Sunday, March 23, 2014

NGUYỄN TẤN DŨNG VÀ GIẤC MƠ PUTIN


 
NGUYỄN TẤN DŨNG VÀ GIẤC MƠ PUTIN 
Ls Lê Đức Minh
Y tá Dũng méo mó nghề nghiệp ở Đối thoai Shangri-La. Tranh Babui.
Sau khi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc bài diễn văn đầu năm mới, tôi đã có viết một bài phân tích sự khác lạ về hình thức cũng như nội dung của bài diễn văn, so sánh với những bài diễn văn cùng loại từ trước đến nay của các lãnh tụ cộng sản Việt Nam.

Tôi đã lưu ý một điểm rằng trong bài diễn văn của ông Dũng, ông ta không hề nhắc đến những kẻ thù của chế độ đang ngày đêm âm mưu tự diễn biến, để lật đổ chế độ cộng sản. Thay vào đó bài diễn văn đã nhấn mạnh đến vấn đề thay đổi thể chế, thực hiện dân chủ và phân định cũng như giới hạn quyền lực của hành pháp, tư pháp và lập pháp.

Nhiều nhà bình luận trong cũng như ngoài nước đã tỏ ra dè dặt khi nêu lên niềm hy vọng về những cải cách dân chủ tại Việt Nam, mà ông Dũng đã đề cập đến trong bài diễn văn của ông ta.

Tôi cũng đã nêu lên vấn đề liệu những gì ông Dũng nêu ra trong bài diễn văn của ông có phải là ý kiến tập thể của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam hay không. Nếu đúng như thế thì chính đảng cộng sản Việt Nam đang lên kế hoạch để tự diễn biến.

Bẵng đi một thời gian không thấy động tĩnh gì từ khi ông Dũng đọc bài diễn văn, nhiều người đã thất vọng. Vừa qua nhà báo Bùi Tín đã viết một bài báo “Ba quả lừa đầu năm” cáo buộc ông Dũng cho đồng bào trong lẫn ngoài nước tiếp tục ăn bánh vẽ tự do dân chủ.

Tuy nhiên ngày 5/3 vừa qua, tôi đọc được một bài viết lạ, đăng trên website của ông Dũng. Bài này mang tựa đề “Việt Nam có cần một nguyên thủ quốc gia như Putin?” Đọc bài này tôi chợt nhận ra một điều rằng sự rạn nứt trong đảng cộng sản Việt Nam đã lên đến đỉnh điểm, và ông Dũng đã công khai nêu lên tham vọng cá nhân của ông ta.

Bài viết mở đầu bằng một phát súng bắn trực diện vào cơ chế chính trị của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay với một đoạn văn như sau: “Vì sao từ một nước yếu kém, tan rã, nước Nga trở nên hùng mạnh như ngày hôm nay?... và vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì chưa? Câu trả lời ở ngay trong chính cơ chế của chúng ta”.
Tiếp đó bài viết nhấn mạnh rằng: “Nhìn lại những gì mà Putin đã và đang làm cho nước Nga có thể thấy rằng, không có Putin thì không có nước Nga hùng mạnh và thịnh vượng như ngày hôm nay. Và nước Nga rất cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán như Putin”.

Sau khi khen rằng Putin thông minh, quyết đoán và biết nắm lấy thời cơ để khôi phục vị trí cường quốc của Nga, bài viết cũng nêu lên những chính sách thành công của các lãnh tụ quốc gia khác như thủ tướng Ikeda Hayato của Nhật, tổng thống Park Chung Hee của Nam Hàn, và Lý Quang Diệu của Singapore. Những nguyên thủ quốc gia nói trên, trong một thời gian khoảng 3 thập kỷ đã biến Nhật bản, Hàn Quốc và Singapore trở nên những quốc gia giàu mạnh.

Chúng ta đều biết rằng, về nguyên tắc các lãnh tụ đảng cộng sản, đặc biệt là các thành viên của bộ chính trị không bao giờ nói hai lời, ngoài trừ trường hợp có sự chia rẽ nghiêm trọng và chuẩn bị cho các vụ đấu đá thanh trừng nội bộ.

Thời gian qua ở trong nước đồng bào không còn lạ gì sự rạn nứt giữa bộ ba quyền lực tại Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Trong đó người ta tin rằng Trọng và Sang về một phe còn Nguyễn Tấn Dũng là một phe. Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa bộ ba này đã diễn ra từ lâu từ ngấm ngầm nay đang trở thành công khai và bước vào một giai đoạn quyết liệt.

Bài viết phân tích rằng quyền lực tại Việt Nam nằm trong tay bốn nhân vật chủ chốt đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Đi xa hơn bài viết còn khẳng định rằng sự phân chia quyền lực của bốn nhân vật này lại mâu thuẫn với chế độ tam quyền phân lập! Từ khi nào những bài viết chính thức của đảng và chính phủ phê phán cơ chế tập trung dân chủ của đảng cộng sản là trái với cơ chế tam quyền phân lập?

Tuy nhiên, cũng theo bài viết, thì quyền lực được trao vào trong tay những nhân vật nói trên đã tạo ra một cơ chế chồng chéo, nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau, khiến cho việc điều hành quốc gia gặp trở ngại nghiêm trọng. Ví dụ trong khi tổng bí thư chính là bí thư quân ủy trung ương, có nghĩa là người lãnh đạo cao nhất của quân đội, thì chức vụ tổng tham mưu trưởng tối cao của quân đội lại nằm trong tay của chủ thịch nước. Thêm vào đó thủ tướng đứng đầu chính phủ muốn ban hành chính sách , hay quốc hội đứng đầu lập pháp muốn sửa đổi hiến pháp lại phải đều chờ nghị quyết của đảng.

Một bài viết đăng trên website chính thức của thủ tướng chính phủ chắc chắn không phải là một bài viết vô tội vạ của một anh gà mờ chính trị nào đó. Dựa trên nội dung của bài viết tấn công vào cơ chế tập trung dân chủ hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam, có thể nói rằng ít nhất bài viết nói trên cũng thể hiện quan điểm của cá nhân ông thủ tướng.

Về cơ chế tập trung dân chủ vốn được xem như là xương sống trong hệ thống tổ chức của đảng cộng sản, bài viết cay đắng nhận định rằng: “Cũng vì thế mà nhiều người thấy rằng cơ chế tập trung dân chủ chậm đổi mới, thậm chí vẫn còn là cơ chế tập trung quan liêu, không theo kịp các yêu cầu của đời sống, làm cản bước tiến của xã hội. Tập thể quyết định, khi xảy ra tiêu cực thì tập thể phải chịu trách nhiệm, lỗi chung, thành ra chẳng ai chịu trách nhiệm cả”. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam. Trước đây bất kỳ ai phê phán cơ chế tập trung dân chủ của đảng thì chắc chắn chọn con đường chung thân trong trại cải tạo.

Nếu đây là ý kiến cá nhân của ông Dũng thì chúng ta có thể thấy ông Dũng đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa. Bài viết than phiền rằng: “chữ “nhẫn” đã trở thành một trong những slogan hàng đầu cho mọi ứng xử của người Việt Nam”, và “Những người lãnh đạo có tài và có tâm muốn đóng góp cho đất nước thì không thể tự quyết vì quyền lực thuộc về tập thể. Khi cá nhân đưa ra một vấn đề, phải bàn lên bàn xuống, hỏi ý kiến người này người kia, chín người mười ý dẫn đến lâu ra quyết định đánh mất nhiều cơ hội và thời cơ cho đất nước”.

Cuối cùng bài viết kết luận rằng: “Việt Nam cần một nguyên thủ như Putin để đưa đất nước đi lên”, một nguyên thủ có: “đủ toàn quyền để làm và chịu trách nhiệm như Putin, Ikeda Hayato, Lý Quang Diệu…hay ít ra được như Tập Cận Bình”.

Đến đây thì chắc có lẽ không ai còn mù mờ gì về tham vọng của ông thủ tướng Việt Nam (nếu bài viết quả thực là ý kiến của ông Dũng). Ông Dũng cho rằng Việt Nam cần một nguyên thủ như Putin, chứ cỡ như Tập Cận Bình là quá tệ, tệ còn hơn Ikeda Hayato và cả Lý Quang Diệu nữa. 

Dĩ nhiên ông Dũng tin rằng trong số bốn nhân vật quyền lực tại Việt Nam không ai có đủ tư cách để trở thành một Putin như ông. Và tất cả quyền lực chính trị và quân sự tại Việt Nam phải được thu tóm về trong tay một cá nhân duy nhất như tổng thống Putin của nước Nga.

Tôi không tin rằng cơ chế chính trị tại nước Nga là một hình mẫu của chế độ tam quyền phân lập để Việt Nam có thể đi theo. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần phải tự mình tìm ra một mô hình chính trị dân chủ phù hợp với văn hóa, nguyện vọng và nhận thức của chính người Việt Nam.

Tôi cũng tin rằng nước Nga và Việt Nam có những quan tâm rất khác nhau do đó Việt Nam không cần một vị nguyên thủ như Putin. Trong khi Putin cố gắng để nước Nga khỏi tan rã thành từng mảnh nhỏ, xây dựng lại hình ảnh nước Nga như một cường quốc của thế giới, thì mối quan tâm chính của Việt Nam là thể chế chính trị, là dân chủ và nhân quyền và hòa giải dân tộc.

Putin tỏ ra không quan tâm đến vấn đề tự do và dân chủ, nhân quyền của người dân Nga. Hơn ai hết Putin cho rằng chủ nghĩa quốc gia phải được đặt trên tất cả những giá trị tinh thần khác như tự do, dân chủ và nhân quyền. Nước Nga vẫn là một quốc gia kém phát triển về dân chủ, tự do của người dân vẫn còn rất hạn chế và Putin, trong con mắt của thế giới, vẫn là một nhà độc tài. Có thể những gì Putin đang làm đã vuốt ve lòng tự ái dân tộc của nhiều người Nga, nhưng người dân Nga đã đánh đổi tự do, dân chủ để có những phút giây tự hào dân tộc đó.

Nước Nga so sánh với các nước phương Tây khác vẫn là một nước nghèo và trên lĩnh vực này Putin đã không làm được gì nhiều để nâng cao mức sống của người dân Nga so với mức sống của các quốc gia châu Âu khác. Riêng về khả năng làm kinh tế, Việt Nam chẳng có gì để học hỏi Putin.

Cái mà người Việt Nam chúng ta cần phải cảnh giác là đừng bao giờ hy sinh một chế độ độc tài này để đổi lấy một chế độ độc tài khác. Đừng bao giờ phải đổi một chế độ độc tài đảng trị để lấy một chế độ độc tài cá nhân trị. Đừng quên rằng nước Nga hiện tại dưới quyền cai trị của Vladimir Putin vẫn tiếp tục bị coi là một nhà nước cảnh sát và mafia, nơi các thế lực đen vẫn tiếp tục hoành hoành đe dọa đến an sinh của đại đa số người Nga.
Rõ ràng rằng Nga và Việt Nam có những mối quan tâm rất khác nhau và chúng ta không cần có một nguyên thủ như Vladimir Putin.

Tài liệu tham khảo
Việt Nam có cần một nguyên thủ quốc gia như Putin?, Nguyễn Tấn Dũng Website, 5/3/14
Bùi Tín, Ba Quả Lừa Đầu Năm, VOA Tiếng Việt
Anna Politkovskaya, Putin’s Russia, 2004


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link