Thursday, March 27, 2014

Việt Nam suýt 'bị lừa' để ôm khoản nợ gần $56 tỷ

Việt Nam suýt 'bị lừa' để ôm khoản nợ gần $56 tỷ

25.03.2014 HÀ NỘI (NV) - Vụ nhận hối lộ 80 triệu Yen vừa đổ bể khiến người ta liên tưởng đến nỗ lực vận động thực hiện “Dự án đường sắt cao tốc Bắc ố Nam,” trị giá gần 56 tỷ USD, bị bác hồi 2010.

Vừa qua, do có một số dấu hiệu cho thấy công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (Japan Transport Consultants - JTC) đã đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho các dự án thực hiện bằng viện trợ của Nhật ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan, vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật đã mở một cuộc điều tra. 

Cuối cùng, ông Tamio Kakinuma, chủ tịch kiêm tổng giám đốc JTC, thú nhận đã đưa hối lộ ở cả ba quốc gia.


Một ga xe lửa ở Việt Nam. Scandal JTC khiến Việt Nam phải xem lại gần như toàn bộ các dự án phát triển đường sắt. (Hình: KN/Người Việt)

Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 800 ngàn USD, tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam,) để được chọn làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn thực hiện một dự án phát triển đường sắt ở miền Bắc Việt Nam, trị giá 4,2 tỷ Yen.

Hồi tháng 6 năm 2010, sau khi dân chúng, báo giới và các chuyên gia phản đối quyết liệt kế hoạch thực hiện “Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam” vì bất hợp lý, lãng phí quá lớn, chỉ tạo thêm khoản nợ khổng lồ cho quốc gia, dân tộc, Quốc Hội Việt Nam đã bác bỏ việc thực hiện dự án này, dù dự án cũng được xác định là chủ trương lớn của đảng, nhà nước.

Lúc đó, “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Sài Gòn” được xác định là “Dự án chiến lược của đường sắt Việt Nam,” nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020. 

Theo đó, sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam dài 1.570 km, với 27 ga, ngốn hết 55 tỷ 850 triệu USD. Vào lúc trình dự án, các viên chức ngành giao thông-vận tải đã thuê các doanh nghiệp Nhật và Nam Hàn khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo đầu tư.

Mới đây, khi trò chuyện với VTC News, ông Lê Như Tiến - một viên chức Quốc Hội Việt Nam, tâm sự, sự hăng hái, nhiệt tình của một số cá nhân hồi 2010 đối với “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Sài Gòn” đã từng khiến ông ta thấy nghi ngờ. 

Ông Tiến tiết lộ thêm rằng, lúc đó các viên chức ngành giao thông- vận tải từng tổ chức đưa một số cá nhân ra nước ngoài tham quan “đường sắt cao tốc” để tìm sự ủng hộ.

Từ khi “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội- Sài Gòn” bị bác, các viên chức ngành giao thông-vận tải Việt Nam đã “chẻ nhỏ” dự án này để quy mô đầu tư có thể chỉ cần thủ tướng Việt Nam phê duyệt, chứ không cần thông qua Quốc Hội.

Tin mới nhất về những bê bối liên quan đến lĩnh vực phát triển đường sắt tại Việt Nam cho biết, trên thực tế, JTC-công ty Nhật đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu đảm trách công việc tư vấn cho một dự án phát triển đường sắt tại miền Bắc Việt Nam -ã vốn đã được chọn làm nhà thầu chào 14 dự án phát triển giao thông! Riêng trong lĩnh vực đường sắt, JTC được chọn làm nhà thầu của 5 dự án.

Vụ nhận hối lộ từ JTC đổ bể do điều tra của Nhật. Người ta chưa rõ nếu Nam Hàn cũng thực hiện cuộc điều tra tương tự thì có phát giác nhà thầu Nam Hàn được chọn để “khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo đầu tư” cho “Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Sài Gòn,” có phải đưa hối lộ như JTC hay không (?)

Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa hối lộ của JTC được tờ Yomiuri Shimbun loan tải, chính quyền Việt Nam đã “tạm đình chỉ công tác” của ông Nguyễn Văn Hiếu, người đang là giám đốc ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của tổng công ty đường sắt để “làm tường trình.”

Kế đó, họ tiếp tục “tạm đình chỉ công tác để làm tường trình” đối với các ông: Trần Văn Lục, giám đốc ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam của Cục Ðường Sắt thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải và Trần Quốc Ðông, Ngô Anh Tảo hiện đang cùng là phó tổng giám đốc của tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Việt Nam cũng đã cử một viên thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải sang Nhật để tìm thêm thông tin về vụ đưa - nhận hối lộ mà theo báo giới Nhật, đã được ông Tamio Kakinuma, chủ tịch kiêm tổng giám đốc JTC, khai báo chi tiết, song các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật chưa công bố...

Chiều 24 tháng 3, một viên tướng là tổng cục phó Tổng Cục Cảnh Sát Phòng, Chống Tội Phạm, của Bộ Công An Việt Nam cho biết, công an Việt Nam đã yêu cầu thuộc cấp phối hợp với thanh tra của Bộ Giao Thông-Vận Tải, xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội, xem có sai sót, vi phạm gì không.

Viên tướng này nói thêm rằng, công an Việt Nam sẽ thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nếu Nhật có yêu cầu.

Cùng thời điểm này, Bộ Giao Thông -Vận Tải Việt Nam đã quyết định thanh tra đột xuất hàng loạt dự án dự án đường sắt do tổng công ty đường sắt làm chủ đầu tư và những dự án có JTC tham gia: Dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến Ngọc Hồi- Yên Viên), dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long-Cái Lân, Lim-Phả Lại, Phả Lại- Hạ Long. Các tiểu dự án do Cục Ðường Sắt thuộc bộ này làm chủ đầu tư cũng sẽ bị thanh tra.

Sự tích cực của Việt Nam sau scandal JTC được xem là vì Nhật luôn dẫn đầu trong việc cấp ODA cho Việt Nam và hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của PCI - một doanh nghiệp khác của Nhật - để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho dự án đại lộ Ðông-Tây ở Sài Gòn. (G.Ð)



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link