Ngô
Nhân Dụng - Ðòn kinh tế của Mỹ với
Nga
Thứ Bảy, ngày 22 tháng 3 năm 2014
Ðể chiếm lại Crimea
đem về cho nước Nga, Putin phải trả giá rất đắt. Năm ngoái, ngân sách chính
quyền Crimea được chính phủ Ukraine trợ cấp $850 triệu. Năm tới trở đi, ông
Putin sẽ phải chi. Chính phủ ở Kiev cũng chi gần tỷ Mỹ kim trả tiền hưu bổng
cho những người lớn tuổi trong vùng Crimea. Mai mốt họ sẽ ngưng trả, lấy lý do
vùng này ly khai bất hợp pháp; và họ có thể nêu vấn đề này trong các cuộc mặc
cả kinh tế sắp tới với ông Putin.
Crimea hiện nay
được Ukraine tiếp tế nước (90%), điện (80%) và hơi đốt (65%). Chính phủ Nga có
thể thay chân tiếp tế, nhưng phải mất hàng năm xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong ba
bốn tháng tới, dân Crimea sẽ thấy một hậu quả trước mắt: Vắng bóng du khách.
Năm ngoái, hai triệu dân Crimea được đón tiếp 6 triệu du khách, trong đó hơn 4
triệu là người Ukraine. Cả du khách khác từ Âu Châu, năm nay còn ai muốn đến
thăm một xứ bất ổn như vậy nữa? Phải mất nhiều năm số du khách Nga mới đến thay
thế được. Trong mấy năm tới ông Putin sẽ phải chi mỗi năm vài tỷ Mỹ kim để nuôi
vùng Crimea.
Nhưng đó không phải
là hậu quả kinh tế quan trọng nhất của hành động “tái nhập Crimea” vào nước
Nga. Các chính phủ Mỹ và Châu Âu sẽ đưa ra những đòn phong tỏa, trong một cuộc
chiến tranh lạnh diễn ra trên mặt trận kinh tế. Ông Putin đã và sẽ trả đũa, hai
bên sẽ ghìm nhau, chờ phản ứng của bên kia trước khi leo thang. Cuộc chiến
tranh lạnh kinh tế sẽ diễn ra từ từ, từng bước một, Obama cấm visa một số nhân
vật Nga thì Putin cũng cấm một số người Mỹ. Obama phong tỏa một số xí nghiệp và
ngân hàng Nga thì Putin cũng đáp lại tương xứng. Hai bên sẽ gờm gờm nhìn nhau,
chiến tranh lạnh có thể kéo dài hai, ba năm hoặc lâu hơn.
Phong tỏa kinh tế
có khi hiệu quả, có khi không; mà chắc chắn cả hai bên đều gây thiệt hại cho
nhau. Trong cuộc đấu sức, bên nào dai sức, chịu đựng được lâu hơn, thì cuối
cùng sẽ thắng thế. Hiện nay, kinh tế Nga đang trong cơn suy yếu; trong khi kinh
tế Âu Châu và Mỹ đang bắt đầu hồi phục; cho nên nếu hai bên cứ tiếp tục leo
thang thì chắc Nga sẽ đuối. Nhớ lại, Iran bắt đầu bị Châu Âu phong tỏa kinh tế
từ năm 2012; sau khi Mỹ đã bắt đầu trước với cách không mua dầu lửa, phong tỏa
trương mục ngân hàng của các công ty và đại gia Iran ở ngoại quốc, chưa đầy hai
năm Iran đã chịu không nổi, vì năm ngoái tổng sản lượng của Iran giảm 6%, trong
khi lạm phát lên gần 40%. Trước đây, Iran là nước xuất cảng dầu thô nhiều thứ
tư trên thế giới.
Tuần tới, Tổng
Thống Obama sẽ gặp thủ lãnh các nước kinh tế hàng đầu G-7 (Nga đứng hàng thứ
tám, không được mời). Ông Obama sẽ đề nghị những biện pháp phong tỏa đồng loạt
và mạnh hơn. Các nước Âu Châu sẽ dè dặt, vì họ ràng buộc với Nga chặt chẽ. Cho
nên, khi Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden sang thăm các nước Ba Lan và ba nước miền
Baltic tuần rồi, tất cả mới thoát ách “đô hộ” của Nga từ năm 1990, nhưng cả bốn
nước đều dè dặt không muốn bàn vấn đề phong tỏa kinh tế Nga bây giờ. Ba nước
vùng Baltic, cũng như Thụy Ðiển, Phần Lan, nhập cảng 100% hơi đốt sử dụng từ
Nga; còn Ðức, Ba Lan cũng tùy thuộc từ 40% đến 60%.
Nhưng khi nói ràng
buộc, chúng ta phải hiểu bao giờ cũng có hai chiều, tôi bị ràng buộc với anh
nghĩa là anh cũng bị ràng buộc với tôi. Nếu Nga ngưng xuất cảng dầu lửa và hơi
đốt sang Âu Châu thì kinh tế sẽ nghẹt thở, vì sẽ mất một số khách hàng quá lớn.
Trong năm 2012 dầu và hơi đốt chiếm 70% số hàng xuất cảng của Nga, và cung cấp
52% ngân sách của chính phủ Nga. Liên Hiệp Âu Châu (EU) bán 169 tỷ đô la hàng
hóa sang Nga, nhưng một nửa hàng hóa Nga xuất cảng bán sang Châu Âu (gần 300 tỷ
đô la Mỹ), là 15% Tổng Sản lượng nội địa (GDP) gần hai ngàn tỷ đô la của nước
Nga.
Ông Obama được tự
do, có thể tấn công ông Putin mạnh hơn, vì quan hệ kinh tế Mỹ với Nga không quá
chặt chẽ. Trong số các nước bán hàng cho dân Mỹ xài, nước Nga, với số nhập cảng
27 tỷ Mỹ kim, đứng hàng thứ 20. Nhưng Mỹ là nước đứng thứ năm trong số các nước
bán hàng cho Nga, dù số thương vụ chỉ có 11 tỷ Mỹ kim. Cho nên nếu ông Obama
leo thang mà ông Putin trả đũa đến cùng, chỉ một số công ty Mỹ bị thiệt hại,
nhiều nhất là Boeing, Exxon, và Ford Motors.
Nga dễ bị thương
tổn nếu cuộc chiến tranh kinh tế kéo dài, vì nền kinh tế Nga tùy thuộc quá
nhiều trên việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên; đặc biệt là dầu và hơi đốt.
Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của GDP chỉ có 1.3%. Sau khi lính Nga không đeo
phù hiệu chiếm đóng Crimea, đồng rúp và thị trường chứng khoán Nga tụt giảm
mạnh vì người ta đã dự đoán sẽ có phong tỏa kinh tế. Trong ngày 3 Tháng Ba vừa
rồi, cổ phần ghi trên thị trường Micex tụt giá, tổng cộng mất 60 tỷ đô la, cao
gấp tám lần ngân sách chi cho Thế Vận Hội Mùa Ðông trước đó. Hôm qua, sau khi
Mỹ công bố thêm tên những công ty, ngân hàng, và nhân vật bị cấm vận, cổ phiếu
của tất cả các công ty liên hệ tới họ đều xuống từ 2 đến 5%.
Việc phong tỏa tài
sản các đại gia thân cận của ông Putin không có ảnh hưởng bao nhiêu đến họ, vì
họ đã chuẩn bị rút tiền, chuyển tài sản từ các nước Âu Châu, Canada, Úc và Mỹ
đi tới những nước an toàn hơn. Ảnh hưởng tai hại lớn là trên toàn thể nền kinh
tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, nếu ông Obama đi thêm bước nữa. Hai công ty
thẩm lượng tín dụng, S&P và Fitch, đã cắt điểm tín nhiệm của Nga, một hậu
quả là từ nay nhiều xí nghiệp và ngân hàng Nga sẽ vay tiền với lãi suất cao
hơn. S&P cũng ước định tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Nga năm nay xuống gần
sát với số không, nghĩa là không lên thêm được. Công ty này còn cho biết trong
ba tháng đầu năm 2014 các đại gia đã chuyển ra khỏi nước Nga số vốn khoảng 60
tỷ Mỹ kim, cao gần bằng số tiền vốn bỏ chạy trong cả năm 2013.
Những hành động
khuấy động rồi chiếm Crimea của ông Putin cũng là một cách làm lạc hướng dư
luận dân Nga để họ bớt nghĩ đến nền kinh tế đang suy yếu. Nay mai, ông Putin
còn có thể đổ hết trách nhiệm kinh tế suy yếu cho Mỹ và các nước Châu Âu! Kinh
tế Nga không suy yếu từ khi có khủng hoảng tại Ukraine, mà đã bắt đầu sẵn từ
trước. Khi giá trị đồng rúp tụt xuống vì vụ Crimea, Ngân Hàng Trung Ương Nga
lại tăng lãi suất để giữ giá đồng bạc, khiến cho giới kinh doanh Nga càng khó
vay tiền hơn. Việc phong tỏa không cho các xí nghiệp và ngân hàng Nga sử dụng
đầy đủ hệ thống tài chánh và ngân hàng thế giới sẽ khiến kinh tế Nga càng bị cô
lập, khó gây vốn trong thị trường quốc tế. Hiện nay, Châu Âu và Mỹ mới nhắm vào
việc phong tỏa các đại gia và cố vấn thân cận của ông Putin, nhưng nếu mở rộng
ra các xí nghiệp và ngân hàng lớn thì hậu quả sẽ nặng nề hơn.
Nhưng một “vũ khí”
lợi hại nhất mà ông Obama có thể sử dụng là tấn công ngay vào thị trường dầu,
khí, nguồn vú sữa đang nuôi sống kinh tế Nga cũng như cả nhóm đại gia “quả đầu”
chung quanh ông Putin. Ngày hôm qua, nhật báo Wall Street Journal, đại biểu cho
khuynh hướng bảo thủ trong đảng Cộng Hòa, đã thúc giục: “Tổng Thống Obama nên
báo hiệu cho thế giới biết ông sẽ tích cực chấm dứt vai trò thống ngự của Nga
trên nguồn năng lượng của Châu Âu; bằng cách chấp thuận ngay các dự án xin
thiết lập các bến tàu chuyên dùng để xuất cảng hơi đốt.” Các đại biểu Quốc Hội
Mỹ, đặc biệt là thuộc đảng Cộng Hòa cũng đang thúc đẩy chính phủ xúc tiến việc
xuất cảng dầu, khí sang Châu Âu để giúp các đồng minh thoát khỏi vòng kiềm tỏa
của Nga.
Ðây là biện pháp
nguy hiểm nhất, ảnh hưởng lâu dài trên kinh tế cả nước Nga. Nhưng có thể dùng
để đe dọa chính quyền Putin ngay bây giờ hay không?
Nước Mỹ hiện nay đã
vượt qua Nga để thành quốc gia sản xuất hơi đốt nhiều nhất, và trong dăm năm
nữa Mỹ sẽ vượt qua Á Rập Saudi về số sản xuất dầu thô lớn nhất. Ðó là nhờ những
phát kiến kỹ thuật khai thác mới ở Mỹ, được phát triển trong vòng dăm năm qua,
khoan ống hàng dọc và hàng ngang, dùng sức ép của nước đẩy dầu và khí phun lên.
Luật lệ ở Mỹ không cho phép xuất cảng hơi đốt, trừ cho một số nước có hiệp định
tự do mậu dịch; ngoài ra muốn xuất cảng đi nước khác phải xin phép.
Hơi đốt
xuất cảng phải được biến sang thể lỏng, chuyển sang Châu Á hay Châu Âu bằng tàu
thủy. Vì vậy, phải xây dựng những “cầu tàu” đặc biệt, là nơi biến hơi đốt ra
thể lỏng, có bến đậu an toàn cho loại tàu lớn đến nhận hơi đốt lỏng. Hiện có
mấy chục đơn xin lập những cầu tàu như vậy, còn chờ chính phủ Mỹ duyệt xét. Nếu
chính phủ Obama tuyên bố sẽ tiến hành việc cho phép nhanh chóng hơn, và cứu xét
việc cho phép xuất cảng dầu và khí đốt sang Châu Âu, đặc biệt là sang Ukraine,
thì các thị trường dầu, khí, than đá, nói chung các loại năng lượng, sẽ chuyển
động ngay!
Tuy nhiên, đây
không phải là một mối đe dọa tức thời đối với chính quyền Nga. Hiện nay, Mỹ chỉ
có đủ cơ sở và phương tiện có sẵn để bán dầu và hơi đốt cho Ukraine, nếu họ bị
Nga đe dọa cắt. Ở Châu Âu đã có sẵn bến cảng tiếp nhận được hơi đốt lỏng ở Tây
Ban Nha, một nước không mua dầu, khí của Nga.
Những ống dẫn dầu khí nối liền
các nước Châu Âu có thể cho chạy ngược chiều, đem hơi đốt từ Tây Âu sang
Ukraine hoặc Ba Lan. Mùa Ðông vừa qua không lạnh lắm, cho nên các nước Châu Âu
đều còn dư khí đốt dự trữ, đủ dùng hàng năm nữa. Nhưng việc hoàn tất các cầu
tầu để đưa hơi đốt lỏng đi, hoặc để đón nhận hơi đốt tới, đều phải kéo dài hai,
ba năm hoặc lâu hơn.
Ngoài ra, việc xuất cảng dầu, khí sang nước nào là quyết
định của các công ty thương mại chứ không phải của chính phủ Mỹ. Hiện nay dầu,
khí bán cho các nước Á Châu được trả giá cao hơn ở Châu Âu rất nhiều. Cho nên
dù ông Obama có đưa ra một “tín hiệu” như bên đảng Cộng Hòa yêu cầu, thì hậu
quả đối với việc Nga cung cấp dầu, khí cho Châu Âu cũng còn lâu mới thành sự thực.
Nói như vậy, nhưng
chính quyền Putin cũng khó ngủ yên nếu tín hiệu được đưa ra cho thế giới biết.
Giá dầu lửa và hơi đốt khắp nơi sẽ hạ thấp, khi mọi người biết có một nguồn
cung cấp lớn từ nước Mỹ sẽ gia nhập thị trường.
Năm 2000, khi ông Putin mới lên
cầm quyền, ông gặp may vì đúng lúc đó giá dầu lửa bắt đầu tăng lên, lần đầu
tiên lên trên 100 đô la một thùng. Nước Nga chỉ đào đất lên lấy dầu và quặng mỏ
đem bán là đủ sống. Nhưng vận may này chỉ kéo dài cho tới năm 2008, khi kinh tế
thế giới xuống dốc, giá dầu khí và các nguyên liệu cũng xuống theo. Với một nửa
ngân sách quốc gia tùy thuộc vào dầu khí xuất cảng, nếu giá dầu xuống thì ngân
sách sẽ khiếm hụt nặng nề. Kinh tế cả nước tùy thuộc vào dầu khí, tất cả sẽ bị
ảnh hưởng.
Kinh tế Nga sẽ tới
lúc đuối sức nếu cuộc chiến tranh lạnh mới kéo dài, nhưng chưa chắc ông Putin
đã nhường một bước nào. Trong khi các chính phủ Âu Châu lo làm sao không để cho
dân mình nghèo hơn vì chiến tranh kinh tế, thì ông Putin không quan tâm. Ông đã
bám chắc ngai tổng thống 2 nhiệm kỳ, trong 10 năm tới, trừ khi ông muốn ngồi
hơn! Một nhà bình luận trên hệ thống CNN còn đề nghị các nước Tây phương hãy hô
nhau tẩy chay giải bóng tròn thế giới (World Cup) năm 2018 ở Nga, để trừng phạt
việc chiếm Crimea. Có lẽ hành động này sẽ làm dân chúng thấy những việc ông
Putin làm chỉ gây tổn thương cho uy tín của dân tộc Nga!
Khi ông Obama sang
Châu Âu tuần tới, ông sẽ đề nghị khối NATO tăng cường phòng vệ các nước từ Ba
Lan lên miền biển Baltic; để các nước khác yên lòng. Nhưng việc đó sẽ giúp ông
Putin kích thích tự ái của dân Nga, khiến uy tín của ông lên cao hơn. Nếu trước
khi đi ông Obama mạnh dạn công bố dự định bán dầu, khí của Mỹ sang Châu Âu,
đồng thời cô lập các ngân hàng Nga trong hệ thống tài chánh quốc tế, rồi phong
tỏa các dòng luân lưu rửa tiền của các đại gia Nga, thì hiệu quả có thể nhanh
chóng hơn nhiều.
Trong suốt thời gian trước và sau cơn khủng hoảng ở Ukraine,
ông Obama đóng vai thụ động, chỉ chống đỡ các đòn do ông Putin phóng ra. Ðối
với ông Putin thì chiến thuật trả đũa từng bước chỉ chứng tỏ một thế yếu kém.
Bây giờ là lúc ông Obama phải đổi thế cờ, tấn công trước, và tấn công một cách
toàn diện, dù chỉ trên mặt trận kinh tế.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment