Saturday, December 22, 2012

Công an CSGT và TTCĐ tự "làm luật": trắng trợn tham nhũng thu tiền xe tải vào thành phố


 


Công an CSGT và TTCĐ tự "làm luật": trắng trợn tham nhũng thu tiền xe tải vào thành phố


Hoài Nam 


Công an cảnh sát giao thông thi hành "Nghị định 71" của CP như thế nào.  Nghị định này có hiệu lực từ 10-11 sẽ phạt "rất cao" những xe vi phạm giao thông đã tạo điều kiện thêm cho công an cảnh sát giao thông sách nhiễu trấn lột người dân. Sự việc được chính báo lề phải của nhà nước phanh phui. Hãy xem loạt bài điều tra của phóng viên Hoài Nam, báo Thanh Niên, để biết sự lộng hành bất chấp luật pháp của những người chỉ biết có "còn đảng - còn mình" hiện nay ra sao. Và với chứng cớ hình ảnh rõ ràng như thế này thì quan trên liệu có còn bao che, có cần "phải xác minh điều tra nữa" hay không?!

 

 *

 

1- Cảnh sát trật tự cơ động "làm luật"

 Điều tra của Hoài Nam - Báo Thanh Niên 


Sau nhiều ngày tháng đeo bám, PV Thanh Niên đã làm rõ các đường dây của một số cảnh sát trật tự cơ động tổ chức ngã giá, nhận tiền công khai để bảo kê xe tải đi vào đường cấm, giờ cấm trong một số quận ở TP.HCM.

 

Đầu năm 2012, ở TP.HCM xuất hiện lực lượng Cảnh sát trật tự cơ động (TTCĐ) xuống đường tham gia xử phạt giao thông. Lực lượng này hoạt động tích cực, xuất hiện bất ngờ, kể cả ở những con hẻm nhỏ khiến nhà xe vi phạm trở tay không kịp. 

 

"Lúc đầu, thấy họ từ xa, cứ tưởng họ đi dẹp lòng lề đường, nhưng khi tới nơi thì bị họ xử luôn vi phạm giao thông. Mới đầu do không biết, chúng tôi cãi lại nhưng càng cãi càng bị lập biên bản, nên giờ hễ cứ nhìn thấy là hồn vía lên mây. Nhà xe nào biết điều, được họ cầm giấy tờ không lập biên bản thì chắc chắn sẽ được dặn liên hệ với sếp, là biết ngay họ muốn làm luật tháng" - T. - một nhà xe kể.

 

"Mỗi tháng ghé nhậu nha"

 

Cũng theo T., luật tháng của các cảnh sát TTCĐ này "rất mềm", trung bình mỗi đầu xe 500.000 đồng/tháng. Riêng ở Đội Cảnh sát TTCĐ Q.6 còn có "chương trình khuyến mãi" từ xe thứ 3 trở đi chỉ còn 400.000 đồng.  Nhà xe nào muốn làm luật thì trực tiếp gặp đội trưởng để ngã giá và hằng tháng phải tới quán của đội trưởng nhậu một lần. Khi hai bên thỏa thuận xong, nhà xe đóng tiền và đăng ký số xe; trước khi đánh xe vào giờ cấm chỉ cần điện thoại thông báo giờ cụ thể.

 

Trong quá trình tìm hiểu quy trình "làm luật" nói trên, PV Thanh Niên gặp được một nhân vật tên Đ. Anh này mới mua hai xe tải đưa vào địa bàn Q.6 chở hàng, nhưng không "làm luật" nên thường xuyên bị Cảnh sát TTCĐ Công an Q.6 thổi phạt. Sau đó, có người giới thiệu: "Nếu không muốn bị bắt phạt thì gặp sếp Tùng". Dù chẳng biết "sếp Tùng" là ai nhưng Đ. liều gọi điện thoại và được "sếp Tùng" hẹn tới một quán nhậu nằm trên đường Tân Hòa Đông (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).

