Saturday, February 7, 2015

Trị bệnh trị tận gốc

Trị bệnh trị tận gốc

Tô Văn Trường

Loài người đã và đang cố gắng đi tìm các hướng tâm linh và các tư tưởng xã hội tiến bộ chẳng qua để kỳ vọng sẽ giải quyết được những mâu thuẫn, bế tắc cho cuộc sống cân bằng, hạnh phúc hơn và vui hơn!

Người đời có câu: “Ngu thì chết chứ có bệnh tật gì đâu”. Nhiều quốc gia trên thế giới kể cả nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ cũng phải luôn thay đổi để đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội để tồn tại và phát triển. Không thay đổi hoặc thay đổi chậm chỉ là “đười ươi giữ ống” mà thôi!

Nếu chẩn đoán có bệnh thì phải trị bệnh, trị tận gốc. Từ gốc một căn bệnh ở nội tạng có thể biến thể ra thành vô vàn triệu chứng khác nhau. Nếu cứ loay hoay trị các triệu chứng thì dẫu có thấy hiệu quả tức thì cũng chỉ là ứng phó thụ động và hậu họa là ủ cho căn bệnh ngày một trầm kha hơn.

Thử đặt vấn đề về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở, cái nào phải nương theo cái nào? Độ bền vững do cái nào quyết định? Vào thời khối Đông Âu chưa sụp đổ, Bulgaria là nước đầu tiên trong khối SEV mở ra nền kinh tế du lịch. Khi chuẩn bị triển khai thì Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị với thủ tướng Todor Zhivkov rằng theo con đường du lịch gián điệp sẽ ào vào. Todor Zhivkov trả lời bằng một câu hỏi trở lại: “Nền an ninh quốc gia được lập ra để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân hay nền kinh tế quốc dân sinh ra để phục vụ cho an ninh quốc gia?”.

Con người và thể chế cũng như kinh tế và chính trị là quan hệ nhân quả và là huyết mạch của vấn đề Việt Nam hiện nay. Thực trạng đất nước hôm nay nhiều chuyện buồn hơn vui bởi vì càng ngày càng phát hiện thêm nhiều ngõ ngách buồn.
Một đất nước nhỏ bé, lách một cách tối ưu giữa các cường quốc chỉ có thể được khi người lãnh đạo rất tỉnh táo và có một đội ngũ tham mưu thạo tin và dũng cảm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Kiệt phụ trách an ninh nội bộ mặt trận nhờ nắm chắc tình hình bố trí hỏa lực của quân Pháp là người đầu tiên dũng cảm khuyên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nên nổ súng như đã dự định. Đại tướng lắng nghe, phân tích, kiểm chứng, rồi dứt khoát đổi kế hoạch tác chiến, ra lệnh cho kéo pháo ra, góp phần quyết định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lãnh đạo của Việt Nam ngày nay có hạnh phúc đó không? Một dấu hỏi lớn chưa có tiền đề giải đáp.

Nỗi buồn của người nông dân
Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 30/1/2015 đăng tải ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: “Ngành nông nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân quan trọng là sự bất cập về thể chế trong đó khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã vẫn chìm trong tình trạng yếu kém”.

Mới đọc những dòng chữ trên, chắc không ít người đánh giá cao Bộ trưởng đã chỉ ra những yếu kém của thể chế và rất thương cảm chia sẻ với nỗi khổ của người nông dân. Ngẫm suy thì lại không ổn một chút nào, ai tạo ra thể chế, ai trói mà mở? Có hai loại thể chế, thứ nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng luật để trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Thứ hai là Bộ ra các thông tư, hướng dẫn thi hành. Vai trò trách nhiệm đầu tiên của Bộ trưởng là tạo ra thể chế của ngành, chẳng nhẽ lại đổ khuyết điểm đó cho tập thể trong khi bản thân mình đã đảm nhiệm chức Bộ trưởng thấm thoắt cũng đã 11 năm rồi. Trong phạm vi bài viết này, tôi chưa đề cập đến những yếu kém và bất ổn của ngành thủy lợi.

