Nga phải trả giá đắt cho cuộc chiến Ukraina
Xung đột leo thang giữa hai phe, số thường dân
thiệt mạng ngày càng tăng - REUTERS /Maxim Shemetov
Về thời sự quốc tế, xung đột leo thang tại miền Đông Ukraina
tiếp tục là tiêu điểm chú ý. Cấp vũ khí cho Kiev hay không là chủ đề được bàn
luận nhiều trong những ngày gần đây. Báo Libération, hôm nay 04/02/2015, có bài
«Washington nêu ra khả
năng cung cấp vũ khí cho Kiev ». Le Monde tổng hợp tình hình :
« Áp lực gia tăng đòi
cấp vũ khí cho Ukraina », cũng Le Monde có bài « Đối mặt với lực lượng thân Nga, quân
đội Ukraina thiếu trang bị ». Về « khủng hoảng Ukraina », đặc
biệt đáng chú ý có bài xã luận của Le Monde : « Nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng ».
Bài xã luận nhấn mạnh những gì diễn ra ở miền Đông Ukraina không
phải là « chiến tranh
lạnh » mà là « một cuộc
chiến tranh thực sự », « một quốc gia – tức nước Nga – gây hấn với một nước khác
– Ukraina, bằng chiến tranh ». Cuộc chiến này « đặt Phương Tây trước một sự lựa chọn
: hoặc nhắm mắt làm ngơ hoặc giúp Kiev tự vệ ».
Le Monde chỉ ra mục tiêu sâu xa của sự can thiệp Nga : « buộc Ukraina vào vị thế của một nước
chư hầu, do hệ quả Lịch sử để lại và do vị trí địa lý ».
Matxcơva biết rõ lập trường ban đầu của Phương Tây là, một mặt không can thiệp
quân sự vào Ukraina, mặt khác không mở cửa NATO cho Ukraina.
Cho đến nay, các trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga không đủ để
ngăn cản tham vọng sáp nhập miền Đông của chính quyền Putin. Nga từ chối mọi
đàm phán nghiêm túc và trong những tuần gần đây, rất nhiều phương tiện chiến
tranh hiện đại đã được cấp cho phe ly khai. Vì lẽ đó, ngày càng có nhiều tiếng
nói ở Phương Tây đòi hỏi trợ giúp quân sự cho chính quyền Kiev.
Hiện tại, Tổng thống Hoa Kỳ còn lưỡng lự, các quốc gia trụ cột
của Châu Âu, như Đức, Pháp, Anh cũng dè dặt. Hoa Kỳ lo ngại trợ giúp vũ trang
có thể dẫn đến đối quân sự trực tiếp giữa Phương Tây và Nga. Về phần mình, Tổng
thống Ukraina Petro Porochenko, trong một phỏng vấn với Le Monde, cũng nhận xét
Ukraina « hiện đang
phải đối mặt với ‘‘một quân đội lớn nhất lục địa’’ và, theo ông, ‘‘sẽ không có giải pháp quân sự’’ cho khủng hoảng ».
Bản thân Tổng thống Ukraina cũng không yêu cầu vũ khí sát
thương, mà chỉ muốn các phương tiện quân sự hiện đại như phi cơ do thám, hệ
thống truyền thông…. Lãnh đạo Kiev tin vào hiệu quả của các trừng phạt kinh tế.
Le Monde kết luận, « ông
Putin phải hiểu rằng cuộc chiến ông ta đang tiến hành sẽ có một cái giá ngày
càng cao », Phương Tây cần đáp ứng toàn diện các yêu cầu của
Ukraina : trừng phạt kinh tế Nga, trợ giúp công nghệ quân sự và hỗ trợ tài
chính.
Donetsk giữa hai làn đạn
Về tình hình tại chỗ ở Donetsk, Le Figaro có bài « Ở Donestk, xe buýt trở thành phương
tiện chở xác người », do đặc phái viên gửi về từ thành phố
này. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, gần 300 thi thể đã được tìm thấy tại vùng
đất thuộc nước cộng hòa tự xưng Donetsk. Các cơ sở y tế của khu vực đều trong
tình trạng quá tải.
Bài « Các
thi thể chúng tôi nhận được ở trong tình trạng thảm thương »
trên Libération cho biết đa số các nạn nhân thiệt mạng do đạn pháo. Kêu gọi « tổng động viên »
mới đây của các lãnh đạo phe nổi dậy khiến một số chuyên gia lo ngại, là một
dấu hiệu báo trước của việc tham trận của nhiều chiến binh đến từ Nga.
Cũng bài viết của Libération cho biết « trong ít ngày gần đây tình báo
Ukraina hoạt động hiệu quả hơn, nhiều vị trí chiến lược của phe nổi dậy nằm
giữa các khu dân cư ở trung tâm thành phố Donetsk bị pháo kích ».
Putin hạ giá Vodka 16%
Về phía nước Nga, báo Le Figaro có bài phân tích ngắn đầy châm
biếm « Putin hạ giá
rượu vodka » 16%. Nhật báo tự do Vedomosti chỉ trích quyết định
này, với nhận xét « giá
rượu tăng ảnh hưởng tốt cho sức khỏe dân chúng, nhưng ảnh hướng xấu đến uy tín
của các lãnh đạo ».
Theo nhà chính trị học Dmitri Orechkine, vấn đề trước hết ở đây
là Tổng thống Nga muốn giảm giá rượu, để tránh vodka bị tuồn ra chợ đen, và nhờ
thế chính quyền thu được thuế. Tuy nhiên, vẫn theo nhà chính trị nói trên, « cũng không nên loai trừ khả năng ông Putin giảm giá
vodka, để cứu vãn chính uy tín đang tan vỡ của ông », nhưng « do lạm phát, nên hệ quả của biện pháp này có
thể là gần như hòa cả làng ».
Điểm lại lịch sử giá rượu tăng-giảm qua các thời chính quyền Nga
và Liên Xô trước đây, Le Figaro kết luận dù sao « điện Kremlin cũng không có phương tiện gì khả dĩ hơn ».
Chống tham nhũng : Ngân hàng Trung Quốc điêu đứng
Nhìn sang Châu Á, báo kinh tế Les Echos chú ý đến cuộc chiến
thanh trừng tham nhũng đang chuyển sang nhắm vào giới ngân hàng. Bài viết nhấn
mạnh đến việc trong chưa đầy một tuần, hai lãnh đạo ngân hàng bị hạ bệ, đặc
biệt là ông Lu Haijun (Lục Hải Quân), một nhân vật thế lực của Ngân hàng Bắc
Kinh.
Một nhân vật khác là ông Mao Xiaofang (Mao Hiểu Phong), một ngôi
sao trẻ đang lên, chủ tịch của ngân hàng tín dụng tư nhân lớn nhất Trung Quốc
(Minsheng Bangking/Ngân hàng Dân sinh). Cho đến nay, đối tượng chủ yếu của chiến
dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là các quan chức và ngành dầu khí.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment