Quyền công dân : Những khái niệm căn bản và cách giải quyết
01/02/2015
RadioCTM - Trần Quang Thành@S:
Quyền công dân : Những khái niệm căn bản và cách giải quyết
http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/02/20150201-ctm-danguyen_Lm-LNThanh.mp3
http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/02/20150201-ctm-danguyen_Lm-LNThanh.mp3
Quyền con người, quyền công dân là những khái niệm đã được hình thành từ rất lâu trong lịch sử loài người. Bộ lật cải cách Urikagina của thành phố Lagash, từ hơn 4 ngàn năm trước, đã đề cập đến những khái niệm về các quyền này ở một mức độ nào đó. Ngày nay quyền con người và quyền công dân là những yếu tố căn bản làm nền tảng cho các xã hội dân chủ và văn minh.
Như vậy, quyền con người và quyền công dân là gì ?
Từ đâu mà có ?
Tại Việt Nam ở đầu thế kỷ 21 này, các quyền con người và quyền công dân đã được thực thi như thế nào ? Do đâu mà Việt Nam liên tục đứng ở vị trí cuối bảng trong các bảng xếp hạng hàng năm về lãnh vực này của các tổ chức quan sát quốc tế? Làm sao để giải quyết rốt ráo để thăng tiến việc thực thi nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam ? Đó là những vấn đề sẽ được Linh Mục, nhà báo, Lê Ngọc Thanh trình bày trong cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành được gửi đến quý vị sau đây. Mời quý vị cùng nghe.
http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/02/20150201-ctm-danguyen_Lm-LNThanh.mp3
http://radiochantroimoi.com/
Thủ đoạn mới của nhà cầm quyền với người hoạt động dân chủ
RadioCTM - Trần Quang Thành@S:
Tin từ các trang mạng thì vào khoảng 10giờ 30 sáng ngày 30/01/2015 luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị “côn đồ” đến nhà phá, chửi bới và còn hăm dọa sẽ đốt nhà.
Để hiểu rõ sự việc, mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa luật sư Nguyễn Văn Đài và phóng viên Trần Quang Thành.
http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/01/20150131-cm-dacbiet_NVDai.mp3
http://radiochantroimoi.com/
Thư Ls Lê Quốc Quân gửi Nguyễn Quang Thạch
Nguyễn Xuân Diện
Lời dẫn của Nguyễn Quang Thạch:
Luật sư Lê Quốc Quân gửi cho tôi từ trại giam. Anh Quân cứ yên tâm, dăm năm nữa thì trẻ em nông thôn Việt Nam sẽ được đọc nhiều sách như trẻ con nhà trung lưu của Hà Nội.
Mong anh sớm ra để thỉnh thoảng chúng ta đàm đạo về sách, khai trí kiến quốc và đẩy nhanh tiến trình sách hóa giáo xứ.
Cám ơn Lê Quốc Quyết đã chuyển thư cho tôi.
Tễu bình: Người như vậy, nét chữ như vậy, tấm lòng như vậy mà bắt bỏ tù thì không thể hiểu nổi chế độ này cần những người như thế nào!?
Nguồn: http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/01/thu-ls-le-quoc-quan-gui-nguyen-quang.html
"Thông điệp tình người qua cuốn phim Last Days In Vietnam" qua nhận xét của Ts Trần Diệu Chân.
Phim “Last Days in Vietnam”- Những ngày cuối cùng ở Việt Nam
Đài PBS (Public Broadcasting Service) sẽ trình chiếu phim “Last Days in Vietnam” vào ngày 28-4-2015 nhân dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30-4-1975 trên toàn bộ hệ thống khắp Hoa Kỳ; và những ngày trước đó,). Phim “Last Days in VN” cũng sẽ ra DVD vào cuối tháng 4, 2015.
Phim tài liệu “Last Day In Vietnam” mang một số thông điệp của người Mỹ nhìn về ngày 30 tháng 4 của 40 năm về trước.
Điểm chính rất tuyệt vời của cuốn phim mà ai cũng phải nhìn nhận là nói lên TÌNH NGƯỜI trong giai đoạn khó khăn, cấp bách, nguy hiểm nhất – những ngày cuối cùng của cuộc chiến Quốc-Cộng tang thương kéo dài 20 năm trên đất nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, cảm nhận của tôi về cuốn phim rất xúc động mà hầu hết ai xem phim cũng nhỏ lệ là:
1. Chính nghĩa của dân tộc, của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được phục hồi khi nói lên cái ác và bất tín của cộng sản Việt Nam (CSVN). Đồng thời, phơi bày sự thật về lý do tại sao VNCH thất trận, đó là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ chứ không phải do VNCH hèn nhát, tháo chạy như dư luận tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới đã từng hiểu lầm do bị ảnh hưởng của phong trào phản chiến.
2. Can đảm đưa ra nhận thức là chính Hoa Kỳ đã bỏ rơi VNCH để đưa đến tình trạng kết thúc tang thương tại Việt Nam mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Phê phán Hiệp Định Paris là một “kiệt tác của hỏa mù” và nói lên những trí trá của phía CSVN cũng như những ký kết vô trách nhiệm của Hoa Kỳ.
3. Tinh thần trách nhiệm, bác ái, can trường của nhiều người Mỹ cũng như Việt trong cuộc di tản, sẵn sàng hy sinh cá nhân mình vì người khác.
4. Bài học lịch sử cho Hoa Kỳ - như lời chia sẻ của Đạo diễn Rory Kennedy: Trước khi mình dấn thân vào một cuộc chiến, phải nghĩ tới sách lược thoát ra các cuộc chiến đó như thế nào để là một kết thúc có hậu.
5. Bài học lịch sử cho Việt Nam: Luôn lấy sức mình/sức mạnh dân tộc làm chính. Quốc gia nào cũng đặt ưu tiên quyền lợi dân tộc họ; do đó họ chỉ hợp tác khi có tương quan quyền lợi và sẵn sàng bỏ rơi chúng ta khi cần. Cần thực tế hóa và không lý tưởng hóa tương quan với các quốc gia bạn; vận động sự hợp tác quốc tế trên căn bản “tương quan quyền lợi”.
6. Cuốn phim không cho phía cộng sản Việt Nam có tiếng nói. Ngược lại, nói lên được cái ác của CSVN và sự cảm thông với người dân miền Nam Việt Nam qua lời chia sẻ của một vị đại tá Mỹ: “Người dân miền Nam có đủ lý do để khiếp sợ Cộng Sản Việt Nam.
Hành vi của Cộng sản trong suốt cuộc chiến là bạo lực và không hề khoan nhượng. Thí dụ khi thành phố Huế bị Bắc Việt chiếm, nhiều ngàn người có tên trong sổ đen dày cộm của họ đã bị triệu tập, thầy giáo, công chức, những người mang danh chống cộng đã bị xử tử, thậm chí trong một số trường hợp họ bị chôn sống.”
Ngay cả hình ảnh mà đạo diễn Rory Kennedy đã tài tình lồng vào: hình ảnh nhuộm đỏ Việt Nam như một dòng suối máu lan theo bước chân thôn tính của CSVN – cũng nói lên được nguy cơ vào giai đoạn chót, và sự đe dọa kinh hoàng của một chế độ độc ác.
7. Ghi nhận những phi công, sĩ quan Việt Nam can đảm, tài giỏi, yêu nước qua hình ảnh tiêu biểu của một số vị. Nói lên được sự thông cảm và thương cảm đối với người dân miền Nam Việt Nam.
8. Đoạn cuối, cuốn phim đã ghi chú về chính sách tù “cải tạo” tàn bạo của CSVN: “Đối với những người bị bỏ rơi, hàng trăm ngàn người bị đưa vô trại học tập cải tạo.
Nhiều người đã bỏ mạng vì bệnh tật và đói khát. Một số không rõ bao nhiêu người bị xử tử.”
Chính vì những ưu điểm này mà cuốn phim đã được đồng bào chúng ta đón nhận nhiệt liệt, dù vẫn có những ấm ức là cuốn phim chưa nói lên được hết những đau thương mà đồng bào chúng ta phải gánh chịu kể từ sau cái ngày tan đàn xẻ nghé 30-4-1975, chưa nói lên được đầy đủ những gương anh hùng của quân cán chính VNCH, những hình ảnh tuẫn tiết của các vị tướng VNCH, và chưa lột hết được sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ.
Nhưng có cuốn phim nào mà nói lên hết được tất cả những u uất, thống khổ, thương tâm của cuộc chiến Quốc-Cộng mà dân tộc chúng ta đã phải gánh chịu, và ngay cả giai đoạn đau thương sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm qua?
Dẫu sao, cuốn phim đã nói lên được phần nào những điểm son để phục hồi sự thật, để rút tỉa kinh nghiệm, để vinh danh giá trị nhân bản và tình người trong một trang sử cận đại mà hệ lụy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.
Với hầu hết những chia sẻ về “Last Days...” là những lời khen, từ các nhà bình luận/điểm phim chuyên nghiệp Mỹ - Việt, cho tới đồng bào chúng ta sau khi xem phim, chúng tôi xin trích lại đây một số những bình phẩm tiêu biểu để giới thiệu cuộn phim tới đồng bào.
Chính vì những giá trị của cuốn phim mà tôi đã nhận lời nằm trong ban dịch thuật để PBS có thể phụ đề tiếng Việt cuốn phim gởi tới cho đồng bào Việt Nam ở khắp nơi (ngay cả trong nước hy vọng đồng bào chúng ta cũng có thể xem qua mạng Internet hay DVD).
“Last Days in VN” đã được Academy Awards đề nghị giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2015. Không biết phim có nhận được giải Oscar vào tháng 2 này hay không, nhưng tôi nghĩ “Last Days in Vietnam” đã thắng giải Oscar trong trái tim của nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi.
Ts Trần Diệu Chân
Thông Tin Đức Quốc - http://www.ttdq.de/node/2042
Ghi nhanh về chuyến đi thăm TNLT Hồ Thị Bích Khương tại Hà Nội
Chị Hồ Thị Bích Khương và Ms Nguyễn Trung Tôn (hình trước đây)
Nguyễn Trung Tôn
Nhận được tin chị Hồ Thị Bích Khương đã bị chuyển trại ra Thủ đô Hà Nội từ ngày 16/01/2015, ngày 21/01/2015 tôi và cháu Nguyễn Trung Đức đã lên đường ra thăm gặp chị.
Đường xá xa xôi lại chưa biết rõ họ giam giữ chị ở K nào của trại giam Thanh Xuân, nên xuống bến xe Giáp Bát Hà nội, chúng tôi bắt tắc-xi để đi cho tiện vì người tài xế nói rằng anh ta biết khu trại giam đó. Khoảng 11h trưa chiếc xe chở chúng tôi dừng lại tại một ngôi làng thuộc xã Mỹ Hưng huyện Thanh Oai Tp. Hà nội. Bước xuống xe chúng tôi trả 250.000đ tiền lộ phí. Tôi vào cổng trại giam đưa giấy tờ tùy thân để xin được gặp tù nhân. Một công an gác cổng trả lời rằng đã hết giờ làm việc buổi sáng, anh ta bảo tôi hãy đợi tới giờ làm việc buổi chiều.
Hai chú chau đi tìm chỗ ăn và nghỉ trưa, nhưng khu vực này rất ít quán ăn. Chúng tôi vào một quán nhỏ ăn tạm bát bún và ngồi đợi cho thời gian trôi đi. Trong khi ngồi đợi trong quán, cô chủ quán đã cho tôi biết rằng ở trại giam này không giam giữ các tù nhân nữ, có chăng chỉ có vài cô bán căn-tin. Nghe nói vậy tôi lại đi về phía cổng trại để hỏi thăm người gác cổng cho chắc.
Chú công an gác cổng cho tôi biết tù nhân nữ tên Hồ Thị Bích Khương đã được chuyển tới K3 của trại Thanh Xuân, thuộc xã Xuân Dương huyện Thanh Oai. Vây là chúng tôi lại phải thuê một người làm nghề xe ôm đưa 2 chú cháu tới K3 của trại giam. Tới nơi, người chạy xe không đứng đợi chúng tôi mà anh ta lấy 120.000đ tiền công rồi đi luôn.
Tiến về cổng trại, tôi xuất trình giấy tờ tùy thân, nhưng người gác cổng trả lời rằng tôi không có mối quan hệ gia đình với tù nhân nên không được vào. Cháu Đức lại quên không mang theo chứng minh thư nhân dân nên cũng không được vào. Vậy là cả 2 chú cháu lại phải quay về trong sự thất vọng.
Đoạn đường từ cổng trại ra ngã tư Vác rất xa mà lại không có người nào chạy xe ôm đứng ở đó; rất may là có một người thợ xây đang làm xây dựng trong khu vực gần trại, thấy chúng tôi đi bộ nên thương tình, anh ta tranh thủ chở chúng tôi ra ngã tư Vác để bắt xe về bến xe Mỹ đình. Từ đó chúng tôi bắt xe trở lại quê nhà.
Hôm qua ngày 30/01/2015, tôi lại cùng chị Hồ Thị Lan (chị gái của tù nhân Hồ Thị Bích Khương) và cháu Nguyễn Trung Đức (con trai tù nhân Hồ Thị Bích Khương) tiếp tục lên đường ra Hà Nội thăm chị Khương. Trên đường đi chúng tôi có ghé vào nhà Cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội để thăm anh, nhân tiện ăn cơm trưa rồi nhờ anh gọi xe tắc-xi để đi vào trại giam.
Tới trại giam tôi không được vào mà chỉ có chị Lan và cháu Đức vào bên trong thăm gặp chị Khương. Tôi và người lái xe phải đứng phía ngoài một bốt gác cách cổng trại khoảng chừng 500m. Sau khi thăm gặp chị Khương xong chúng tôi lại trở về nhà cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội ở huyện Thường Tin, Hà Nội để nghỉ ngơi.
Thông qua lời kể của chị Lan thì hiện tại chị Hồ Thị Bích Khương đã tuyệt thực 15 ngày (kể từ ngày 16/01/2015 tới ngày 30/01/2015) để phản đối việc trước khi chuyển chị tới trại giam Thanh Xuân thì trại giam số 5 Yên Định Thanh Hóa đã tịch thu toàn bộ các giấy tờ, đơn thư mà chị Hồ Thị Bích Khương đã viết để gửi qua trại giam gửi tới các cơ quan chức năng nhà nước khiếu nại về bản án, cùng với những chế độ ăn uống sinh hoạt, lao động… ở trong trại giam. (Mỗi khi viết đơn thư gửi đi, chị đều lưu giữ lại một bản để làm tư liệu chứng cứ về sau).
Chắc có thể vì sợ những nội dung đơn thư này chị Khương sẽ mang về nhà và trực tiếp gửi tới các cơ quan chức năng nhà nước nên cán bộ trại giam đã cố tình thu giữ lại để phi tang. Không những thế, trại giam còn không cho chị mang theo những đồ dùng cá nhân và những thức ăn đã mua dự trữ, ngay cả tiền lưu ký chị cũng không được mang theo.
Theo như trinh bày của chị Lan thì hiện nay chị Hồ Thị Bích Khương rất yếu, gầy và xanh, trong khi nói chuyện chị không còn đủ sức để nói, thỉnh thoảng chị lại thở dốc lên vì quá mệt. Nhìn thấy em gái gầy yếu như vậy, chị Lan động viên em mình hãy ăn uống trở lại giữ gìn sức khỏe để khi ra tù còn có thể đấu tranh, nhưng chị Khương khẳng định rằng chị sẽ tuyệt thực cho tới khi nào trại giam số 5 Thanh Hóa gửi trả lại cho chị những gì họ đã thu giữ, nếu không chị sẽ tuyệt thực tới chết.
Sáng nay khi mới khoảng 5h sáng, các chú an ninh huyện Thương Tin và an ninh Tp. Hà nội đã lượn đi lượn lại trước nhà anh Phạm Văn Trội như muốn tim kiếm điều gì. Các chú tập trung ngồi ngay cổng trạm y tế xã có hướng gần đối diện nhà anh Trội để (phóng mắt) vào trong nhà anh Trội. Khoảng 7h sáng sau khi ăn sáng xong vợ chồng anh Trội lấy xe máy đèo chúng tôi ra Quốc lộ 1A để bắt xe trở về quê. Vừa mới ra khỏi nhà được một đoạn, mấy chú an ninh đuổi theo xe của anh Trội, một chú vượt lên phía trước và hỏi: “Anh đi đâu mà sớm thế? Anh làm em phải chạy theo.” Anh Trội nói: “Tôi đưa người bạn ra đường để bắt xe.
Chú đi làm nhiệm vụ à.” Hai xe máy của công an chạy lên trước không biết có mục đích gì! Anh Trội đi chậm lại và dừng hẳn, khi đi hết địa bàn mà anh đang bị quản chế. Tôi và cháu Đức xuống xe đi bộ được vài bước thì hai chú an ninh quay trở lại (chắc họ thấy anh Trội đã dừng xe để quay về). Một an ninh dừng xe và hỏi tôi: “Anh đi đâu, lên xe em đưa đi. Tôi nói: “Chú cháu tôi ra đường để bắt xe thôi, có một đoạn để chúng tôi đi bộ cũng được.
Chú an ninh cứ nằng nặc chạy xe chầm chậm nài: "Hai chú cháu lên đây em chở, đi bộ làm gì cho mệt". Tôi đồng ý lên xe, cả cháu Đức cùng lên, xe chạy khoảng 100m thì tới Quốc lộ 1A (nơi chúng tôi dự định đứng bắt xe). Chú dừng lại cho chúng tôi xuống và hỏi: "Anh là anh em họ hàng với anh Trội hả?" "Không tôi là bạn bè thôi!" (tôi trả lời).
Mặc dù đã đưa chúng tôi tới nơi bắt xe nhưng chú an ninh cứ đứng đó mãi, chú lấy điện thoại gọi đi đâu đó. Sau khi biết tôi là người Thanh Hóa, chú nói: "Vậy là em với bác là đồng hương rồi, em ở Yên Định bác ạ." Tôi nói "Vậy hả! Thế chú là an ninh huyện Thường Tin hay an ninh Tp Hà Nội?" Chú cười nói: "Bác biết rồi con hỏi em làm gì." Thời tiết hôm nay hơi lạnh lại có thêm mưa phùn làm tôi ướt hết cả đầu, chú an ninh phải lấy áo mưa ra mặc và đợi tôi bắt xe. Một lát sau xe đi Vinh tới, chị Lan và cháu Đức lên xe, còn tôi đứng lại để đợi xe về đúng tuyến huyện quê tôi.
Chú an nình hỏi tôi: "Anh không về cùng à? Anh còn đi đâu nữa?" Tôi trả lời, "tôi đợi xe khác đi cho thuận tiện." Một lát sau, lại thấy thêm một chú an ninh khác tới đứng bên cạnh tôi.
Chẳng biết tôi gặp anh Trội là chuyện quá bình thường trong xã hội mà sao các chú an ninh cứ phải lo lắng, canh gác bảo vệ cẩn thận thế làm gì? Chiếc xe mà tôi đợi đã tới, tôi lên xe về quê, chắc lúc này các chú mới yên tâm trở về trước nhà anh Trội để tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ gì đó trước cổng nhà anh.
