Để sớm hết mớm cung và nhục hình
Cập nhật: 10:37 GMT - thứ sáu, 28 tháng 3, 2014
Buổi ra mắt sách của ông Dương Thanh Biểu (ngoài cùng bên
phải) ở Hà Nội
Tại Hà Nội vào ngày 21/03 đã có buổi hội thảo ra mắt cuốn sách về vụ án oan Tạ Đình Đề với tựa 'Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời'.
Tác giả sách về những gian truân trong đời điệp viên của ông Đề là tiến sỹ luật và nhà báo Dương Thanh Biểu.
Ông Tạ Đình Đề (1917-1998) là một điệp viên hoạt động cho Việt Minh trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc năm 1954,
ông chuyển sang làm ở Tổng cục Đường sắt tại Hà Nội.
Cuộc đời ông sau này chủ yếu được nhớ đến vì hai lần bị bắt oan hồi năm 1974 và
1985, mỗi lần hai năm.
Nhân dịp này BBC xin giới thiệu một phần bài tham luận của nhà văn và luật sư Hạ Bá Đoàn tại buổi ra mắt sách trong đó ông so sánh ông Tạ Đình Đề với trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn đi tù oan 10 năm.
"Cải cách Tư pháp, xuất phát điểm và cái đích cuối cùng hướng tới là vì con người.
Thực đáng tiếc đâu đó cho thấy nếu coi nhẹ vì con người, giữ kỷ cương bằng mọi giá, thì sẽ mắc sai lầm và rơi vào quan niệm tư pháp của kẻ thống trị trừng phạt nhân dân mình.
Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn dạy rằng công cụ chuyên chính phải là của nhân dân, vì
dân, phục vụ nhân dân, nên đã đặt tên cho các cơ quan này thêm chữ nhân dân.
Sinh thời, Bác dạy Công an phải là bạn dân, dạy Kiểm sát trước hết phải công minh, dạy Thẩm phán phải xử đúng người đúng tội đúng pháp luật.
Chân lý ấy có lẽ nhiều người biết và đã nói, chỉ tiếc rằng không ít những người có quyền, nhất là những quyền chi phối sinh mệnh con người thì lại chưa thấm điều đó.
Một số người thực thi quyền được giao như kẻ thống trị đối với nhân dân của mình!
Hoạt động tư pháp cần gắn bó hơn nữa với bảo vệ quyền con người.
Hiến pháp năm 2013 của nước ta ghi rõ ở điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể… không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình, hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Quyền con người
Quyền con người là quyền cực kỳ quan trọng được cả thế giới quan tâm, coi
ngang tầm với sự nghiệp hòa bình.
Tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã ký công ước của Liên hợp quốc về “Chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”.
"Cách đây nửa thế kỷ Tạ Đình Đề không có tội mà phải nhận tội, theo như ông nói là vì bị tra tấn bằng dùng bọn đầu gấu vì bức mớm cung. "
Cách đây
nửa thế kỷ Tạ Đình Đề không có tội mà phải nhận tội, theo như ông nói là vì bị tra tấn bằng dùng bọn đầu gấu vì bức mớm cung.
Gần đây, sau 50 năm, Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao lại phát hiện một số trường hợp oan sai ở nhiều nơi, trong đó có ông Nguyễn Thanh Chấn con một liệt sĩ bị quy oan về tội giết người, phạt tù chung thân.
Ông Chấn không có tội, vẫn phải nhận tội và đã ngồi tù oan được 10 năm chỉ vì, như ông nói, là bị nhục hình và bức mớm cung không chịu nổi.
Từ hai trường hợp trên, dù ta
không muốn tin, cũng không dễ bác bỏ nguyên nhân dẫn đến oan sai chính là
nạn bức mớm cung và nhục hình.
Ai dám chắc ngoài những vụ trên, không còn
những trường hợp oan sai khác tương tự xảy ra?
Nguyên nhân dẫn đến oan sai sống dai dẳng lắm, phải giải quyết tận gốc .
Mới đây Ban Bí thư đã chỉ thị các ngành phải cụ thể hóa để có những bước đi và biện pháp thực hiện Hiến pháp.
Ba đề nghị
Tác giả Hạ Bá Đoàn tại hội thảo hôm 21/3
Tại cuộc Hội thảo hôm nay (21
tháng 3 năm 2014), đông đảo những người có mặt thật sự vui mừng thấy được thái độ và quyết tâm của những vị có trọng trách lớn như Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm của Bộ Công An đã gửi tham luận tới hưởng ứng việc khắc phục oan sai.
Từ thực tiễn công tác và qua
cuốn sách Tạ Đình Đề, tôi thấy cần áp dụng một loạt biện pháp dưới đây mới hy vọng ngăn chặn được nạn bức mớm cung và nhục hình, nhằm thực hiện đúng quy định tại điều 20 của Hiến pháp và thực hiện cho được công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết, tôi xin đề nghị cụ thể là:
1. Phải sửa luật: Tách cơ quan điều tra riêng ra
không để chung một Bộ với cơ quan quản lý trại giam như hiện nay.
Các nước có nền Tư pháp tiên tiến (ngay cả Trung Quốc) cũng đã làm như vậy từ rất lâu rồi.
Song song với biện pháp đó vẫn phải coi trọng giáo dục, kiểm tra, kiểm sát ngăn chặn việc làm trái luật.
Lý do để tách hai cơ quan này là tránh
tình trạng mà thực tiễn đã xẩy ra như Tướng Nguyễn Xuân Yêm đã thừa nhận: Vì nôn nóng bắt bị can bị cáo phải phục tùng mình, điều tra viên đã viện dẫn một số biện pháp không được luật cho phép như mượn tay bọn đại bàng đầu gấu đang bị nhốt trong trại để trị những kẻ ngoan cố, từ đó mớm cung, bức cung,dùng nhục hình.
Một khi Tổng hành dinh của các điều tra viên ở ngay trong trại tạm giam, sống và làm việc cùng những quản giáo là chiến hữu chung một cơ quan thì rất dễ dàng “kết phối hợp” theo kiểu lạm dụng để làm những việc trái với điều 20 quy định của Hiến pháp và Công ước nghiêm cấm tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình dẫn đến những việc oan sai.
2. Bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự một số nguyên tắc quan trọng và cần thiết như sau:
"Phải làm cho mọi người hiểu thấu rằng một khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, thì phải đối xử với người can án như người bình thường. "
Cụ thể hóa Hiến pháp trong việc bổ sung luật tố tụng hình sự về các nguyên tắc lớn: Thẩm phán xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng.
Phải làm cho mọi người hiểu thấu rằng một khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, thì phải đối xử với người can án như người bình thường.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử không được định kiến mà phải vô tư khách quan. Khi
ra Tòa, các bên đều có quyền đưa ra các chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình.
Sự thật của vụ án phải được phơi bày công khai dưới mọi khía cạnh. Căn cứ vào quá trình
tranh tụng, đối chiếu với Luật pháp, Hội đồng xét xử khi đó mới đưa ra những phán quyết cuối cùng.
Không được bỏ qua diễn biến khác của phiên tòa, tuyên
bằng quyết định viết sẵn trong bản án đã được duyệt từ trước .
Ngoài những nguyên tắc lớn trên, Luật tố tụng hình sự cũng cần bổ sung thêm một số nguyên tắc chỉ đạo nghiệp vụ:
- Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung. Không được chấp nhận lời khai là cơ sở duy nhất để buộc tội, phải xác minh đối chứng.
- Nguyên tắc khi điều tra phải làm rõ chứng cứ buộc tội, đồng thời phải làm rõ cả chứng cứ gỡ tội.
- Nguyên tắc hỏi cung bị can bị cáo, thì phải có mặt Luật sư, khi bị can bị cáo yêu cầu (Bỏ quy định ở điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự rằng phải được Điều tra viên đồng ý thì Luật sư mới được có mặt tham dự vào các hoạt động điều tra).
- Nguyên tắc phối hợp khi làm án thì mỗi cơ quan phải làm đúng làm đủ chức năng nhiệm vụ như luật định. Không được phối hợp theo kiểu nể nang, hoặc dàn xếp lôi kéo nhau giải quyết án một cách vô nguyên tắc, dẫn đến oan sai.
3. Cái gốc vẫn là xây dựng con người làm công tác tư pháp có năng lực, dám làm phận sự theo luật và thật lòng vì dân:
Ông Hạ Bá Đoàn nói Việt Nam cần thay đổi sau những vụ án oan của ông Đề và ông Chấn
Chúng ta đọc tác phẩm “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” vẫn thấy có bóng dáng Kiểm sát viên và Thẩm phán dám chịu trách nhiệm làm đúng phận sự của mình.
Khi trao đổi với đồng nghiệp, nhiều người thừa nhận rằng: Nếu làm án được như Kiểm sát viên Dương thanh Biểu và Thẩm phán Phùng Lê Trân nêu trong cuốn truyện về ông Đề-khách quan, dân chủ, công khai như thế thì khó mà oan
sai.
Nhưng không phải ai cũng có thể làm án được như thế.
Quyết định vẫn là yếu tố con người. Có rất nhiều sức ép trong môi trường tư pháp và con người bị hạn chế về nhân cách về trình độ và bản lĩnh.
Thời đó, những người dám làm phận sự theo luật vẫn là số ít, họ chịu nhiều vất vả và cơ cực quá!
Sở dĩ vẫn còn việc oan sai, cái gốc là do công tác giáo dục đào tạo của chúng ta chưa đủ sức tạo ra để có nhiều người như thế, trong lúc nền tư pháp chưa hẳn là minh bạch, luật lệ tố tụng còn không ít điều khoản quy định chung chung,
trách nhiệm của từng cơ quan và từng chức danh tư pháp có nhiều điểm quy định chưa thật rõ ràng dứt khoát, lại không đủ nghiêm.
Việc cần kíp lúc này của các cấp có thẩm quyền nên chăng đi đôi sửa luật, bổ sung luật theo hướng kỉ cương và dân chủ thì cần làm mọi cách để tạo ra một môi trường tư pháp ngày càng
đông đảo những người tích cực dám làm phận sự theo luật, phải có bản lĩnh và sự dũng cảm.
Trên đây là một phần bài phát biểu của nhà văn, luật sư Hạ Bá Đoàn tại buổi ra mắt sách 'Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời' ở Hà Nội hôm 21/3, mà ông
Đoàn gửi cho BBC.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment