Sunday, May 25, 2014

Bí mật không thể bị mất




Date: Sat, 24 May 2014 17:46:51 +0200
Subject: Bí mật không thể bị mất
From: bacninh75@gmail.com

Bí mật không thể bị mất


phamvandong-conghambannuoc.jpg
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Công hàm của ông Phạm Văn Đồng, một lần nữa được “đào bới”. Tuy nhiên, lần này có vẻ nó được “khai thác” rộng rãi và rầm rộ hơn rất nhiều so với cách đây vài năm.

Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật - tục ngữ Châu Âu.

Có vẻ cách đưa tin từ các trang báo “theo định hướng” tại Việt Nam vẫn không thoát câu tục ngữ nói trên, khi họ vẫn không có đủ thông tin để chỉ thẳng ra nguyên nhân đầu tiên mà từ đó ông Phạm Văn Đồng đặt bút ký công hàm vào ngày 14/9/1958 (?).

Phủ định sạch trơn?

Với tư cách Thủ tướng, ông Phạm Văn Đồng đang bị dư luận “mổ xẻ” khá nhẹ nhàng: công hàm đó “không có giá trị pháp lý” [1] - ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong cuộc họp báo quốc tế ngày 23/5/2014.

Lần đầu tiên, nước CHXHCNVN cho thấy một “chế độ pháp trị” thật phũ phàng: một viên chức nhà nước cấp trung đủ tư cách công khai trước báo chí thế giới để bác bỏ ý kiến của Thủ tướng, mà vị Thủ tướng này đảm nhận trọng trách, từ nước VNDCCH cho đến nước CHXHCNVN liên tục suốt 32 năm (1955 - 1987).

Ngoài ra, báo Lao Động cho biết “Trung Quốc cố tình viện dẫn sai công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng” [2].

Chỉ riêng cách, lúc thì gọi “công hàm”, khi lại kêu “công thư” đủ cho thấy truyền thông Việt Nam tiếp tục “tránh né chữ nghĩa” sao cho có vẻ nhẹ nhất khi đề cập đến nó? 

Rất tiếc, bút tích từ lịch sử của người CS đã gọi đích danh chữ “công hàm”, nó còn nguyên đó (trích): “Sáng ngày 21-9-1958, đồng chí Nguyễn Khang, Đại Sứ nước Việt nam dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc, đã gặp đồng chí Cơ Bàng-phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa và đã chuyển bức công hàm...” (hết trích) [3]. Nghĩa là, sau 7 ngày khi ông Phạm Văn Đồng ký, công hàm đó được chuyển đến Trung Cộng.

Từ bút tích lịch sử, chúng ta cũng thấy ngày 4/9/1958, phía Trung Cộng ra tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc bằng tiếng Hoa, sau đó có bản dịch tiếng Anh [4] và tiếng Việt, trong nói rõ[4] tại điểm 1 (trích):

Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bời biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu [4.1], quần đảo Đông Sa [4.2], quần đảo Tây Sa [4.3], quần đảo Trung Sa [4.4], quần đảo Nam Sa [4.3] và các đảo khác thuộc Trung Quốc. (hết trích)

Có vẻ các quan chức Việt Nam cấp trung phớt lờ chứng cớ lịch sử nói trên mà từ đó, nó lý giải nguyên nhân “khai sinh” ra “công hàm Phạm Văn Đồng”? Hình như họ nghĩ cả thế giới không biết “tuyên bố” ngày 04/9/1958 là nguyên nhân khởi đầu cho “công hàm Phạm Văn Đồng”? Hình như họ đang chú mục vào “quả” (nghĩa là “công hàm Phạm Văn Đồng”) mà không đề cập đến “nhân” (nghĩa là “tuyên bố 04/9/1958” của Trung Cộng)? 

Bán một mảnh đất sở hữu tư nhân cũng khiến chủ nhân phải tính toán thật kỹ lưỡng trước khi quyết định. Dường như các chuyên gia trong cuộc họp báo không quan tâm nguyên nhân vì sao chỉ cách có 10 ngày để từ đó ông Phạm Văn Đồng, có vẻ hời hợt, nhanh nhảu với lời lẽ “êm ái” viết ra “công hàm”, gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng cho sự vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam, kéo dài cho đến ngày nay mà người dân đang lên án kịch liệt và chỉ trích mạnh mẽ?

Hậu quả rất nghiêm trọng có thể tiếp tục xảy ra?

CHXHCNVN sẽ không “thua” Trung Cộng với cái công hàm đó, nếu như không “thắng” VNCH vào ngày 30/4/1975 bằng việc vi phạm hầu hết nội dung Hiệp định Paris 1973. Lịch sử không có chữ “nếu”. Lịch sử thật nghiệt ngã. Nhân-quả thật công bằng. Và số phận dân tộc Việt Nam thật cay đắng! Người cộng sản vẫn mãi không nhận ra?

Lịch sử không phải “nửa ổ bánh mì”. Lịch sử cũng không phải “cái sọt rác” phi tang quá khứ (lời ông Dương Trung Quốc, một sử gia). Lịch sử không phải nơi ẩn nấp, quanh co, đôi chối. Lịch sử cũng không phải là “cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng” như ai đó đã nói.

Lịch sử nước nhà là quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc, dù lúc thịnh khi suy. Lịch sử là khoa học. Không được bóp méo lịch sử và chính trị hóa nó bằng các thủ đoạn lừa lọc, bởi như thế là phỉ báng lịch sử - điều không một sử gia nào, không một quốc gia nào, không một dân tộc nào có thể chấp nhận. 

Lên tiếng về lịch sử với tư duy coi công hàm Phạm Văn Đồng là “nửa ổ bánh mì” càng không giải quyết được bất cứ việc gì tốt đẹp hơn. Thay vào đó, nó làm cho dòng họ con cháu ông Phạm Văn Đồng càng ê chề trước một “cuộc đấu tố” kiểu mới với mọi trách nhiệm đổ trút cho cá nhân ông. Điều cay đắng, “cuộc đấu tố” do chính “hậu bối” cộng sản gây ra. Đó chẳng lẽ là cách mà người cộng sản “tưởng niệm” một người “đồng chí” nắm quyền Thủ tướng lâu nhất tại Việt Nam (?)

Lên tiếng về lịch sử như thế là có tội với dân tộc Việt Nam cũng như lừa dối dân tộc Trung Hoa. Lên tiếng về lịch sử như thế, các quốc gia khác càng có đủ bằng chứng để không thể nào tin được sáo ngữ “Việt Nam muốn làm bạn với thế giới”.

Khi trả lời phỏng vấn nhà báo Gia Minh - RFA, bản thân người viết đã đề ra một biện pháp ba điểm [5]: lịch sử, ngoại giao và pháp luật quốc tế. Trong ba điểm này thì cái sau là hệ quả sinh ra từ cái trước. Thật xấu hổ, khi tình hình nghiêm trọng như hiện nay mà “người ta” vẫn chưa chịu trả lại sự thật cho lịch sử một cách khách quan, không thiên vị. 

Chỉ có SỰ THẬT mới giải quyết rốt ráo mọi vấn đề

Ai dám đảm bảo, sau khi công hàm 1958 bị phơi ra với hình ảnh “nửa ổ bánh mì” như vậy trước toàn thế giới, một “cơn địa chấn” nào đó không tiếp tục xuất hiện tựa như “trận bão tố cuồng điên” từ những nội dung tuyệt mật của hội nghị Thành Đô? Hội nghị mà từ đó ông Nguyễn Cơ Thạch phải thốt lên “một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”, với nội dung còn ghê gớm hơn gấp nhiều lần so với công hàm Phạm Văn Đồng? Nếu việc này diễn ra, nước CHXHCNVN sẽ trả lời ra sao trước dân tộc Việt Nam? Và còn biết bao lời đàm tiếu, thị phi cũng như đầy khuất tất nghiêm trọng xoay quanh các ông cộng sản cấp cao, dù người mất, người còn như: Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh v.v...

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên Trung Cộng sỉ nhục lăng ông Hồ Chí Minh tựa như nhà xí thời La Mã. Đó là hậu quả chua chát cho thảm nạn “sùng bái cá nhân” mà nhiều người vẫn bưng tai không chấp nhận.

Những cái bẫy?

Ông Hoàng Việt - thạc sĩ Luật trả lời báo chí về vụ giàn khoan HD-981 [6]“Tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan trở lại đảo Tri Tôn hoặc ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng để Trung Quốc rút giàn khoan không phải là điều dễ dàng”.

Điều dễ nhận ra, đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ông Hoàng Việt “hy vọng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan trở lại đảo Tri Tôn hoặc ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”đồng nghĩa coi Hoàng Sa không còn của Việt Nam? Một nhận định có vẻ thiếu chín chắn và đầy nét phấp phỏng của một luật sư có nghiên cứu về biển Đông? 

“Phản khách vi chủ” (của Tôn Tử) nghĩa là đổi địa vị khách thành địa vị chủ. Kế sách này cần luôn ở thế chủ động trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, bởi có chủ động mới khống chế được cục diện. Hoàng Sa là của Việt Nam. Chủ nhân là dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, ý kiến ông Hoàng Việt dường như chấp nhận tính bị động và ở vào thế “khách” mất rồi. Dường như ông Hoàng Việt có tư tưởng “mọi việc đã rồi” đối với Hoàng Sa? Đó là tư tưởng chủ bại rất tai hại trong tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Quang A - Tiến sĩ kinh tế, trả lời phỏng vấn RFA [7]: “Ở đây Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia ở Việt Nam hiểu rất rõ ràng, đây không phải là kiện về vấn đề chủ quyền. Bởi vì khi kiện về vấn đề chủ quyền thì hai bên kiện tụng đều phải công nhận quyền phán quyết của tòa án đó. Như thế đơn phương kiện thì không ai người ta giải quyết cả và ở đây không đặt vấn đề kiện về chủ quyền mà kiện cụ thể là Trung Quốc đã đặt đã cắm cái giàn khoan ấy trong vùng của Việt Nam và tòa sẽ không phán vùng ấy thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng chắc chắn tòa sẽ phán nó thuộc vùng tranh chấp...”. Nội dung này đã mắc vào bẫy của kế sách “Vô trung sinh hữu”. 

Kế sách này có nghĩa: từ không mà tạo thành có. Rõ ràng, nơi Trung Cộng cắm giàn khoan cách đảo Tri Tôn trong khoảng 17 - 18 hải lý (tạm giả thuyết công nhận đảo Tri Tôn - Hoàng Sa đã thuộc về Trung Cộng như suy nghĩ chủ bại và bị động của ông Hoàng Việt), nghĩa là từ Tri Tôn, Trung Cộng cùng lắm chỉ được “làm chủ” 12 hải lý (như họ tuyên bố). Trong khi đó, Trung Cộng đã “vươn ra” thêm 5 - 6 hải lý. Do đó, lý luận của ông Nguyễn Quang A không chỉ nguy hiểm về mặt đấu tranh ngoại giao, pháp lý quốc tế mà còn vô hình chung chấp nhận vùng đặt giàn khoan HD-981 là “vùng có tranh chấp” giữa đôi bên. Đây là một lý lẽ rất nguy hại, cần phải gạt bỏ ngay lập tức.

Có lẽ Trung Cộng đang hí hửng với việc kiện này một khi nó xảy ra?

Kết

Tất cả những quan chức Việt Nam xuất hiện trong cuộc họp báo không phải là những người có trách nhiệm cao nhất mang tầm quốc gia của nước CHXHCNVN hiện nay. Do đó, những ý kiến của họ hay của các ông thạc sĩ, tiến sĩ như Hoàng Việt, Nguyễn Quang A, đều chỉ có giá trị tham khảo và không thuyết phục cũng như đầy mâu thuẫn, nguy hiểm trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam. 

Có lẽ người dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như các quốc gia khác đang nghĩ về những tuyên bố cao nhất và hành động cẩn trọng nhất, sao cho đảm bảo đúng tính chất: “Nhân danh nước...” trong những ngày sắp tới, đối với công hàm đầy tai tiếng, đối với lịch sử Việt Nam trung thực, cũng như giàn khoan HD-981 - biểu hiện xâm lăng chủ quyền của Việt Nam trắng trợn nhất từ sau khi đảo Gạc Ma bị cướp đoạt cách đây 26 năm?

Những ai, những tổ chức nào đủ tư cách, đủ uy tín để đứng ra thay mặt toàn dân Việt Nam chu toàn mọi việc trước sự xâm lược ngày càng nghiêm trọng và ngạo nghễ từ Trung Cộng?


___________________________________

Chú thích:

[4.1] diemdulich.com.vn/dia-diem-du-lich/quan-dao-penghu. Quần đảo Penghu là một quần đảo ở eo biển giữa Đài Loan và đại lục Trung Quốc.
Quần đảo Đông Sa (phiên âm Hán-Việt từ 東沙群島 (phồn thể) hoặc 东沙群岛 (giản thể) theo cách gọi của Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) hay quần đảo Pratas, quần đảo Dong-Sha là một nhóm 3 hòn đảo nằm ở vị trí 20°43′B 116°42′Đ, phía đông bắc biển Đông, cách Hong Kong 350 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan quản lý, đặt trong thành phố Cao Hùng.

[4.3] biendong.net/hoang-sa-truong-sa/229-qun-o-hoang-sa-va-trng-sa-tay-sa-va-nam-sa-cha-bao-gi-xut-hin-trong-chinh-s-trung-quc.html. Tây Sa và Nam Sa nghĩa là của TQ gọi, Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa.

[4.4] vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A3i_Macclesfield. Bãi Macclesfield (tiếng Anh: Macclesfield Bank; Trung văn giản thể: 中沙群; phồn thể: 中沙群島; bính âm: Zhōng​shā ​Qúndǎo, Hán-Việt: Trung Sa quần đảo​) là một bãi ngầm dạng rạn vòng hoàn toàn chìm dưới mặt nước biển Đông. Bãi ngầm này nằm cách quần đảo Hoàng Sa 75 hải lí (139 km) về phía đông, ở vào khoảng giữa của đường hàng hải từ bờ biển miền Trung Việt Nam đến phía bắc đảo Luzon của Philippines.




--

bacninh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link