 

17 giờ 23 ngày 16.11, Đ. cùng một đồng nghiệp có mặt theo lời hẹn. Đến nơi, Đ. mới biết quán nhậu bình dân này là của "sếp Tùng". Khi ngồi vào bàn, "sếp Tùng" khoe: "Giao thông (CSGT - PV) với trật tự cơ động anh lo được thoải mái". "Em có hai xe tải nhờ anh giúp giùm", Đ. nói ngay. Biết giá chung chi nên Đ. đưa cho "sếp Tùng" hai tờ 500.000 đồng. Nhận tiền từ tay Đ., đút tiền vào túi áo ngực, "sếp Tùng" nói thêm: "Mỗi tháng ghé nhậu nha. Anh mày là Đội trưởng TTCĐ phụ trách mảng này, giao thông Q.6 cũng lo được".

 

"Sếp Tùng" nhận tiền của Đ và cho
vào túi áo ngực - Ảnh: Hoài Nam

Sợ nghe nhầm, Đ. hỏi lại: "Tổ trưởng hả?", "sếp Tùng" nói lớn hơn: "Đội trưởng". Đ. ngạc nhiên vì vẫn chưa tin một người giữ cương vị đội trưởng lại chịu khó ngã giá trực tiếp với mình, nên hỏi thêm: "Đội phó hả?". Lúc này "sếp Tùng" bực mình quát lên: "Tao là đội trưởng chứ đội phó gì". Đ. tròn mắt, há hốc mồm, "sếp Tùng" thấy vậy cười hề hề.

 

 Cạn ly bia, để Đ. hiểu rõ hơn cái uy của mình, "sếp Tùng" giới thiệu chức năng của lực lượng Cảnh sát TTCĐ.  "Từ tháng 4 đến giờ cảnh sát TTCĐ được thổi phạt như giao thông (CSGT - PV). Nghị định 71 có hiệu lực từ 10.11 sẽ phạt rất cao. Các tuyến trên địa bàn Q.6 anh làm hết, giao thông phạt khác, anh phạt khác. Anh phạt đậu xe trên lề đường, giao thông không được phạt, xe chạy xe đậu anh bắt luôn, anh mạnh hơn giao thông là chỗ đó..." - "sếp Tùng" ra vẻ tự hào.

 

Cuối cùng Đ. gửi "sếp Tùng" thêm 400.000 đồng để lo giúp cho một xe cẩu của người bạn cũng chạy vào địa bàn Q.6.

   

2 CSGT tên Lộc và Chung đang ngã giá với Đ -
Ảnh: Hoài Nam

Để gọi điện báo ông Chánh

 

Chiều tối 19.11, PV Thanh Niên trong vai phụ xe, cùng Đ. đánh xe vào Q.6 bốc hàng, nhân dịp cũng là để kiểm chứng hiệu lực của việc "làm luật" thông qua "sếp Tùng".

 

Khoảng 18 giờ 20 thì tới ngã tư Hậu Giang - Nguyễn Văn Luông. Từ xa, nhìn thấy 6 CSGT đang làm nhiệm vụ ở đây,  Đ. sợ bị bắt nên vội tấp xe vào lề đường, giả vờ trả hàng. Thế nhưng chưa đầy 1 phút, một CSGT từ chốt đi bộ tới yêu cầu Đ. mang giấy tờ đến chốt làm việc. Khoảng 10 phút sau Đ. cùng một CSGT tên Lộc quay lại xe. Đ. nói nhỏ vào tai tôi "mấy ông CSGT đòi chung 1 chai sẽ không lập biên bản, thả xe liền". CSGT tên Lộc mở cửa trèo lên cầm vô lăng đánh xe đi, còn một CSGT khác phóng xe mô tô đặc chủng áp tải phía sau.

 

Trên đường đi Đ. liên tục xin tha, viên CSGT tên Lộc nói: "Muốn gì lát xuống gặp anh Chung giải quyết" và giải thích: "Đánh xe vào đây là cho ông con đường sống rồi". Tới con hẻm phía sau Bệnh viện Q.6, Lộc dừng xe mở cửa bước xuống, đi ra chỗ CSGT tên Chung đang chờ sẵn bên cạnh chiếc mô tô đặc chủng nổ máy xình xịch. Lúc ra làm việc, do quá sợ, Đ. run bần bật. Thấy vậy CSGT tên Chung hất hàm: "Sao mà run giữ vậy ông, đủ chai không?", "Em có năm trăm à, em hết tiền rồi" - Đ. trả lời. CSGT tên Chung lên giọng: "Cái miệng ông... mang giấy tờ xuống đây…".

   

Sau khi lấy 800.000đ của Đ, hai CSGT dùng mô tô dẫn
xe của Đ qua mặt đồng nghiệp ra bãi đậu - Ảnh: H. Nam

Thấy viên CSGT dọa lập biên bản, Đ. lắp bắp một hồi mới nói được: "Em... đủ tiền rồi. Em... đủ tiền rồi"; và còn cố nói thêm để mong 2 CSGT nghe được: "Em điện thoại cho anh Tùng…". Nghe đến tên "anh Tùng", CSGT tên Chung quát: "Khỏi, ông mà điện cho ông Tùng tôi lập biên bản lẹ hơn". "Thôi anh bớt cho em hai trăm, em nói với ông chủ là chung 1 chai" - Đ. năn nỉ trả giá. "Thôi được rồi, cầm lấy hai trăm đi, đưa tám trăm đây, bọn tao dắt ra luôn" - CSGT tên Chung đưa ra quyết định sau cùng.

 

Nhận tiền xong, hai CSGT chạy mô tô dẫn xe tải của Đ. ra bãi đậu an toàn. Khi đi qua ngã tư thấy đồng nghiệp đang đứng làm nhiệm vụ, CSGT tên Lộc ngồi sau dùng dùi cui ra hiệu để đồng nghiệp biết. Khi tới một bãi đậu ngay trước cửa Đội CSGT, CSGT tên Lộc lấy dùi cui hướng dẫn cho Đ. đánh xe vào đó đậu chờ tới giờ mới được đi lấy hàng.

 

Chưa tới giờ,  Đ. sốt ruột nên đánh xe đi. Trên đường về, Đ. gọi điện báo cho "sếp Tùng" biết là 2 CSGT tên Chung và Lộc vừa lấy 1 triệu đồng. Lập tức "sếp Tùng" trả lời: "Để tao gọi điện thoại báo cho ông Chánh (sếp của Chung và Lộc) biết…". Sáng 20.11 "sếp Tùng" điện thoại báo tin cho Đ.: "Nếu lần sau nó hỏi, cứ bảo cháu chú Tùng nha. Tao điện cho ông Chánh, ông Chánh chửi nó quá trời, nó qua đây năn nỉ xin lỗi tao trả lại tiền. Thằng Lộc, thằng Chung qua nhà xin lỗi tao nhờ tao lại nói ông Chánh đừng cho kiểm điểm…".

 

 2- Ngã giá ngay tại trụ sở

 Điều tra của Hoài Nam - Báo Thanh Niên


 

Nếu như Đội trưởng đội Cảnh sát trật tự cơ động Q.6 (TP.HCM) "làm luật" với chủ xe tại quán nhậu, thì Đội Cảnh sát trật tự cơ động - Công an Q.Bình Tân lại công khai hơn, tổ chức ngã giá với chủ xe ngay tại trụ sở. Sau đó chủ xe chung tiền, đọc biển số xe để "thủ quỹ" vào sổ!

 

Trong quá trình tìm hiểu nạn "làm luật" để mua đường, đi đâu, gặp tài xế nào chúng tôi cũng nghe kể vanh vách cách làm tiền trắng trợn, có tổ chức của Đội Cảnh sát TTCĐ - Công an Q.Bình Tân. Theo cánh tài xế, sau khi ngã giá xong mức chung chi hằng tháng, chủ xe phải đóng tiền, báo số lượng xe và biển số cho trung tá Thiều Quang Văn, người được coi là "thủ quỹ" của Ðội Cảnh sát TTCĐ - Công an Q.Bình Tân.

   

Trung tá Chương - người quyết định giá bảo kê
xe tải của anh H. - Ảnh: Hoài Nam

Trả giấy tờ ở quán nhậu

 

Anh H. là một tài xế xe mới bị hai cảnh sát TTCĐ bắt, nhưng không lập biên bản mà chỉ giữ giấy tờ. Trước khi cầm giấy tờ của tài xế phóng mô tô đi, hai cảnh sát còn dặn lại: "Muốn gì thì tới đội làm việc". Sáng 27.11, anh H. tới trụ sở Đội Cảnh sát TTCĐ - Công an Q.Bình Tân (nằm sát quốc lộ 1A). Vào đến phòng, H. thấy lúc này có 3 cảnh sát TTCĐ đang làm việc. Anh H. phân bua: "Hôm qua có hai anh Khoa và Mẫn giữ giấy tờ của em, nay em đến gặp để xin lại". Mấy cảnh sát nghe vậy hướng dẫn: "Muốn gặp Khoa và Mẫn thì 10 giờ mai lên".

 

Trước đó, H. đã nghe các tài xế khác nói "thấy ai tên Chương cứ đặt thẳng vấn đề", nên H. nhìn chung quanh và thấy một trung tá ngồi ở bàn làm việc có bảng tên "Nguyễn Hoàng Chương - Phó đội trưởng đội CSTTCĐ". H. đặt vấn đề luôn với trung tá Chương: "Em có 7 chiếc xe tải chạy, nhờ anh giúp đỡ". Nghe vậy, trung tá Chương liền cho H. số điện thoại của thiếu tá Hoàng Văn Khoa và dặn: "Cứ điện thoại cho Khoa xưng là cháu chú Chương, nó sẽ trả lại giấy tờ".

 

Khoảng 11 giờ, anh H. điện thoại cho thiếu tá Khoa và được hẹn đến ngã tư quốc lộ 1A và Lê Trọng Tấn. Đến nơi, thiếu tá Khoa dẫn anh H. vào một quán nhậu và gọi mấy người bạn tới cùng nhậu với anh H. Nhậu xong, thiếu tá Khoa trả lại anh H. giấy tờ xe và dặn: "Cứ gặp ông Chương nhé!".

 

Do bận nhiều việc nên hai ngày sau anh H. vẫn chưa lên gặp ông  Chương. Sáng 28.11, trung tá Chương điện thoại trực tiếp cho anh H. dặn 7 giờ sáng 29.11 lên gặp ông. Tuy nhiên, cả ngày 29.11 anh H. vẫn chưa lên được. Sáng sớm 30.11, anh H. điện thoại xin "gia hạn" thì ông Chương trách: "Cả buổi hôm qua anh chờ mãi mà mày không tới, sáng nay mày lên đi, anh đợi ở cơ quan...".

 

"Ba mươi hoặc một tây nghe không"

 

Biết không thoát được, 7 giờ sáng 30.11, anh H. lên gặp trung tá Chương. Khoảng 7 giờ 30, anh H. mở cửa bước vào phòng làm việc của Đội Cảnh sát TTCĐ, lúc này bên trong đội có trung tá Nguyễn Hoàng Chương (đội phó) và 3 cán bộ gồm: đại úy Võ Minh Mẫn, trung tá Võ Văn Lâm, trung tá Thiều Quang Văn.

 

Nhìn thấy anh H., trung tá Chương nói ngay:  "Mày có mấy chiếc xe, ý mày là sao mày nói luôn đi, mày đăng ký số xe ra đây để anh em tính". Anh H. phân bua: "Em có 7 chiếc xe nhưng đi vào địa bàn Q.Bình Tân chỉ có hai chiếc thôi". Nghe vậy đại úy Mẫn nói ngay: "Đăng ký 2 chiếc lỡ chiếc thứ 3 vô thì sao, phải tính, tính sổ nha". Ngồi bàn kế bên, trung tá Lâm đưa ra phương án: "Thôi kệ nó, có 7 chiếc đăng ký 2 chiếc tính 2 chiếc; còn xe ra vô, xe nào tính xe đó".

   


 


Trung tá Văn nhận tiền bảo kê xe của anh H. - Ảnh: Hoài Nam

   

Trung tá Chương vẫn gợi ý: "Mày có 7 chiếc, mày ghi số xe 7 chiếc để anh triển khai cho anh em nó tính". Nghe vậy đại úy Mẫn tiếp lời trung tá Chương: "Hỏi nó đăng ký mấy chiếc". Anh H. vẫn xin đăng ký 2 chiếc thì lập tức trung tá Chương cảnh cáo: "Có 7 chiếc đăng ký 2 chiếc hả. Nếu đăng ký 2 chiếc mà những chiếc kia vào thì ráng chịu nha…". Đại úy Mẫn tiếp: "Anh em đâu đó đàng hoàng, đăng ký hai chiếc ghi biển số xe, còn chiếc thứ 3 vào ráng chịu nha, anh em không chấp nhận, nói một là một hai là hai. Giờ sao, ông ghi số xe đi, tháng ông ủng hộ cho anh em bao nhiêu nào, nếu được thì bụp, còn không tính...?".