Thanh hóa ngày 31/01/2015
Nguyễn Trung Tôn
DienDanCTM
Cô gái trẻ dấn thân vào sứ mạng truyền thông vì người nghèo
Cô Anna Huyền Trang, một trong số các thành viên nồng cốt của truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Saigon
Trà Mi-VOA
31.01.2015
Một cô gái trẻ bị mất việc, bị đuổi khỏi nhà trọ, bị cấm xuất cảnh, bị công an câu lưu, hành hung, xúc phạm nhân phẩm vì cộng tác cho một trang báo độc lập không thuộc ‘lề đảng’ nhưng vẫn bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa để theo đuổi sứ mạng truyền thông vì người nghèo.
Em muốn nhắn gửi những người bạn không đồng quan điểm với em rằng ‘Chúng mình là người lớn. Hãy sống thế nào cho ra người lớn. Đừng để con trẻ phải gánh chịu. Đừng để con trẻ chất vấn vì đó đúng là một điều đáng nhục. Mình chính là nhân tố thay đổi xã hội, thay đổi thể chế để giúp Việt Nam trở nên tốt hơn, người dân Việt Nam được sống an nhiên hơn.
Anna Huyền Trang
Đó là câu chuyện của cô Anna Huyền Trang, một trong số các thành viên nồng cốt của truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ở Sài Gòn.
Trang bắt đầu làm cộng tác viên cho DCCT vào năm 2011. Sau khi công an áp lực chỗ làm đuổi việc cô, từ đầu năm ngoái, Trang đã bỏ hẳn công việc chuyên ngành kinh tế để trở thành phóng viên toàn thời gian của truyền thông DCCT, ngược xuôi khắp nơi để đưa ra ánh sáng những câu chuyện oan khuất, những tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng, những thông tin không được báo chí nhà nước đề cập tới.
Ngoài việc đi thu thập tin tức, phỏng vấn, viết bài cho trang web Dòng Chúa Cứu Thế, Trang còn đảm trách biên tập chương trình Cà Phê Tối, một trong sáu chương trình truyền hình của Dòng Chúa Cứu Thế, chuyên điểm tin hằng ngày và bình luận các sự kiện thời sự liên quan tới Việt Nam.
Hai trong số những lần Trang bị bắt bớ, hành hung được dư luận biết đến là lần cô vô cớ bị công an phường Cầu Kho (quận I, TPHCM) cưỡng chế về đồn hồi tháng 10/2012, bị tra tấn, bị lột quần áo để khám xét, theo tường thuật chi tiết cô công khai trên các trang mạng xã hội sau đó; và lần cô bị đánh ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất và bị tịch thu hộ chiếu trước khi lên đường tham gia hội thảo về tự do báo chí tại Quốc hội Mỹ với tư cách là một nhà báo độc lập từ Việt Nam nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm ngoái, theo lời mời của hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ. Những hình ảnh Trang và bạn bè của cô ghi được về vụ việc này sau đó đã được phổ biến rộng rãi trên internet.
Trong môi trường kiểm duyệt chặt chẽ thông tin, không dung chấp ý kiến bất đồng, và bằng mọi cách ngăn chặn truyền thông độc lập như tại Việt Nam, tường thuật tin tức không theo lề đảng là một việc làm hết sức nguy hiểm mà những bản án liên tiếp dành cho các nhà báo-blogger tự do trong nước đã chứng minh rõ nét.
Vậy sức mạnh nào đã thôi thúc cô gái đôi mươi gầy gò, mảnh khảnh ấy dấn thân vào sứ mạng truyền thông vì những người không có tiếng nói trong xã hội?
Tạp chí Thanh Niên VOA mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu qua cuộc trò chuyện với Anna Huyền Trang trong chương trình hôm nay.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
http://www.voatiengviet.com/content/co-gai-tre-dan-than-vao-su-mang-truyen-thong-vi-nguoi-ngheo/2622533.html
Anna Huyền Trang: Trước khi em cộng tác với truyền thông DCCT, em đã tham gia các hoạt động xã hội trong thời gian dài bắt đầu từ năm học lớp 12, vì thời gian đó em có cơ hội tiếp xúc rất nhiều trẻ em đường phố, những người nghiện ma túy, và những người nhiễm HIV. Em cũng tham gia các hoạt động truyền thông bảo vệ sức khỏe cho họ. Điều này em được gặp lại trong sứ mạng của truyền thông DCCT, nên đã thu hút em tham gia, và em đã có nhiều dịp tiếp cận với các mảnh đời tan thương, bất hạnh do chính thể chế độc tài tạo nên.
Trà Mi: Cộng tác với truyền thông DCCT từ bấy tới nay, Trang đã rút ra cho mình những kinh nghiệm thế nào trong hoạt động truyền thông độc lập, đa chiều?
Anna Huyền Trang: Trong quá trình cộng tác, em đã nâng lên được khả năng tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, gặp được nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như tụi em đến với những dân oan mất đất để tìm hiểu sự việc của họ và viết tin đúng sự thật.
Trà Mi: Làm truyền thông theo ‘lề dân’ rất nhiều khó khăn. Bạn trang bị cho mình sự chuẩn bị ứng phó về mặt tinh thần như thế nào?
Anna Huyền Trang: Phóng viên tự do gặp rất nhiều đe dọa về tính mạng. Mình biết sẽ bị tóm cổ bất cứ lúc nào, nhưng đó đúng là điều ‘thú vị’ nhất ở Việt Nam đấy chị. Em luôn chuẩn bị là công an sẽ bắt mình. Em và các bạn em cũng sẵn sàng cho điều đó.
Trà Mi: Biết có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bạn có cách gì để tự vệ trước những rủi ro đó?
Cô Anna Huyền Trang Trang biên tập chương trình truyền hình Cà Phê Tối của DCCT, chuyên điểm tin và bình luận các sự kiện thời sự liên quan tới Việt Nam
Anna Huyền Trang: Trước khi đi tác nghiệp, mình thông báo cho những người bạn của mình biết địa điểm và thời gian. Nếu trong thời gian đó các bạn không thấy mình liên lạc thường xuyên thì biết là mình đã gặp rủi ro. Chính những người bạn của em là những người giám sát em trong quá trình em tác nghiệp.
Trà Mi: Từ lúc mới bước vào truyền thông DCCT tới nay, Trang thấy mình có gì thay đổi khác xưa, đã học hỏi được những gì?
Anna Huyền Trang: Điều thay đổi lớn nhất là em ý thức hơn vai trò của một công dân đối với đất nước, mình không thể câm lặng trước các vấn nạn của xã hội ví dụ như tham nhũng hay việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam.
Trà Mi: Có thể kể mình nghe một vài trường hợp đã kinh qua với vai trò một ký giả độc lập trong môi trường kiểm soát chặt chẽ thông tin ở Việt Nam?
Anna Huyền Trang: Cuối tháng 10/2012 sau khi đi lấy tin về phiên sơ thẩm hai nhà sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, em bị công an bắt về phường Cầu Kho. Em bị các nhân viên công quyền đánh đập, hành hung, lột đồ ra để khám xét. Cũng có vài lần bị bắt khác nhưng em không có gì là sợ cả. Họ đe dọa rất nhiều về tính mạng và gia đình mình. Họ hỏi ‘Mày là ai?’ Em nói ‘Tôi là phóng viên DCCT.’ Họ hỏi ‘Thẻ nhà báo đâu? Chúng mày là dân phản động làm gì mà có thẻ nhà báo của nhà nước.’ Từ đó, em thấy họ rất miệt thị các phóng viên tự do như tụi em và cần tác động làm sao để mọi người quan tâm nhiều hơn đến các phóng viên tự do chưa được các tổ chức xã hội bảo vệ.
Trà Mi: Bị miệt thị trong một xã hội mà mọi chuyện đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước rõ ràng là một bất lợi rất lớn cho các sinh hoạt hằng ngày và những giao tiếp xã hội. Những bất lợi, thiệt thòi đó đối với bản thân Trang thấy thế nào?
Anna Huyền Trang: Em không cảm thấy bị tủi thân vì họ có quyền làm điều đó với mình. Còn mình phải nghĩ khác, phải làm thế nào để giúp họ thay đổi và nhận ra được những giá trị mà các anh em dân chủ đang đấu tranh vì lợi ích của đất nước, xã hội, và con người Việt Nam chứ không phải như những gì nhà nước này rêu rao rằng là ‘phản động.’ Những người đấu tranh dân chủ nhìn thấy công việc mình làm mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội, cho người nghèo, mà cũng mang lại niềm vui cho mình nữa thì tại sao mình phải tủi hổ?
Tại sao mình lại buồn trước những ánh mắt lạ lùng đó? Em tin một ngày nào đó những ánh mắt lạ lùng đó sẽ quý mến mình. Chỉ cách đây 1 năm, bạn bè em cũng nhìn em soi mói, xét đoán công việc của em, nhưng rồi các bạn em theo dõi công việc của em trên facebook và dần hiểu được công việc em làm. Bây giờ, chính các bạn đã ủng hộ em.
Trà Mi: Gia đình phản ứng thế nào trước những việc làm của Trang?
Anna Huyền Trang: Bố mẹ em rất lo cho em. Họ từng bị an ninh mời lên làm việc hỏi về việc em làm. Thế nhưng, bố mẹ em muốn em sống tốt, trở thành người tốt, đó là cách em báo hiếu cho bố mẹ.
Trà Mi: Nói về vui-buồn của một nhà báo tự do trong nước, Trang sẽ chia sẻ những gì?
Anna Huyền Trang: Em cảm nhận được niềm vui thật sự trong nhóm truyền thông DCCT. Mọi người rất quý mến nhau, xem nhau như một gia đình vì không biết mỗi người sẽ bị bắt lúc nào, nên quý nhau từng ngày. Tụi em chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay bị bỏ rơi vì mình biết con đường mình đang đi là đúng, có ích cho xã hội. Đó là niềm vui. Lần đầu tiên bị bắt, em cũng buồn và sợ lắm vì họ đánh, họ nhục mạ. Nhưng chính lúc trong đồn công an đó mình mới nhận ra được bản chất của chế độ. Nhờ đó, giúp mình có thêm sức mạnh. Trong nhóm chúng em đã có 3 người bị bắt là Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn, và Trần Minh Nhật.
Trà Mi: Trang có bao giờ nghĩ nếu không may mình bị như họ cuộc đời mình sẽ ra sao, tương lai mình sẽ như thế nào?
Anna Huyền Trang: Tụi em luôn luôn nghĩ rằng không sớm thì muộn tụi em sẽ có cơ hội được ăn bánh mì mốc. Có người đang đe dọa em điều đó mà. Tuy nhiên, cá nhân em nghĩ việc này có thể là một trải nghiệm cho đời sống tâm linh của một người Kytô hữu. Em cảm nhận được điều này trong cuốn sách của đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người đã từng bị nhà cầm quyền cộng sản bỏ tù mà không thông qua một phiên tòa xét xử nào. Chính cuộc đời của Ngài đã tác động em rất nhiều. Em tin những việc em đang làm hiện nay là đúng.
Trà Mi: Cũng có người nói rằng truyền thông độc lập, báo chí không theo lề đảng không bao giờ đưa tin tốt hoặc nói gì hay cho nhà nước cả. Lúc nào cũng nói những điều không tốt, không hay cho nhà nước thì phải chăng đó là một sự ‘chống đối’? Phản hồi của Trang thế nào?
Anna Huyền Trang: Nhà cầm quyền luôn ra rả ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra.’ Do đó, bản thân em là một công dân nước Việt Nam đang thực hiện quyền giám sát các hoạt động của nhà cầm quyền để họ làm tốt hơn, phục vụ dân tốt hơn. Nếu ai đó nghĩ em là người ‘chống đối’ hay ‘phản động’ thì chính họ đang đi ngược lại những chính sách mà nhà nước đang khuyến khích.
Trà Mi: Với các bạn trẻ ở Việt Nam không biết nhiều hoặc không mấy quan tâm đến truyền thông độc lập, Trang muốn chia sẻ điều gì với họ?
Anna Huyền Trang: Em muốn nhắn gửi những người bạn không đồng quan điểm với em rằng ‘Chúng mình là người lớn. Hãy sống thế nào cho ra người lớn. Đừng để con trẻ phải gánh chịu. Đừng để con trẻ chất vấn vì đó đúng là một điều đáng nhục. Mình chính là nhân tố thay đổi xã hội, thay đổi thể chế để giúp Việt Nam trở nên tốt hơn, người dân Việt Nam được sống an nhiên hơn.
Trà Mi: Cảm ơn Trang rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.
http://www.voatiengviet.com/content/co-gai-tre-dan-than-vao-su-mang-truyen-thong-vi-nguoi-ngheo/2622533.html
Hồng Kông : Biểu tình lớn đầu tiên kể từ phong trào dân chủ mùa thu
Trọng Thành - RFI
Hôm nay 01/02/2015, hơn hai tháng sau các cuộc biểu tình lớn tại Hồng Kông, lần đầu tiên những người tranh đấu dân chủ lại xuống đường. Theo báo chí địa phương, khoảng 2.000 cảnh sát được huy động để giữ gìn trật tự. Ban tổ chức thông báo 13.000 người tham gia biểu tình. Cảnh sát đưa ra con số 6.600 người có mặt vào lúc khởi đầu cuộc tuần hành.
Giương cao những chiếc ô màu vàng – biểu tượng của phong trào đòi dân chủ - những người biểu tình tuần tự đi qua các đường phố chính ở trung tâm thành phố. Họ yêu cầu một « cuộc bầu cử dân chủ thực sự » trong đợt bỏ phiếu bầu người đứng đầu đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017.
Những người sáng lập phong trào « Chiếm giữ Trung tâm » (Occupy Central) như Benny Tai, cùng các lãnh đạo sinh viên như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), đều có mặt trong cuộc tuần hành. Những người tổ chức hy vọng khoảng 50.000 người tham gia hôm nay.
Theo các nhà quan sát, cuộc tuần hành này là một trắc nghiệm trong cuộc đối đầu giữa phong trào dân chủ với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh. Cảnh sát Hồng Kông đe dọa can thiệp để chống lại mọi ý định « chiếm giữ trung tâm ». Về phần mình, các đại diện phong trào biểu tình cũng tuyên bố hoạt động này không phải là chủ trương của những người tổ chức.
Cuộc tuần hành hôm nay xảy ra sau biến cố ngày 24/01/2015, khi các sáng lập viên phong trào biểu tình đòi dân chủ Occupy Central cho biết họ bị câu lưu với tội danh « tổ chức và tham gia tập hợp trái phép », nhưng không bị truy tố. Họ đã được thả sau 3 giờ tạm giam.
Những người đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông liên tục đối đầu với chính quyền từ nhiều năm nay, để đòi quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo thành phố. Lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh chấp nhận bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đối với đặc khu hành chính Hồng Kông, tuy nhiên cử tri Hồng Kông phải lựa chọn người lãnh đạo trong số các ứng cử viên được Bắc Kinh chấp thuận.
Nhà bình luận Sonny Lo (Lô Triệu Hưng), trưởng Bộ môn Khoa học Xã hội Viện Giáo dục Hồng Kông, nhận xét : « Cuộc biểu tình hôm nay cho các công dân (Hồng Kông) thấy rằng động lực dân chủ không chết và phong trào sẽ tiếp tục ».
Tuy nhiên, ông Sonny Lo cũng cảnh báo người biểu tình rằng các cư dân Hồng Kông đã kiệt sức và nhiều người hy vọng phong trào không có những hoạt động quá đà. Theo ông Sonny Lo, « mọi người đã khá mệt mỏi về chính trị. Những nhà tranh đấu cần phải suy nghĩ một cách thận trọng về chiến lược hành động » trong bối cảnh nhiều cư dân Hồng Kông có một thái độ « thực dụng về chính trị ».
Theo các nhà quan sát, ngoài phong trào đòi bầu cử dân chủ mùa thu vừa qua, xã hội Hồng Kông – một cựu thuộc địa của Anh Quốc – đã khá quen thuộc với các cuộc xuống đường lớn, như cuộc tuần hành phản đối một điều luật về an ninh năm 2003, hay các cuộc biểu tình hàng năm tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.
VÌ SAO NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO ISIS CHƯA BỊ TIÊU DIỆT?
Hồ Hải
Bản đồ thành phố Kobani của Syria
Vậy là con tin người Nhật thứ hai - ông Kenji Goto - đã bị nhà nước Hồi giáo ISIS chặt đầu đêm qua. Nội các Nhật họp khẩn cấp, khi ISIS tung clip thông báo lên mạng, và cho biết Nhật Bản là nước nằm trong danh sách họ đặt mục tiêu khủng bố. Thế giới tả khuynh luôn ác độc và duy ý chí, iSIS là một trong số nhà nước thần quyền tả khuynh cực đoan.
Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cùng Nhật Bản tiêu diệt các chiến binh Hồi giáo của nhà nước Hồi giáo dựng ra.
Cũng trong hộm qua nhà nước Hồi Giáo ISIS đã công nhận thất thủ tại thành phố Kobani, Syria. Nhưng họ tuyên bố là sẽ tấn công chiếm lại nơi này.
Như chúng ta biết Kobani là thành phố giáp biên giới với Thỗ Nhĩ Kỳ. Thỗ Nhĩ Kỳ là bạn đồng minh của phương Tây và Hoa Kỳ. Thành phố Kobani quan trọng trong huyết mạch lưu thông, và quan trọng hơn nữa là trữ lượng dầu khí ở đây rất lớn, và là nguồn cung cấp tài chính lớn và chủ yếu cho các chiến binh Hồi Giáo.
Sự tồn tại của các chiến binh Hồi giáo ở vùng biên giới này cũng là một nguồn thu lợi quốc gia trong cuộc chiến của ISIS với Syria. Nó cũng giống như Thái Lan, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á đã giàu lên và phát triển trong những thập niên 1960-1970 nhờ vào Việt Nam nội chiến.
Nhưng tại sao Thỗ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây Mỹ không tiêu diệt các chiến binh Hồi Giáo, và cắt nguồn cung cấp tài chính của họ ra khỏi thành phố này còn là một lý do phức tạp liên quan tới Nga, Ukraina và Syria. Một thế trận giằng co cũng vì Mỹ và phương Tây muốn giá dầu xuống thấp hơn nữa. Vì ISIS bán dầu thô bằng tiền mặt, với giá rất rẻ, chỉ < $25/thùng!
Chính vì giá dầu từ các chiến binh Hồi Giáo rẻ mạt, nên sự tồn tại của họ tại Kobani là cần thiết trong chiến lược đánh Nga qua giá dầu thấp của Hoa Kỳ và phương Tây. Ngoài ra, nó cũng giúp một phần rất lớn cho cung cấp dầu và khí gas cho phương Tây trong mùa Đông này.
Các cuộc pháo kích vào Kobani đẩy lùi chiến binh Hồi giáo ISIS.
Chiến sự với các chiến Binh Hồi Giáo ISIS sẽ kết thúc khi và chỉ khi Nga thúc thủ trước trừng phạt của Phương Tây và Hoa Kỳ. Lúc đó làm thịt Syria là chuyện rất nhỏ. Tôi tiên lượng thời gian phải tính hết năm 2015 và có thể sẽ đến 2016.
Hãy chờ xem.
Sài Gòn đứng áp chót bảng xếp hạng thành phố an toàn
Ngoài việc thiếu an toàn, TP HCM cũng là nơi có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 50 thành phố.
VOA Tiếng Việt
01.02.2015
Nơi từng được coi là Hòn Ngọc Viễn Đông đứng thứ ba từ dưới lên trong bảng xếp hạng 50 thành phố an toàn nhất trên thế giới.
Theo cơ quan phân tích kinh tế hàng đầu có tên gọi Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí The Economist, TP HCM chỉ đứng trước hai thành phố khác là Tehran và Jakarta. Thành phố Hà Nội không nằm trong bảng xếp hạng.
3 thành phố châu Á đứng đầu bảng xếp hạng gồm: Tokyo, Singapore và Osaka.
Trong 4 tiêu chí đánh giá chính, như an ninh số, an ninh y tế, an toàn cơ sở hạ tầng và an toàn cá nhân, TP HCM đều đứng ở nhóm cuối.
Thành phố mà nhiều người giờ hay gọi lại tên cũ trước đây là Sài Gòn đứng ở cuối phần xếp hạng về 'an toàn cơ sở hạ tầng' (chất lượng đường xá, số vụ tử vong liên quan tới tai họa...)
Năm 2014, một quan chức công an ở TP HCM cho biết hiện thành phố này có hơn 19.000 người nghiện ma túy, tức là tăng hơn 7.000 người so với năm 2013.
Ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM được báo chí trong nước trích lời nói rằng đó là con số thống kê “chưa đầy đủ vì có thể bỏ sót 50% - 80% bởi số người nghiện ma túy lang thang không nơi cư trú tại thành phố rất nhiều, không thống kê hết”.
Báo chí trong nước không ít lần đăng tải các hình ảnh người nghiện ma túy tiêm chích ở nơi công cộng, nhất là công viên, ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Theo chính quyền trong nước, con số người nghiện ma túy gia tăng kéo theo nạn trộm cắp, cướp của.
Truyền thông gần đây đã cho đăng nhiều bài viết về tình trạng ‘cướp giật táo tợn và liều lĩnh’ ở TP HCM.
Theo EIU, VOA
http://www.voatiengviet.com/content/sai-gon-dung-ap-chot-bang-xep-hang-thanh-pho-an-toan/2623051.html
“Thành quả cách mạng” nào???
BNS Tự do Ngôn luận
Cách đây 85 năm (03/2/1930-2015) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, ảnh hưởng lên cuộc sống Đồng bào và vận mệnh Dân tộc: Hội nghị hợp nhất các tổ chức Việt cộng: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn chính thức hợp nhất thành một đảng duy nhất lấy tên là đảng CSVN. Một bài đăng trên báo mạng ANTV ngày 31-01-2015 với nhan đề “85 năm lịch sử vẻ vang của Đảng” đã mở đầu như sau: “Chặng đường 85 năm Đảng CSVN đã ghi dấu nhiều mốc son chói lọi.
Đảng đã đưa đưa dân tộc VN thoát khỏi xiềng xích nô lệ, áp bức và xâm lăng của thực dân, đế quốc để hôm nay, dân tộc VN được sống trong tự do, hòa bình, phát triển và sánh vai cùng các cường quốc 5 châu. Đảng CSVN thành lập, cuộc khủng hoảng về đường lối và sự bế tắc về con đường cách mạng đã được giải quyết.
Đảng CSVN chủ trương làm cách mạng vô sản, gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa; gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội; gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới mà đội tiên phong là Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại. Sự lựa chọn con đường cách mạng đó là sự lựa chọn của chính lịch sử, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam”.
Đó là luận điệu tô son trát phấn mình, tuyên truyền dối gạt dân thường thấy của Việt cộng mà chẳng ai còn xa lạ.
Về cái gọi là “Đảng đã đưa dân tộc VN thoát khỏi xiềng xích nô lệ, áp bức… được sống trong tự do, hòa bình, phát triển”, một nghiên cứu gần đây của sử gia Phạm Cao Dương nhan đề “Lẽ ra ngay từ 1945, Dân tộc đã có dân chủ tự do rồi” cho thấyhoàng đế Bảo Đại và thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là học giả Trần Trọng Kim cùng các bộ trưởng của ông, chỉ trong ba tháng của năm 1945 (từ 8-5 đến 6-8), đã đưa ra nhiều đạo luật rất tiến bộ (so với thời ấy) ngõ hầu xây dựng một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho nhân dân. Bốn bước tiến đã được nhà vua thực hiện trong thời gian này gồm có: 1- ban hành dụ “Dân vi quý”; 2- đích thân tham khảo ý kiến của quan lại, thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một tân chính phủ; 3- thành lập các hội đồng chuyên môn để ai nấy có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các sinh hoạt quan trọng của quốc gia; 4- ban hành các đạo dụ liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân.
Trước hết, dựa vào khẩu hiệu của Mạnh Tử, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (“Dân là quý, sau đó là xã tắc, vua là nhẹ”), hoàng đế Bảo Đại đã ban hành đạo dụ số 1 (17-3-1945) khẳng định: “Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu ‘Dân vi quý’”. Đã lấy dân làm trọng, đặt quyền dân lên trên tất cả thì vua sẽ chỉ là một cơ chế tối cao điều khiển các cơ quan chính trị để phục vụ quốc gia, tìm những phương pháp hợp với nguyện vọng của quốc dân mà thi hành. Tiếp đến, nhà vua tham khảo ý kiến quan lại, trí thức nhằm thành lập chính phủ thay thế cho nội các Phạm Quỳnh đã từ chức.
Kết quả là từ trung tuần tháng 6 đến thượng tuần tháng 7-1945, 4 hội đồng đã được thành lập, gồm có: Hội đồng Dự thảo Hiến pháp, Hội đồng Cải cách Cai trị, Tư pháp và Hành chính, Hội đồng Cải cách Giáo dục, Hội đồng Thanh niên với những trí thức còn để lại tên tuổi trong lịch sử như Huỳnh Thúc Kháng, Nhượng Tống, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Đạo, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Hoè….
Cuối cùng là ban hành một số đạo dụ ấn định những nguyên tắc liên hệ đến các quyền tự do căn bản của người dân. Dụ số 73 (5-7-1945) về tự do lập nghiệp đoàn; dụ số 78 (9-7-1945) về tự do lập hội; dụ số 79 (9-7-1945) về tự do hội họp. Tiếc rằng biến cố 19-08-1945 đã xảy ra, Việt Minh cướp chính quyền và tất cả đều đã bị dẹp bỏ. Điển hình là 20 ngày sau “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi đất Việt, còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký nghị định ngày 14-09 giải tán Hội Khai trí Tiến đức và “cấp năng lực pháp luật” cho Hội Văn hoá Cứu quốc” (Cộng sản).
Sau đó, ĐCS đã tìm cách tiêu diệt dần các chính đảng quốc gia để nắm trọn quyền lực. Nó chính thức đặt ách toàn trị độc tài lên nửa nước kể từ 1954 và trọn nước từ 1975. Để hợp thức hóa việc cướp chính quyền và tiếp tục thống trị vô thời hạn, Đảng đã tự dựng nên một Quốc hội làm công cụ đắc lực cho mình và dùng nó soạn thảo ra các bản Hiến pháp 1980, 1992, 2013. Các bản Hiến pháp này, qua Điều 4 quy định: ĐCS là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội. Rồi để củng cố độc quyền cai trị đó, ĐCSVN còn cho mình độc quyền sở hữu tài nguyên quốc gia (Luật Đất đai + điều 54 HP 2013), độc quyền sử dụng lực lượng truyền thông (báo chí các loại, Luật Báo chí + điều 96 HP) và lực lượng vũ trang (công an, quân đội, điều 65 HP), độc quyền giáo dục (Luật Giáo dục + điều 96 HP), rồi ưu quyền về văn hóa (lấy chủ nghĩa Mác-Lênin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, điều 4 HP) và ưu quyền về kinh tế (kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, điều 51 HP). Tất cả đã biến tự do của dân thành một số 0 to tướng!
Đấy là “thành quả cách mạng” trên phương diện lý thuyết, pháp luật. Rồi trên thực tế lịch sử, “thành quả cách mạng” gọi là “cách mạng vô sản, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa” (xem trên) chính là đã:
(1) làm thiệt mạng hàng triệu người Việt và tàn phá tan hoang đất Việt qua các cuộc chiến Đông Dương lần I và II mà đảng gọi là “cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam”, nhân dân gọi là “cuộc chiến vô ích và vô nghĩa” và lịch sử gọi là “cuộc chiến giành độc quyền cai trị” và “cuộc chiến mở rộng biên thùy đế quốc đỏ”;
(2) làm nghẹt thở và bế tắc chính trị triền miên trong đất nước bằng việc không chấp nhận tam quyền phân lập, để đảng tự mình thao túng tất cả: sai quốc hội làm luật có lợi cho mình, dùng tòa án giành công lý cho mình, biến bộ máy hành chính làm công cụ cho mình; song song đó là quyết liệt phủ nhận và đàn áp tàn khốc từ các tư tưởng đối kháng đến các lực lượng đối lập, bằng những điều luật kiểm soát các thông tin, phát biểu bày tỏ tự do ngôn luận, bằng những đội ngũ công an mạng, dư luận viên theo dõi, xuyên tạc, vu khống các nhà báo độc lập, bằng những lực lượng an ninh, cảnh sát, dân phòng, côn đồ sách nhiễu, quấy phá, tấn công, đánh đập, giam tù, xét xử các công dân bảo vệ nhân quyền;
(3) làm sa sút văn hóa dân tộc và băng hoại đạo đức xã hội bằng việc khống chế hay hạn chế các tiếng nói và sức mạnh tinh thần nằm nơi giới trí thức, văn nhân và nơi giới chức sắc, tín đồ tôn giáo. Cụ thể và lừng danh là vụ Nhân văn Giai phẩm (1955-1958), vụ Xét lại chống đảng và Thanh trừng phe thân Liên Xô (1963-1973), vụ Đốt các sách văn hóa và cầm tù các nhà văn hóa ở miền Nam (1975-1976), rồi chuỗi dài đàn áp các giáo hội bằng pháp luật: từ Sắc lệnh tôn giáo 1955 đến Pháp lệnh tôn giáo 2004 và Nghị định tôn giáo 2012, cũng như bằng hành động: quản chế, giam cầm, trục xuất, giết hại, thủ tiêu vô số chức sắc tôn giáo; cấm cản, đánh đập, hành hung vô số cộng đoàn tôn giáo; mượn đểu, tịch thu, cướp bóc vô số tài sản tôn giáo; hạn chế, cấm cản hay xuyên tạc giáo lý của nhiều giáo hội. Nạn nhân gần nhất là Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Mục sư Huỳnh Thúc Khải, Giám mục Nguyễn Hữu Long, Giám mục Hoàng Đức Oanh…
(4) làm lụn bại kinh tế và điêu đứng dân sinh qua việc áp dụng học thuyết Mác-Lênin sai lầm và học thuyết tư bản hoang dã. Việc áp dụng học thuyết Mác-Lênin sai lầm, chính “phó giáo sư tiến sĩ đảng” Vũ Văn Phúc, tổng biên tập tạp chí Cộng Sản vừa tự hào thừa nhận qua bài viết trên báo ANTV nói đầu bài xã luận: “85 năm qua cho thấy Đảng đã kết hợp đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Còn việc áp dụng học thuyết tư bản hoang dã, với “bản sắc Việt Nam” là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (tức là nhắm mục tiêu làm giàu cho đảng), thì trang mạng Chân Dung Quyền Lực từ hơn tháng nay đã minh họa hết sức chính xác và sống động qua một loạt bài tập trung vào nạn tham nhũng của các thành viên Bộ chính trị và Trung ương đảng, tức những kẻ có quyền lực cao nhất nước, với những bằng chứng như giấy kê khai tài sản, nhà cửa với địa chỉ và hình ảnh rõ ràng, rồi ảnh chụp đương sự với thân nhân hoặc bằng hữu.