Nếu Bộ trưởng đọc kỹ, ngẫm suy ý kiến rất chí lý dưới đây của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Tử Siêm chuyên gia hàng đầu của ngành nông nghiệp sẽ thấy rõ nguyên nhân yếu kém của ngành:
Hệ thống tổ chức của ta có khuôn vàng thước ngọc để sàng lọc, chọn được một dàn lãnh đạo, loại tinh ở trên sàng, toàn nguyên khí quốc gia cả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đủ bộ máy siêu to, các Tổng cục, cục, vụ, viện,… thì không thể nói thiếu tham mưu. Xa lộ IT thênh thang so với thời cụ Kim Ngọc, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Ngọc Trìu. Mỗi cán bộ ngày nay có một máy VAIO, thì không thể thiếu thông tin. 

Vậy thiếu cái gì mà để cơ chế, chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn không giúp được dân? Có thể là hàm lượng chất xám trong các chính sách ban ra bị thấp, có thể là trí tuệ ở ngoài, lãnh đạo Bộ chưa qui tụ vào, có thể là tiếng nói của nông dân (ví dụ trong các thư ngỏ,….) và những người có tâm huyết (chẳng hạn ông Nguyễn Minh Nhị, Võ Tòng Xuân, Vũ Trọng Khải, và nhiều người khác,…) không vang đến tai Bộ, hay Lãnh đạo bận ra lệnh, không kịp lắng nghe? Bộ có đủ nhiều thứ (như ý chí, quyết đoán, quyền lực,…), chỉ thiếu một thứ là dân chủ nên bức tranh ngành ta (mà Bộ tự họa) nó có màu xám.

Nỗi buồn của nhà khoa học
Nhiều người có chung nhận định bất luận trong thời đại nào, vai trò của trí thức gắn liền với vận mệnh quốc gia và phụ thuộc vào người lãnh đạo quốc gia. Trí thức là hiền tài, là nguyên khí quốc gia, không có trí thức thì không thể chấn hưng được đất nước, nhưng chính lãnh đạo quốc gia mới là người quyết định vai trò của trí thức đối với quốc gia.
Day dứt với thực trạng kinh tế xã hội của nước nhà, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Việt Nam cấp bách đổi mới thể chế, nhằm bảo đảm sự lành mạnh cho nền tài chính quốc gia. Bằng các lập luận khoa học và số liệu minh họa cụ thể, TS Việt đề nghị Việt Nam viết lại luật doanh nghiệp và luật tín dụng.

Mặc dù đồng tình chia sẻ với quan điểm của TS Vũ Quang Việt nhưng tôi nghĩ người ta không viết lại luật doanh nghiệp vì luật vừa mới được Quốc hội thông qua. Mặt khác, nếu chỉ thay đổi nội dung luật mang tính kỹ thuật thì không có nhiều ý nghĩa. Còn thay đổi mang tính chất đột phá thì có nêu ra, người làm luật có nghe cũng để đấy vì họ được lệnh không được thay đổi. Chỉ khi nào đường lối của Đảng có sự thay nào đó về các cái đuôi xã hội chủ nghĩa thì mới có cơ hội thay đổi luật (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, v.v.).
Về mối quan hệ này, có câu chuyện tếu: Những năm 80, trong một cuộc giao lưu có ông Võ Văn Kiệt tham dự, một ai đó nổi hứng ôm đàn ca vui mấy câu (nhại bài hát của Trần Hoàn):
Một chiều anh Sáu Dân tê lế phôn cho Ca Lê Thuần, mà nhủ rằng làm văn hóa thì một thành phần, còn làm kinh tế thì nhiều thành phần. Các cậu quán triệt nhen!…

Ông Sáu Dân biết quý trọng dân, được dân, nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ tin cậy luôn thấy ở ông là điểm tựa tinh thần, ngày nay lãnh đạo mấy người được hạnh phúc như Sáu Dân?

Có ý kiến cho rằng chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của cả một trào lưu tư tưởng của loài người, chứ không phải của ta, của riêng ai, của nước nào, phe nào. Có lúc người ta dùng nó để xây dựng cả một xã hội thì không thành (vì thế mới có khái niệm “Chủ nghĩa xã hội không tưởng”); nhưng xét về mặt đức tin, văn hóa, đạo đức thì nó có nhiều điểm tiến bộ. Nó cũng phải được đối xử ngang bằng với các đức tin của vô vàn các cộng đồng trên thế giới này.

Còn về kinh tế thì chỉ có tôn trọng qui luật thị trường với phương tiện “đồng tiền” mới là thể chế giúp loài người phát triển cực đỉnh (climax) một cách tự nhiên và bền vững được. Đấy là qui luật khách quan y như trong khoa học tự nhiên vậy. Cho nên trong văn hóa thì định hướng xã hội chủ nghĩa còn có thể được, còn trong kinh tế mà gắn cái đuôi xã hội chủ nghĩa vào thì trái qui luật, gây cản trở hơn là thúc đẩy sự thành công.

Có thông tin cho rằng khi biên tập văn kiện Đại hội Đảng khóa XII được chỉ thị là “không được vượt Cương lĩnh, Hiến pháp”, tức vẫn giữ nguyên các cái “đuôi” nêu trên. Mà giữ cái “đuôi” xã hội chủ nghĩa thì chẳng bao giờ có đột phá được trong hình thành các luật kinh tế như TS Vũ Quang Việt mong muốn.

Theo nguyên tắc quản trị đáng lẽ ra, các ngân hàng thương mại, và công ty tài chính phải là công ty mẹ đầu tư vốn tạo ra các doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn ở các lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam lại làm theo quy trình ngược, các công ty sản xuất lại lập ra ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính với tư cách công ty con. Các công ty con huy động nguồn vốn trong dân, rồi cho công ty mẹ vay, thế là đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tạo ra cục máu đông, nguy cơ vỡ trận tài chính.

Dù cho chưa sửa lại luật doanh nghiệp và luật tín dụng, có hai điểm mà Quốc hội Việt Nam có thể thay thế bất cứ lúc nào:
1.     Mọi doanh nghiệp nhà nước mới ra đời phải được Quốc hội hay Hội đồng nhân dân thông qua. Nếu không, nhiệm kỳ sắp tới, ông nào lên lãnh đạo cũng có thể lập doanh nghiệp nhà nước.
2.     Cấm không cho doanh nghiệp phi tài chính làm chủ doanh nghiệp tài chính và ngược lại nếu không các doanh nghiệp sẽ lập ngân hàng kiếm vốn cho mình và bà con thân thuộc của mình, còn hậu họa thì nhân dân phải gánh chịu.
Nếu không làm được hai điểm nói trên, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ không có hy vọng gì phát triển được và có thể nhanh chóng tan hoang.

Thay cho lời kết
Xã hội luôn nảy sinh nhiều chuyện phải suy ngẫm, phải thảo luận, dù có chỉ thị hay văn bản chính thức hẳn hoi định hướng “miễn bàn” như dấu chấm than đầy uy quyền! Bởi lẽ xã hội phải luôn vận động, điều chỉnh mới là xã hội sinh động, đầy sức sống phát triển.

Thay đổi là xu hướng tất yếu của thời đại hiện nay trong một thế giới hội nhập đối với bất kỳ quốc gia nào nếu muốn tồn tại và phát triển. Một xã hội “trước sau như nhất” là xã hội xơ cứng, bảo thủ mang trong đó mầm mống của sự già nua, ốm yếu, không theo kịp thời đại thì ắt dẫn đến hậu quả khôn lường. Người dân vẫn ghi nhớ Tổng bí thư Trường Chinh minh mẫn và dũng cảm cho viết lại toàn bộ Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI theo tinh thần Đổi mới là tấm gương sáng trong lịch sử hoạt động của Đảng ta.

Cách quản lý nhà nước của ta hiện nay đang thúc đẩy cho sự phân hóa giai cấp, phân hóa tư tưởng trong cái nền “tiểu nông”! Việt Nam theo xu hướng không phải tư bản chủ nghĩa mà là manh mún, dối trá, rất vô thường mà nếu không tái cấu trúc thể chế và tổ chức nhân sự thì sẽ là vô phương cứu chữa!

T. V. T.

“Đổi mới chính trị” chỉ là sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thiện Tùng

Khi nhận ra chủ thuyết cộng sản quá nhiều khiếm khuyết, kềm hãm xã hội…, đầu thập niên 90, các nước cộng sản Đông Âu tiến hành cải tổ đồng bộ về chính trị và kinh tế (thượng tầng và hạ tầng) theo kiểu cha nào con nấy, êm xuôi, từng bước thăng tiến vững chắc.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận “cải tổ” về mọi mặt như các đảng cộng sản Đông Âu. Trước áp lực của công chúng về cuộc sống, tại Đại hội 6 năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết bám chủ thuyết cộng sản, chỉ “cải cách” nửa vời về kinh tế, với sách lược “đổi mới kinh tế” theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – có nghĩa là kinh tế thị trường chỉ là sách lược, là phương tiện phục vụ cho chiến lược kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ thuyết Cộng sản. Hình thức kinh tế “đầu gà đít vịt” này khiến đất nước khó phát triển, đang ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực, nhiều tệ nạn xảy ra, nhất là tệ cửa quyền, tham nhũng trong giới lãnh đạo.

Giờ đây, trước áp lực của công chúng lên án thể chế độc tài Đảng trị, đòi dân chủ đa nguyên chính trị…, hội nghị lần thứ 10/khóa 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng buộc phải tạm áp dụng sách lược “Đổi mới chính trị” để xả căng, thoát hiểm theo mô hình chính trị hiện nay của Trung Quốc.

Trong bản tổng kết hội nghị 10/khóa 11, người ta lưu tâm nhất đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất Đảng, Nhà nước mà chỉ thay đổi cơ chế”.

Câu nói ngắn gọn này thể hiện quan điểm, lập trường trước sau như một của Đảng Cộng sản Việt Nam:
– “Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính tri” – có nghĩa là Đảng CS tiếp tục thủ vai toàn trị như hiện nay, theo điều 4 Hiến pháp hiện hành?
– “Không thay đổi bản chất Đảng, Nhà nước” – có nghĩa là Đảng vẫn theo học thuyết Mác Lê Mao, tiếp tục quản lý xã hội bằng Nhà nước gọi là “Chuyên chính vô sản” hay nói rõ hơn là Nhà nước “Đảng quyền”, quyết không chấp nhận Nhà nước “Pháp quyền” như công chúng đang đòi hỏi?

– “Chỉ thay đổi cơ chế…”  – cơ chế gì sao không nói rõ!? Cơ chế chính trị hiện hành là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Nếu thay đổi cơ chế chính trị hiện hành thì chắc là Tổng Bí thư Trọng muốn nói đến cơ chế mang yếu tố sách lược là “đa nguyên chính trị” theo mô hình Trung Quốc hiện nay – tức là, để tạm thời ổn định chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cho phép những đảng, phái… tham gia chính trường với điều kiện bất di bất dịch là Đảng Cộng sản Việt Nam chấp chánh, những thành phần khác tham chính – một mô hình đa nguyên chính trị chỉ mang ý nghĩa sách lược mà “Đảng ta” đã dùng nó như phương tiện gỡ khó trong thời chiến 1946-1975?

Vậy, việc thay đổi cơ chế chính trị mà hội nghị 10 nêu ra chẳng qua là hình thức, nhằm trang trí bộ mặt cho sáng sủa một chút, chớ thực chất là “bình mới rượu cũ”, vẫn là Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền tối hậu, lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối theo điều 4 Hiến pháp hiện hành.

Nếu hiện nay, người ta tranh nhau giành ghế Chủ tịch nước hay ghế Thủ tướng thì còn hy vọng. Còn như lãnh đạo cấp cao tranh nhau giành ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thì mong gì có sự thay đổi thể chế chính trị. “Thôi rồi Lượm ơi”!

02/01/2015
T. T.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link