Thursday, December 20, 2012

Trung Quốc : Nhà báo tố cáo tham nhũng bị truy lùng


Trung Quốc : Nhà báo tố cáo tham nhũng bị truy lùng


Thụy My

 

      

Ảnh nhà báo Zhou Xiaoyun trên mạng xã hội Trung Quốc Vi Bác (Sina Weibo)

          

Trong bài viết mang tựa đề « Trung Quốc : Nhà báo bị săn lùng », thông tín viên của nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh cho biết, nhà báo tự do Zhou Xiaoyun đang bị công an truy lùng suốt sáu tuần qua vì đã tố cáo các viên chức tham nhũng.

Bài báo nhận xét, các nhà báo làm phóng sự luôn gặp nhiều nguy hiểm khi điều tra về các vụ tham nhũng. Hôm 9/8, bài viết của nhà báo Zhou Xiaoyun đăng trên tờ Nam Phương tiết lộ việc 61 cán bộ của huyện Phụ Trữ (Funing) tỉnh Giang Tô được xem là « vô kỷ luật » vì đã bỏ túi nhiều bổng lộc, lại được nghiễm nhiên quay lại với chức vụ cũ. Phẫn nộ trước sự lạm dụng quyền lực này, hàng ngàn cư dân mạng đã hoan nghênh lòng can đảm của nhà báo. Nhưng ngược lại, các lãnh đạo huyện vẫn khẳng định các cán bộ tham nhũng trên đã hành động hợp pháp.

Sáu công an viên được gởi đến Quảng Đông cách đó 1.500 km, nơi nhà báo tự do này cư ngụ. Không tìm ra Zhou Xiaoyun, công an đã hăm dọa thông qua các đồng nghiệp của ông. Tác giả bài báo đang ở một nơi trú ẩn an toàn, qua thư điện tử đã cho biết thậm chí một thiếu nữ có lẽ được công an thuê, còn tìm cách gài bẫy ông. Một người bạn ông nghi ngờ công an muốn bắt cóc nhà báo đem về Phụ Trữ để nhốt vào trại cải tạo. Trước khi bị truy lùng, Zhou đã trả lời phỏng vấn trên Kdnet, một trang mạng ở Quảng Đông. Trong đoạn video này, ông đã cẩn thận dùng khẩu trang y tế che mặt, đeo kính để không thể nhận diện.

Trong khi đó, chính quyền trung ương vẫn làm ngơ. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã dành cho công an địa phương và trung ương đặc quyền đứng ngoài pháp luật. Gây áp lực lên gia đình, hăm dọa, bắt giữ vô cớ, nghe lén điện thoại, bắt đi cải tạo… công an tha hồ chọn lựa biện pháp để làm im tiếng các nhà ly khai hay những người mà họ cho là gây phiền hà.

Trong một hệ thống mà ai cũng phải tham nhũng…

Bắc Kinh nhìn nhận những thiệt hại do tệ nạn tham nhũng gây ra, thậm chí báo chí chính thức cũng khẳng định đấu tranh chống tham nhũng là « vấn đề sống còn ». Mỗi năm có trên 150.000 cán bộ bị điều tra về tham nhũng. Nhưng theo giáo sư He Jiahong, thì trên thực tế « Tham nhũng là một phần của hệ thống, trong lãnh vực Nhà nước cũng như tư nhân. Hội đồng Nhà nước đã thông qua một đạo luật năm 1995 đòi tất cả các viên chức đến cấp nào đó phải kê khai tài sản. Nhưng các bản kê này lại không được công khai…Chính quyền thường sử dụng để thanh toán ai đó vì lý do chính trị ».

Theo Libération, do việc thanh trừng ý thức hệ không còn hợp thời, nên những người nắm quyền thường sử dụng đến tội danh tham nhũng. Đây là một phương tiện trấn áp hữu hiệu của Đảng, vì đa số cán bộ đều có khuyết điểm. Ông Bào Đồng, một cựu cán bộ cao cấp mới đây đã nhìn nhận : « Trong một hệ thống như thế, người ta đành phải tham nhũng thôi. Tôi cũng vậy, vì tôi không thể làm khác ».

Những kẻ tham nhũng bị tố cáo bị điều tra nội bộ hoàn toàn bí mật theo thủ tục do Ủy ban Kỷ luật của Đảng ấn định. Họ bị thẩm vấn một cách thô bạo, đôi khi kéo dài nhiều tháng. Vị giáo sư trên tiết lộ: « Trong thập niên 90, các cuộc thẩm vấn diễn ra trong những phòng khách sạn, nhưng nay Ủy ban đã cho xây dựng những địa điểm đặc biệt ». Thường nằm ở ngoại ô và bề ngoài có vẻ bình thường, những gian phòng thẩm vấn được đặt tại tầng trệt để tránh việc bị cáo nhảy qua cửa sổ. Cũng có thể tại một trong những nhà ngục như thế mà ông Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, đang chờ đợi bản án trừng phạt.

Bài báo kết luận, nạn dịch tham nhũng cộng với sự tương đối dung thứ cho loại tội phạm này, bí mật chọn lựa ra người nào phải truy tố, người nào để yên…khiến một số chuyên gia nghi ngờ trò chơi hai mặt của chính quyền. Nhà báo đang lẩn trốn Zhou Xiaoyun nhấn mạnh : « Phương cách hữu hiệu nhất để chống tham nhũng chỉ đơn giản là minh bạch và tự do báo chí ».

Sản xuất côn trùng làm thực phẩm cho người Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Le Monde có bài « Các nhà máy sản xuất côn trùng nuôi người Trung Quốc » nói về một ngành công nghiệp mới nảy sinh, đó là ngành nuôi côn trùng để cung cấp nguồn thực phẩm giá rẻ và giàu protein cho người Trung Quốc.

Đặc phái viên của tờ báo đã đến một xưởng sản xuất côn trùng tại một địa phương thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi chủ nhân đã đăng ký 7 bằng sáng chế và đầu tư 250.000 euro vào đây. Đủ loại côn trùng, ấu trùng được nuôi và chế biến thành thực phẩm cho người và gia súc. Đây là một loại thực phẩm thay thế cho thịt, cá đối với người, và cũng là thức ăn rẻ tiền dành cho gia súc, đặc biệt là trong ngành nuôi thủy sản.

Trong côn trùng có nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất khoáng…và hiệu suất cũng cao hơn nhiều so với gia súc, cần ít nước và diện tích mặt đất hơn. Hiện có khoảng 200 loài côn trùng có thể nuôi và chế biến thành thực phẩm. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào thuyết phục được người tiêu dùng vượt qua được lực cản tâm lý để đưa côn trùng lên đĩa thức ăn của mình.

Áp lực Bắc Kinh càng làm cánh hữu Nhật thêm cứng rắn

« Cánh hữu Nhật trở nên cứng rắn hơn trước cơn thịnh nộ của Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên Le Monde tại Tokyo. Tác giả nhận định, việc ông Shinzo Abe được bầu làm chủ tịch đảng Tự do Dân chủ (PLD) hôm thứ Tư 26/9, cho thấy, đảng đối lập lớn nhất nước Nhật đang hữu khuynh hơn. Điều này cũng có nghĩa, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy tại Nhật Bản.

Trong khi đảng Dân chủ cầm quyền có nguy cơ mất đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn sẽ diễn ra trước cuối năm nay, và tình hình căng thẳng trước Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, khuynh hướng cứng rắn hơn của PLD có thể tạo ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Đồng thời cũng khiến cho số cử tri đã mất niềm tin nơi đảng Dân chủ, nhưng không ủng hộ dân tộc chủ nghĩa, không thể quay sang coi PLD là chỗ dựa.

Theo Le Monde, thì trong một nước Nhật mà lòng tin vào giới chính trị từ lâu đã bị lung lay, và đang phải đối mặt với hậu quả của nạn động đẩt và sóng thần, thảm họa Fukushima, bất bình đẳng xã hội và kinh tế đình trệ, những sa lầy về chính trị càng làm viễn cảnh tương lai thêm u ám.

Tờ báo nói thêm, cả ba ứng cử viên cho chức chủ tịch đảng PLD đều có truyền thống hữu khuynh. Người vừa đắc cử, ông Shinzo Abe là cháu của ông Nobusuke Kishi, từng bị bắt vì là tội phạm chiến tranh năm 1945 và sau đó được người Mỹ thả ra. Ông Kishi chối bỏ trách nhiệm của quân Nhật trong vụ buộc phụ nữ phục vụ nhu cầu tình dục trong thời chiến, ủng hộ việc viếng thăm đền Yasukuni và sửa lại Hiến pháp Nhật.

Có nên cho người được phỏng vấn đọc lại trước khi đăng báo ?

Liên quan đến nghề báo, với bài « Phỏng vấn: Báo chí đối mặt với việc đòi đọc lại bài », nhật báo Libération đề cập đến việc tờ New York Times quyết định không để cho người được phỏng vấn đọc lại bài viết trước khi đăng. Tờ báo Mỹ nói rõ : « Các phóng viên phải từ chối phỏng vấn nếu bị đặt điều kiện tiên quyết là phải đưa cho người được phỏng vấn xem lại, thông qua hay sửa đổi ».

Theo Libération, thì hiện nay việc này rất phổ biến tại Pháp. Không chỉ các ông chủ công ty, chính khách, viên chức, chuyên gia…mà nay hầu như tất cả những người được phỏng vấn đều đòi được đọc lại trước khi đăng báo. Tại tờ Le Monde, quy định về đạo đức nghề nghiệp buộc không cho phép người được phỏng vấn « duyệt » lại trước, còn dự thảo quy định của Le Parisien đề nghị phải « ghi rõ là bài phỏng vấn đã được đương sự đọc lại ». Đây cũng là điều là Le Monde đã làm cách đây vài năm, nhưng nay đã chấm dứt vì sẽ khiến cho độc giả không tin vào bài báo.

Các phóng viên đứng trước một sự chọn lựa khó khăn : Không cho đọc lại thì sẽ bị từ chối trả lời phỏng vấn, và người này có thể trả lời một tờ báo khác chấp nhận cho duyệt lại. Thế nên chỉ có thể có tác dụng nếu tất cả các báo đều có cùng quan điểm. Ngay cả tờ New York Times cũng cho biết có thể có những trường hợp đặc biệt.

Một đài phát thanh tiếng Nga phải im tiếng

«Lời cầu nguyện cho Radio Svoboda»: Kể từ ngày 10/11 tới, đài phát thanh tiếng Nga đặt tại Matxcơva trực thuộc Radio Free Europe (tức Đài Châu Âu Tự Do RFE-RL) sẽ ngưng phát sóng. Thực ra hồi kết này đã được biết trước từ khi có một tu chính án mới vào năm 2011, quy định một đài phát thanh không thể có hơn 48% vốn nước ngoài, trong khi đó Radio Svoboda có 100% vốn của Mỹ.

Le Monde cho rằng không chỉ là một đài phát thanh, mà cả một tượng đài lịch sử sẽ phải biến mất. Radio Svoboda ( Svoboda tiếng Anh có nghĩa là « Tự Do » phát sóng lần đầu vào ngày 01/03/1953, ngày mà Stalin bị tai biến mạch máu não và qua đời bốn hôm sau đó. Trong khi xung quanh toàn ngôn ngữ tuyên truyền, tiếng nói của Radio Svoboda khiến hàng triệu người Xô viết thích thú theo dõi cho dù Nhà nước có phá sóng.

Với chính sách đổi mới trong thập niên 80, ông Boris Eltsine cho ngưng phá sóng đài này. Nhưng khi Vladimir Putin lên nắm quyền, Radio Svoboda thường xuyên tố cáo những hành động tàn bạo tại Tchetchenia, với các phóng sự hàng đêm của thông tín viên Andrei Babitski. Nhà báo này mất tích vào ngày 16/01/2000, sau khi được thả ra, anh cho biết đã bị tình báo Nga bắt cóc và giam giữ chứ không phải là nạn nhân của các « băng đảng Tchetchenia » như chính quyền tuyên bố. Mười một năm sau đó, Radio Svoboda lại « tái phạm » khi tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình chống Putin ngay từ khi phong trào mới nhen nhúm vào cuối năm ngoái, nên cũng dễ hiểu khi Kremlin muốn đài này phải im lặng.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link