Toàn trị hay không
toàn trị?
Nguyễn Thị Từ Huy
Cách đây mấy tháng, nhân sự việc cuộc tranh
chấp quyền lực tại một Trường Đại học tư trở thành một cuộc chiến truyền thông
và gây sốt trên báo chính thống một thời gian dài, vì muốn hiểu thực chất của
vấn đề, tôi bỏ thời gian tìm hiểu phương thức tổ chức của trường học Việt Nam
thì đi tới chỗ phát hiện ra rằng: không chỉ ở các trường công, mà ở tất
cả các trường học, tổ chức đảng được phát triển rất mạnh mẽ,
chi phối chặt chẽ các hoạt động của trường.
Điều này đặt tôi trước một câu hỏi: xã hội
Việt Nam đương thời có phải là một xã hội toàn trị hay không ?
Dĩ nhiên không thể có câu trả lời ngay lập
tức, và cũng không thể có câu trả lời đầy đủ, nếu không có các nghiên cứu đủ
sâu và đủ rộng.
Ở đây tôi dùng định nghĩa của Hannah Arendt về
Chủ nghĩa toàn trị như một quy chiếu, trong đó, bà nêu ra năm đặc điểm chính: một chính đảng duy nhất, một xã hội đám
đông, một ý thức hệ thâm nhập khắp mọi phương diện của đời sống xã hội và đời
sống cá nhân, khủng bố và tuyên truyền.
Nếu dựa vào định nghĩa này tôi giả định là
chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng, xã hội Việt Nam thể hiện tính toàn trị
trên 4 điểm: một
chính đảng duy nhất, một xã hội đám đông, khủng bố và tuyên truyền.
Riêng vấn đề ý thức hệ có thể gây tranh cãi.
Ít nhất có thể có mấy quan niệm như sau:
1. Ở Việt Nam chỉ có một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ Cộng sản
chủ nghĩa.
2. Thực ra ý thức hệ Cộng sản chủ nghĩa chỉ còn tồn tại trong đầu
óc của bộ phận nắm quyền lãnh đạo và một bộ phận đảng viên trong sạch và vẫn
giữ lý tưởng từ thời quá khứ (mà dân gian gọi là “đảng viên nhưng mà tốt”). Còn
đối với đa số dân chúng, ý thức hệ Cộng sản chủ nghĩa chẳng còn có ý nghĩa gì
nữa.
3. Ngay cả trong đầu óc của bộ phận cầm quyền và bộ phận trí thức nô có nhiệm
vụ “nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho
Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (trích Giới thiệu VHLKHXHVN:http://www.vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Pages/gioi-thieu-tong-hop.aspx),
thì ý thức hệ Cộng sản chủ nghĩa cũng không còn tồn tại. Trên thực tế, nó chỉ
là cái bình phong, là phương tiện mà người ta nhất thiết phải duy trì để mưu
cầu quyền lực và quyền lợi vật chất.
Ở đây tôi không có ý định trình bày quan niệm
cá nhân. Trước một vấn đề quá phức tạp như vậy, muốn có ý kiến, cần phải có các
nghiên cứu cẩn thận. Trước mắt, xin trình bày một vài hiện tượng có thể nắm bắt
được cụ thể và cho phép tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này.
Và cụ thể trong bài này tôi chỉ đề cập đến một
hiện tượng: sự tồn tại của mạng lưới tổ chức Đảng trong xã hội.
Đề cập đến hiện tượng này nhằm trả lời câu
hỏi: “Liệu các tổ chức Đảng có phải là đang thâm nhập khắp mọi phương diện đời
sống xã hội hay không?” (chỉ xét về đời sống xã hội, còn đời sống cá nhân không
bàn ở đây, chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác).
Ví dụ về trường học được nêu lên ở đầu bài này
cho thấy rằng trong mọi lĩnh vực của đời sống: Quân đội, An ninh, Luật, Y
tế, Giáo dục, Văn hóa, Truyền thông (tất cả các loại hình truyền thông), trong
mọi phạm vi xã hội: nông thôn, thành thị, miền núi…
Đảng nhất định thiết lập sự
kiểm soát và khẳng định tham vọng củng cố quyền lực tuyệt đối của Đảng. Không
có một lĩnh vực nào được phép phi chính trị, bằng chứng hùng hồn là những ai
đòi quân đội phải phi chính trị để bảo vệ Tổ quốc sẽ bị xếp vào “thế lực thù
địch”. Nhưng “phi chính trị” ở đây phải được hiểu theo cách của Đảng, nghĩa là
không một lĩnh vực nào được phép nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng, và mọi lĩnh
vực đều phải phục vụ Đảng.
Còn có một lĩnh vực mà thoạt nhìn ta có thể
nghĩ rằng sự kiểm soát của Đảng không đến nỗi chặt chẽ, rằng, kể từ thời kỳ đổi
mới, để phát triển đất nước, có thể Đảng sẽ nới lỏng và chừa một khoảng tự do
nhất định cho nó, đó là lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh doanh
tự do (nghĩa là không thuộc vào thành phần kinh tế nhà nước). Ta có thể nghĩ
rằng khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài thì không phải chịu sự giám sát của
đảng.
Tuy nhiên thực tế hoàn toàn không phải như
vậy.
Chúng ta hãy đọc bài báo vừa mới công bố ngày
20/1/2015 trên “Tạp chí Xây dựng Đảng” , bài báo có nhan đề: “Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài
khu vực nhà nước – Thực trạng và giải pháp”, ở đường link :
Chúng ta sẽ thấy rằng, đối với doanh nghiệp tư
nhân và doanh nghiệp nước ngoài, ngay từ năm 1996, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã có Chỉ thị số 07-CT/TW
“Về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các Đoàn thể nhân dân trong các doanh
nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt
là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Như vậy, tổ chức Đảng tồn tại và phát triển
ngay cả trong các công ty nước ngoài (?!).
Bài báo cho biết: “Nếu như năm 1996, khi có Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị
(khóa VIII), gần như chưa có tổ chức Đảng trong DNNKVNN thì đến hết năm 2013, theo thống kê của Ban
Tổ chức Trung ương, đã có 5.656 tổ chức cơ sở Đảng và 175.793 đảng viên trong
các DNNKVNN. Tính đến cuối năm 2013, trong các đảng bộ tỉnh, thành phố, có một
số đảng bộ có số lượng tổ chức Đảng, đảng viên trong các DNNKVNN tăng mạnh, như
Hà Nội: số tổ chức Đảng 1.095 và số đảng viên 22.268. Tương tự, TP. Hồ
Chí Minh là 978 và 15.645; Đồng Nai 143 và 6.769; Hải Phòng 320 và 2.925… Nhiều
tổ chức Đảng, Đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị
trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Nhiều nơi tổ chức Đảng hoạt động tốt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia
giải quyết hợp lý các tranh chấp, ngăn chặn kịp thời đình công bất hợp pháp.
Một số chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng nhận thức được vai trò
tích cực của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức đảng
hoạt động”.
Đây có phải là nguyên nhân khiến cho kinh tế
Việt Nam lẽ ra có thể hóa rồng trong những năm 1990, nhưng rốt cuộc từ sau năm
2000 đã không thể nào cất cánh được? Rất mong có được câu trả lời từ các nhà
kinh tế học có tâm huyết với đất nước.
Còn có cái gì trên đất nước này có thể thoát
khỏi vòng kim cô của Đảng ? Như thế đã có thể gọi là toàn trị hay chưa?
Dĩ nhiên tôi vẫn chưa có câu trả lời cuối
cùng.
Phải đánh giá năng lực của Tổng Bí thư đương
nhiệm như thế nào cho chính xác? Ông quả thực không hổ danh là “tiến sĩ xây
dựng đảng”. Ông cùng với bộ máy các cấp của mình quả thực đã nỗ lực để biến
Đảng trở thành “trăm tay nghìn mắt”, hiện diện khắp nơi và kiểm soát toàn bộ xã
hội Việt Nam. Chỉ có điều ông không thấy rằng tay mắt của Đảng càng phát triển
thì đất nước càng lụn bại, văn hóa suy đồi, luật pháp băng hoại, giáo dục suy
vi…
Nhưng có lẽ Tổng Bí thư đương nhiệm không chỉ
giỏi “xây dựng đảng” ở trong lãnh thổ Việt Nam.
Liệu Đảng có thể sử dụng cả
những người làm khoa học, những người thuộc tầng lớp trí thức của Việt Nam đang
sống và làm việc ở nước ngoài trong việc tiếp tay cho Đảng mở rộng tầm kiểm
soát của Đảng? Cánh tay của Đảng có được nối dài trên khắp thế giới không? Có
lẽ một vài quý vị độc giả sẽ cảm thấy buồn cười trước câu hỏi ngớ ngẩn này của
tôi. Tôi cũng tự cảm thấy mình khôi hài khi đặt câu hỏi một cách kỳ cục như
vậy.
Nhưng đôi khi một vài câu hỏi ngớ ngẩn lại rất
có thể cho phép ta nhìn thấy một thể chế toàn trị vươn dài cánh tay của nó tới
tận giới hạn nào. Hoặc, nếu nhìn từ góc độ khác, có thể thấy: kể cả những người
sống trong một thế giới không-toàn-trị cũng có thể hưởng lợi từ một thiết chế
toàn trị dù nó ở cách xa vạn dặm. Những người ấy, bằng cách cộng hưởng với nó
mà củng cố sức mạnh cho nó, và giúp nó trường tồn trên chính sự suy vong của
dân tộc.
Paris, 30/1/2015
N.T.T.H.
Dân chủ Tự do và
Dân chủ Xã hội
Đoàn Hưng Quốc
Hai khái niệm Dân chủ Tự do (Liberal
Democracy) và Dân chủ Xã hội (Social Democracy) cần nên phân biệt vì tuy có
nhiều điểm trùng hợp nhưng vẫn mang khác biệt khá xa. Dễ hiểu nhất khi nói Hoa
Kỳ theo mô hình Dân chủ Tự do trong lúc các nước Âu Châu xây dựng Dân chủ Xã
hội.
Nền Dân chủ Tự do đặt quyền tự do của cá nhân
làm chính. Con người sinh ra được ban bố tự do tuyệt đối, nhưng rồi sau đó phải
đánh đổi một phần khi chọn sống trong tập thể để được bảo vệ. Xã hội một khi
thành hình cần có chính quyền để giữ trật tự ổn định, nhưng nhà nước không thể
lợi dụng danh nghĩa vì lợi ích chung nhằm tước đoạt quyền tự do của cá nhân vì
nhân loại không thể thăng hoa nếu đánh mất đi sáng tạo và tư tưởng.
Thí dụ dễ hiểu là người sống tiền sử có tự do
tuyệt đối muốn ăn uống ngủ thức lúc nào cũng được, bù lại họ bị thiên nhiên và
thú dữ đe dọa. Con người tiền sử chọn tập thể để bảo vệ lẩn nhau nên đành phải
chấp nhận một số luật lệ quy định hành vi, cử chỉ và trách nhiệm khi sống
chung đụng. Nhà nước được thành hình nhằm duy trì ổn định xã hội, nhưng lịch sử
lại cho thấy chính nhà cầm quyền đôi khi trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất tước
đoạt tự do, tài sản và sinh mạng của công dân – người đối với người còn tàn ác
hung hiểm hơn cả loài thú dữ đối với nhau. Cho nên mô hình xã hội theo kiểu Dân
chủ Tự do đặt nặng việc kiểm soát ngăn ngừa không để nhà nước lạm dụng lý lẻ
phục vụ lợi ích chung mà cướp đi tự do của mỗi cá nhân khiến con người
mất đi quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính mình.
Những người Âu Châu bị trù dập trốn bỏ nước ra
đi đến Bắc Mỹ, sau này nổi lên chống chính sách thuế khóa bất công của vua chúa
nước Anh mà thành hình Hiệp Chúng Quốc. Dòng lịch sử khiến người Mỹ mang
tâm lý ngờ vực không muốn xây dựng một chính quyền trung ương liên bang
(federal government) mạnh. Đất nước Hoa Kỳ lại được khai phá bởi các cộng đồng
(community) và từng cá nhân tiến về miền Tây trong khi nhà nước trợ giúp rất ít
cho nên dân Mỹ tự hào về ý chí tự lực của mình.
Tinh thần này phù hợp với Chủ
nghĩa Tư bản vì tin rằng xã hội có được thịnh vượng chính là nhờ nổ lực của
từng cá nhân, đến khi thành công mang lại lợi ích chung cho mọi người khác. Tài
sản của cải chính do tư nhân tạo ra, còn chính quyền phải bị kềm chế vì nhà
nước càng tập trung quyền hạn chỉ thêm can thiệp phiền hà sách nhiễu đối với
công ăn việc làm của dân chúng mà thôi.
Ai nắm túi tiền thì có quyền lực nên
người Mỹ chống chính sách sưu cao thuế nặng ngay cả khi mục tiêu dùng vào các
chương trình xã hội vì sẽ đem lại tính lười biếng ỷ lại. Sự trợ giúp lẫn nhau
phải bắt nguồn từ cộng đồng và ý thức của cá nhân chớ không phải công việc của
nhà nước, nên Hoa Kỳ mới thành hình truyền thống tự nguyện (volunteerism) và Xã
hội Dân sự (civic society) rất đa dạng. Đây chính là tính ưu việt
(exceptionalism) mà người Mỹ tự hào và được Tổng thống Ronald Reagan ví von như
“a shining city on the hill” – ngọn hải đăng cho nhân loại.
Trái lại lịch sử Âu Châu gồm nhiều khu
vực cai quản bởi các lãnh chúa, sau này mở mang thành nhiều quốc gia sống gần
và luôn tranh chấp với nhau khiến người dân quen đi việc nộp thuế để được bảo
vệ an ninh. Vì bị đe doạ thường trực nên dân chúng quen với quan niệm cho rằng
quyền tự do cá nhân phải được cân bằng với lợi ích tập thể, do đó môi trường Âu
Châu thuận lợi cho sự phát triển của nền Dân chủ Xã hội tức người dân cho phép
nhà nước có nhiều trách nhiệm và quyền hạn hơn là ở Mỹ.
Trong nền Dân chủ Xã hội thì quyền tự do và tư
hữu của mỗi cá nhân vẫn được tôn trọng, nhưng nhà nước dùng chính sách thuế
khóa để san bằng phần nào chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Do đó thuế ở Âu
Châu cao hơn tại Hoa Kỳ, bù lại dân chúng được học hành miễn phí và hưởng nhiều
lợi ích an sinh xã hội khác.
Không ít dân Mỹ chống lại quan điểm nói trên
vì Khế ước Xã hội chẳng bao giờ cho phép nhà nước can thiệp để giới hạn tình
trạng giàu nghèo chênh lệch. Trái lại ai làm nấy hưởng, lợi ít chung chỉ đến
khi mỗi cá nhân có toàn quyền tự do sáng tạo và mưu cầu hạnh phúc, đến khi
doanh nghiệp thành công mở mang mướn thêm công nhân thì xã hội được chia sẻ
phúc lợi. Hơn nửa nhà nước càng nhiều quyền hành lại ưa lạm dụng.
Trái với điều
nhiều người thường nghĩ, dân Mỹ tuy theo cá nhân chủ nghĩa nhưng không ích kỷ
bởi vì họ đóng góp giúp đỡ lẫn nhau qua tổ chức tôn giáo hay Xã hội Dân sự, tức
là bằng sự tự nguyện và ý thức dân sự chớ không phải do nhà nước dạy dỗ hay ép
buộc. Cho nên nhiều nhà tư bản như Bill Gates sắt thép trong kinh doanh nhưng
sau đó lại để gần hết gia tài gần 50 tỷ USD cho từ thiện!
Tưởng cũng nên nhắc đến sự khác biệt giữa Dân
chủ Xã hội và Xã hội Chủ nghĩa (Socialism). Xã hội Chủ nghĩa cũng bắt đầu từ
chống bất công với phương án là tước đoạt quyền tư hữu của mọi người dân để rồi
ai cũng giống ai không thể bóc lột lẫn nhau, nhà nước nắm trong tay mọi của cải
xã hội sau đó ban phát phúc lợi đồng đều cho dân chúng. Trong thực tế nhà
nước nắm mọi quyền hạn và tài sản nên giai cấp cầm quyền hưởng lợi trước, còn
dân chúng làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu nên chẳng ai dại gì làm hết sức
mình cho người khác hưởng!
Sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt thì mô hình
Tư bản Nhà nước (State Capitalism) lại được nhắc đến nhiều, chính yếu theo đà
thành công vượt bực ở Trung Quốc (cho dù nhiều nước khác như Saudi Arabia từ
trước đến nay vẫn theo mô hình này). Trong xã hội kiểu này người dân có được
quyền tư hữu và kinh doanh nhưng nhà nước điều hướng nền kinh tế và cai quản
các tài sản cùng lợì tức quan trọng trong quốc gia. Đến khi áp dụng vào thực tế
thì Tư bản Nhà nước đi đôi với độc quyền lãnh đạo – ngay cả khi đa đảng thì vẫn
một đảng cầm quyền vĩnh viễn – lý do bởi thế lực hay khối lợi ích nào đã
nắm được tài sản quốc gia cũng chẳng dại gì chia sẻ cho cánh khác.
Hơn thế đảng
cầm quyền còn giới hạn quyền tự do của dân chúng để không bị chỉ trích phê
phán. Ưu điểm của mô hình xã hội nói trên ở nơi huy động được nhân vật lực vào
những mục tiêu chung nên tạo được nhiều bước tiến nhảy vọt nhất là trong khoảng
thời gian đầu, do vậy thu hút được không ít trong số các quốc gia đang phát
triển và các nhà độc tài. Khuyết điểm chính nơi không thể giải quyết được mâu
thuẩn cơ bản một khi một nhà nước giữ nhiều quyền hạn liệu có sẽ bóp nghẹt tự
do sáng tạo của cá nhân và sức sống của xã hội hay không để khiến đất nước rơi
vào độc tài, bè phái, bất công và trì trệ dài lâu.
Đ.H.Q.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment