Monday, December 24, 2012

Núi Trường Bạch/Baekdu: Thêm một nguy cơ tranh chấp giữa Trung Quốc và Triều Tiên


Núi Trường Bch/Baekdu: Thêm mt nguy cơ tranh chp gia Trung Quc và Triu Tiên

Núi Trường Bạch/Baekdu vào mùa đông.

Núi Trường Bạch/Baekdu vào mùa đông.

wikipedia

Đức Tâm


Ngoài các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và nhiều láng giềng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, tại châu Á, còn có một hồ sơ tranh chấp lãnh thổ khác, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Đó là chủ quyền đối với vùng núi Trường Bạch mà người Triều Tiên gọi là núi Baekdu, nằm trên đường biên giới chung giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.


Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh tiếp tục chính sách đơn phương quyết đoán chủ quyền của mình trong các tranh chấp biển đảo tại Biển Đông, với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, và tại biển Hoa Đông, với Nhật Bản.

Ở phía tây nam, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phản bác các đòi hỏi chủ quyền của nhau liên quan đến vùng Aksai Chin (do Bắc Kinh quản lý) và Arunachal Pradesh (do New Delhi quản lý). Trung Quốc cũng thất bại trong việc giải quyết một tranh chấp đã kéo dài với Bhutan, một vương quốc nhỏ bé nằm trên núi. Bên cạnh đó, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc còn có một tranh chấp lãnh thổ ít được biết đến, liên quan đến Socotra, một bãi đá chìm ở biển Hoàng Hải. Cả hai bên (cũng như cả Bắc Triều Tiên và Đài Loan) đều cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của mình, mặc dù theo luật pháp quốc tế, các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với những bãi đá chìm như là một phần lãnh thổ của mình.

Còn ở phía đông bắc Trung Quốc, có vấn đề núi Trường Bạch/Baekdu, một núi lửa đang hoạt động.

Theo website The Diplomat, đối với nhiều người Triều Tiên, vùng núi Baekdu/Trường Bạch rất thiêng liêng. Các nghiên cứu lịch sử cho rằng đây là nơi hình thành vương quốc Triều Tiên đầu tiên, Gojoseon, và dường như tồn tại cho đến năm 108 trước Công nguyên. Baekdu/Trường Bạch cũng có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử hiện đại của Bắc Triều Tiên : Theo Bình Nhưỡng, thì người sáng lập ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, sinh ra tại đây (cho dù các tài liệu của Liên Xô cũ viết rằng ông sinh ra tại Nga). Ngọn núi còn gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến chống sự đô hộ của Nhật Hoàng trong suốt thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Vào năm 1962, có nguồn tin nói năm 1963, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã ký thỏa thuận phân chia quản lý hành chính vùng núi và chiếc hồ ở đây, vấn đề pháp lý chủ quyền được tạm gác sang một bên.

Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cần ve vãn Bắc Triều Tiên, không để cho nước này ngả theo Liên Xô. Thế nhưng, văn bản không giúp giải quyết được vấn đề. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư phát triển vùng này, xây dựng một sân bay, một khu trượt tuyết. Những động thái này làm cho dân Triều Tiên lo ngại là Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình trong khu vực. Mối nghi ngại càng lớn, khi vào năm 2008, Trung Quốc nộp hồ sơ lên UNESCO, đề nghị công nhận núi Trường Bạch/Baekdu là Di sản Thế giới. Còn có tin là Bắc Kinh đã từng muốn xin đăng cai Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 tại đây.

Tự nhận là có vai trò chính đáng trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của bán đảo Triều Tiên, bao gồm của núi Baekdu/Trường Bạch, chính quyền Hàn Quốc đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc giảm bớt nhịp độ khai thác, hạn chế xây thêm hạ tầng cơ sở ở vùng núi này.

Văn bản ký kết giữa Bắc Kinh-Bình Nhưỡng năm 1962 chỉ là một thỏa thuận khung, không phải là một hiệp định phân định biên giới. Chính vì thế, các bên liên quan vẫn tiếp tục tranh cãi về chủ quyền.

Trung Quốc hiện ở thế mạnh, không sẵn sàng đàm phán về chủ quyền đối với vùng Trường Bạch/Baekdu, tiếp tục nhịp độ đầu tư vào nơi này, tìm cách xóa bỏ nguyên trạng trong khu vực biên giới chung với Bắc Triều Tiên, vì Trung Quốc hiểu được rằng chế độ Bình Nhưỡng quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, không có khả năng kháng cự được xu thế này.

Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên phức tạp và nguy hiểm nếu như Trung Quốc tiếp tục lấn lướt, làm dấy lên làn sóng phản đối từ phía Hàn Quốc, nơi mà tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã thể hiện rõ trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.

Theo giới quan sát, với cách hành xử như vậy trong các hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc không phải là một đối tác mang lại hòa bình cho khu vực.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link