Saturday, December 22, 2012

Đối Thọai Với Ta – Đối Đầu Với Giặc.


 

Quý Bạn Đọc thân mến

Bài mới xin gởi đến quý vị rất mong được phổ biến rộng rãi.

Nguyễn Quang Duy


 

Đối Thọai Với Ta – Đối Đầu Với Giặc.

Nguyễn Quang Duy

 

Đối thọai thường là mặt đối mặt, bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng hành động hay bằng ánh mắt để trao đổi suy nghĩ. Đối thọai cũng có thể gián tiếp qua trung gian, hay qua những bài viết, những trao đổi trên các phương tiện truyền thông.

Mục đích của đối thọai là để hiểu nhau, để biết người biết ta, khi biết nhau thì mới biết cách để hành xử chính đáng, để hai bên cùng có lợi. Đương nhiên đối thọai phải hai chiều, phải tôn trọng nhau và tôn trọng những ý kiến khác biệt.

Đối đầu chỉ khác ở chỗ không tôn trọng nhau và không tôn trọng ý kiến khác biệt, con người hành xử chỉ để đạt thắng thua.

 

Với Quốc Tế

Vài tháng trước tôi và hai thành viên Khối 8406 tại Victoria đã tiếp xúc với một viên chức cao cấp ngọai giao Úc, ông cho rằng nhà cầm quyền cộng sản dường như không hiểu các nguyên tắc cơ bản về nhân quyền.
 
Tôi định giải thích với ông ta người cộng sản từ tư tưởng đã được huấn luyện để đối đầu “ai thắng ai” với họ không có đối thọai. Bởi vậy họ chẳng bao giờ tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về nhân quyền.

Khi nhà cầm quyền cộng sản thấy đối đầu không có lợi thì tìm cách lấp liếm cho xong chuyện, hay tránh né tiếp xúc. Như những ngày gần đây họ gia tăng đàn áp những người yêu nước, những người yêu dân chủ, nên họ tìm cách trì hõan các vòng đối thoại nhân quyền thường niên với Hoa Kỳ.

Không riêng chuyện nhân quyền, các hiệp định quốc tế như Hiệp Định Genève hay Hiệp Định Ba lê đều bị đảng Cộng sản xé bỏ ngay sau khi ký kết. Nhiều bằng chứng cho thấy họ đã chủ tâm xé bỏ mọi hiệp định quốc tế trước khi họ ký các Hiệp Định này. Với người cộng sản mọi thứ đều là phương tiện để giành chiến thắng.

 

Với Người Việt

Với người Việt, đảng Cộng sản luôn tìm cách tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng.
 
Năm 1945, khi các đảng Quốc Gia liên hiệp với cộng sản, là lúc họ cho người âm thầm bao vây và bằng vũ trang bạo lực tiêu diệt mọi tiềm năng của các đảng Quốc Gia.
 
Năm 1975, họ xé bỏ Hiệp Định Ba Lê bắt bớ và tù đày hằng trăm ngàn người miền Nam nhằm tiêu diệt ý chí của người miền Nam.
 
Năm 2006, để gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế (WTO) đảng Cộng sản tỏ vẻ cởi mở dân chủ nhưng khi đã đạt được mục đích họ trở tay trấn áp người đấu tranh, bắt bớ hằng trăm người vô tội.

Ngay trong đảng Cộng sản Ủy Viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách được giao cho nhiệm vụ nghiên cứu “đổi mới”, ông Bách lập luận rằng cần thay đổi cả kinh tế lẫn chính trị, vì thế ông bị mất chức Ủy Viên Bộ Chính Trị, bị đuổi ra khỏi đảng và chết trong thầm lặng (ngày 1 tháng 1 năm 2006). Vì không lắng nghe ông Bách đảng Cộng sản đang đưa Việt Nam vào con đường bế tắc.

Trên chỉ là vài thí dụ điển hình. Người Việt chúng ta hằng ngày thường phải đối đầu với công an, với tham nhũng, với cửa quyền, với cường hào ác bá cộng sản, nên mỗi người chúng ta đều có nhiều kinh nghiệm đối đầu đáng nói.

 

“Trực Diện” Đấu Tranh

Nhưng lại có ba “chính trị gia” sống tại thành phố Houston Texas Hoa Kỳ, vừa bước vào một lộ trình “trực diện” đấu tranh với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn. Đây là một lộ trình “kín”, rất “bí mật” nhưng sau đó được báo chí cộng sản “bật mí” và đang được dư luận tận tình mổ xẻ.

Khi Phóng viên Quốc Bình, Đài truyền hình BYN, phỏng vấn cả ba ông Võ Đức Quang, Nguyễn Văn Đức và Hòang Duy Hùng, mới vỡ lẽ ra cả ba “chính trị gia” Houston Texas chưa nói chuyện đựơc đàng hòang với nhau.
 
Chưa nói chuyện được với nhau thế mà họ lại liều mình đi theo lộ trình (do đảng Cộng sản đưa ra ?) “trực diện” đấu tranh. Vì đã có hằng trăm bài viết mổ xẻ đề tài, nên tôi không có ý định bình luận việc đi đêm của ba đệ tử Henry Kissinger này.

Tôi đặc biệt quan tâm đến Bản Lên Tiếng của đảng Vì Dân, một Tổ Chức Chính Trị có Trụ Sở Chính đặt tại thành phố Houston, và đã được nghị viên Hòang Duy Hùng mời “trực diện” đấu tranh nhưng đã từ chối lời mời. Bản lên tiếng như “quả bóng” đựơc thả thăm dò dư luận.
 
 Theo Bản Lên Tiếng có 7 điều “cần và đủ” để có thể đối thọai với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, khi các điều kiện này chưa được đáp ứng thì đảng Vì Dân sẽ tiếp tục đối đầu đấu tranh.

Xin đính kèm Bản Lên Tiếng để bạn đọc tham khảo. Bản lên tiếng kêu gọi góp ý về việc “đối thọai” với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, phần sau bài viết nhằm thảo luận câu hỏi có phải đảng Vì Dân quá lạc quan và xa rời thực tế khi phổ biến 7 điều nói trên hay không ?
 
Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc bài viết này đã được gởi đến ông Nguyễn Công Bằng Tổng Thư Ký đảng Vì Dân xem trước và tùy nghi hồi đáp.

 

Hai Kinh Nghiệm Cá Nhân

Úc châu xưa nay vẫn được xem là tiền đồn chống cộng vì thế việc trực diện đối đầu với giới chức cầm quyền cộng sản là chuyện thường tình. Xin đựơc tóm tắt cùng bạn đọc hai sự kiện dưới đây:

Năm 1988 khi đảng Cộng sản cần giao thương với thế giới tự do, Úc Đại Lợi đã trở thành một cửa ngỏ để các viên chức cộng sản ra vào vận động. Khi ấy tôi đang theo học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Quốc Gia thuộc Viện Quốc Gia Úc Đại Lợi vì thế tôi đã có cơ hội để “đối đầu” với Bộ Trưởng Bộ Kỹ Nghệ Võ Oanh.

Tham dự cuộc họp đa số là các giáo sư và giảng sư thuộc Viện Đại Học, sinh viên chỉ có tôi và một sinh viên du học. Sau phần giới thiệu ông Võ Oanh có đôi lời với tất cả mọi người, ông ấy quay sang anh sinh viên khuyên nhủ ít lời.
 
Trước khi sang Úc học, anh ấy là phụ giảng trường Đại Học Kinh Tế, nên nhân cơ hội đã góp ý với ông ấy đại khái như sau: anh sang học bên này thấy kinh tế chính trị Mác Lênin không còn thích hợp nữa, không có ai dạy cả, anh mong ông Oanh và chính phủ xem lại để giảm nhẹ việc giảng dạy các môn học chính trị.
 
Khi được người thông ngôn dịch lại ông Oanh lộ vẻ khó chịu.

Ông Oanh sau đó xoay sang tôi khuyên nhủ ráng học và kêu gọi về giúp nước. Tôi cám ơn ông và nói với ông ấy rằng: “Tôi học kinh kế phát triển cũng chỉ mong có ngày về gíup nước, nhưng ngày tôi trở về sẽ là ngày mà các ông không mong đợi”.
 
Khi người thông ngôn dịch lại, ông nổi giận không còn coi ai ra gì, ông dơ tay lên chỉ thẳng vào mặt tôi và đã dùng những lời thô lỗ nặng nề cũng như đe dọa: “…nếu về nước họ sẽ giết tôi như đã giết bọn phản động Hòang Cơ Minh…
 
 Khi ấy việc Tướng Hòang Cơ Minh về nước và mất là một đề tài nóng trong cộng đồng người Việt hải ngọai.

Người thông ngôn đã dịch lại những lời đe dọa của ông, các giáo sư và giảng sư Viện Đại Học tỏ vẻ rất ngạc nhiên, tôi chỉ nhẹ nhàng phân bua “quý vị xem đấy, ông ấy đòi giết tôi, bản chất của những người cộng sản là thế đấy!!!”.
 
Cuộc họp xem như bế mạc, Võ Oanh không đạt được kết quả gì. Trước cuộc họp tôi đã báo cho Cộng đồng biết và sau cuộc họp cũng đã có người viết bài phổ biến rộng rãi trên báo chí.

Với tôi đây là một bài học thực tế, nhờ đó tôi nhận rõ người cộng sản không biết đối thọai là gì.
 
Guồng máy cộng sản đào tạo họ trở thành người máy nhận lệnh và ra lệnh. Võ Oanh dường như chưa bao giờ thực sự tiếp xúc với “dân”, ông ta phản ứng như máy, và vì cùng một lúc được hai người góp ý ông đã mất khả năng kiểm sóat chính mình.

Lẽ đương nhiên Võ Oanh không phải là thứ trưởng ngọai giao Nguyễn Thanh Sơn, một người đầy bản lãnh ngọai giao, và khi ấy đảng Cộng sản chưa ra Nghị Quyết 36 để hướng dẫn đảng viên biết cách ứng xử với ngừơi hải ngọai lần hồi đưa họ vào vòng kiểm sóat.
 
Dù thời gian có khác bản chất của người cộng sản vẫn không thay đổi.

Đến năm 1992, khi Võ văn Kiệt sang Úc ông Kiệt đã ngỏ lời với phía Úc làm trung gian để có 1 cuộc tiếp xúc giữa ông với Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc Châu.
 
Khi ấy tôi đang là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại thủ đô Canberra, nơi sẽ biểu tình “đón tiếp” Võ văn Kiệt vì thế tôi lại có dịp để rút tỉa vài kinh nghiệm thực tế.

Ngay sau khi tin ông Kiệt thăm Úc, tôi đã nhận được hằng trăm ý kiến. Có người điện thọai cho tôi, có người trực tiếp gặp tôi, có người còn đến cả nơi làm việc của tôi hay đến Văn Phòng Cộng Đồng để vận động.
 
Cũng có người do tôi xin ý kiến. Người lạ cũng có nhưng đa số đều là những người tôi đã biết.

Trước khi ông Kiệt sang Úc ít ngày Văn Phòng Thủ Tướng Úc đã chính thức mời tôi và chừng 10 người đại diện các hội đòan tham dự một buổi họp về lời đề nghị của ông Kiệt.
 
Dù không sửa sọan trước chúng tôi đều có chung một tiếng nói.
 
Chúng tôi từ chối công nhận ông Kiệt là đại diện cho Việt Nam và vì thế không có nhu cầu gặp ông Kiệt. Chúng tôi yêu cầu phía Úc đòi phía cộng sản phải chấp thuận gởi một phái đòan về Việt Nam điều tra nhân quyền. Đây là một công tác đã được Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu đồng thuận.

Kết quả là Võ văn Kiệt đã chấp nhận một Phái Đòan Điều Tra Nhân Quyền đi Việt Nam sau đó ít lâu. Phái đòan này là phái đòan quốc tế đầu tiên được gởi sang Việt Nam. Sau đó các Tổ Chức Quốc Tế và các quốc gia khác cũng theo gương Úc đòi có những phái đòan điều tra nhân quyền. Trong một dịp khác tôi sẽ viết chi tiết hơn về sự kiện này.

So sánh Úc Châu 20 năm về trước, tình trạng thành phố Houston hôm nay không khác mấy. Đảng Cộng sản đang cần lau bộ mặt nhem nhuốc bằng những cuộc đối thọai hình thức với người Việt hải ngọai. Điều khác là tại Úc châu, chúng tôi luôn phải đối đầu với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì thế chúng tôi phải học cách đối thọai với nhau, nhờ đó chúng tôi có thể đòan kết gắn bó vừa bảo vệ cộng đồng vừa hổ trợ cho những người đấu tranh Quốc Nội.

Nếu chúng ta chưa đối thọai được với nhau, chúng ta sẽ không thể đối thọai với chính quyền Úc và không thể gián tiếp sử dụng chính quyền Úc thương lượng với cộng sản Việt Nam.
 
Ngay cả khi đã đạt được mục đích đề ra, chúng tôi cũng hiểu rõ giới hạn của thương lượng chỉ trong phạm vi nhân quyền. Việc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam là trách nhiệm của người Việt Nam.

 

Đối Thọai Với Nhau

Viết đến đây tôi nhận đựơc một bản tin trong Hội nghị công an ngày 17-12-2012, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “…lực lượng công an cần tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự xã hội trên mọi lĩnh vực và địa bàn; đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, ý đồ kích động, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập chống phá …” Rõ ràng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đối đầu với chúng ta bằng bạo lực và như thế không cách nào khác hơn phải chúng ta phải đối đầu với chúng.

Trở lại với Bản lên tiếng của đảng Vì Dân, nếu tôi nhận xét ông Nguyễn Công Bằng thả “quả bóng” thăm dò dư luận, rồi tôi phán rằng chỉ có trẻ con mới thích bong bóng, thì thay vì đối thọai để tìm hiểu, tôi đã chuyển sang tranh luận, rồi tranh cãi, rồi chia bè, rồi kết nhóm, rồi tự phân hóa chính mình.
 
Đối thọai do đó là một nghệ thuật và cần tự huấn luyện. Nhất là trong thời buổi thông tin tòan cầu lời đối thọai có thể nhanh chóng phổ biến rộng rãi và dễ dàng lưu trữ để đối chiếu khi cần.

Một thực tế không thể phủ nhận các Tổ Chức Chính Trị ở hải ngọai thường tự phân hóa chia phe, lập nhóm công kích lẫn nhau.
 
Sống trong một xã hội đa nguyên, mỗi người mỗi khác, ngay khi chấp nhận đứng vào một tổ chức mỗi người vẫn là những cá nhân độc lập.
 
Nếu thiếu tôn trọng sự khác biệt và không biết cách đối thọai, cá nhân dễ trở nên độc quyền tư tưởng, độc quyền chính trị. Nói cách khác tôn trọng ý kiến khác biệt và biết cách đối thọai là căn bản của sinh họat dân chủ. Càng dân chủ càng cần đối thọai.

Muốn giải thể cộng sản chúng ta phải học đối thọai. Trước hết là đối thọai với nhau để có thể liên kết hành động. Nhưng nếu chỉ đối thọai nội bộ dễ tự cô lập và trở nên cục bộ.
 
Người đấu tranh cần phải tập đối thọai với những người khác chính kiến để thêm bạn bớt thù, nhờ đó mới có thể vận dụng tòan dân đứng lên, vận dụng quân đội và cảnh sát đứng về phía tòan dân đối đầu với bạo quyền cộng sản.
 
Nếu nhận rõ được điều này mới thấy tầm quan trọng của đối thọai trong công cuộc đấu tranh giải thể cộng sản.

Tôn trọng ý kiến khác biệt và biết cách đối thọai là nguyên tắc cơ bản của dân chủ vì thế muốn xây dựng dân chủ cần phải tập đối thọai.
 
Nói như thế để thấy đối thọai còn là căn bản để xây dựng và phát triển Việt Nam hậu cộng sản.

 

Người Cộng sản có nhu cầu đối thọai hay không ?

Người cộng sản không có dân chủ nên không chấp nhận đối thọai một cách chánh đáng. Phương cách suy nghĩ của họ là bằng mọi cách, bằng mọi giá phải chiến thắng.
 
Trong nội bộ họ gắn bó với nhau bằng quyền lực và quyền lợi. Với người dân họ tìm mọi cách đối đầu nhằm duy trì chế độ.

Cách đây hai tháng, hai bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì rải truyền đơn chống tham nhũng và chống giặc Tầu xâm lựơc mà bị bắt rồi bị tù.
 
Rõ ràng người cộng sản không muốn nói chuyện đàng hòang với những người yêu nước và không cùng chính kiến.

Về nhân quyền họ sợ đối thọai với Quốc Tế. Về dân chủ họ sợ đối thọai với người dân. Họ sợ đối thọai với mọi người về mọi mặt.
 
Họ không dám bỏ điều 4 Hiến Pháp vì cho rằng như thế là tự sát. Họ cướp chính quyền và cầm quyền bằng bạo lực.
 
Để nắm giữ quyền hành họ sẵn sàng làm tay sai cho giặc Tầu xâm lược.
 
 Họ không khác gì bọn giặc.
 
Đối thọai là phải từ hai phía và nếu người cộng sản vẫn tiếp tục đối đầu với dân tộc thì đương nhiên chúng ta vẫn phải tiếp tục đối đầu với giặc.

Sau gần 70 năm cầm quyền, đảng Cộng sản đã gây biết bao tội ác và đưa đất nước vào cơn khủng hỏang trầm trọng với nguy cơ mất nước.
 
Chính Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nhà Nước Trương Tấn Sang đã xác nhận tình trạng khủng hỏang đang đe dọa chế độ cộng sản. Vì thế đảng Cộng sản phải tìm kế hõan binh, trong đó có cách là “đối thọai” với một số “chính trị gia” hải ngọai.

Giới cầm quyền Cộng sản sẽ hõan binh cho đến khi nào áp lực của Quốc Tế và của người dân bắt họ phải chấp nhận trao trả quyền tự quyết cho dân tộc.
 
Khi ấy để giữ được an tòan cho họ và gia đình họ sẽ phải nói chuyện đàng hòang với dân tộc.
 
Đó là con đường khôn ngoan nhất cho họ lựa chọn. Nếu không bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát đảng Cộng sản và giới cầm quyền.

Viết đến đây chắc bạn đọc sẽ thắc mắc quan điểm của tôi về 3 ông Võ Đức Quang, Nguyễn Văn Đức và Hòang Duy Hùng.
 
 Hãy xem các cuộc biểu tình trong nước lẫn lộn giữa ta và giặc.
 
Ở hải ngọai cũng thế, biên giới giữa ta và giặc gần như không có. Làm chính trị như 3 ông nói trên là tính sai nước cờ hay chọn sai con đường hay nối giáo giặc, bởi thế họ lãnh hậu quả là chuyện thường tình.

 

Kết Luận

Đối thọai là một nhu cầu thiết yếu con người. Đặc biệt là của những người làm chính trị muốn xây dựng một nền móng dân chủ.

Bản Lên Tiếng của đảng Vì Dân cũng là một hình thức đối thọai nhằm thăm dò quan điểm chính trị của người dân trong hòan cảnh hiện nay.
 
Lẽ đương nhiên mỗi người sẽ nhìn Bản Lên Tiếng từ một góc cạnh khác nhau và có mức độ quan tâm đánh giá khác nhau.
 
Trên thực tế chưa có một dấu hiệu nào cho thấy nhà cầm quyền cộng sản thực tâm muốn đối thọai với dân tộc.
 
 Ngược lại càng ngày họ càng gia tăng đối đầu với những người yêu nước, yêu tự do.

Vì vậy nhu cầu hiện nay là những cá nhân, những Tổ Chức Chính Trị phải đối thọai với nhau để hiểu nhau, để liên kết với nhau, để phân công công tác, để biết ta biết giặc, dồn thực lực, chủ động đẩy mạnh quá trình giải thể chế độ cộng sản và xây dựng một Việt Nam Tự Do.

Chúc bạn đọc xa gần một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

20/12/2012

Đính Kèm Bản lên tiếng của Đảng Vì Dân Việt Nam




 



Bản lên tiếng của Đảng Vì Dân Việt Nam

v/v: Đối thoại với nhà nước CHXHCNVN (NNVN)

Nhằm trả lời thắc mắc của nhiều người, đặc biệt là từ một số thân hữu và cơ quan truyền thông, VPLL Đảng Vì Dân Việt Nam trân trọng trình bày quan điểm và ý kiến của tổ chức về một số điều trọng yếu đã được nêu lên, như sau:

1.     Đảng Vì Dân Việt Nam chủ trương dân chủ hóa Việt Nam bằng con đường Tổng Tuyển Cử Tự Do, với sự giám sát của các cơ quan nhân quyền quốc tế. Trong tiến trình vận động, đối thoại đa phương được xem là nỗ lực cần thiết để tạo sự cảm thông, tin tưởng cho việc hợp tác nhằm tìm kiếm điều kiện tháo gỡ các bế tắc chính trị của Việt Nam.

2.     Đảng Vì Dân Việt Nam quan niệm rằng đối thoại với nhà nước CHXHCNVN (NNVN) chỉ là nỗ lực song song với các phương thức đấu tranh đang có; và không phải là một hình thức công nhận sự lãnh đạo độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay cả trong thời gian diễn ra việc đối thoại, mọi sách lược đấu tranh đang có đều cần phải được tiếp tục thực hiện cho đến khi Việt Nam có tự do và dân chủ.

3.     Quan điểm của Đảng Vì Dân Việt Nam là thành phần phái đoàn tham dự việc đối thoại với NNVN phải mang tính Đại Biểu và có sự tiến cử từ các đoàn thể, cộng đồng, quý vị nhân sỹ cùng quan điểm. Đồng thời, các quan điểm, nghị trình, phương thức đối thoại đều phải được thảo luận trước và có sự đồng thuận theo nguyên tắc dân chủ.

4.     Quan điểm của Đảng Vì Dân Việt Nam là tiến trình chuẩn bị có thể được trao đổi kín đáo song việc đối thoại chính thức cần phải được thực hiện công khai ở cả trong và ngoài nước, trong tinh thần tương kính và xây dựng; đồng thời có sự chứng kiến của một số nhân sỹ và cơ quan truyền thông (được các bên đề cử).

5.     VPLL Đảng Vì Dân Việt Nam có nhận được sự thông báo, tham khảo và lời mời từ một nhân vật liên hệ đến việc gặp gỡ ngày 15/10/2012 tại thành phố Houston (Texas), song đã không nhận lời tham dự vì nhận thấy sự chuẩn bị không hội đủ yếu tố 'Cần và Đủ' như là một cuộc đối thoại đúng nghĩa, có hướng tạo lợi ích chung.

6.     Đảng Vì Dân Việt Nam kêu gọi NNVN chứng tỏ tinh thần hòa giải dân tộc và thiện chí tìm kiếm giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước bằng cách đối thoại tiên khởi với những người bất đồng chính kiến ở trong trước. Đối với các đoàn thể đối lập ở ngoài nước NNVN hãy chính thức liên lạc, tạo điều kiện cảm thông để chuẩn bị cho một tiến trình đối thoại nghiêm chỉnh trong tương lai.

7.     Đảng Vì Dân Việt Nam luôn sẵn sàng chấp nhận là một thành phần trong số các đoàn thể sẽ tham dự đối thoại với NNVN để góp phần tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp cho hoàn cảnh đất nước -- một khi mục tiêu sau cùng và các điều kiện 'Cần và Đủ' (như đã nêu trên) được thỏa đáng.

Văn phòng Liên lạc Đảng Vì Dân Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận mọi sự trao đổi về vấn đề đối thoại và trả lời mọi thắc mắc khác trên các phương tiện truyền thông báo chí trong tinh thần xây dựng.

Trân trọng kính trình bày.

Houston ngày 01 tháng 12 năm 2012

TM. VPLL Đảng Vì Dân Việt Nam

Nguyễn Công Bằng

TTK/ĐVDVN

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link