Chân tướng nhiều nhân vật trong bộ máy quyền lực tham lam, cánh hẩu, siêu trộm cướp và siêu vô đạo đang hút máu nhân dân và đất nước đã được khắc họa cách cụ thể, sắc nét tới mức khó tưởng tượng. Từ phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, từ viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đến Trần Văn Truyền nguyên Tổng thanh tra nhà nước… Như nhà văn Võ Thị Hảo nói (bài Cơn sốt rét ác tính của các nhóm quyền lực), “dẫu lâu nay người dân cũng đã hình dung sự băng hoại cao nhất của vô số nhân vật quyền lực trong bộ máy, nhưng cũng không thể không sốc và công phẫn trước những chi tiết, hiện trạng đã được trang blog này nêu ra, với những tiêu đề như “Cục u bướu di căn…”, “Liên minh đen tối hút máu quân đội và nhân dân…”, “Đề nghị TƯ thanh tra khối tài sản hàng ngàn tỉ…”.
Điều đáng nói, đây chỉ là một phần những chân dung trong bộ máy quyền lực. Người ta có thể rùng mình khi nghĩ rằng nếu tất cả chân tướng của những “đồng chí chưa bị lộ” đều được đưa ra ánh sáng thì còn kinh khủng tới mức nào! Nếu đúng như vậy… thì phải chăng đây là bộ máy quyền lực tội lỗi và tham lam nhất trong lịch sử VN từ cổ chí kim?!” Và cái giá phải trả cho bọn cướp ngày này chính là hàng chục triệu oan dân (nông dân và công nhân) đang dở sống dở chết, biến thành vô sản!
(5) làm sứt mẻ sự vẹn toàn lãnh thổ và gây nguy khốn cho an ninh quốc gia bằng chính sách lệ thuộc Tàu cộng về mọi mặt, qua các công hàm bán đảo, các hiệp định nhượng biển, các mật ước dâng đất, các cam kết hợp tác toàn diện giúp Tàu xâm nhập đất nước như một khối ung thư đang phát triển tràn lan, để sẽ biến nước Việt Nam thành tỉnh Âu Lạc.
Và đó mới thực là “thành quả cách mạng” sau 85 năm hiện hữu của cái đảng mà theo lời nhà văn Xuân Vũ, một cán bộ Cộng sản hồi chánh thời Việt Nam Cộng Hòa, “sinh ra để làm hai việc: nói láo và làm bậy. Hễ chúng nói là nói láo, hễ chúng làm là làm bậy”. Làm bậy ở đây là phá hoại: phá hoại kinh tế, môi trường, dân sinh, văn hóa, đạo đức của đất nước và cả tiền đồ lẫn sinh mệnh dân tộc, không từ bất cứ mặt nào!
BAN BIÊN TẬP
BNS Tự do Ngôn luận số 212 (01-02-2015)
Quyền được cười nhạo
Hà Sĩ Phu
(Nhân vụ Charlie Hebdo nghĩ về vũ khí phê phán)
1. Về vụ khủng bố tòa báo Châm biếm Charlie Hebdo
Sự cọ xát, phân định, và đấu tranh giữa các yếu tố đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác, giữa nhân tính và thú tính, lạc hậu với văn minh…của thế giới con người đã làm phát sinh một thứ “vũ khí” đặc biệt là “vũ khí phê phán”, mà mức độ cực đoan tồi tệ nhất là “phê phán bằng vũ khí”. Phê phán là đấu tranh với nhau dưới mọi hình thức, là hoạt động thiêng liêng để tiến hóa chỉ loài người mới có, thiếu nó xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang của loài vật. Phê phán xuất hiện và tồn tại cùng với loài người và cũng dần dần văn minh hóa cùng với loài người. Nhưng một hoạt động quan trọng và bao trùm như thế tất nhiên không bao giờ đơn giản.
Hãy tạm gác ra ngoài sự “phê phán bằng bạo lực, bằng vũ khí” là hình thức kém văn minh mà nhân loại đang phấn đấu để loại trừ (nhưng nhân loại còn lâu mới đạt được ước vọng đó), sự phê phán hòa bình có thể tạm gom lại dưới 3 hình thức tùy theo vị thế tương quan mà người phê phán tự xác định trước đối phương:
– Phê phán chính luận, vạch cái sai cái xấu của đối tác bằng ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ “chính thống” của đối thoại, trong đó người phê phán đặt đối tác, đối phương ngang hàng với mình.
– Chửi theo đúng nghĩa đen là hình thức phê phán thường là của giới bình dân bị trị, thấp cổ bé họng, tuy bề ngoài có vẻ “ghê gớm” nhưng thực chất đây là vũ khí của kẻ yếu, tự thấy bất lực trước tình hình, không tìm được một “cơ chế” chính thống nào để giành thắng lợi, thôi thì không thành công cũng thỏa nỗi bực trong lòng một chút, bởi phương pháp “chửi” ít khi giành được thắng lợi cụ thể. Ở phạm vi nhỏ thì đó là những cuộc “chửi mất gà” nhưng ở tầm lớn chính là sự “chửi mất nước”- “chửi quốc hận”, nên dân tộc nào chất chứa căm giận nhưng bất lực thì thường đưa vũ khí “chửi” lên tầm quốc hồn quốc túy.
- Châm biếm, cười cợt mới là vũ khí phê phán rất đặc biệt. Ở đây, sự khinh ghét hoặc căm giận lại chuyển dạng thành tiếng cười, cười nhạo nhẹ nhàng hoặc sâu cay nhưng tê tái cho đối phương, bởi người phê phán, dù mạnh hơn hay chưa mạnh hơn, nhưng đã đặt mình ở tư thế đứng trên đối phương mà khuyến cáo, mà cười nhạo cho đối phương biết mà sửa, dù sâu cay mấy thì vẫn ngầm một ý khoan dung, không thèm chấp kẻ dưới tầm. Vì thế kẻ bị châm biếm sâu cay thường bị “ngấm đòn”, thấy bị nhục, bị đau hơn rất nhiều . Trong 3 hình thức phê phán ôn hòa thì châm biếm gây cười có lẽ là lịch sự và sang trọng hơn cả, nhưng khốn nỗi lịch sự và sang trọng chính là điều mà kẻ bị phê phán không thể chịu được, bởi họ thấy kẻ phê phán đứng ở tầm trên mà họ không cãi được.Vậy không nên ngạc nhiên khi thấy những tín đồ Hồi giáo cực đoan lại căm thù tờ báo châm biếm Charlie Hebdo, chuyên gây cười cho thiên hạ đến thế. Đối với kẻ bị phê phán bằng cách châm biếm thì ẩn sau lòng căm thù là tiềm thức tự ái,vô vọng, tự ty.
Tự thấy không thể ngang hàng đối chất, đối thoại, đối biếm, nên chỉ còn cách “phê phán bằng vũ khí”, thứ vũ khí dao búa man rợ của thằng khùng. Dù giết được bao nhiêu người nhưng sâu thẳm trong vô thức họ biết họ thua, càng thua càng khùng càng tàn độc. Càng tàn độc càng thua, đó là cái vòng tự kích không có lối ra của tình trạng văn hóa thấp kém trong cuộc đấu tranh và đào thải.
Một điều khiến cho cục diện phê phán trở nên phức tạp vì khi anh A phê phán-chê cười anh B là sai là xấu thì ngược anh B cũng có thể làm như vậy với anh A. Có vẻ như vậy là thật giả bất phân, sẽ “hòa cả làng” ư? Không đâu, trọng tài sẽ là sự thật, sự thật minh định bởi thời gian và quần chúng nhân dân tự do. Nhân dân có thể mất tự do nên bị định hướng trong một giai đoạn nào đấy nhưng không bao giờ mất tự do vô thời hạn.
Song cũng chưa cần đến thời gian và công chúng, sự phân định có thể tức thời. Người mất gà thật mới có sức mạnh tự thân để làm cho tiếng chửi có hồn để thuyết phục. Thủ phạm ăn cắp gà thì dù có tài lấp liếm bao nhiêu cũng không sao có được sức mạnh ấy, họ chỉ có thể dùng những sức mạnh khác để cầm cự, như dùng bạo lực hay quyền lực chẳng hạn.
Trở lại vụ Charlie Hebdo.
Bọn Hồi giáo cực đoan cũng châm biếm các họa sĩ Pháp đi, rất công bằng, ai cấm? Nhưng châm biếm sao nổi? Họ không có sức mạnh của lẽ phải để thốt nên lời châm biếm. Cho nên họ khùng, họ chỉ có thể dùng vũ khí cố hữu của thằng khùng là bạo lực khủng bố. “Phê phán bằng bạo lực” là sự đồng quy của hai thái cực, hoặc của bọn phi nghĩa cực đoan hoặc của chính nghĩa nhưng đang còn hèn yếu, bế tắc chưa tìm ra cách.
Vì thế, tôi đứng hẳn về phía những người châm biếm, mặc dù biết không phải sự phê phán bao giờ cũng đúng, sự phê phán cũng được quyền sai như mọi thứ khác trên đời. Phải biết tôn trọng các Tôn giáo ư? Những hoạt động khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã có từ lâu, đã xảy ra trước sự châm biếm của Charlie rất nhiều, ai mà chẳng biết? Sự châm biếm là lời cảnh báo rất nhân đạo của nhân loại đối với loại Tôn giáo cực đoan. Những người Hồi giáo không cực đoan dù oan uổng cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trước bọn đồng đạo cực đoan kia. Chừng nào những người Hồi giáo nhân ái chưa có tiếng nói chính thức chối bỏ và có hành động trừng trị hữu hiệu đối với bọn đồng đạo cực đoan thì họ phải chịu chung sự phê phán là đương nhiên. Cũng giống như chừng nào đảng Cộng sản không có khả năng trừng trị bọn tham nhũng và bán nước từ trong đảng của mình sinh ra thì chừng ấy chính ĐCS phải gánh lấy sự phê phán tội “tham nhũng và bán nước” trước lịch sử, làm sao khác được?
Những kẻ bịt toàn thân trong tấm trùm đen, tay lăm lăm cây dao nhọn, chuẩn bị cắt cổ, chọc tiết, phanh thây những con tin để đòi tiền chuộc thì không được quyền nhân danh một con người, làm gì có quyền nhân danh một tôn giáo? Và tôn giáo nào cho chúng được phép nhân danh thì cái gọi là “tôn giáo” ấy hoàn toàn không còn chỗ đứng trong cộng đồng các tôn giáo của nhân loại. Phê phán thứ quá khích đội lốt tôn giáo ấy hoàn toàn không phải là đả kích tôn giáo, xin các nhà hảo tâm, đạo đức nhẹ dạ đừng lầm. Dùng hình thức châm biếm để phê phán tính thú vật ấy là còn quá nhẹ nhàng và nhân ái đối với chúng.
Toàn nhân loại phải hiệp lực để đẩy lùi đại nạn thú tính ấy, để đẩy chúng vào bóng đêm rừng rú của thời tiền sử, trả lại cho nhân loại sự yên bình, chứ không thể vì chúng quá “mạnh”, quá ác hoặc quá tinh vi mà Chính nghĩa phải rút lui rồi tự trách đồng đội của mình sao lại dại dột phê phán chúng, dù chỉ phê phán bằng sự chê cười! Kẻ thù càng hung hãn xảo quyệt thì càng phải hiệp lực để tìm bằng được cách trừng trị. Thế giới Nhân tính lại thua thế giới Thú tính hay sao, nếu thế làm gì có Tiến hóa? Bênh vực hay tránh né bọn tà giáo cực đoan không phải là tôn trọng tôn giáo mà là làm nhục danh hiệu tôn giáo, làm nhục các tôn giáo chân chính.
Tóm lại:
– Cười hay châm biếm gây cười là hình thức phê phán lịch sự, văn minh, ở tầm cao hơn đối tượng được/bị châm biếm.
– Châm biếm là một động lực thúc đẩy tiến hóa, thúc đẩy văn minh, nên châm biếm phải là một quyền trong nhân quyền, như một bộ phận của tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
– Mỗi người có quyền thích hay không thích hình thức châm biếm nhưng đã là quyền thì phải được pháp luật quốc tế và luật trong nước bảo vệ, không ai được ngăn cản hay ngăn cấm.
– Cũng như mọi hình thức phê phán ôn hòa khác, châm biếm có thể đúng cũng có thể sai nên tất nhiên ai cũng có quyền “phản châm biếm”. Châm biếm khác với vu cáo, vu cáo thì đã có quy định rất cụ thể trong luật mà nước nào cũng có.
Nói một cách dễ hiểu thì một người trong xã hội có quyền “Cười” châm biếm và rất nên biết cười và gây cười để “giã từ những hư hỏng, tệ đoan một cách vui vẻ”.
2. Dân tộc tự phê phán.
– Có nên viết về khuyết tật của người mình không?
Trong các quy mô phê phán thì sự phê phán các tính cách của Dân tộc mình có một ý nghĩa vô cùng trọng đại, nó giúp cho sự canh tân và phát triển toàn cục của một xã hội, một quốc gia. Biết ưu điểm của Dân tộc để tự hào và biết nhược điểm để sửa chữa, cả hai mặt đều quan trọng, nhưng khi người ta bằng lòng với quá khứ và hiện tại thì thường thiên về tự hào, trái lại khi muốn có thay đổi cho hiện tại và tương lai thì tự nhiên sẽ xuất hiện nhu cầu phải tự phê phán Dân tộc, giống như khi con người muốn chạy về phía trước thì môi trường tự nhiên sinh sức cản và ta phải làm sao thắng được các lực cản ấy. Ví dụ khi Hồ Chí Minh muốn vận động dân chúng làm cách mạng thì năm 1926 trong một bài giảng ở Quảng Châu đã đề cập đến “hai nhược điểm lớn của dân Việt là mất đoàn kết và …không biết hay biết rất ít về tình hình toàn cầu”, ngoài ra “vấn đề lớn nhất ở làng bản Việt Nam là vấn đề sĩ diện và ngôi thứ” (1).
Muốn vận động dân chúng để cứu nước các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu cũng phải phê phán nhau và phê phán dân tộc quyết liệt. Từ khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trước nhu cầu phải đưa xã hội thoát khỏi một giai đoạn sai lầm nghiêm trọng, nhu cầu tự phê phán những nhược điểm của người Việt mình lại một lần nữa nổi lên, lôi cuốn nhiều tác giả với nhiều bài viết, trong đó nhà văn Vương Trí Nhàn là một tác giả có nhiều đóng góp.
Từ sau năm 1975 bên cạnh xu hướng tự sướng, tự ca ngợi, ngồi chễm trệ ở chốn bình yên mà nhấm nháp ly rượu chiến thắng thì nhà văn hóa Cao Xuân Hạo đã kịp thời cảnh báo “Một nhà hiền triết cổ đại có nói rằng, một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến cho một dân tộc, một triều đại, một nhà vua, một tướng lĩnh sa đọa nhanh nhất chính là một trận đại thắng lẫy lừng khiến cho người ta có ảo giác là mình bất khả chiến bại, mình là tinh hoa của nhân loại, mình là tuyệt đối hoàn hảo.
Đó chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy đốn và đồi bại. Cho nên, sau một thắng lợi lớn, nguy cơ suy vong của một dân tộc không những không mất đi, mà còn tăng gấp bội” (2) . Trái với lời răn đã quen khi viết phê bình là phải “nghiêm túc, đúng mực, không quá lời, để đối tượng dễ tiếp thu”, GS Cao Xuân Hạo nói thẳng ra rằng phê phán Dân tộc là: “phải phóng tay phát động lòng dũng cảm của họ lên, dẹp lòng tự ái dân tộc đến tối đa”, có thể dùng “giọng điệu giễu cợt cay độc đến đâu chăng nữa”, “còn phải làm cho mỗi người Việt thấy xấu hổ những nhược điểm ấy một cách sâu xa”, “dù những lời chê bai của họ chỉ đúng với một thiểu số không đáng kể”.
Vậy đó, ý kiến GS Cao Xuân Hạo mà tôi tin chắc mỗi người trí thức còn nặng lòng và còn “khổ tâm” với dân tộc mình đều phải đồng tình, là những ý kiến quyết liệt, minh bạch và chính xác, nên đọc kỹ lại nhiều lần.
3. Nhưng tự phê phán Dân tộc mình lúc này coi chừng nguy hiểm.
Ở đây tôi xin phép được dẫn một ví dụ thiết thân vì nghĩ rằng nó có tính điển hình: một phía đang “đắc ý” với Dân tộc để giữ yên, một phía muốn “phê” Dân tộc để có đổi mới nên người ta ghét nhau đến mức quy kết nhau đến tội “phản quốc”, tội nặng nhất trong luật hình sự.
Ấy là vào năm 2000. Sau khi thấy khối Cộng sản Đông Âu đổ sụp, không ít người tin chắc chế độ CS Việt Nam cũng sắp đổ theo, từ đó rủ nhau ký một kế hoạch hành động chuẩn bị cho sự đổ ấy, kế hoạch có tên “Kết ước năm 2000”. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn tôi đã quả quyết “CS Việt Nam không dễ đổ như Đông Âu, đừng vội mừng” ( tôi nói y như giọng bênh vực Đảng của Ban Tuyên giáo CS vậy).
Hai ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp viết thư hỏi tôi đại ý “căn cứ vào đâu mà tôi có ý kiến ngược đời như vậy”, tức là cần phân tích những đặc điểm riêng của Việt Nam. Tôi viết 2 bức thư trả lời (3), tuyên bố không ký vào văn bản “Kết ước” đó và giải thích vì sao tôi không ký. Nếu chỉ có thế thì chắc ĐCS đã “khen thưởng” tôi rồi. Nhưng khốn nỗi ở nội dung của lời giải thích, trong đó có mấy ý nổi bật khiến cho chúng tôi, tôi và ông Mai Thái Lĩnh (4) bị khởi tố tội “phản bội Tổ quốc”, cấm tự do đi lại và ngày hai buổi lên làm việc hỏi cung với An ninh của Bộ Công an suốt 8 tháng trời!
Đại ý luận điểm của tôi về tính cách của Dân Việt Nam và ĐCSVN như sau:
– Là thân phận bị mấy nghìn năm cai trị bởi vua chúa và kẻ thù khổng lồ phương Bắc nên đã hun đúc trong người VN tính khôn vặt, khôn lỏi, không thể chống đối ra mặt nên phải giả vờ phục tùng để tồn tại, nhưng bên trong phải tính toán sao cho có lợi nhất. Vì thế Dân với Đảng cùng giả vờ tôn vinh nhau nhưng bên trong tìm cách vô hiệu hóa ngón đòn của nhau để giữ gìn hoặc vun vén lợi ích riêng. Cặp hôn phối “mạt cưa mướp đắng” này cứ thích nghi với nhau, còn sống được với nhau mấy chục năm nữa. Khi ĐCS nói “Đổi mới hay là chết” là họ khiêm tốn quá đấy, cứ yên tâm, ở Việt Nam này CS không đổi mới tử tế gì cũng chưa chết như Đông Âu đâu.
– Ở châu Âu nếu có tảng đá khổng lồ chắn ngang xa lộ thì người ta hò nhau giải quyết tảng đá, nhưng người Việt Nam chẳng dại đối đầu với tảng đá, mỗi anh đều khôn lỏi tìm đường hẻm để lách qua, cuối cùng ai cũng đi qua nhưng tảng đá vẫn còn nguyên, mọi người gặp nhau đều khoái trí, phục nhau là khôn.
– Ở VN sẽ chẳng có gì đổ hết, vì muốn đổ thì vật phải có một hình dạng để đứng lên như cái chai, cái cốc. Việt Nam là một thể vô định hình như một khối bùn nhão, không định hình thành một chủ nghĩa gì cả, chỉ vá víu chắp nhặt hẩu lốn mỗi thứ một tí để tồn tại nên chẳng có hình thù gì để mà “đổ”! Vả lại một dân tộc lạc hậu vẫn có thể “đi lên” theo đuôi nhân loại văn minh theo kiểu ký sinh như con chấy con rận bám trên lưng con hổ thì cũng tung hoành khắp nơi như con hổ đó thôi.
– Xã hội Việt Nam như một con đường làng chật hẹp, đoàn người cứ phải đi sau Đảng như đi sau một con trâu mộng sừng nghênh ngang nhọn hoắt, ai vượt lên thì nó húc chết, đành kiên trì đi sau nó một cách chậm chạp, thỉnh thoảng nó lại ị cho một bãi… Xã hội Việt Nam như một đồng cỏ khô nhưng một que diêm không thể làm bùng cháy vì đồng cỏ đã được Đảng phun chất chống cháy rồi…
– Tất cả những đặc điểm ấy của người Việt Nam là do truyền thống quý báu 4000 năm để lại cũng chỉ đúng một phần, phần lớn là nhờ Đảng ta đã dày công đào tạo, dạy dỗ…
Đại lược là như thế, đã không ký vào văn bản chống Đảng, lại bảo Đảng này còn lâu mới đổ, bênh Đảng hơn cả Ban Tuyên giáo nhưng chỉ vì cái giọng cười cợt châm biếm, khinh bạc mà bị khởi tố đến tội phản quốc.
Nhưng chẳng hiểu sao sau 8 tháng hỏi cung, chúng tôi chuẩn bị tinh thần ra tòa với cái án tù hai chục năm là nhẹ cho tội phản quốc, thì đùng một cái có lệnh đình chỉ vụ án, thật là súyt chết! (nghe đồn chúng tôi thoát chết vì trong Bộ Chính trị không nhất trí, từ đấy cứ thấy trong BCT có mâu thuẫn với nhau là chúng tôi mừng lắm).
Nhưng chưa xong, vụ án bị đình chỉ, không ra tòa, nhưng cái “tội” dám châm biếm cả “ý Đảng” lẫn “lòng Dân” thì không tha được. Nguyễn Như Phong, phó biên tập của tờ An Ninh Thế giới viết một bài dài “Mặt thật của một vài người mượn danh hiền sĩ” (5), cứ như báo An ninh có quyền thay mặt quan tòa quy tội chúng tôi đủ điều, trong đó có một đoạn dài trích lời châm biếm của HSP đối với thực trạng xã hội Việt Nam:
“Hà Sĩ Phu viết về nhân dân Việt Nam bằng ngôn từ như thế này: Vô lý, nhân dân chết cả rồi sao? Chết cả rồi, bị tiêm thuốc chết cả rồi. Số còn ngoắc ngoải thì không phải là nhân dân, hay nói cho công bằng thì họ chỉ được là công dân loại hai, như dân thiểu số vùng cao.
Đừng thấy đám đông phóng xe máy, nghe máy bộ đàm, gõ máy vi tính, hát karaoke, báo cáo trên tivi về thành tích biết làm giàu, lĩnh giải này giải khác mà tưởng nhân dân đang sống mãnh liệt. Vẫn tưởng có cơm ăn áo mặc, vẫn ngày biết thêm một vài thứ văn minh mà trước đây chưa từng được biết tới…vẫn được nước ngoài viện trợ, vẫn có khối thứ để tự hào, vẫn thấy con hơn cha tưởng nhà có phước… Bao kẻ anh hùng đánh giặc ngoại xâm lại trở nên hèn mạt và vô cùng nhỏ bé trước danh lợi, thần quyền và thế quyền. Kẻ có dũng thì ngu dốt, kẻ có trí thì hèn, kẻ có trí có dũng thì láu cá vị kỷ bất nhân…”
Và theo Nguyễn Như Phong thì một kẻ đã phê phán Dân tộc mình như thế thì “phải trục xuất Hà Sĩ Phu ra khỏi Đà Lạt. Nhưng thưa bà con, trục xuất đi đâu, liệu có quốc gia nào sẵn lòng nhận những người như vậy không, còn trên đất này đâu chả là đất Việt và chỗ nào là chỗ mà ông ta yêu quý? Trong vụ án này Hà Sĩ Phu đóng vai trò là người cầm đầu, hung hăng nhất trong việc đòi xóa bỏ chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận động các tổ chức quốc tế, các chính phủ gây sức ép làm xâm hại đến độc lập, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam”.
Thực tình thì HSP mới chỉ làm mỗi một việc là phê phán ôn hòa, nhưng cái giọng thì hay ví von, châm biếm: phê phán chủ nghĩa Mác-Lê phi khoa học và độc đoán, phê phán những những nhược điểm của tính cách dân Việt Nam đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa kia mọc rễ và nương náu, chậm bị đào thải, chứ HSP đã làm được gì đâu mà đại tá công an Nguyễn Như Phong đã quá phong tặng?
Có người bạn đã thân ái nhận xét: “Cũng nội dung ấy nhưng ông đừng ví von, châm biếm người ta mà cứ nghiên cứu, kiến nghị, góp ý như một con dân trong hệ thống thì đâu đâu khiến ngưới ta phát khùng lên như thế? Thôi rút kinh nghiệm!”. Vâng, nhưng bảo một người có máu châm biếm như Charlie Hebdo đừng vẽ biếm họa nữa mà hãy viết một bài góp ý chân tình với Hồi giáo đi thì cuộc đời đã chẳng còn là cuộc đời.
Lời kết
Phê phán là một vũ khí mà Tạo hóa đã ban cho để Con người biết dìu dắt nhau thoát khòi thế giới súc vật dã man và ngày càng biết sống cho ra Con người. Vũ khí phê phán ôn hòa đang mở ra hy vọng để có thể chấm dứt sự “phê phán bằng vũ khí”. Nhưng những hệ quyền lực chỉ biết chọn độc tài làm phương thức sinh tồn thì họ rất ưa miệt thị người khác chứ không chấp nhận cho người khác phê phán mình, nên họ không thể dùng vũ khí phê phán ôn hòa và công bằng, mà cứ kiên trì con đường “phê phán bằng vũ khí”, từ dao búa và chất nổ, đến trại giam, tù ngục, hay bạo lực côn đồ.
Châm biếm là một hình thức đặc biệt trong vũ khí phê phán, người phê phán tự xác định mình đứng ở tầm cao hơn cái Ác, chọc để phát ra tiếng cười, để nhân loại có thể giã từ những khuyết tật của mình một cách vui vẻ.
Vì thế, con người văn minh rất cần biết và cần quen với vũ khí châm biếm, biết cười nhạo những bất toàn của chính mình cũng như của đồng bào, đồng loại.
H.S.P.
Chú thích:
(1) GS Trần Quốc Vượng- Cần sửa đổi lề lối nghiên cứu lý luận-Xưa và nay 20/2/2001
(2) GS Cao Xuân Hạo- Có nên viết về khuyết tật của người mình không – http://www.chungta.com/co_nen_viet_ve_khuyet_tat_cua_minh_khong.html
http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?p=43175 (10-11-2009)
(3) Hai bức thư HSP gửi NGK và ĐMT (http://www.hasiphu.com/vuanIII_20.html)
(4) Năm 2000 tôi vẫn bị khống chế lai rai nên chưa có Internet, thư Email phải nhờ ông Mai Thái Lĩnh chuyển giúp.
(5) Báo An ninh thế giới, từ số 210. ra ngày 4/1/2001
Tác giả gửi BVN
http://www.boxitvn.net/bai/32560
__._,_.___
________________________________________
Posted by: ly vanxuan
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment