Trung
Quốc cấm Việt Nam kiện tranh chấp Biển Đông
Người Việt - Bắc Kinh đe dọa Hà Nội không được bắt
chước Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển trong cuộc
tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông.
Hãng thông tấn Reuters thuật lại lời ông Carl
Thayer, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng
Gia Úc, tiết lộ như vậy trong bài viết của ký giả Greg Torode. Ông cho hay một
số viên chức của nhà cầm quyền cho ông biết trong cuộc gặp mặt riêng tư.
Theo bản tin trên, ông Thayer cho biết các viên
chức của nhà cầm quyền CSVN nói với ông là các lời cảnh cáo đó do ngoại trưởng
Trung Quốc Vương Nghị mang đến khi ông ta tới Hà Nội hồi Tháng 9 năm ngoái.
Thật ra, có thể ông Carl Thayer khi trả lời
phỏng vấn đã không nhớ chính xác thời điểm Vương Nghị đến Hà Nội. Sau khi tới
một số nước ASEAN khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội từ ngày 4
đến 8/8/2014. Dịp này, ông ta gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trước rồi
sau đó gặp cả bộ ba Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư đảng), Trương Tấn Sang (Chủ
tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng).
Đến cuối tháng, ngày 29/8/2013 thì ông Phạm Bình
Minh lại gặp Vương Nghị ở Bắc Kinh, chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của Nguyễn Tấn
Dũng đến Trung Quốc nhân có một hội chợ thương mại quốc tế mấy ngày sau. Ngày
cuối năm dương lịch 2013 thì Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin hai ông
ngoại trưởng gọi điện thoại “chúc mừng năm mới” lẫn nhau.
Nhiều phần, lời cảnh cáo của Vương Nghị diễn ra
khi ông ta đến Hà Nội đầu Tháng Tám. Theo bản tin Reuters, ông Carl Thayer cho
rằng cho đến thời điểm này “Việt Nam vẫn kháng cự lại áp lực và rõ ràng
giữ quyền đưa ra các biện pháp nếu thấy lợi ích quốc gia bị nguy ngập.”
Nếu không có lời tiết lộ của ông Thayer, người
ta không biết cái điểm mấu chốt của Vương Nghị, đại diện Bắc Kinh, khi đến Hà
Nội là cái gì.
Tàu Trung quốc tập trận bắn hỏa tiễn chống tàu
ngầm trên Biển Đông. (Hình: Chinamil)
TTXVN ngày 5/8/2013 ca ngợi cuộc họp giữa ngoại
trưởng Phạm Bình Minh và ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị là “Trong
bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về
quan hệ hai nước, trong đó có các biện pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các thỏa
thuận đạt được giữa hai nước thời gian qua, nhất là thực hiện Chương trình hành
động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung
Quốc. Hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan
tâm.”
Đi vào chi tiết, TTXVN tường thuật hai ngoại
trưởng thảo luận rất “hữu nghị” về vấn đề tranh chấp Biển Đông là “hai
bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị,
xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề
này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn
định tại Biển Đông”.
Kết luận bản tin, TTXVN viết “Hai bên
đánh giá hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao ngày càng hiệu quả và nhất trí tăng
cường hơn nữa sự hợp tác, phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới.”
Khi bị báo chí ngoại quốc đặt câu hỏi, Lương
Thanh Nghị (khi đó là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN) tránh né trả lời trực
tiếp mà chỉ nói rằng Hà Nội theo dõi rất sát vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Khi họ hỏi là khi nào thì Việt Nam tham gia vụ kiện, ông Nghị nêu những lần lên
tiếng trước đây nói Việt Nam sẽ sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết, thích
nghi và hòa bình” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Một số viên chức khác của Hà Nội thì thú nhận
rằng Việt Nam khó tham gia vụ kiện vì mối quan hệ phức tạp giữa Hà Nội và Bắc
Kinh.
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần
Trung quốc
bắn cháy khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa
hồi Tháng Ba 2013. (Hình: Đất Việt)
Hồi tuần trước, tổng thống Philippines Benigno
Aquino nói trên tờ New York Times, so sánh hành động Trung quốc ỷ nước lớn quân
sự hùng mạnh đã liên tiếp có các hành động lộ rõ chủ trương đe dọa các nước
láng diềng trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Ông so sánh hành động hiện nay của
Trung quốc cũng tương tự như hành động của Hitler hồi năm 1938 khi đòi nước
láng diềng Tiệp Khắc phải nhường vùng đất Sudetenland nếu không muốn chiến
tranh.
Ông Aquino kêu gọi thế giới hậu thuẫn cho
Philippines chống lại hành động bá quyền bành trướng của Trung Quốc cũng như
kêu gọi các nước ASEAN khác hợp tác với họ bằng biện pháp pháp lý, tức là cùng
tham gia vụ kiện ở Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên vẽ bản đồ Biển Đông với 9
vạch dài, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN, rồi tuyên
bố chủ quyền. Ước lượng toàn khu vực nằm trong 9 vạch đó (giống hình Lưỡi Bò)
chiếm hơnn 80% Biển Đông, trùm luôn các các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của
Việt Nam và khu vực Macclesfield Bank mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Tuần trước, khi ra điều trần ở Quốc hội, ông
Daniel Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, đả kích
cái “Lưỡi Bò” của Bắc Kinh là vô lý, càng ngày càng gây căng thẳng và trong
nguy cơ dẫn đến xung đột.
Theo ông, dựa trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển
(UNCLOS) những lời tuyên bố chủ quyền trên biển phải dựa vào các đường cơ sở
của đất liền. Hiểu như vậy, lời tuyên bố của Bắc Kinh hoàn toàn vô giá trị.
Chính vì vậy, Bắc Kinh đã từ chối tới cơ quan UNCLOS để đối đầu với Philippines
trong vụ kiện.
Không dọa được Manila, Bắc Kinh cho Vương Nghị
tới Việt Nam đe dọa vì biết Hà Nội tùy thuộc vào cái dù ở phương bắc để tồn
tại. Nhiều lần, báo chí Trung Quốc đe dọa công khai từ đánh Việt Nam đến dùng
áp lực kinh tế vì phần lớn nguyên vật liệu chế biến sản phẩm xuất cảng của Việt
Nam đều do Trung Quốc cung cấp.
Những lời lẽ đẹp đẽ trong các bản tin TTXVN khi
lãnh tụ hai nước Việt Nam và Trung quốc gặp nhau thường không cho người dân
biết sự thật cái gì đã diễn ra. (TN)
Phải
tưởng niệm, vinh danh chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến 1979
Thanh Trúc - RFA
2014-02-15
2014-02-15
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Tù binh Trung Quốc dưới sự canh giữ của bộ đội nữ Việt Nam
Courtesy of
basaminfo.com
Trả lại vị trí xứng đáng cho những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh
trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược, chủ trương công
khai và tổ chức cụ thể để ngày 17 tháng Hai hàng năm ltrở thành ngày tưởng niệm
toàn quốc như cách ông cha đã tiến hành giỗ Trận Đống Đa mà quân Nam chiến
thắng và dẹp tan 20 chục vạn quân Thanh thế kỷ XVIII.
Bên cạnh đó, yêu cầu nhà nước rà soát lại chính sách và chế độ
đối với những chiến sĩ đồng bào đã hy sinh mà bị bỏ quên lâu nay do những thiếu
sót và sai lầm dẫn đến những bất công xã hội và bất bình trong nhân dân.
Đó là nội dung tóm lược những điểm chính trong tâm thư có chữ ký
của 75 trí thức yêu nước, đăng trên trang web Bauxite Việt Nam ngày 14 tháng
Hai vừa qua. Tâm thư qui tụ những cựu viên chức chính phủ, cựu sĩ quan Quân Đội
Nhân Dân, cựu tù Côn Đảo trước 1975, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu gia,
các vị lãnh đạo tinh thần, các nhà báo và những bloggers chuyên cổ súy tự do
dân chủ cho việt Nam.
Bộ đội Việt Nam thay quân lên chốt ở Cao Bằng - RFA file
Không thể im lìm và nín nhịn mãi được khi nhớ về cuộc chiến biên
giới miền Bắc năm 1979, là khẳng định của cựu tù chính trị Côn Đảo Hồ Hiếu,
nguyên cán bộ phong trào sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt. Khi cuộc
chiến biên giới 1979 nổ ra, ông Hồ Hiếu đang làm chánh văn phòng Quận Ủy quận
Một và tiếp đó là chánh văn phòng Ban Dân Vận Thành Ủy TP Hồ Chín Minh. Với
ông, tiếng nói của dân là trên hết và tâm thư của hơn bảy mươi trí thức phản
ảnh quan điểm đó:
Lúc đó tôi còn nằm trong tổ chức đảng thì tôi nghe được là quân
đội của mình đánh Tàu cũng rất ác liệt và dũng cảm. Thay vì Tàu đánh cho Việt
Nam một bài học thì Việt Nam cũng cho Tàu lại một bài học và cuối cùng thỉ đã
đẫy được quân Tàu ra khỏi biên giới. Dĩ nhiên cũng có những tiêu hao, nhiều người
trở thành liệt sĩ. Họ chết vì bảo vệ tổ quốc thì cớ sao nhà nước lại không muốn
nhắc đến cũng không dám vinh danh, sợ mất tiếng với Tàu hay sao. Chính sách
ngoại giao Việt Câu Tiễn đó không xứng đáng chút nào. Không dám nói thì để cho
dân nói, tại sao dân xuống đường thì đảng bắt bỏ tù. Chính tôi cũng đi biểu
tình cũng bị xô té chúi nhũi. Thái độ khiếp nhược người ta gọi là ác với dân mà
hèn với địch dân Việt Nam không bao giờ cho phép. Anh nói không được để dân nói
chứ hèn như vậy làm sao mà dân chúng ủng hộ nhà nước được.
Xe tăng Trung Quốc tấn công, 1979 - Courtesy of maithanhhaiblog
Trả lời câu hỏi vì sao lần này nhân sĩ trí thức có vẻ tha thiết
mà cũng quyết liệt không kém trong thư yêu cầu nhà nước chính thức nhìn nhận và
tổ chức tưởng niệm qui mô cuộc chiến biên giới ngày 17 tháng Hai hàng năm, ông
Hạ Đình Nguyên, cựu tù Côn Đảo, nguyên chủ tịch Ủy Ban Hành Động thuộc Tổng Hội
Sinh Viên Sài Gòn trước 75, cho rằng đã đến lúc tình thế đòi hỏi như vậy:
Tình thế đòi hỏi dân tộc phải đi đến chỗ hòa giải và đoàn kết để
đối phó với áp lực của nước ngoài đối với lãnh thổ và biển. Thực ra chuyện đó
lẽ ra là đương nhiên nhưng hoàn cảnh Việt Nam thì chuyện bình thường nó lại bất
thường. Người dân có quyền tập họp hay làn một cái lễ như là xã hội dân sự
nhưng mà Việt Nam thì chưa có xã hội dân sự. Cho nên những chuyện bình thường
đó là nó trở thanh bất thường. Bây giờ từ những chuyện bất thường để trở về
bình thường thì không phải là đơn giản.
Theo chỗ ông hiểu, ông Hạ Đình Nguyên nói tiếp, là cái hoàn cảnh
đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc:
Đối với nhà nước có lẽ họ cũng muốn làm cho nó công khai, nhưng
ngại rằng nếu làm cách nào đó thì thế lực nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc,
nó cho rằng mình khiêu khích và có thể sinh ra chuyện không tốt. Cho nên nhà
nước đang tính toán làm ở mức độ nào mà thể hiện được tinh thần đó và cũng cho
thỏa mãn dân chúng mà không để cho gọi là có sự khiêu khích trở thành căng
thẳng trong bang giao.
Quân Trung Quốc khóc đồng đội tử trận năm 1979 - Courtesy of
popularairsoft.com
Người ta cũng biết rằng đối với những tờ báo hay những văn thư
của Trung Quốc thì vẫn tuyên truyền vẫn đổ tội cho Việt Nam . Họ đánh Việt Nam
mà chỉ bảo là tự vệ, trong khi đó Việt Nam mới thực sự là người tự vệ. Cũng là
hoàn cảnh yếu đuối trong cái tình thế yếu đuối cho nên mới như vậy.
Cũng là người đã ký vào tâm thư kêu gọi một lễ tưởng niệm chính
thức hàng năm cuộc chiến biên giới 17 tháng Hai 1979, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm,
nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trước 1975, đại biểu Quốc Hội khóa
VI, ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh:
Lúc Trung Quốc xua quân đánh Việt Nam thì tôi ở Hà Nội, trong
hàng ngũ Đoàn Thanh Niên Hà Nội. Tôi đã từng nghĩ chắc chắn phải đánh trả thôi,
và rõ ràng là cả nước cũng đang chuẩn bị để đánh lại. Trận chiến kéo dài và dẫn
tới chỗ là mấy chục ngàn quân đội và nhân dân Việt Nam hy sinh tại đó. Nhưng
tôi không hiểu tại sao trong những năm về sau thì thấy bên Trung Quốc họ làm lễ
rất lớn, có mít tinh, biểu tình, cho rằng Việt Nam xâm lược Trung Quốc. Điều đó
cả thế giới đều biết mà tại sao ở Việt Nam lại không tưởng niệm theo báo chí là
50.000 quân đội và dân chết.
Thế này thì chúng tôi phải lên tiếng chứ, quân đội và dân hy
sinh thì mình phải tưởng niệm, chuyện đương nhiên rồi.Nếu mà không tưởng niệm
tức là vô ơn. Tại sao lại từ chối việc “Uống Nước Nhớ Nguồn” ? Điều đó phải
làm, nếu không làm phải trả lời trước nhân dân trước thanh niên Việt Nam lý do
tại sao không làm.
Nghe nói Bộ Chính Trị cũng đã chuẩn bị kỷ niệm cuộc chiến biên
giới phía Bắc tức là cũng có ý định vậy, rồi tại sao lại hôm nay, còn hai ngày
nữa, là 17 tháng Hai rồi,thì cũng không có động tịnh gì cả, thế là sao? Đoàn
Thanh Niên cũng như một số an hem trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến hôm nay họp,
Thành Đòan sáng nay họp cũng có ý kiến . Vậy thì tại sao lại im hơi lặng tiếng
như vậy, có phải bị áp lực của Trung Quốc hay là sợ Trung Quốc quá.
Từ thanh phố Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, có tên trong
danh sách 75 nhân sĩ trí thức ký tên vào tâm thư, cũng khẳng định đã đến lúc
phải công khai lên tiếng về một cuộc chiến bảo vệ đất nước mà vì lý do khó hiểu
nào đó đã không được đề cập tới trong nhiều chục năm qua:
Không phải riêng vấn đề biên giới phía Bắc hoặc chiến tranh phía
Nam mà ngay cả cuộc chiến ở Hoàng Sa cũng nhiều năm bị bỏ quên cho đến khi Câu
Lạc Bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức buổi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh
tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây nhất, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lên tiếng về vụ tưởng
niệm Hoàng Sa và Trường Sa, và những người như anh em chúng tôi nhận thấy đã
đến lúc cần phải lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để những người có
trách nhiệm điều hành đất nước này nhìn rõ vào sự thật và phải lên tiếng về một
cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước mà chúng ta vì lý nào đó rất khó hiểu đã không
lên tiếng trong mấy chục năm qua.
Một vị trí pháo binh trong trận chiến Việt- Hoa 1979 - Courtesy of
content.time.com
Việc lên tiếng dẫu rằng quá chậm, nhà báo Nguyển Quốc Thái nhận
định, vẫn còn hơn là sự im lặng:
Chúng tôi đứng với nhau như trước đây đã ký vào văn bản của nhóm
72, chúng tôi đứng với nhau để đòi hỏi một điều: phải lên tiếng công khai và minh
bạch về cuộc chiến 1979 tại biên giới phía Bắc mà con em của chúng ta đã bao
nhiêu năm không được biết đến, không được tìm hiểu. Lương tâm của con người,
lương tâm của công dân không cho phép chúng tôi ngưng lại hay im lặng trước một
việc như vậy.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment