Cuộc Chiến Giành Giật Châu Á Giữa Mỹ Và Trung Quốc
Ngọc Trí
Sẽ
là rất lịch sự nếu dùng những từ đại loại “đối tác” hay “đối thủ” mà không phải
là kẻ thù để chỉ mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc. Và nếu xem Trung
Quốc là kẻ thù, Mỹ đang đối mặt với một kẻ thù hắc ám và kỳ lạ chưa từng có
trong lịch sử cổ kim, một kẻ thù không hoàn toàn nằm ở chiến tuyến đối lập thật
sự như với Liên Xô trước đây mà lại “bị” gắn kết bởi những lợi ích song phương
gần như không thể tách rời. Điều đó cũng đúng với phía Trung Quốc.
Làm thế nào để “diệt” nhau trong bối
cảnh quan hệ phức tạp như vậy?
Kỳ
1: Lịch sử một chuyện tình
Từ kẻ thù không đội trời chung
Lịch sử đã cho thấy một khi lợi ích
chính trị bị đe dọa thật sự, người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và
sẵn sàng dùng nắm đấm phân biệt hơn thua. Trước Thế chiến thứ nhất, Anh và Đức
là hai đối tác thương mại chính của nhau. Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến giới
chính trị chóp bu London xem sức mạnh đang lên của Đức là mối đe dọa cho vị trí
đế quốc thực dân của họ cũng như sự ổn định chính trị châu Âu nói riêng về lâu
dài.
Và dù quan hệ mậu dịch gắn kết với
Anh vẫn tăng đều, Đức vẫn đi đến kết luận rằng Anh đang tìm cách khống chế, cố
tình ngăn cản và “trù dập” sự lớn mạnh của họ. Thế là bất chấp quyền lợi kinh
tế song phương, quan hệ chính trị hai nước xấu dần rồi cuối cùng dẫn đến chiến
tranh. Trường hợp Anh - Đức đã cho thấy sự lệ thuộc kinh tế song phương chưa
chắc là yếu tố giúp củng cố tình bạn thêm bền vững mà thậm chí chính nó lại là
nguyên nhân chủ yếu cho những bất ổn, mâu thuẫn và xung đột.
Nixon
trong chuyến công du lịch sử đến Trung Quốc
Điều này đang xảy ra trong mối quan
hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Trung Quốc không chỉ ngoi lên như một cường quốc
kinh tế mà còn là một sức mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ - đúng như dự báo
của Tổng thống Theodore Roosevelt (nhiệm kỳ 1901-1909) cách đây hơn 100 năm,
khi cho rằng: “Lịch sử tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi vị trí của
chúng ta ở Thái Bình Dương đối mặt với Trung Quốc hơn là vị trí của chúng ta ở
Đại Tây Dương trực diện với châu Âu”.
Cho nên, điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ
Henry Kissinger, vốn là người thân Trung Quốc, một “tình nhân vĩ đại” trong
lịch sử quan hệ Washington - Bắc Kinh, kết luận trong quyển On China (phát hành
2011) của mình - về việc nên tạo một “cộng đồng Thái Bình Dương” trong đó Mỹ,
Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực đều cùng sống chung và phát triển
trong hòa bình - chỉ là một ảo tưởng phi thực tế chính trị, ngây ngô đến mức
ngớ ngẩn! Trong chính trị thế giới, làm gì có chuyện “ăn cùng mâm, ngủ cùng
giường” với những đối thủ đang lăm le đe dọa sức mạnh lẫn quyền lợi mình!
Trung Quốc và Mỹ vốn chẳng bao giờ
thật tâm với nhau. Chính kiến là một chuyện (tư bản và cộng sản). Tranh giành
ảnh hưởng mới là vấn đề chính. Thời Chiến tranh lạnh, hai nước xem nhau như mặt
trăng với mặt trời. Năm 1954, tại Hội nghị hòa đàm Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John
Foster Dulles đã thẳng thừng từ chối bắt tay người đồng cấp Chu Ân Lai và thậm
chí ra lệnh tất cả thành viên Mỹ phó hội Geneva phải “phớt lờ mọi lúc về sự có
mặt và tồn tại của phái đoàn Trung Quốc”. Cùng với chính sách cô lập Trung Quốc
về mặt ngoại giao, Mỹ cũng thiết lập một mạng lưới đồng minh và căn cứ quân sự
ở Đông Nam Á.
Đến giữa thập niên 50 của thế kỷ
trước, Washington đã ký thỏa ước Hợp tác quốc phòng với Úc và New Zealand
(1951), Philippines (1951), Nam Hàn (1953); thắt chặt quan hệ với Đài Loan
(1954) và cả cựu thù Nhật (1951). Mỹ còn thành lập nhiều tổ chức quân sự trong
đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây Âu, Tổ chức Hiệp ước
Đông Nam Á (SEATO; Philippines, Thái Lan, Pakistan…), Tổ chức Hiệp ước trung
tâm (CENTO; Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Pakistan…). Đến trước Thế chiến thứ hai,
Philippines đã trở thành căn cứ vững mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương, nối với chuỗi
đảo thuộc quản lý Mỹ (Guam, Wake, Midway)… Từ năm 1950, Washington cũng áp đặt
lệnh cấm vận toàn diện đối với Trung Quốc…
Đến một chuyện tình “cưỡng hôn”!
Có lẽ Trung Quốc chẳng bao giờ có cơ
hội “ngóc đầu” lên được nếu không xảy ra hai yếu tố thời cuộc, khiến chính sách
Washington đối với Bắc Kinh thay đổi 180o. Thứ nhất, đó là sự đe dọa của Liên
Xô, và thứ hai là cuộc chiến Việt Nam. Trong bối cảnh bế tắc của cuộc chiến
Việt Nam và đồng thời cần một đối trọng để cân bằng quyền lực với Liên Xô, Mỹ
bắt đầu chơi trò “mèo mả, gà đồng” với Trung Quốc. Đến đầu thập niên 70, “bè
lũ” Kissinger đã áp dụng một chính sách tiếp cận Trung Quốc hoàn toàn khác. Mục
tiêu của Mỹ không còn làm suy yếu mà ngược lại phải làm cho Trung Quốc mạnh! Cụ
thể nhất là việc hỗ trợ cho lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc
(PLA) bằng nhiều loại vũ khí hiện đại, đủ sức để Trung Quốc đương đầu nếu nước
này xảy ra chiến tranh với Liên Xô.
Henry
Kissinger - một “người bạn tốt” lâu năm của Trung Quốc
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống
Richard Nixon và cố vấn An ninh quốc gia Kissinger muốn tăng tốc kế hoạch viện
trợ quân sự cho Trung Quốc, Quốc hội Mỹ vẫn tỏ ý lo ngại và tìm cách ngăn chặn,
với niềm tin rằng Bắc Kinh là một đối tác bất khả tín. Tuy nhiên, Nixon, rồi
người kế nhiệm Gerald Ford, vẫn thuyết phục được Quốc hội, dù mức độ viện trợ
không được như phác thảo ban đầu. Trong số thiết bị - phương tiện viện trợ cho
Trung Quốc lúc đó, có hệ thống bắt tín hiệu truyền hình vệ tinh, 10 chiếc
Boeing 707 và hai máy tính tốc độ cao. Đến năm 1975, Kissinger (lúc này là
ngoại trưởng) còn kêu gọi xóa một số hạn chế xuất khẩu được áp dụng thời Chiến
tranh lạnh, trong đó có việc bán động cơ phản lực Rolls-Royce (Anh sản xuất)
cho Trung Quốc. Song song, Mỹ và Trung Quốc cũng thiết lập các chương trình tập
trận, huấn luyện quân sự và thậm chí soạn thảo kịch bản tác chiến…
Dù vậy, Mỹ rất cân nhắc chính sách
viện trợ quân sự cho Trung Quốc, phần vì bản chất của “cuộc tình” Washington -
Bắc Kinh thực chất chỉ là mối tình tạm bợ, một cuộc tình vì “cưỡng hôn” mà có,
vì thời cuộc xoay vần mà ra. Phần nữa, Mỹ không dám ào ạt viện trợ quân sự cho
Trung Quốc bởi lo ngại Liên Xô có khả năng phản ứng mạnh và chơi đòn phủ đầu
bằng cách bất ngờ tấn công Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ một cuộc đại chiến thế
giới lần ba. Trong thực tế, đã có vài tín hiệu cho thấy Liên Xô sẵn sàng dập
Trung Quốc, không phải đánh bằng một chiến dịch quân sự thông thường mà là đập
cho nát ngướu! Hè 1969, khi xung đột biên giới Trung Quốc và Liên Xô căng
thẳng, tại một bữa ăn trưa ở nhà hàng “Beef and Bird” ở trung tâm Washington,
một viên chức ngoại giao cấp trung Liên Xô đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng
Moscow đã lên kế hoạch “cực kỳ nghiêm túc” việc tấn công phủ đầu vào các cơ sở
hạt nhân Trung Quốc.
Vài tuần sau tại Teheran, một tùy
viên không quân Liên Xô cũng nói với một sĩ quan Mỹ rằng, Liên Xô “sẽ không
ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Trung Quốc” nếu Trung Quốc tiếp tục
quấy rối biên giới Liên Xô. Năm 1973, một lần nữa, Liên Xô lại đề cập khả năng tấn
công các cơ sở hạt nhân Trung Quốc. Phản ứng, Kissinger - trong chuyến kinh lý
Bắc Kinh cuối năm 1973 - nói với Chu Ân Lai rằng, trong trường hợp Moscow tuyên
chiến với “người anh em” Trung Quốc, Mỹ “có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp
thiết bị và các dịch vụ khác” (nhưng không nêu cụ thể là những gì), đồng thời
giúp Trung Quốc giảm thiểu khả năng thiệt hại bằng cách cung cấp thông tin tình
báo cảnh báo sớm. Điều này chỉ có thể thực hiện một khi thiết lập đường dây
nóng “giữa các vệ tinh của chúng ta để chúng tôi có thể thông báo cho các bạn
chỉ trong vài phút”…
Mỹ
và Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ chính thức ngày 1/1/1979 sau nhiều cuộc
gặp gỡ ngoại giao suốt thập niên 70 (trong ảnh là Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình
trong chuyến công du Mỹ gặp Tổng thống Jimmy Carter ngày 31/1/1979)
Giữa thập niên 70, Mỹ bắt đầu giảm
bớt liều lượng nhiệt tình trong quan hệ với Trung Quốc. Cuộc chiến Việt Nam đã
ngả ngũ và mối đe dọa hạt nhân Liên Xô cũng không còn. Hơn nữa, quan điểm nổi
trội trong chính trường Mỹ vẫn là sự áp đảo của phe chính trị truyền thống với
chính sách không thân thiện với một nước cộng sản như Trung Quốc. Phần mình,
Bắc Kinh cũng chẳng thấy vui gì khi Washington thắt chặt bang giao với mình,
một mặt, vẫn đi lại và bênh vực Đài Loan. Trong thực tế, cả hai đều nhìn thấy
rõ bản chất của mối quan hệ: Trung Quốc cần dựa hơi Mỹ để chống Liên Xô, trong
khi Washington cần vuốt ve Trung Quốc để lấy nó làm đối trọng trong những cuộc
mặc cả chính trị với Moscow. Tuy nhiên, tháng 12/1979, khi quân đội Liên Xô tấn
công Afghanistan, quan hệ chiến lược Washington - Bắc Kinh lại được đẩy lên một
“tầm cao” mới.
Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng
1/1980, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown đề xuất loạt trao đổi giữa các
viên chức quốc phòng cấp cao hai nước, ở một mức độ “chưa từng có trước nay”.
Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ chuẩn y các giấy phép xuất khẩu cho
những mặt hàng liên quan kỹ thuật kép (dùng cho dân sự lẫn quân sự) và lần đầu
tiên cũng chuẩn y phi vụ bán các hệ thống quân sự không giết người, như radar,
vận tải cơ, trực thăng và phần cứng viễn thông. Tuy nhiên, Carter vẫn còn đủ
tỉnh táo và thận trọng không đồng ý bán vũ khí tấn công, bất chấp sự bày tỏ
quan tâm từ Bắc Kinh...
Chính sách thân thiện của Washington
đối với Bắc Kinh, dù ẩn sâu bên trong vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ và dè chừng, đã
khiến dư luận Mỹ thời điểm đó bớt nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt tiêu cực. Trong
suốt thập niên 70, chỉ khoảng 1/3 người được hỏi trong các cuộc thăm dò tại Mỹ
là bày tỏ cái nhìn tích cực dành cho Trung Quốc trong khi 2/3 hoặc hơn nói
chung tỏ ra nghi ngại Trung Quốc. Đến thập niên 1980, những kết quả thăm dò bắt
đầu cho thấy ngược lại. Trong cuộc thăm dò tháng 2-1989, tỉ lệ người Mỹ “khoái”
Trung Quốc đã lên đến 73%!
Các cây bút nghiên cứu chính trị và
giới chóp bu quân sự Trung Quốc đang lên án Mỹ việc sử dụng nhiều “âm mưu và
thủ đoạn tinh vi” để thực hiện chính sách cản trở con đường phát triển của
Trung Quốc, dù đó là sự “phát triển trong hòa bình”. Tuy nhiên, lịch sử đã cho
thấy chính Mỹ từng “hà hơi tiếp sức” cho sự lớn mạnh của quân đội nước này nói
riêng và Trung Quốc nói chung. Thiếu những nền tảng ngoại lực ban đầu như vậy,
Trung Quốc khó có thể đạt được những kết quả như hiện nay…
Kỳ
2: "Dưỡng hổ di họa"
“Thân Trung, bài Nga”
Lịch sử chính trị thế giới cho thấy
có khi, chỉ bởi vài quan điểm cá nhân, thế cục đã có thể thay đổi. Trong trường
hợp Trung Quốc và Mỹ, đó là những bộ não như Henry Kissinger và sau đó là “học
trò” của ông - Ngoại trưởng Alexander Haig. Trong nội các Ronald Reagan (kế
nhiệm Jimmy Carter), Haig được xem là nhân vật luôn ủng hộ mạnh mẽ chính sách
thân Bắc Kinh. Haig muốn đặt dấu ấn riêng trên trang sử quan hệ Mỹ - Trung bằng
việc thực hiện những bước đột phá để nâng quan hệ hai nước lên một cấp độ chiến
lược mới, mà trọng tâm của nó là tăng tốc việc bán vũ khí giết người cho Trung
Quốc cả về chất lẫn lượng. Haig tin rằng, chỉ khi như vậy, Mỹ mới có thể cân
bằng được sức mạnh quân sự Liên Xô.
Quan điểm của Haig cũng được chia sẻ
bởi một số người trong bộ máy quân đội Mỹ. Bản nghiên cứu về mối quan hệ an
ninh chiến lược với Trung Quốc năm 1981 của Bộ tổng Tham mưu quân đội Hoa Kỳ
kết luận rằng, Trung Quốc “đang đóng góp đáng kể” cho “sự cân bằng toàn cầu”.
Tuy nhiên, một lần nữa, Quốc hội và một số tướng lĩnh Lầu Năm Góc vẫn dè dặt
việc mở rộng cửa và cung cấp cho Trung Quốc những kỹ thuật quân sự tiên tiến.
Với Haig, đó là những ý kiến “thiển cận”, xuất phát từ hạng người có “tư duy
bàn giấy” và “đầu óc hẹp hòi”…
Chủ tịch Giang
Trạch Dân (và Tổng thống Bill Clinton) trong chuyến công du Mỹ cuối năm 1997
(chuyến viếng thăm đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc kể từ sự kiện Thiên An
Môn)
Sự vận động liên tục của Haig cuối
cùng cũng có kết quả, dù khiêm tốn. Năm 1983, Bộ trưởng Quốc phòng Caspar
Weinberger tuyên bố, trong số những bước đi mới được thiết kế nhằm tăng cường
quan hệ quân sự song phương Mỹ - Trung, Washington sẽ sẵn lòng bán những hệ
thống “vũ khí phòng ngự” cho Bắc Kinh. Và trong nửa sau thập niên 80 của thế kỷ
trước, Washington cũng đồng ý bán cho Trung Quốc ngư lôi, radar chiến thuật,
thiết bị máy móc để sản xuất vỏ đại bác và hệ thống điện tử cho thiết bị đánh
chặn của chiến đấu cơ. Giới chức Mỹ thậm chí còn bày tỏ việc sẵn lòng thảo luận
việc bán hệ thống tên lửa chống tăng, hệ thống dò âm chống tàu ngầm, động cơ
turbine khí cho tàu chiến và hệ thống tên lửa không đối không.
Tóm lại, Washington đã chuẩn bị bán
một số mặt hàng quân sự với số lượng lớn cho Trung Quốc. Sau chuyến công du
Trung Quốc của Weinberger năm 1983, một loạt trao đổi qua lại giữa giới chức
dân sự lẫn quân sự ở mọi cấp bậc của hai nước liên tục diễn ra. Không chỉ dự
tính tổ chức các cuộc phối hợp tập trận hải quân giữa hai quân đội, Mỹ còn háo
hức đề xuất ý kiến triển khai máy bay chiến thuật đến những căn cứ gần
Vladovostok; phát triển “những hệ thống phòng không và cảnh báo sớm”, xin được
phép tiếp liệu cho vận tải cơ Mỹ mang hàng hóa cung cấp cho lực lượng “kháng
chiến quân” Afghanistan trong cuộc chiến chống Liên Xô…
Tuy nhiên, thời cuộc lại thay đổi và
ảnh hưởng của nó là sự tái nhận thức về các mối quan hệ. Giữa thập niên 80,
Liên Xô đang lún sâu vào hỗn loạn nội bộ, trong làn sóng cải tổ của Mikhail
Gorbachev. Nhận định rằng, Moskva không còn là kẻ thù và là mối đe dọa an ninh
lớn đối với mình, Bắc Kinh bắt đầu muốn cải thiện quan hệ với Moskva để tận
dụng quan hệ quân sự lẫn kinh tế. Dù sao, hai nước cũng từng có những mối liên
hệ chặt chẽ thời thập niên 50 của thế kỷ trước. Việc tái nhận thức trong chiến
lược quan hệ với Liên Xô khiến Bắc Kinh “tế nhị” đẩy quan hệ với Mỹ xuống một…
tầm thấp hơn. Thế là thay vì hăm hở sắm “đồ chơi” Mỹ, Trung Quốc đã bỏ qua (cơ
hội ngàn vàng này) và chỉ mua vài thứ tượng trưng. Những kế hoạch hợp tác quân
sự song phương như nói ở trên cũng bị bỏ xó…
con bài cũ
Năm 1989 đã xảy ra hai sự kiện kinh
thiên động địa khiến Mỹ bắt đầu giảm dần, dù rất chậm mối quan hệ với Trung
Quốc. Thứ nhất đó là sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6 và tiếp đó là sự kiện bức
tường Berlin sụp đổ vào tháng 11. Cả hai sự kiện đều mang lại những ảnh hưởng
sâu sắc đối với chính sách đối ngoại của Mỹ lẫn Trung Quốc. Với Mỹ, sự tan rã
của các nước Đông Âu khiến điểm tựa Liên Xô không còn đã dẫn Washington đến
những phác thảo mới cho chủ trương đối ngoại. Có một điều đến nay không thể
giải thích là tại sao dù chiến lược cân bằng với Liên Xô không còn cần thiết
nhưng Washington, bất chấp sự kiện Thiên An Môn, vẫn duy trì quan hệ khá gần
gũi với Trung Quốc.
Dù chỉ trích
Bill Clinton về chính sách đối với Trung Quốc nhưng George W. Bush cũng áp dụng
con đường chẳng khác mấy so với chính phủ tiền nhiệm (trong ảnh là vợ chồng
Tổng thống George W. Bush và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Thế vận hội Bắc
Kinh 2008)
Vài tháng sau, Thứ trưởng Ngoại giao
Mỹ Lawrence Eagleburger đệ trình Quốc hội một danh sách những phạm vi “sống
còn” mà Mỹ cần tiếp tục thực hiện trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Eagleburger
giải trình rằng, dù Liên Xô sụp đổ, nhưng những “giá trị chiến lược” với Bắc
Kinh vẫn không thể vì thế mà từ bỏ. Do đó, Bắc Kinh và Washington cần tiếp tục
chia sẻ nhiều mối quan tâm mới, qua những chương trình hợp tác mới, trong bối cảnh
chính trị mới. Theo quan điểm Eagleburger cũng như một số giới chức hoạch định
chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, Washington bây giờ cần hỗ trợ để đưa Trung Quốc
tiếp cận và gắn kết sâu hơn vào các hệ thống định chế quốc tế. Một cách tinh
vi, đó là cách thuần hóa một con cọp đang mọc nanh.
Chính sách này xuất hiện ngay từ
những ngày đầu của nhiệm kỳ Bill Clinton. Năm 1994, Chính phủ Mỹ tuyên bố
Washington sẽ theo đuổi chính sách “hợp tác toàn diện” với Trung Quốc - như
Tổng thống Bill Clinton đã trình bày: “Chúng tôi sẽ có nhiều mối liên hệ hơn.
Chúng tôi sẽ giao thương nhiều hơn. Chúng tôi sẽ hợp tác quốc tế nhiều hơn”.
Nói cách khác, Mỹ đã phát quang dọn đường đưa Trung Quốc lên vũ đài quốc tế,
với hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với những nghị sự thế
giới và những vấn đề toàn cầu (chẳng hạn ô nhiễm môi trường), cũng như sẽ hành
xử biết điều, biết luật hơn, với những xung đột khu vực… Mỹ đã tạo ra một ảo
tưởng cho Trung Quốc rằng, họ bây giờ là một cường quốc.
Đặt Trung Quốc lên chiếc ghế định
chế quốc tế không chỉ buộc Trung Quốc phải “ăn ở” cho ra “tư cách người lớn” mà
cũng là một cách để có thể giám sát và thậm chí khống chế Trung Quốc. Đó là lý
do tại sao Mỹ dành cả nửa sau của thập niên 90 để vận động đưa Trung Quốc vào
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm
2000, George W. Bush chỉ trích nội các tiền nhiệm đã “dung túng” và “nuông
chiều” Trung Quốc thái quá. Với Bush, Trung Quốc không thể là “đối tác chiến
lược” mà phải là “đối thủ chiến lược”. Dù vậy, thế cờ đã được bày, trong một
thời gian dài như thế, làm sao có thể gỡ một sớm một chiều. Cuối cùng, dưới áp
lực của giới doanh nghiệp và tài phiệt Mỹ, Bush cũng buộc phải áp dụng chính
sách đối với Trung Quốc chẳng khác thời Bill Clinton bao nhiêu…
Ngoại trưởng
Alexander Haig và người đồng cấp Hoàng Hoa tại Sân bay Bắc Kinh (tháng 6/1981)
Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự,
những gì được thiết lập trước năm 1989 đã không bao giờ được tái lập. Mỹ bắt
đầu nhận ra rằng, Trung Quốc đang từng bước trở thành một mối họa đối với an
ninh và quyền lợi Mỹ. Sự nhận thức này diễn ra rất chậm. Trước năm 1996, giới
chức quân sự Mỹ vẫn còn chưa quan tâm sự phát triển quân sự Trung Quốc. Họ chỉ nghĩ
Trung Quốc đang mải mê lo làm giàu, thế thôi. Trong khi đó, một sự nhận chân
toàn bộ về thực trạng quân sự non kém của mình lại đang sôi sùng sục tại Trung
Quốc, từ khi họ chứng kiến sức mạnh kinh khủng của Mỹ phô diễn ở cuộc chiến
vùng vịnh 1991. Trung Quốc bắt đầu âm thầm tăng tốc đầu tư quân sự, trước sự
thờ ơ của Mỹ.
Tất cả chỉ thay đổi vào năm 1996,
khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên. Trung Quốc đã gây
sức ép Đài Bắc bằng cách triển khai dàn tên lửa chĩa thẳng về Đài Loan. Lần đầu
tiên trong hơn 30 năm, Mỹ mới nhận ra một hiểm họa chiến tranh thật sự tại châu
Á đến từ Trung Quốc. Lập tức sau đó, tình báo Mỹ bắt đầu theo dõi hoạt động
quân sự Trung Quốc. Kết quả thật đáng lo ngại, nếu không nói là đầy tính cảnh
báo. Hóa ra quân đội Trung Quốc đã mạnh hơn Mỹ nghĩ rất nhiều. Trước sự kiện
1996, CIA gần như chẳng đếm xỉa đến Trung Quốc.
Trong báo cáo các mối đe dọa toàn
cầu vào tháng 2/1996, Giám đốc CIA John Deutch trình bày ngắn gọn: “Chúng ta
vẫn biết rất ít về giới lãnh đạo tương lai Trung Quốc cũng như kế hoạch của
họ”. Một năm sau, sau vụ khủng hoảng Đài Loan, người kế nhiệm Deutch, George
Tenet, bắt đầu “la thất thanh”: “Những hành động và tuyên bố của Trung Quốc cho
thấy họ quyết tâm thể hiện mình như một sức mạnh đỉnh cao ở Đông Á”. Đến năm
1998, Tenet tin chắc rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc “có một mục tiêu rõ ràng:
biến nước họ thành một sức mạnh chủ yếu ở Đông Á cũng như là cường quốc kinh tế
hàng đầu thế giới ngang hàng Mỹ vào giữa thế kỷ XXI”.
Sau những năm tháng tận tình nuôi
lớn con cọp dữ và bây giờ nó không những không bị thuần hóa mà còn bắt đầu tính
quay sang đớp chủ, Mỹ đã bắt đầu biết “hối” rồi chăng? Đã quá muộn!
Khi cùng nhận ra “dung nhan” thật
của người tình, với bản chất thật sự của nó, đằng sau lớp son phấn giả tạo bắt
đầu rơi rớt, cả hai đều có những “ứng xử” đối phó. Với Mỹ, đó là một chính sách
gồm ba bước. Với Trung Quốc là bắt đầu xây dựng chiến lược mới. Cách chọn lựa
những gì cần làm và cách dứt khoát như thế nào những gì cần loại bỏ trong các
đề mục của đối sách đối ngoại ở bối cảnh mới của mối quan hệ sẽ là những yếu tố
quyết định thành bại, nếu không muốn nói là mang tính sinh tử, đối với cả hai…
Bài
3: Điều chỉnh và tái cân bằng
Duy trì cân bằng
Với cái thế đang lên như rồng cuốn
của Trung Quốc, cùng sự gắn kết móc xích kinh tế giữa Mỹ và nước này,
Washington hiểu rằng sẽ là hạ sách nếu cố kiềm tỏa Bắc Kinh bằng chính sách cô
lập triệt để như từng dùng thời Chiến tranh lạnh với Liên Xô và Đông Âu. Cho
nên, phương án được chọn của Mỹ là tìm cách cân bằng. Cân bằng tốt sẽ là cách
hữu hiệu để gián tiếp khống chế.
Ấn Độ là một
chọn lựa trong thế trận khống chế Trung Quốc của Washington (ảnh: Tổng thống
Bush và Thủ tướng Manmohan Singh tại New Delhi, tháng 3/2006)
Thứ nhất, đó là
triển khai mạnh sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương. Đấu pháp này thật ra
không phải bắt đầu sau khi Barack Obama ngồi ghế tổng thống (năm 2009) mà đã
hình thành từ thời Bill Clinton, khi Clinton tiên liệu được sức mạnh mang tính
đe dọa quyền lợi Mỹ của Trung Quốc tại đấu trường châu Á, đã quyết định duy trì
một lực lượng ổn định với tối thiểu 100.000 quân tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Sang thời George W. Bush, trái với nhiều nhận định rằng, Bush đã bỏ lỏng châu Á
cho Trung Quốc khi dồn lực vào cuộc chiến chống khủng bố, chính nội các Bush
mới là nơi khai sinh khái niệm “tái phối trí”, khi Bộ trưởng Quốc phòng Donald
Rumsfeld triển khai mạnh chương trình tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ khắp
toàn cầu với sự tăng cường hiện diện khá rõ nét tại châu Á. Quân đội Mỹ được
phân bổ dàn rộng hơn (không tập trung ở những căn cứ truyền thống như Okinawa
và Hàn Quốc), với yếu tố tác chiến cơ động được đề cao - như lời Đô đốc William
J. Fallon giải thích: “Chúng tôi đưa lực lượng mình đến những nơi mà chúng tôi
nghĩ có thể sử dụng mà không cần phải xin phép bất kỳ ai”.
Đến trước khi Bush rời Nhà Trắng,
hải quân lẫn không quân Mỹ đều đã tăng cường những đơn vị tinh nhuệ có khả năng
chiến đấu cao nhất đến Thái Bình Dương. Năm 2007, lần đầu tiên kể từ sau Chiến
tranh lạnh, hơn 1/2 tàu chiến của Mỹ đã được điều động đến Thái Bình Dương,
trong đó có 6 (trong tổng số 11) hàng không mẫu hạm; gần như tất cả 18 chiếc
khu trục hạm lớp Aegis (có khả năng bắn chặn tên lửa); 26 (trong tổng số 57)
tàu ngầm tấn công... Cùng lúc, không quân cũng chuẩn bị triển khai các phi đội
chiến đấu cơ F-22, oanh tạc cơ B-2 và máy bay do thám không người lái Global
Hawk… Năm 2007, Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy
Keating, đã nói thẳng: “Chúng tôi phải duy trì khả năng vượt trội tại bất kỳ
hoàn cảnh nào và bất kỳ môi trường nào. Không có ngoại lệ”.
Thứ hai, đó là việc
tăng cường liên kết đồng minh. Một lần nữa, điều này cũng được dàn dựng vào
thời Clinton và tiếp tục duy trì thời Bush. Năm 1997 rồi lần nữa vào năm 2005,
giới chức Mỹ - Nhật đã thảo luận sâu về vấn đề hợp tác quốc phòng cũng như tìm
cách tháo gỡ rào cản pháp lý liên quan việc mở rộng quân đội Nhật (vốn bị hạn
chế bởi Hiến pháp Nhật được soạn sau Thế chiến thứ hai). Để tránh bị quy kết
can thiệp nội bộ Tokyo, nội các Bush đã ngầm ủng hộ nhóm chính trị gia Nhật kêu
gọi sửa đổi Hiến pháp. Ngoài Nhật, Washington cũng mở rộng liên kết hợp tác
quân sự với Australia và một số nước trong đó có Philippines, Singapore và Thái
Lan... Năm 1998, Singapore thậm chí đồng ý chi trả tổn phí xây một hải cảng đủ
lớn để chứa hàng không mẫu hạm Mỹ (khánh thành năm 2001). Năm 2003, Singapore
và Mỹ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng… Với Ấn Độ, bang giao Washington -
New Delhi từng có lúc căng thẳng sau khi Ấn thử nghiệm bom nguyên tử năm 1998.
Đến thời Bush, quan hệ Mỹ - Ấn được tái lập. Vài tháng sau vụ khủng bố Mỹ
11/9/2001, Washington đã bày tỏ “thiện chí” cụ thể (xóa cấm vận; mở rộng hợp
tác an ninh - tình báo - quốc phòng; tập trận chung; bán vũ khí…). Mỹ muốn Ấn
phải mạnh. Một láng giềng sát nách Trung Quốc, với nguồn lực kinh tế lẫn quân
sự đủ lớn, sẽ là một thách thức thật sự, nếu không muốn nói là một đe dọa “kỳ
đà cản mũi”, đối với kế hoạch bành trướng và thống trị châu Á của Bắc Kinh.
Thứ ba, đó là sự
hạn chế đà phát triển của quân đội Trung Quốc. Đây là bài toán thật sự hóc búa
đối với Mỹ. Làm thế nào để tăng cường xuất khẩu Mỹ (sang Trung Quốc) mà không
làm ảnh hưởng an ninh quốc gia? Mặt hàng nào nên được xếp vào nhóm “nhạy cảm”?
Cho đến nay, câu hỏi này, được đặt ra từ năm 1989, tới giờ vẫn chưa có câu trả
lời thỏa mãn hay một giải pháp thật sự khả dĩ mang lại cảm giác an toàn. Sau sự
kiện Thiên An Môn, Tổng thống George H. Bush (Bush - bố) đã áp đặt lệnh cấm vận
toàn diện đối với các thương vụ vũ khí sát thương dành cho Trung Quốc; đồng
thời thuyết phục các nước đồng minh áp dụng tương tự. Năm 1991 và một lần nữa
vào năm 1993, Bush-bố rồi Clinton đã chặn đứng việc xuất khẩu vệ tinh cho Trung
Quốc. Tuy nhiên, khi miếng bánh thị trường Trung Quốc đang bị mất dần vào tay
Nhật và châu Âu, giới doanh nghiệp Mỹ liên tục vận động hậu trường để được
Washington cho “xả cảng”. Vậy là, trong suốt thập niên 90, dù ngày càng có
nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại sự bành trướng quân đội Trung Quốc, Bộ Thương mại
Hoa Kỳ vẫn phải chuẩn y hàng trăm giấy phép bán những kỹ thuật kép cho Trung
Quốc trong đó có bán dẫn, máy móc chính xác cao và những thiết bị kiểm định đặc
biệt. Những mặt hàng này, như sau này được biết, đã chạy thẳng đến các nhà máy
và phòng thí nghiệm quân sự Trung Quốc, để từ đó tạo ra những radar quân sự,
tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân…
Tuy vậy, về tổng thể, Clinton lẫn
Bush-con đều cố kiểm soát tình hình bất kỳ khi nào có thể. Năm 2004, một cuộc
tranh luận về việc tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc một lần nữa lại
bùng lên tại châu Âu. Với chính giới châu Âu, lệnh cấm vận 15 năm dành cho
Trung Quốc đã làm thiệt hại đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng và không gian
của họ. Đã đến lúc phải gạt bỏ tư tưởng hoài nghi dành cho Bắc Kinh - châu Âu
đề nghị. Suýt chút nữa thì chiến dịch vận động xóa cấm vận vũ khí đối với Trung
Quốc của châu Âu đã thành công, nếu nội các Tổng thống Bush-con không quyết
liệt can thiệp vào giờ chót…
“Bất chiến tự nhiên thành”
Giáo sư Thời Ân Hoằng, Trưởng khoa
Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc nhận định rằng, Bắc Kinh
nên lợi dụng lợi điểm xu thế Trung Quốc đang lên để thiết lập một vị thế “siêu
hạng” hoặc “gần siêu hạng” về chính trị, quân sự, ngoại giao và ảnh hưởng kinh
tế, lên ngoại vi của Trung Quốc, đặc biệt Đông Á. Tương tự, Môn Hồng Hoa, chiến
lược gia thuộc Trường Đảng Trung ương, cũng nói rằng, sự thống trị khu vực của
Trung Quốc không chỉ là yếu tố quan trọng sống còn mà còn là mục tiêu tối
thượng cho tương lai. Hướng đi của Bắc Kinh - họ Môn phân tích - là phải đạt
được ảnh hưởng toàn cầu bằng cách trở thành sức mạnh thống trị tại khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương. Từ bàn đạp châu Á, sự thống trị của Trung Quốc mới có thể
dự phóng ra thế giới…
Đến cuối nhiệm
kỳ hai của Tổng thống George W. Bush, quân đội Mỹ đã hiện diện tại châu Á với
lực lượng lớn nhất từ sau Chiến tranh lạnh (ảnh: Hàng không mẫu hạm USS Ronald
Reagan tại Trân Châu Cảng, Hawaii)
Nói cách khác, mục tiêu lớn nhất của
Trung Quốc là phải trục Mỹ khỏi sân chơi Đông Nam Á, một cách gián tiếp, không
đối đầu trực diện; bằng những “thủ pháp” sau:
Thứ nhất, phải tìm
cách trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ bất kỳ phản ứng có thể nào của Mỹ, đối với
chiến thuật tăng cường hiện diện thông qua hợp tác mà Mỹ đang áp dụng;
Thứ hai, Trung Quốc
phải lập ra những thể chế chính trị khu vực được thiết kế sao cho Mỹ không thể
tham gia;
Thứ ba, ổn định
những vùng đệm an toàn tại khu vực;
Thứ tư, Trung Quốc
có thể tập trung hơn vào chiến lược thống trị Biển Đông trong khuôn khổ chủ
thuyết “đường lưỡi bò”. Tổng quát, điểm nổi bật trong bảng tổng phổ của khúc
giao hưởng đầy giai điệu ma quái là chiến lược “bất chiến tự nhiên thành”, tức
dùng những mảng miếng ngoại giao để “đánh” Mỹ, hơn là đối đầu quân sự với nước
này, bởi hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rằng, sức mạnh quân sự họ đang có chỉ “vừa
đủ” để dọa dẫm các nước láng giềng chứ không thể đương đầu với con diều hâu từ
bên kia bờ đại dương.
Dựa theo bài bản xây dựng đồng minh
của Mỹ tại châu Á, Trung Quốc cũng có những dự án xây dựng thể chế để gắn kết
đồng minh riêng, trong đó có Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay cơ chế “cộng ba”
đối với khối ASEAN. Với Trung Á, Trung Quốc đã không bỏ lỡ thời cơ tìm kiếm
những cơ hội nảy sinh khi khối Liên Xô tan rã. Và bằng cách tạo ra mô hình “đối
tác chiến lược” với các nước láng giềng, trong khuôn khổ chính sách “biên giới
mềm” - như cách nói của nhà báo Ross Munro, Trung Quốc không chỉ tăng cường ảnh
hưởng mà còn hạn chế những rủi ro đe dọa trong tương lai. Để thực hiện chiến
lược “biên giới mềm” nhằm tăng cường ảnh hưởng khu vực ngoại vi, theo Munro,
Trung Quốc đã áp dụng nhiều thủ đoạn trong đó có hối lộ giới chức quốc gia sở
tại, tuyển dụng giới doanh nghiệp và viên chức địa phương để cung cấp thông tin
cho Trung Quốc (những thông tin này khi được tình báo Trung Quốc sàng lọc lại
sẽ giúp Bắc Kinh có cái nhìn rõ hơn về tình hình chính trị quốc gia sở tại), áp
dụng thủ thuật chèn ép tinh vi trong đàm phán biên giới để buộc các nước láng
giềng yếu hơn không chỉ nhường đất mà còn phân tán lực lượng biên phòng và cuối
cùng, là âm thầm tổ chức các cuộc di dân từ Trung Quốc sang quốc gia ngoại vi…
Với chiến lược thâu tóm Biển Đông,
một trong những khó khăn nhất đối với Trung Quốc là chặt đứt sợi xích đồng minh
lâu đời giữa Mỹ và Nhật - một siêu cường thật sự hiểu đúng theo mọi góc độ của
từ này. Theo cách nói của chiến lược gia Từ Vượng Thịnh thuộc quân đội Trung
Quốc (vào tháng 11/2005), Trung Quốc cần phải học được cách “xử lý riêng biệt
với Mỹ và với Nhật…; phải hiểu đúng và tìm được phương án giải quyết vấn đề dựa
trên những mâu thuẫn và khác biệt giữa hai nước này”. Đó là lý do tại sao, có
hồi người ta thấy Trung Quốc bóng gió “khuyên” Washington rằng, Nhật ngày càng
trở thành một quốc gia suy yếu về kinh tế, không đáng tin về chính trị, một kẻ
luôn trong tâm thế muốn phục thù đầy nguy hiểm… Cùng lúc, Bắc Kinh cũng gieo
vào giới chính trị Nhật một khả năng rằng, họ có thể bị Washington “chơi xỏ
lá”, như cách họ từng “giở mặt đểu” bỏ rơi nhiều đồng minh trong lịch sử, một
khi mối quan hệ với đối tác đó không còn mang tính chiến lược và không còn thỏa
mãn lợi ích Mỹ…
Gần như tất cả lá bài đã lật ngửa.
Cả hai đối thủ đều ra mặt kình chống nhau. Trung Quốc đang làm mọi cách để loại
Mỹ khỏi châu Á trong khi Mỹ cố hết sức để ngăn chặn sự lan rộng và mức độ ảnh
hưởng Trung Quốc đối với khu vực. Vậy ai đang thắng ai?
Kỳ
cuối: Ai sẽ thắng ai?
Trò chơi đấu trí
Giáo sư Diêm Học Thông thuộc Đại học
Thanh Hoa (một trong những chuyên gia quan hệ quốc tế lừng lẫy Trung Quốc, lấy
bằng tiến sĩ chính trị Đại học California Berkeley, từng được chuyên san Mỹ
Foreign Policy chọn vào danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới) nhận định
rằng, Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ nổi trội hẳn ở trung tâm của một trật tự khu
vực mới.
Trong đó tất cả các nước Đông Á
không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận sự lãnh đạo Trung Quốc; Nhật có
thể sẽ đứng ngoài cái trật tự mới này nhưng rồi “đến lúc nào đó khi mà câu lạc
bộ Trung Quốc bắt đầu ngày càng lớn mạnh thì Nhật cũng phải nhảy vào”.
Theo cách nói của họ Diêm, có thể
thấy rằng, trong bối cảnh trên - được nhìn như một thực tế xảy ra không sớm thì
chầy, trục các quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực hoặc sẽ ngưng tồn tại hoặc
sẽ bị hút sạch sinh lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc.
Tương tự, năm 2007, Giáo sư Thời Ân
Hoằng cũng dự phỏng rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh, Mỹ sẽ “có khuynh
hướng rõ hơn việc cân nhắc lại hoặc thậm chí chấp nhận thuận theo một giải pháp
cuối cùng mang tính hòa bình, đồng thời Mỹ cũng nhận thức rõ một sự phân biệt
về sự cân bằng quyền lực và ảnh hưởng ở những khu vực địa lý khác nhau”; trong
đó, Washington sẽ phải chấp nhận “vị thế lãnh đạo” của Trung Quốc, xét về ảnh
hưởng tổng thể chính trị, kinh tế lẫn ngoại giao tại châu Á”, cũng như (chấp
nhận sự thật về) “sự tương đồng quân sự và thậm chí nhỉnh hơn Mỹ khi xét đến
các khu vực duyên hải”…
Khước từ chính
sách “ẩn mình” thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc liên tục phô diễn sức mạnh quân
sự
Theo cách nói của hai nhà chính trị
học tên tuổi trên, xem ra Mỹ gần như không có “cửa” thắng Trung Quốc, chi bằng
sớm biết điều “qui thuận” và chấp nhận một thực tế bất khả từ. Sự tự tin Trung
Quốc còn thể hiện ở một câu chuyện được Đô đốc Timothy Keating (nguyên tư lệnh
trưởng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) thuật vào tháng 3/2008 trong phiên
điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ.
Keating kể, trong một cuộc gặp, một
đô đốc Trung Quốc đã đề nghị nên vẽ một lằn ranh chia đôi Thái Bình Dương,
trong đó “các anh có thể giữ phần phía đông Thái Bình Dương, từ Hawaii đến
duyên hải Mỹ. Chúng tôi thì giữ phần phía Tây Thái Bình Dương, từ Hawaii đến
duyên hải Trung Quốc”. Tất nhiên tay đô đốc Trung Quốc chỉ nói đùa nhưng điều
đó cũng cho thấy phần nào cái hàm ý về sức mạnh và sự ảnh hưởng Trung Quốc mà
Mỹ khó có thể chống lại. Nó cũng cho thấy một ngụ ý rằng, nếu “anh” tử tế thì
“tôi” còn rộng lượng chia phần, còn không thì mất trắng!
Một thập niên qua, sự đối đầu giữa
Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên công khai, lắm lúc đôi bên chẳng cần giữ kẽ
hay tế nhị trong ngôn từ. Cả hai đều nhận thức rõ rằng họ đang thật sự là đối
thủ của nhau. Một mất một còn. Rừng không thể có hai cọp! Khi Mỹ thể hiện rõ
quyết tâm hiện diện châu Á để khống chế sức mạnh Trung Quốc thì Trung Quốc cùng
lúc cũng trở nên hung hãn hơn trong tư thế của con chó dữ sẵn sàng tấn công kẻ
lạ lăm le vào nhà mình (và cả những nhà hàng xóm mà mình đang muốn thể hiện vai
trò của một tay anh chị “bảo kê”)!
Họ cố “đọc” được những nước cờ tiếp
theo của đối thủ. Ai đang thắng trong cuộc đọ sức này? Nói cách khác, ai đang
tiến đến gần hơn đến việc đạt được những mục tiêu chiến lược mà mình phác thảo?
Hãy còn quá sớm để có thể chủ quan kết luận ai đang thắng ai trong cuộc tranh
giành này. Ở vài trận địa, phần thắng có vẻ nghiêng về Trung Quốc. Vài trận địa
khác, Trung Quốc đang ấm ức nhìn Mỹ chơi trội hơn họ.
Bởi tính chất cuộc đấu là giành giật
ảnh hưởng nên trước mắt cả hai đều chơi trò đấu trí trong việc “dụ dỗ” lôi kéo
đồng minh. Nói theo ngôn ngữ hình tượng là “móc toa”. Ai móc được nhiều toa hơn
thì khả năng giành chiến thắng cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố phức tạp của cuộc đấu
dài hơi không chỉ nằm ở kỹ thuật chiêu dụ đồng minh mà còn ở sự chi phối của
tính thời cuộc và cả sự thay đổi tư duy chính trị của giới lãnh đạo. Đó là lý
do người ta thấy có khi “toa” này tưởng chừng đang được móc chặt vào đầu kéo
Trung Quốc nhưng sau đó đột nhiên lại “tách ray” để móc vào chiếc đầu kéo Mỹ.
Trường hợp Myanmar là một ví dụ!
Tổng quát, riêng trong cuộc đấu giành giật và xây dựng đồng minh, Mỹ rõ ràng
đang thành công hơn Trung Quốc, xét về chiến lược lẫn chiến thuật. Một phần vì
Trung Quốc đã “lộ hàng” quá sớm, phô diễn sức mạnh quá sớm, bày tỏ thái độ diều
hâu hung hãn quá sớm - sớm hơn nhiều so với sức mạnh thật sự mà họ đang có. Cho
nên, thay vì kết bạn được nhiều hơn - dù có lợi thế vượt trội Mỹ về ảnh hưởng
kinh tế và đặc biệt là văn hóa đối với khu vực, Trung Quốc lại đang bị cô lập,
bởi chính họ!
Hơn lúc nào hết, các nước châu Á
đang nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt nghi kỵ. Vào cuối nhiệm kỳ hai của George W.
Bush (2008), các cuộc thăm dò ý kiến tại Hàn Quốc cho thấy, có đến 74% người
được hỏi đã bày tỏ lo ngại về sự đe dọa quân sự Trung Quốc (một tỉ lệ còn cao
hơn tại Mỹ, nơi có 70%)!
Vấn đề là ai biết cách “quản lý rủi
ro” tốt hơn
Nói theo ngôn ngữ kinh doanh, bất cứ
cuộc đầu tư nào cũng chứa đựng yếu tố rủi ro. Vấn đề là biết cách lượng định
mức độ rủi ro và cách xử lý tình huống một khi rủi ro xảy ra. Với giới hoạch
định, họ luôn kỳ vọng những điều tốt nhất trong khi cùng lúc phải biết chuẩn bị
cho những gì xấu nhất. Điều xấu nhất ở đây là gì và yếu tố rủi ro nào, nếu
không thể tránh khỏi, là sẽ đáng sợ nhất? Đó là chiến tranh! Liệu có khả năng
xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc? Đâu là “tiền đề” để thần chiến tranh
xuất hiện?
Như đã nói ở kỳ một, yếu tố ràng
buộc kinh tế chưa chắc là điều khả dĩ giúp giải tỏa sự căng thẳng dẫn đến chiến
tranh, một khi cả hai - hoặc một bên - nhận ra rằng mâu thuẫn và xung đột lợi
ích bắt đầu trở nên nghiêm trọng đến mức quyền lợi quốc gia bị thiệt hại nặng
nề và không còn con đường nào khác hơn là sự chọn lựa binh đao.
Trung Quốc liệu
có thể “quản lý rủi ro” tốt khi liên tục thách thức Nhật tại quần đảo tranh
chấp Senkaku/Điếu Ngư? (ảnh: một cuộc bám đuổi giữa tuần duyên Nhật và tàu Hải
giám Trung Quốc ngày 14/9/2012)
Xét về tổng thể, Trung Quốc - dù dư
dả tiền của và là chủ nợ khổng lồ của Mỹ - đang yếu hơn Mỹ rất nhiều. Họ có
những vấn đề nội bộ và nhiều thách thức lớn hơn Mỹ vạn lần, ở thời điểm hiện
tại cũng như lâu dài. Ở một nơi vẫn tồn tại hiện tượng “quốc phú, dân cùng”,
đầy dẫy tham nhũng, nền tảng kỹ thuật yếu kém, trình độ khoa học thiếu sáng tạo
nhưng thừa “chỉ số” ăn cắp, nguồn tài nguyên hiếm hoi nhưng dư thừa “khả năng”
tàn phá môi trường… xã hội Trung Quốc đang sôi sục và tiềm ẩn nhiều bất ổn dẫn
đến rạn vỡ và thậm chí tan nát. Khi mà chưa giải quyết được những khó khăn và
khủng hoảng nội tại, Trung Quốc sẽ không đủ tỉnh táo phác thảo những kịch bản
và kế hoạch lâu dài đối phó với Mỹ. Đây là một trong những điểm yếu sinh tử của
Trung Quốc.
Trong khi đó, “bài” mà Trung Quốc áp
dụng thường xuyên gần đây, quen đến mức thế giới đã “thuộc”, là mạo hiểm chuyển
bớt “lửa” từ trong nước ra bên ngoài. Nó đã bộc lộ một tâm trạng bất lực hơn là
thể hiện của một đòn thế khiến đối phương sợ hãi. Cái cách mà cứ bất kỳ khi nào
tình hình trong nước rối ren thì Trung Quốc lại hung hăn với những động thái
gây hấn khu vực chỉ mang lại bất lợi cho Trung Quốc về mặt đối ngoại và làm
hỏng đại cục của Trung Quốc trong chính sách thôn tín châu Á. Mặt khác, nó lại
vô tình giúp Mỹ lôi kéo thêm đồng minh.
Điều đáng nói nhất là sẽ rất khó cho
Trung Quốc “quản lý rủi ro” trong chiến thuật “chuyển lửa” ra bên ngoài. Họ
không thể dập tắt ngọn lửa này lại cùng lúc tạo ra một đám cháy khác! Trận hỏa
hoạn trong nước (có thể xảy ra từ những dồn nén bất ổn xã hội), so với trận hỏa
hoạn bên ngoài (có thể xảy ra từ thái độ hiếu chiến), trận nào sẽ kinh khủng
hơn, đã lượng định và so sánh được hậu quả của hai trận hỏa hoạn chưa, trận hỏa
hoạn nào mới là ngọn lửa thật sự làm cháy rụi căn nhà, mới là ngọn lửa đốt trụi
quốc gia và xóa sổ chế độ?...
Điều đáng nói nữa từ cái “điều đáng
nói” trên là khi mà Trung Quốc cuối cùng nhận ra rằng họ không đủ sức “quản lý
rủi ro” nữa thì họ có thể có khuynh hướng chơi cú liều “được ăn cả, ngã về
không”. Lúc đó, chiến tranh sẽ bùng nổ. Theo nhận định của hai phân tích gia
Mark Burles và Abram Shulsky thuộc Viện Nghiên cứu chính sách RAND (Mỹ), Trung
Quốc sẽ có khả năng đánh trước. Họ muốn tận dụng lợi thế của yếu tố bất ngờ.
Điều mà Mark Burles và Abram Shulsky không diễn giải là tại sao yếu tố bất ngờ
lại quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là vì Trung Quốc hiểu rõ rằng, họ không
thể địch lại Mỹ và “bầy sói” đồng minh của Mỹ xét ở mọi góc độ của chiến tranh
qui ước. Chỉ bằng yếu tố bất ngờ mới có thể giúp họ có được lợi thế ở “hiệp
một” so với đối phương...
Tất nhiên viễn cảnh chiến tranh
không thể xảy ra chừng nào hai bên còn đủ tỉnh táo và kiên nhẫn để kiềm chế (và
còn chưa hết “bài” để tiếp tục thức thâu đêm đánh đến tàn cuộc). Tuy nhiên, như
đã nói, vấn đề tối quan trọng lúc này là ai đủ bản lĩnh để kiểm soát tình hình
và đủ khả năng để “quản lý rủi ro” - những rủi ro không thể không tính đến và
không thể không xảy ra, phát sinh từ những chiến lược tranh giành ảnh hưởng…
Ngọc
Trí
(Nguồn tham khảo: “A Contest for Supremacy: China, America, and
the Struggle for Mastery in Asia”; giáo sư Aaron L. Friedberg; NXB W. W. Nortin
& Company; phát hành ngày 1/10/2012)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment