân tộc như đã biểu hiện qua những hùng ca vang tiếng: Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang; hay như ca từ trong một bài hát được nhiều người lắng nghe: “Truyền thống cha ông, gìn giữ non sông / Từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng…”



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link