Sunday, February 1, 2015

Tại sao đồng bào ngoài nước lại bảo vệ lá cờ (vàng 3 sọc đỏ) này một cách kiên quyết như thế !?

Hồ Gươm nổi sóng!


















Tại sao đồng bào ngoài nước lại bảo vệ lá cờ (vàng 3 sọc đỏ) này một cách kiên quyết như thế !?


Tôi ra Hồ Gươm thật sớm, sau khi nhận được dòng tin ngắn từ Th., một người bạn thân đang sống tại Tokyo rằng sẽ có biểu tình vào trưa nay, ngày 31/5 để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Và cũng từ người bạn này, bằng thiết bị viễn thông di động, tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày vì nôn nao được nhìn cũng như nghe từng tiếng hô nức lòng vang dội giữa thủ đô xứ Phù Tang, nơi tôi đã trải qua một quãng đời tuổi trẻ với nhiều kỷ niệm đẹp.
10h sáng Hà Nội, sau ngụm cà phê cuối cùng của quán cóc cạnh bờ hồ, tìm đến một ghế đá dưới tàng cây sấu rậm, vừa kín đáo tránh được tia nắng quái ác của trời hè, quan trọng nhất là tránh được công an, bật máy lên tôi có thể nhận ra ngay địa điểm tập trung chỗ tượng con chó đá ga Shibuya, Tokyo lúc ấy đã có nhiều người đến lo công tác chuẩn bị, giăng cờ, băng rôn, biểu ngữ….Thú thật là đã hơi chóa mắt vì hàng cờ của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mang nợ máu với Trung quốc như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Việt Nam….cũng như hiệu kỳ của các đoàn thể đấu tranh dân chủ đã tề tựu đông đủ trong cuộc tuần hành này; tuy nhiên, nhiều nhất và nổi bật nhất vẫn là quốc kỳ Nhật Bản và cờ vàng ba sọc đỏ đã được đại đa số đồng bào hải ngoại trân trọng như một biểu tượng của tự do.
Chín năm học tập và làm việc tại Tokyo đã cho tôi cơ hội tìm hiểu tại sao đồng bào ngoài nước lại bảo vệ lá cờ này một cách kiên quyết như thế trước một thời cuộc nhiều biến động, nhiều nhạy cảm. Tôi đã từng phân vân, tại sao người ta cứ ôm giữ cứng ngắc biểu tượng của môt chính thể đã biến mất. Tôi đã hỏi, lắng nghe, và nhận được nhiều câu trả lời để có thể rút ra một ý niệm chung rằng trong thời điểm hiện nay thì cờ vàng và chỉ có cờ vàng mới là biểu tượng đối kháng duy nhất, mạnh mẽ nhất và dứt khoát nhất với cờ đỏ của CSVN, đại diện cho độc tài đảng trị đã đưa đất nước này vào tối tăm và khiếp nhược. Một chính thể dù đã qua đi nhưng chính nghĩa và các giá trị phổ quát của nhân loại mà nó đã chiến đấu, bỏ xương bỏ máu để giành lấy thể hiện qua lá cờ đó làm sao có thể mai một. Từ đó, tôi hiểu ra rằng sự tồn tại của cờ vàng cho đến ngày cờ đỏ sao vàng biến mất chính là ý định của lịch sử!



10h30 Hà Nội tức 12h30 Tokyo. Đang chìm đắm trong suy nghĩ về lá cờ thì chợt bừng tỉnh khi tiếng loa phát động cuộc mít-tinh bắt đầu bằng diễn từ hùng tráng của đại diện các đoàn thể tham dự. Nhiều năm sống với người Nhật giúp tôi hiểu rằng đây là một dân tộc ít nói do đức tính khiêm cung và thận trọng đã được hun đúc từ thưở nhỏ. Ít người Nhật nào mạnh dạn trình bày thẳng thắn ý kiến của mình vì muốn tránh đụng chạm tối đa đến tự ái của đối tượng. Tuy nhiên, cuộc mít-tinh này có khác. Nguy cơ bị bành trướng Bắc Kinh xâm lấn đã được thể hiện môt cách rạch ròi, cương quyết qua các khẩu hiệu đanh thép mà tôi có thể nghe rõ mồn một từ earphone: “Nếu để mất một tấc đất, sẽ mất một giang sơn”. Những tiếng hô vang sau đó chứng tỏ đã đạt được sự đồng tình cao độ của tất cả gần nghìn người hiện diện đến từ nhiều dân tộc khác nhau, có thành phần xã hội từ giáo sư đại học, chính trị gia cho đến những anh em du sinh, hợp tác lao động. Tôi hiểu ra một điều nữa, đoàn kết giữa các dân tộc đã cao như thế, huống chi là đoàn kết trong nội bộ của một dân tộc trước họa ngoại xâm. Phát huy lòng yêu nước của toàn thể dân tộc này là biện pháp cốt lõi duy nhất để từ đó tranh thủ sự ủng hộ, bênh vực của thế giới. Đó là cách làm duy nhất và không thể ngược lại hoặc khác hơn. Những trấn áp của công an Việt Nam vừa qua đối với biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn, Hà Nội vin cớ là tránh bạo động làm sao có thể dập tắt được ngọn lửa sôi sục của tất cả con dân Việt Nam. Chỉ cần một giọt máu của những người giữ biển nhỏ xuống, bản lĩnh tự cường của dân tộc này rồi sẽ trổi dậy mà thôi.

Ngày xưa, khi chưa có gì, người Cộng Sản rất giỏi trong việc kích động, khơi dậy căm thù, còn bây giờ sau khi đã giành được chính quyền, đã có tư quyền đặc lợi, họ trở nên dị ứng với tinh thần yêu nước của nhân dân chỉ vì sợ đụng chạm đến các quyền lợi bất chính đang có đó, cho nên, họa ngoại xâm rành rành trước mắt hiện nay đã được Đại tướng Phùng Quang Thanh, người đứng đầu quân đội có nhiệm vụ giữ nước xem như “mâu thuẫn bất đồng trong gia đình” và còn phán thêm “quan hệ giữa Việt nam và nước bạn láng giềng Trung quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp” tại diễn đàn đối thoại Shangri–La vừa qua. Quả là hạng siêu hèn! Nhà nước này cần nên nhớ rằng phát huy lòng yêu nước không phải là sách động bạo lực nhưng chính là để tăng cường niềm xác tín vào sức mạnh và bản lĩnh bất khuất của dân tộc trước khi thực hiện các giải pháp tạo áp lực khác.
Lại môt lần nữa, tiếng hô xuất phát trong earphone của đoàn người tuần hành từ Shibuya đã làm tôi trở về với diễn tiến tại Tokyo. Men theo đại lộ Roppongi song song với trục cao tốc hướng tâm số 3, ngang qua những tuyến phố phồn hoa đông người nhất của Đông Kinh bao quanh Bộ Quốc Phòng Nhật Bản, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu “Châu Á liên kết ngăn chận Trung quốc xâm lược” hoặc “Hãy cứu lấy châu Á khỏi Trung Quốc xâm lược”, trong đó, đối với tôi, ấn tượng nhất vẫn là băng rôn nền xanh chữ trắng ghi “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” bằng 2 thứ tiếng Nhật - Việt, bởi lẽ là một người Việt Nam sống trên đất nước mình nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội chính thức được thét to những câu chữ thỏa lòng như thế. Các khẩu ngữ cũng đã vạch rõ tính chất xâm lược của vấn đề hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền của đất nước. Đây không phải là câu chuyện của tranh chấp và càng không phải là câu chuyện bất hòa trong gia đình như phát biểu dấm dớ của ông Đại Tướng nêu trên. Đây là hành vi xâm lược, trắng trợn, ngang ngược và nhất là đã được âm mưu sửa soạn bài bản từ rất lâu. Do đó thái độ cần có là thái độ chống xâm lược bất khả tương nhượng, chứ không phải là vuốt ve qua quít để dĩ hòa vi quí. Qua màn hình thiết bị điện tử, tôi cũng đã thấy nhiều người Nhật đi đường cũng như từ trong các tuyến phố chạy ra chụp hình, vỗ tay hoặc bắt tay khích lệ, cũng đã có người còn nhập dòng đi chung với đoàn biểu tình. Điểm đáng chú ý nữa là người của mỗi nước ngoài việc cầm cờ nước mình còn cầm cờ và giăng hộ biểu ngữ cho các nước khác và đoàn thể bạn. Đến đây tôi không khỏi bức xúc khi nghĩ đến sự tương phản trong phát biểu yếu kém của Đại Tướng Bộ trưởng quốc phòng so với những cam kết mạnh mẽ của thủ tướng Abe hứa trợ giúp nâng cao năng lực quốc phòng Việt Nam, và trong khi công an đang ra sức trấn áp biểu tình thì người Nhật như hôm nay đây đã xuống đường, mang cờ, gióng tiếng giúp Việt Nam phản đối Trung quốc. Sự giúp đỡ này chắc chắn chỉ có thể bền vững khi nhà cầm quyền Việt Nam có được thái độ cương quyết đáng tin cậy, đồng điệu với tình cảm của bạn bè năm châu và huy động được sức bật của mọi thành phần dân tộc. Những bước chân hăm hở của đoàn người biểu tình này, ngoài sự chia sẻ, đồng tình với những người Việt Nam yêu Tổ quốc, nên được hiểu còn là một áp lực để chính quyền Cộng Sản mau chóng khắc phục ươn hèn, quay về hội tụ trong khát vọng cứu nước của toàn dân.


Năm cây số đi qua của đoàn người trưa ngày thứ Bảy 31/5 giữa lòng Đông Kinh chắc chắn không chỉ để lại trong lòng từng người tham dự âm vang khát vọng về vẹn toàn lãnh thổ, đó còn là hình ảnh khó nhạt nhòa trong tâm khảm của rất nhiều người yêu chuộng hòa bình, căm ghét sự ngang ngược của Trung Cộng trên thế giới. Từ Tokyo, một trục đạo của châu Á và thế giới, gần nghìn tiếng hô đả đảo Trung Cộng xâm lược này nhất định không phải là một hiệu quả nhỏ bé nhằm kết tập tình liên đới của những dân tộc từng là nạn nhân của Bắc Kinh bạo ngược. Senkaku Nhật Bản, Hoàng Trường sa Việt Nam, bãi cạn Scarborough Philippine, Tây Tạng lưu vong, uất hận Tân Cương…châu Á đang đi lại gần nhau, chung tay quyết chống hung tàn để mưu cầu hòa bình ổn định.

15h30, cuộc tuần hành tại Tokyo chấm dứt cũng là lúc nắng nóng lên đến đỉnh điểm trong ngày tại Hà Nội. Bên kia hồ Gươm, cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn đỏ hòa trong màu Phượng vĩ vào mùa, non sông này đối với tôi đẹp như nghìn đời và phải giữ lấy nó cho bằng mọi giá. Dưới chiếc nón mê của người phụ nữ nghèo bán kẹo lạc ven hồ, của anh công nhân ì ạch nắng cháy công trình xây dựng, dưới biết bao lam lũ Việt Nam, tôi tin chắc là khi vận nước tới hồi, bằng mọi giá họ sẽ vùng lên, quật khởi, không ngao ngán trước quân thù xâm lược truyền kiếp. Một lần nữa cho tôi cảm ơn Th., đã thông báo, nối kết tôi vào thời khắc hào hùng của đoàn người biểu tình ngày cuối tháng Năm, 2014.
Nguyễn Trà Vinh
Hà Nội, ngày nghỉ hè đầu tiên 2014.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link