 

Đại úy Mẫn liên tục ngã giá với anh H.

"Mỗi xe bốn năm trăm gì đó được không" - anh H. nói. "Hai chiếc, chai nghe không, giờ sao anh Chương, hai chiếc chai…?" - đại úy Mẫn hỏi trung tá Chương. Đang ngồi ở bàn làm việc, trung tá Chương đứng dậy cầm tờ giấy nhỏ đưa cho anh H. và lệnh: "Mày ghi số xe vào đây đi, để hằng tháng rồi…". Đại úy Mẫn nhắc thêm: "Ba mươi hoặc một tây nghe không".

 

Bao luôn giờ cao điểm

 

Lúc này trung tá Văn đang ngồi ở bàn làm việc, nghe trung tá Chương nói vậy liền đứng dậy mở tủ lấy một chồng hồ sơ ra. Anh H. nói luôn: "Anh Văn, em nói trước em đi luôn giờ cấm nha anh Văn". "Rồi, giờ cao điểm thì giờ cao điểm, ông vô thì vô nhưng chỉ đơn vị này thôi, đơn vị khác là không được đâu nha".

 

Đại úy Mẫn chen thêm: "Anh em nói thẳng nha, chỉ cảnh sát trật tự thôi, còn giao thông và công chánh ông tự lo nha". "Giờ tháng mấy nhỉ, tính từ tháng 12 mỗi tháng 1 triệu..." - trung tá Văn tính toán để nhận tiền của anh H. Thỏa thuận xong, anh H. đọc số xe cho trung tá Văn ghi vào tập hồ sơ, rồi đếm 20 tờ bạc mệnh giá 50.000 đồng đưa cho trung tá Văn. Trung tá Văn đếm đủ 1 triệu đồng liền kẹp vào tập hồ sơ khá dày, cất vào tủ.

 

Sau khi "ngã giá" xong và đóng tiền "bảo kê" tháng 12 cho hai xe tải của mình đi vào giờ cấm trên địa bàn Q.Bình Tân, anh H. năn nỉ trung tá Văn: "Giờ chỉ sợ công chánh thôi. Anh Văn, sau này có nhiều xe bớt còn bốn trăm nha". "Mày biết mày đưa số xe đi, mày gửi năm trăm đây mà mày lại đưa bốn trăm, mày nói ông ý (ý nói trung tá Chương - PV).." - trung tá Văn trả lời.

 

Nghe vậy anh H. quay sang bàn trung tá Chương: "Sếp, xe nhiều bớt còn bốn trăm nha". "Mày gửi năm trăm đi, tao thương mày, giờ Nghị định 71 nó ấy rồi... Mày gửi 7 chiếc ba triệu rưỡi đi" - trung tá Chương vẫn kiên quyết.

 

Quay sang đại úy Mẫn, anh H. tiếp tục năn nỉ: "Anh Mẫn, xe nhiều tính khác đi, anh lên tiếng cái đi, anh ở ngoài đường anh bắt không à". "Ổng sếp mà, ổng là đại ca ở đây mà sao dám nói, ông nói ổng đi chứ. Tôi nói với ông nè, ông ủng hộ tôi... anh em còn đó, sau này giúp đỡ này kia không đáng là nhiêu, hiểu không. Ông thấy không, ông quá tải tụi tôi cũng xí xóa, đâu khi nào bắt ông, giờ cao điểm nữa. Còn công chánh quất ông thẳng giò, giao thông chưa chắc nó lấy kiểu vậy, tôi đây tình cảm, giao thông khác, ông tính của ông đi, còn của ông nào ông lên đấy gặp…" - đại úy Mẫn nói. (Còn tiếp)

 


 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link