Ngô
Nhân Dụng - Ðảng tan rã vì xã hội thay đổi
Thứ Bảy, ngày 15 tháng 2 năm 2014
Các đảng Cộng sản ở
Nga và Ðông Âu tan rã khi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không đường thoát
vì những mâu thuẫn nội tại trong đảng và mâu thuẫn giữa đảng và xã hội. Những
thay đổi bên ngoài thúc đẩy cho các mâu thuẫn nặng nề hơn. Nắm quyền thống trị
trong một thời gian dài, tưởng như không có gì lay chuyển nổi, họ không thích
ứng được với những thay đổi bên ngoài, đảng càng ngày càng yếu và xã hội ngày
càng mạnh hơn, chế độ sụp đổ.
Xã hội con người
chưa bao giờ được thắt chặt vào một khuôn khổ như vậy. Bình thường, khi loài
người phát triển ở đâu cũng cần lập ra một bộ máy nhà nước bảo vệ an ninh, trật
tự; cần một mạng lưới sản xuất và trao đổi vì nhu cầu kinh tế; và trên hết là
một trật tự tinh thần, với các tôn giáo, các hệ thống tư tưởng giải thích tại
sao người ta nên sống chung như vậy. Chủ nghĩa cộng sản muốn bao biện cả ba
lãnh vực: chính trị, kinh tế, và ý thức hệ. Các nhà xã hội học gọi đó là một
chế độ ba chân: Caesaro-Papism-Mammonism (Hoàng đế, Giáo hoàng, và Thần tài).
Chế độ ba chân này dễ đem áp dụng ở những xã hội nông nghiệp cổ truyền. Vì ở đó
người ta đã quen thấy quyền hành chính trị bao trùm lên cả lãnh vực tín ngưỡng
và tư tưởng, các vị hoàng đế cũng đóng vai trò lãnh đạo tinh thần, Max Weber
đặt tên là Caesaropapism. Nhiều xứ Hồi Giáo nuôi lý tưởng một đế quốc thuần
túy, Umma, thể hiện một chế độ hoàn thiện như vậy. Chủ nghĩa Mác Lê Nin mang
tham vọng lớn hơn nữa, đã gom cả sinh hoạt kinh tế dưới một mái nhà, tạo thành
chế độ ba chân, thường gọi là độc tài toàn trị.
Nhưng cuộc sống
loài người thay đổi, chế độ ba chân toàn trị mất thế thăng bằng. Guồng máy
chính trị bao trùm lên tất cả, sẽ tới lúc xã hội tiến hóa và phát triển không
còn chịu đựng được nữa, giống như một trái lựu chín, các hạt lựu lớn căng lên,
phá vỡ cái vỏ bọc, dù vỏ rất cứng rắn. Nhất là khi chế độ toàn trị phải mở hé
cánh cửa cho dân được hưởng phần nào quyền tự do làm ăn để sinh sống. Một trong
ba cái chân bắt đầu yếu dần, làm lệch thế cân bằng giữa nhóm thống trị và cả xã
hội chung quanh họ. Cán cân sức mạnh tương đối giữa chính quyền và xã hội dần
dần thay đổi. Xã hội tự nó lớn lên, không thể sống mãi trong cái vỏ do chính
quyền bao bọc.
Chính quyền ngày
càng yếu hơn, guồng máy kiểm soát lỏng lẻo hơn và uy tín bị soi mòn dần. Cùng
thời gian đó, trong xã hội có những lực lượng mới dấy lên, ngày càng mạnh hơn.
Người dân thấy họ có thể sống và suy nghĩ độc lập với guồng máy nhà nước; nhiều
người dám kết hợp lại vì những nhu cầu, khát vọng chung; họ thông tin với nhau
dễ dàng hơn. Có những thay đổi có thể quan sát được, như khả năng sống độc lập
về kinh tế, lợi tức nhiều người lên cao và không phụ thuộc vào “chế độ xin-cho”
ban phát của người cầm quyền. Ngoài ra còn những biến động ẩn chìm như những
dòng nước ngầm nằm dưới đấy sâu, tới ngày sẽ làm vỡ các bờ đê ngăn chặn. Nhiều
thành phần độc lập với guồng máy nhà nước càng ngày càng tự tin, đến lúc họ
thấy cần sử dụng quyền công dân gây ảnh hưởng trên cuộc sống chung.
Ở Trung Quốc cũng
như tại Việt Nam, khi đảng cộng sản bỏ giáo điều Mao chủ tịch, cho dân được tự
do làm ăn, một tầng lớp trung lưu thành hình, ngày càng đông và lên tiếng mạnh
bạo hơn. Các quốc gia bắt đầu chuyển sang thể chế dân chủ khi lợi tức theo đầu
người lên mức khoảng 4,000 Mỹ kim một năm (tính theo mãi lực tương ứng, purchasing
power parity viết tắt là PPP, không tính theo hối suất). Nhiều nước mặc dù lợi
tức theo đầu người (percapita income) lên cao vẫn theo chế độ độc tài, vì tài
nguyên do thiên nhiên ưu đãi đặc biệt chứ không phải do sức làm việc của con
người tạo ra. Hiện nay trên thế giới có 24 nước với lợi tức theo đầu người cao
hơn Trung Quốc mà vẫn chưa được dân chủ hóa. Trong số đó 21 nước chỉ giầu lên
nhờ mỏ dầu khí. Giới quyền quý ở các nước đó giầu sang, người dân bình thường
vẫn nghèo nhưng họ được chính quyền “hối lộ” bằng những chính sách trợ cấp để
giữ không cho xã hội thay đổi.
Nhưng lợi tức lên
cao chỉ là một trong nhiều biến chuyển dẫn đến khát vọng dân chủ. Tác động mạnh
nhất trong xã hội hiện đại là kỹ thuật thông tin nhanh chóng, dễ dàng, và phổ
cập. Tốc độ biến chuyển trong lãnh vực này tăng nhanh hơn và phổ cập rộng rãi
trong số người càng ngày càng đông hơn. Trước năm 1979, pháp sư Hồi Giáo
Ruhollah Khomeini phát động phong trào chống Sa hoàng Pahlavi bằng cách gửi
những cuốn băng cát sét từ Pháp về cho các tín đồ ở Iran nghe. Từ đầu thập niên
1980, một tỷ phú gốc Hungary và sinh ở Mỹ là ông George Soros đã tặng cho các
trường trung học ở Hungary những máy sao chụp (photocopy). Ông tin rằng ở đâu
có phương tiện truyền thông dễ dàng thì ở đó xã hội sẽ thay đổi nhanh. Người
dân Ðông Ðức vượt biên hàng loạt trong những năm 1988, 89 vì họ đã lén coi được
những chương trình ti vi Tây Ðức. Nhưng sang thế kỷ 21, các khí cụ và phương
tiện truyền thông mới có tác dụng mạnh và nhanh gấp trăm, ngàn lần những băng
cassette, máy photocopy, và ti vi. Các mạng lưới điện tử ra đời nối kết loài
người trong những cộng đồng ảo, không lệ thuộc vào khuôn khổ nơi cư trú. Các
đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn đang lo lắng khi chứng kiến số
phận các chế độ độc tài ở Tunisie hay Egypt, nơi cuộc cách mạng hoa nhài được
phát động qua Internet và các máy điện thoại lưu động.
Vì vậy, họ đều tìm
cách kiểm soát Internet. Nhưng kỹ thuật thông tin tiến bước nhanh hơn phản ứng
của con người. Ðầu năm 2014, một thanh niên ở Việt Nam bầy ra một trò chơi điện
tử thu hút được giới trẻ khắp nơi trong vòng mấy tháng; sau đã tự rút lại khi
thấy nhiều trẻ em trên thế giới bắt đầu “ghiền.” Một đặc tính của những biến
đổi kỹ thuật trong hệ thống thông tin mạng là những phát minh và sáng kiến rất
bất ngờ. Các biện pháp do chính quyền đưa ra để ngăn cản các công dân mạng bao
giờ cũng đi một, hai bước sau những sáng kiến cải thiện kỹ thuật “vượt tường
lửa” của giới sử dụng Internet. Chính quyền không thể nào kiểm soát được tất
cả. Mỗi khi họ ra lệnh “bóc” một hình ảnh, bản tin hay ý kiến trên một mạng thì
đã chậm ít nhất một hai giờ. Nhiều công dân mạng đã thấy, đã sao chép để truyền
đi rộng hơn. Chính quyền không kiểm soát được tất cả các mạng lưới thông tin,
trong khi các công dân mạng luôn luôn tìm ra những kỹ thuật mới. Hành động ngăn
cấm chỉ khiến cho các trang mạng được mọi người tin tưởng, uy tín tăng lên. Ở
Trung Quốc cũng như tại Việt Nam, nhiều bloggers đã nổi tiếng vì những ý kiến
tiến bộ, vì lòng can đảm không sợ hãi. Họ được nhiều người kính trọng, lôi kéo
quần chúng càng ngày càng đông hơn. Các đảng cộng sản không thể tiếp tục ách
cai trị bằng chính sách kiểm soát thông tin, bưng bít sự thật được nữa.
Ðảng Cộng sản bây
giờ đã mất quyền kiểm soát nồi cơm và cái bao tử của dân vì phải chấp nhận mở
cửa cho kinh tế thị trường. Họ đang mất độc quyền thông tin, tin tức phổ cập
nhanh chóng đã trả lại cho dân quyền tự do suy nghĩ; đến chính các đảng viên
cộng sản cũng mất hết lòng tin vào chủ nghĩa, chế độ và lãnh tụ. Trong ba chân của
chế độ Caesaro-Papism-Mammonism, hai chân đang gẫy. Ðảng Cộng sản bảo vệ cái
chân còn lại, cố nắm chắc quyền bính. Nhưng cái chân này cũng sẽ gẫy nốt, do
những mâu thuẫn nội tại. Sức chịu đựng của bất cứ bộ máy nào cũng sẽ tới lúc
mệt mỏi, rã rời, như một chiếc xe đã cũ. Ðảng còn tan rã vì các biến cố bên
ngoài tác động. Một điều chúng ta biết chắc, là một chính quyền tỏ ra sợ sệt
trước ngoại bang khiến người dân phải thấy hổ thẹn thì không thể đứng vững được.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment