Sunday, March 23, 2014

Hà Sĩ Phu: Thư khước từ “làm việc”

 

Hà Sĩ Phu: Thư khước từ “làm việc”

                              (Thư ngỏ gửi cơ quan An ninh điều tra)
                                                                            Hà Sĩ Phu
HSP_H1
Ngày 20-3-2014 tôi lại nhận được “Giấy mời” của cơ quan An ninh điều tra, “mời” nhưng YÊU CẦU phải có mặt đúng giờ (mời đến lần thứ 3 chắc chuyển sang Triệu tập?) (hình 1). Trong hơn 20 năm nay tôi không thể nhớ được đây là “Giấy mời” lần thứ bao nhiêu nữa?

Tôi vốn không muốn kể những tai họa mà cá nhân mình phải chịu đựng, dù rất vô lý, nhưng nay tôi đã già yếu, 75 tuổi với đủ thứ bệnh tật, tôi buộc phải có thái độ dứt khoát để yêu cầu chấm dứt những phiền toái vô lý kéo dài hết năm này đến năm khác như vậy. Chỉ xin tạm đề cập đến hai lĩnh vực: lĩnh vực vi phạm quyền tự do đi lại và lĩnh vực hình sự hóa những vấn đề dân sự. dẫn đến điều tra xét hỏi liên miên, Những vi phạm khác khi cần sẽ xin nói sau.

1/ Bị cản trở quyền Tự do đi lại
HSP_H2
- Năm 1998, tôi được ông Thị trưởng thành phố Genève mời sang du lịch tham quan (hình 2), nhưng phía Việt Nam không cho phép đi, công an lâm Đồng trả lời như vậy, đồng thời Sứ quán Thụy Sĩ cho biết đã can thiệp nhưng thẩm quyền cho phép là thuộc phía Việt Nam ! (hình 3).

HSP_H3
- 15 năm sau tình hình vẫn không có gì khá hơn. Năm 2012 tôi và vợ tôi làm hồ sơ xin cấp Hộ chiếu phổ thông (passport), họ chỉ cấp cho vợ tôi, còn tôi được yêu cầu phải tự viết một tờ cam đoan (cam đoan không liên hệ với các tổ chức chính trị, không viết bài và trả lời phỏng vấn có hại cho chính phủ Việt Nam, khi về tường trình chuyến đi với công an), tôi không viết vì không có văn bản nào quy định như vậy nên tôi không được cấp. 

Công an Lâm Đồng bảo tôi phải về gặp cục xuất nhập cảnh ở 254 Nguyễn Trãi t/p HCM. Tôi về đó hỏi thì ông đại tá Phan văn Răng trả lời: Ở đây sau khi làm các Hộ chiếu đã trả hết về Lâm Đồng, nếu có trường hợp không cấp thì cũng có công văn nói rõ lý do cho công an Lâm Đồng biết rồi, Lâm Đồng phải trả lời cụ thể cho công dân chứ sao phải về đây? Chị đại úy Nguyễn Thanh Nga còn nói rõ hơn: Nếu bác bị tạm cấm xuất cảnh thì công an Lâm đồng cũng phải cho bác biết vì lý do gì và thời hạn bao lâu chứ? Việc cấp Hộ chiếu cho tôi cứ thế bị đưa đẩy, pháp luật sao cứ mập mờ tùy tiện ?.

- Mỗi khi tôi ra Bắc, về Hà nội hay Bắc Ninh lập tức có tin báo để công an hộ khẩu ngoài ấy tiếp cận và gây phiền. Thậm chí vợ tôi đưa tôi ra Hà nội chữa bệnh, khi đi đã cẩn thận báo tổ trưởng dân phố, khi về vẫn bị công an hoạnh họe phạt tiền cả hai vợ chồng (quả thực lúc ấy tôi chỉ mong được tự do đi lại bằng thời Pháp thuộc).

2/ Bị điều tra xét hỏi liên miên từ những sinh hoạt dân sự chính đáng:
- Năm 1990 tôi ra Hà nội, khi đến thăm bà mẹ chị Dương Thu Hương liền bị câu lưu hỏi cung 10 ngày.

- Tôi photocopy một lá thư của ông Võ Văn Kiệt, một tài liệu đã đăng trên các trang Web và được doanh nhân Trình Quang Phú giới thiệu, tức là chẳng còn gì bí mật, mà bị quy tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, hỏi cung liền mấy tháng và đi tù một năm.

- Viết thư trao đổi với các ông Lê Hồng Hà và Hoàng Minh Chính mà bị quy tội “vi phạm luật xuất bản”, hỏi cung liền một tháng và tịch thu một dàn vi tính.

- Viết thư trao đổi với các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng để từ chối, không ký vào cái “kết ước năm 2000” và giải thích vì saoViệt Nam chậm đổi mới so với Đông Âu mà bị quản chế tại gia, hỏi cung suốt 8 tháng ròng rã và khởi tố tới tội “phản quốc” (cùng với ông Mai Thái Lĩnh), khám nhà tịch thu một dàn vi tính nữa! Vụ án bị hủy bỏ nhưng quản chế 2 năm, hàng tháng phải lên phường làm việc với công an!

Ngoài ra còn ba lần đấu tố tại phường và khu dân cư, những lần “mời làm việc” rải rác nhiều năm, tôi tính lại đã có trên 400 buổi bị hỏi cung và làm việc với công an, hỏi như vậy còn chi là đời một con người?

Gần đây, cùng với việc Việt Nam được bầu vào hội đồng phát triển và giám sát nhân quyền, trong nước có sự hình thành những tổ chức dân sự. Nhận thấy đó là sự phát triển của xã hội bình thường, giúp cho xã hội cân bằng, và được mời, nên tôi đã tham gia các hội đoàn như “diễn đàn xã hội dân sự”, “văn đoàn độc lập Việt Nam” … , đó là những hội có tính nghề nghiệp hoặc ái hữu, không phải những tổ chức chính trị, và ở đâu tôi cũng là một thành viên tích cực, ôn hòa, có lý có tình, không bao giờ quá khích.

Trở lại việc Cơ quan An ninh điều tra “mời” chúng tôi đến cơ quan công an để điều tra: theo quy định chung của luật thì chúng tôi có quyền mời luật sư ngay từ đầu và chỉ làm việc khi có luật sư, nhưng quyền tối thiểu ấy chưa bao giờ được thực hiện. Trong vụ quy kết tôi và ông Mai Thái Lĩnh tội “phản quốc” năm 2000, tôi đến Viện Kiểm sát Lâm Đồng đòi quyền có luật sư thì được trả lời: luật quy định thế nhưng mời luật sư cũng chẳng hơn gì vì luật sư trong nước thì cũng phải cãi theo luật Việt Nam nên cũng phải nói như công an và Viện kiểm sát thôi ông ạ (!). Thật hết biết.

Nếu tạm gác quyền ấy, tạm chấp nhận cơ quan điều tra có quyền mời một người lên để điều tra về một việc gì đó khi không có luật sư, nhưng giấy mời vẫn phải ghi rõ điều tra về vụ việc gì, vì mời làm việc phải có lý do ngay lúc đặt vấn đề. Lại nhớ năm 2000 công an đến đọc lệnh khám nhà, tôi hỏi lý do gì mà khám nhà vì khám nhà là việc rất hệ trọng, công an bảo “cứ khám nhà, sau 10 phút sẽ biết lý do, ông định chống người thi hành công vụ hả?” Đúng là luật pháp lộn ngược!.

Lại cứ rộng lượng, tạm cho phép cứ viết giấy mời làm việc mà chưa cần nói lý do, công an có thể viện cớ này cớ khác để giải thích với một người mới một lần, hay một vài lần bị mời. Nhưng, với một người đã bị làm việc và hỏi cung trên 400 buổi, đã bị quy đến tội “phản quốc” mà cuối cùng vụ án phải hủy vì sự quy kết chỉ là tầm bậy thì mọi lý sự quen dùng như vậy cũng đã thành vô nghĩa, mất thiêng, không thể chấp nhận. Vậy, với tư cách một người đã bị “điều tra” trải dài trên 20 năm, lại đang trong thời gian chữa bệnh, là bệnh nhân đang điều trị ngoại trú (bệnh mắt, bệnh tim, tiểu đường và u xơ tiền liệt), tôi xin giữ quyền của một con người có ý thức, khước từ lời “mời” buộc phải đến  làm việc như giấy mời trên.

Chúng ta có cách giải quyết tốt hơn nhiều, đừng cố biết chuyện dân sự thành hình sự. Nếu có điều gì cần trao đổi cho rõ, xin mời đến nhà, mặc dù không thích thú gì nhưng tôi sẵn sàng trao đổi trong sự tôn trọng, vì lợi ích chung, mọi việc tôi làm đều công khai minh bạch, không có gì phải dấu giếm. Cư xử với nhau như vậy hẳn là có lý có tình hơn, nếu chúng ta còn muốn có lý có tình. Xin trân trọng trao đổi hết nhẽ như vậy.

Đà Lạt ngày 22-3-2014
H.S.P

 

Phong trào dân chủ Việt Nam trước vận hội lớn


Nguyễn Vũ Bình - Phong trào Dân chủ Việt Nam đã có sự phát triển và mở rộng vượt bậc trong mấy năm vừa qua. Sự phát triển của phong trào Dân chủ (PTDC) cả về số lượng người tham gia, cũng như những bước tiến về chất đã làm nức lòng cả những người khó tính nhất. Những biến đổi lớn của PTDC đã đến kịp lúc tình hình của đất nước có những dấu hiệu cho một sự chuyển đổi cơ bản và toàn diện: sự cạn kiệt nguồn lực để duy trì hệ thống độc tài toàn trị của chế độ Cộng sản Việt Nam. Phong trào Dân chủ Việt Nam sắp sửa hiện thực hóa lý tưởng theo đuổi trong mấy chục năm qua, tự do cho người dân và Dân chủ cho toàn xã hội.

I/ NHỮNG BƯỚC TIẾN LỚN CỦA PHONG TRÀO DÂN CHỦ NHỮNG NĂM QUA

Trong những năm qua, PTDC Việt nam đã có những bước tiến lớn, vượt bậc. Có thể nhận thức được quá trình phát triển của PTDC qua các phương diện sau.

1/ Sự bùng nổ số lượng người tham gia vào PTDC Việt Nam

Có thể nói, điều dễ nhận biết nhất về sự phát triển của PTDC là việc bùng nổ số lượng người tham gia vào PTDC. Bất kể ai, từ những người tham gia phong trào dân chủ, hoặc chỉ quan tâm tới PTDC cũng đều hết sức vui mừng vì số lượng người tham gia vào PTDC có sự tăng trưởng vượt bậc, đột biến. Từ những năm 2000, số lượng người tham gia vào PTDC rất ít. Không có một sự thống kê nào, nhưng trong phạm vi quan sát của tôi khi đó, địa bàn Hà Nội có khoảng vài ba chục người. Đó là những người có bài viết ghi rõ họ tên, địa chỉ và họ thường xuyên qua lại gặp gỡ nhau trao đổi quan điểm, bài viết. Số lượng người quan tâm, ủng hộ nhiều hơn rất nhiều, thể hiện bằng số lượng các bài viết đã được phát tán trong thời kỳ đó.

Một thời điểm khác trong quá khứ, cũng có sự gia tăng về số lượng người tham gia, đó là giai đoạn 2005-2006. Rải rác theo các năm sau đó, số lượng người tham gia ngày càng tăng lên. Nhưng sự đột biến, bùng nổ về số lượng người tham gia PTDC, phải từ năm 2011 trở lại đây. Có thể nói, ngoài sự bùng nổ về số lượng người tham gia PTDC thì thành phần tham gia cũng vô cùng đa dạng, phong phú và hầu như không thiếu một khía cạnh, lĩnh vực nào của cuộc sống: nam, nữ; già trẻ, trí thức, công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên, cán bộ, viên chức người của các tôn giáo…Một điểm nhấn về thành phần tham gia PTDC Việt Nam trong mấy năm vừa qua, đó là giới trẻ, thanh niên sinh viên. Đây là thành phần rất quan trọng bởi sự sáng tạo và sức lan tỏa của thanh niên trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay... không nghi ngờ gì nữa, đó là sự thức tỉnh của toàn dân tộc mong muốn tự do cho cá nhân và cho toàn xã hội.

2/ Sự kết hợp trong PTDC rất đa dạng, phong phú và có bước tiến về chất

Gia đoạn ban đầu của PTDC, mối liên hệ, sự kết hợp của những người đấu tranh dân chủ chỉ là sự kết hợp của quan điểm, của lý luận và một phần rất nhỏ sinh hoạt trong cuộc sống. Các chiến sĩ dân chủ gặp gỡ nhau, trao đổi các bài viết, các quan điểm, tình hình xung quanh các vấn đề lý luận và đấu tranh chính trị. Sự kết hợp có mục đích của những người đấu tranh là những sự kết hợp về chính trị, hoặc có khuynh hướng chính trị rõ rệt. Ví dụ, thời kỳ 2001 là việc chuẩn bị tổ chức thành lập Hội Chống Tham nhũng... hoặc giai đoạn 2006, đó là việc thành lập các đảng phái, tổ chức Công đoàn, các Khối xã hội như 8406... thành phần tham gia khi đó, phần lớn là những người có khuynh hướng chính trị và cũng tập trung vào các mục tiêu chính trị. Cũng chính vì số lượng người hạn chế, mục tiêu khi tham gia và đấu tranh mang khuynh hướng chính trị, trong bối cảnh người dân chưa thức tỉnh được bao nhiêu, nên những sự kết hợp chưa thực sự mang lại hiệu quả. Một phần PTDC bị đàn áp, một phần những mục tiêu kết hợp đó chưa đi vào cuộc sống, nên PTDC đã có những khó khăn nhất định, và có những giai đoạn trầm lắng. Tuy nhiên, giai đoạn sau này, bắt đầu từ cuối năm 2007 trở lại đây, bằng việc khởi phát việc biểu tình chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc âm mưu thôn tính Hoàng Sa, Trường Sa, PTDC đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của những kết hợp dân sự. 

Quá trình thai nghén cho những kết hợp dân sự cũng là giai đoạn PTDC gặp khó khăn và trầm lắng. Những kiến nghị tập thể có số lượng lớn người tham gia, kết hợp tất cả các thành phần xã hội trong và ngoài Đảng, Nhà nước; người ở trong nước và người Việt hải ngoại... đó là các kiến nghị như Bô-xít; Kiến nghị 72... Đồng thời có sự kết hợp dân sự như các Câu lạc bộ bóng đá FC Hoàng Sa, Trường Sa, Viện IDS (Viện nghiên cứu xã hội độc lập).

 Đó là những bước đầu manh nha cho các kết hợp dân sự. Từ những bước đi cơ bản đó, sự kết hợp dân sự dần lớn mạnh từng bước, Mạng Lưới Blogger, nhóm Nhật Ký Yêu nước ra đời... Và sau này có sự bùng nổ những kết hợp dân sự: Hội Anh Em Dân chủ, Phụ Nữ Nhân Quyền, Hội Bầu Bí tương thân, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, sắp tới còn có Hiệp Hội Dân Oan, Văn Đoàn độc lập... Đó là bước tiến tuyệt vời của PTDC. Những sự kết hợp này, rút kinh nghiệm giai đoạn trước đây, được thành lập lặng lẽ, kín đáo và quan trọng nhất là không tổ chức bộ máy ngay từ đầu, không trụ sở, ban đầu chủ yếu trên mạng và hướng tới các mục tiêu dân sự. 

Như vậy, với sự kết hợp này, PTDC đã tránh được sự đàn áp và đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả đi vào cuộc sống của người dân. Đây là bước tiến quan trọng của PTDC, nó có biến đổi về chất so với giai đoạn trước đây, đó là công cuộc đấu tranh dân chủ đã đi vào cuộc sống của người dân. Sự kết hợp trong phong trào dân chủ còn được thể hiện bởi những liên hệ, liên kết giữa các thế hệ đấu tranh, sự hợp tác liên kết giữa các thành phần đấu tranh. Đó là sự liên kết giữa trí thức và công nhân, nông dân, thanh niên sinh viên, giữa những người theo và không theo tín ngưỡng, giữa các tôn giáo cũng có sự kiên kết, hợp tác đấu tranh.

3/ Sự sáng tạo trong các hoạt động đấu tranh Dân chủ

Không chỉ sáng tạo trong sự kết hợp, những người tham gia PTDC còn rất sáng tạo trong các hoạt động đấu tranh. Trước đây chúng ta chứng kiến những hoạt động đấu tranh thực tế, trực diện như căng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi truyền đơn. Tuy nhiên, những hoạt động có khuynh hướng chính trị đó vừa không có hiệu quả cao, vừa bị đàn áp nặng nề. Một vài năm trở lại đây, các hoạt động thực tiễn, trực diện cũng thay đổi nội dung và cách thức tiến hành. Đó là việc phát bóng bay Nhân quyền, Cẩm nang Nhân quyền đến tận tay người dân. Một hoạt động rất sáng tạo và vô cùng hữu ích, ý nghĩa đó là hoạt động “đòi người”. 

Khi một người hoặc một nhóm người bị bắt, câu lưu những người ở bên ngoài tập hợp đến địa điểm công an giam giữ đề nghị được gặp gỡ, đòi thả người và các yêu cầu chính đáng theo pháp luật hiện hành. Hoạt dộng này thực sự sáng tạo và ý nghĩa. 

Trước hết, làm yên tâm những người đấu tranh Dân chủ đang bị cầm giữ, họ biết họ không lẻ loi, không bị bỏ rơi và có sự tương trợ kịp thời, hữu hiệu của những người cùng đấu tranh. Mặt khác, hoạt động này tạo áp lực rất mạnh lên nhà cầm quyền và những người thực thi việc bắt giữ, hạn chế rất nhiều những sự đàn áp phi pháp như trước đây. 

Một hoạt động rất sáng tạo và ý nghĩ nữa cũng được những thành viên trẻ tuổi tham gia PTDC thực hiện, đó là trao các bản kiến nghị phản đối các điều luật phi nghĩa (như 258) tới các cơ quan, tổ chức nhân quyền quốc tế. 

Cùng với sự lên tiếng của nhiều người, nhiều tổ chức trong và ngoài nước, hoạt động của Mạng Lưới Bloger đã góp công lớn để thế giới đánh giá chính xác hơn tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Còn rất nhiều những hoạt động của PTDC thể hiện sự sáng tạo trong đấu tranh Dân chủ như : Dã ngoại nhân quyền, thảo luận nhân quyền, đồng hành tuyệt thực cùng tù nhân lương tâm, tổ chức những buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho tù nhân lương tâm, tham gia các buổi xử án những người đấu tranh Dân chủ, biểu tình chống Trung Quốc, tưởng niệm liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung.... Có thể nói, khi công cuộc đấu tranh Dân chủ đi vào được cuộc sống của người dân, chúng ta sẽ còn tiếp tục được chứng kiến những hoạt động vô cùng sáng tạo và ý nghĩa của những người tham gia mà số lượng ngày càng tăng với thành phần ngày càng rộng mở.

4/ Định hình một Xã hội Dân sự ngay trong lòng chế độ độc tài toàn trị

Xã hội Dân sự là khái niệm chỉ sự kết hợp tự nguyện của người dân (không liên quan tới hệ thống chính quyền) để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau hoặc bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của các thành viên tham gia. Trong các xã hội bình thường, sự kết hợp này hoàn toàn tự do và rất phổ biến, tự nhiên. 

Trong các chế độ độc tài quân sự hoặc độc tài cá nhân thì sự kết hợp của người dân cũng chỉ bị hạn chế một phần chứ không bị cấm đoán hoàn toàn hoặc bị đàn áp và tiêu diệt. Tuy nhiên, dưới các chế độ Cộng Sản, hệ thống độc tài toàn trị thì Xã hội Dân sự bị ngăn cấm triệt để và tất cả các biểu hiện, dấu hiệu của sự kết hợp tự nguyện của người dân đều bị đàn áp và xóa sổ ngay lập tức. Lý do là các chế độ Cộng sản không muốn người dân quan tâm, yêu thương và chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Họ ngăn chặn từ gốc rễ các kết hợp dân sự, cơ sở và nền tảng của các kết hợp xã hội, chính trị. 

Chính vì vậy, trong mấy năm vừa qua, PTDC đã thiết lập và định hình được một xã hội Dân sự trong lòng chế độ độc tài toàn trị là một thành công vượt bậc, nằm ngoài dự liệu của mọi người. Sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đấu tranh dân chủ, giữa người đấu tranh dân chủ với Dân Oan, giữa các thành viên trong các hội, nhóm sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa ra toàn xã hội. Điều quan trọng nhất, những kết hợp của người dân, trên cơ sở của Xã hội Dân sự vừa manh nha sẽ ngày càng phát triển và không thể đảo ngược.

Trong giai đoạn hiện nay, sự kết hợp, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong PTDC còn là bà đỡ cho những đột biến trong nội bộ đảng Cộng sản VN. Khi một cá nhân, hoặc một nhóm trong đảng, thức tỉnh và đứng về phía nhân dân sẽ nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ, quan tâm và giúp sức của truyền thông “lề trái” và PTDC. Ngoài ra, một ý nghĩa rất quan trọng về lâu dài, xã hội dân sự phát triển là nền tảng cho một xã hội dân chủ lành mạnh sau này.

Đi vào tìm hiểu nguyên nhân của những thay đổi quan trọng, bước tiến lớn về chất của PTDC trong những năm qua, chúng ta thấy có sự tương tác của những phương diện và hoàn cảnh sau.

- Sự bùng nổ thông tin và khả năng truyền dẫn thông tin. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, cốt lõi nhất, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chúng ta đều biết, các xã hội Cộng sản nói chung và Cộng sản Việt Nam nói riêng, sự tồn tại, tác oai tác quái của họ dựa trên bạo lực và tuyên truyền, bưng bít thông tin, bịp bợm và dối trá. Đối với các chế độ Cộng sản, sự thật như ánh sáng ban ngày đối với lũ yêu ma, quỷ quái. Họ tìm mọi cách, mọi giá và mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của chế độ. 

Chính vì vậy, sự bùng nổ của Internet, và nhất là sự bùng nổ của Facebook (phương thức truyền dẫn thông tin đặc biệt) như những ánh chớp xé tan màn đêm u tối của chế độ độc tài toàn trị, phơi bày tất cả những ngóc ngách tối tăm nhất của hiện thực kinh hoàng mà chế độ cố gắng che dấu. Khi sự thật đã không còn che dấu được nữa, các chế độ Cộng sản chắc chắn sẽ phải đối diện với hai khả năng, tự thay đổi hoặc sẽ bị đào thải.

- Hiện thực tiêu cực và nghịch lý cuộc sống đã tác động tích cực tới nhận thức của người dân. Một số lượng không nhỏ những người tham gia vào PTDC chính là nạn nhân của chế độ dưới nhiều hình thức. Đó là những người bị mất đất đai, bị oan khuất, nạn nhân sự lạm dụng quyền lực…vv. Mặt khác, sự bùng nổ thông tin, sự thật được phơi bày, đến lượt nó tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân, trước hết là tầng lớp trí thức. Điều này làm thức tỉnh phần lớn những người có lương tâm, dẫn dắt họ tìm hiểu và tự nhận thức ra được vấn đề. Khi đã nhận thức được vấn đề, sự quan tâm, tham gia vào trào lưu tiến bộ của xã hội chỉ còn là vấn đề thời gian.

- Những cố gắng nỗ lực trong nội bộ PTDC Việt Nam. Nói gì thì nói, sự phát triển của PTDC có công đóng góp quan trọng và quyết định của bản thân PTDC. Những cố gắng không biết mệt mỏi của rất nhiều người đấu tranh trong nước, hải ngoại, các tổ chức hải ngoại và tất cả các thành phần tham gia âm thầm vào PTDC đã đem lại sự phát triển vượt bậc của PTDC những năm qua. Những trào lưu của thế giới và sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng là động lực quan trọng thúc đẩyquá trình phát triển của PTDCVN. Sự sáng tạo trong kết hợp, trong các hoạt động đấu tranh dân chủ của những người đấu tranh dân chủ là điểm nhấn quan trọng giúp tạo ra sự biến đổi về chất của PTDCVN.

Những thành tựu của Phong trào Dân chủ Việt nam trong những năm qua đã tạo ra những điểm nhấn và ý nghĩa lớn để phong trào tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Cần ghi nhớ những ý nghĩa quan trọng này.

* Phong trào Dân chủ Việt Nam đã bén rễ vào cuộc sống, ngày càng phát triển và không thể đảo ngược

* Xã hội dân sự hình thành và phát triển làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế dân chủ sau này

* Sự phát triển của phong trào Dân chủ và xã hội dân sự thúc đẩy sự thức tỉnh và biến động trong nội bộ đảng Cộng sản VN.

II/ PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM TRƯỚC VẬN HỘI LỚN

Vận hội lớn đã được trình bày trong các bài viết trước đây, chúng ta không nhắc lại. Phong trào Dân chủ Việt Nam phải chuẩn bị và làm gì, khi những diễn biến thuận lợi của tình hình đất nước sẽ đưa tới những khả năng như: nền kinh tế sụp đổ, sự biến động trong nội bộ ĐCSVN dẫn tới khả năng tự vỡ, chia tách trong đảng, hoặc đột biến xã hội dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Cộng sản. Dựa vào những nghiên cứu về PTDC và những diễn biến tình hình, PTDC cần chú ý hoàn thiện trên những phương diện sau.

1/ Thống nhất nhận thức về lý tưởng, mục tiêu và phương thức chung của PTDC

Không cần nói nhiều về lý tưởng, chúng ta đều biết, những người tham gia đấu tranh dân chủ trước hết là tự giải phóng mình “nói những điều mình nghĩ, làm những gì mình cho là đúng”. Sau đó là lý tưởng giải phóng cho toàn thể người dân được tự do, đất nước có dân chủ. Mục tiêu cuối cùng, hay mục đích là phấn đấu cho một xã hội Dân chủ và giàu mạnh, thể chế dân chủ cũng chỉ là phương tiện cho mục đích cuối cùng này. 

Tuy nhiên, khi đi vào phương thức đấu tranh của PTDC có rất nhiều sự khác biệt, nhầm lẫn và mâu thuẫn. Mọi người đều thống nhất, cần phải thay đổi chế độ Cộng sản, độc tài toàn trị ở Việt Nam bằng một thể chế dân chủ, đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập. Như vậy, PTDC thực hiện việc đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ Cộng sản, đồng thời xây dựng thể chế dân chủ. Ở vế thứ nhất, xóa bỏ chế độ độc tài là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Trước hết là việc xác định vai trò của PTDCVN, sau đó là phương thức để thực hiện vai trò đó. Có thể có hai vai trò trong tiến trình xóa bỏ cơ chế độc tài toàn trị:

1- PTDCVN là chủ thể, có tác động quyết định tới việc giải thể chế độ; 

2- PTDCVN có những tác động quan trọngtrong việc giải thể, sụp đổ của chế độ CSVN.

Trong trường hợp PTDCVN là chủ thể, có tác động quyết định tới việc giải thể chế độ CSVN thì đương nhiên, PTDC phải được tổ chức tốt, động viên được quần chúng nhân dân, đấu tranh bằng nhiều biện pháp, phương pháp và dồn ép chế độ CSVN phải đi tới chỗ thỏa hiệp, bắt buộc phải chấp nhận sự hiện diện của PTDC như một lực lượng chính trị, đồng ý chuyển sang chế độ dân chủ, đa nguyên đa đảng. 

Muốn làm được điều này, PTDC phải có một hoặc nhiều tổ chức chính trị, đảng phái theo đúng nghĩa ngay trong nước, và các tổ chức đó phải được đông đảo người dân tham gia và động viên được người dân tham gia vào công cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức như biểu tình, bãi công, bãi thị,vv… Và một quá trình đấu tranh lâu dài với nhà cầm quyền, kết hợp với sức mạnh ủng hộ của quốc tế dồn ép chế độ, bắt buộc phải thỏa hiệp và thay đổi chế độ.

Đối chiếu với PTDCVN hiện nay, chúng ta chưa có một tổ chức chính trị đúng nghĩa nào, và cũng chưa biết đến khi nào sẽ có. Mặt khác, khi có tổ chức chính trị rồi, chúng ta cũng phải tập hợp được quần chúng, phải đấu tranh lâu dài, cam-go và toàn diện. Như vậy, có thể kết luận PTDC hiện nay không thể là chủ thể và có tác động quyết định tới việc giải thể chế độ hiện thời. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần người dân không sợ hãi, đứng lên giải thể chế độ là xong. Đây là ý kiến quá hời hợt và giản đơn. Chúng ta cần hiểu rằng, chế độ CSVN là một thể chế chính trị, là một lực lượng vật chất. Họ có trong tay một đảng CS với kinh nghiệm trên 80 năm đấu tranh chính trị trong mọi hoàn cảnh, có quân đội, có cảnh sát, công an, có lực lượng 30-40 triệu người hưởng lợi từ thể chế này.

 Chỉ có một lực lượng vật chất mới đánh đổ được một lực lượng vật chất khác. Quay ngược lại quá khứ, thời điểm năm 1945, đảng CSVN khi đó thành lập được 15 năm, có trên 5000 đảng viên, ngoài ra còn có sự ủng hộ, giúp sức của người dân. Vậy mà cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, và cũng phải dựa vào sự “nhanh mắt, nhanh tay”, biến cuộc biểu tình của công chức, viên chức Hà Nội vào ngày 19/8 thành cuộc Tổng khởi nghĩa, họ mới giành được chính quyền từ tay một chế độ vừa thành lập chưa được một năm. 

Có một khả năng có thể xảy ra, chúng ta cũng không nên ngộ nhận. Đó là, có những biến động về kinh tế hoặc xã hội, người dân vùng lên lật đổ chế độ. Trong quá trình này, có sự giúp sức của PTDC Việt Nam hiện thời, ví dụ kết nối, kêu gọi và tham gia cùng người dân thì chúng ta cũng không thể nói đó là PTDC có tác động quyết định đến sự sụp đổ của chế độ được. Đó là quá trình tự sụp đổ của chế độ, do sự rữa nát từ bên trong, và đến giờ phút cuối cùng, cũng không duy trì được quyết tâm và kỷ luật để khống chế được tình hình, chứ không phải do PTDC tổ chức được người dân đứng lên lật đổ chế độ.

Như vậy, chúng ta buộc phải công nhận với nhau một điều, PTDC Việt Nam có tác động quan trọng tới quá trình sụp đổ của chế độ Cộng sản VN hiện nay. Thực tế sự vận động của PTDC trong mấy năm qua cũng xác lập xu hướng này. Trước đây, các hoạt động của PTDC thường có mục tiêu hoặc khuynh hướng chính trị rõ rệt. Nhưng những năm gần đây, PTDC đã chuyển hướng sang các hoạt động dân sự, những sự kết hợp hướng tới các sinh hoạt dân sự. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn chính trị Việt Nam hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức vai trò của PTDC Việt Nam, phương thức hoạt động của PTDC cần tập trung vào những vấn đề chính yếu sau.

- Tiếp tục phát triển các hoạt động của PTDC, thúc đẩy phát triển xã hội dân sự trên nhiều phương diện, khía cạnh của cuộc sống.

- Trên cơ sở xã hội dân sự định hình và phát triển, chúng ta cũng hướng các tổ chức, các hoạt động tới khuynh hướng chính trị, bởi vì việc hình thành và phát triển các tổ chức chính trị còn cần thiết cho cả tiến trình xây dựng thể chế chính trị dân chủ sau này.

- Thiết lập mối liên hệ giữa các hoạt động của Xã hội dân sự với các lực lượng tiến bộ trong nội bộ đảng CS và hệ thống nhà nước VN. Thúc đẩy sự thức tỉnh và sự ủng hộ các sinh hoạt, tiếng nói tiến bộ trong hệ thống đảng, chính quyền hiện nay.

2/ Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc trong tiến trình đấu tranh và xây dựng thể chế Dân chủ

Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc là việc nhận thức điểm chung của chúng ta đều là người Việt Nam và mong muốn có một tương lai tốt đẹp cho người dân và đất nước Việt Nam. Trong quá khứ, với những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, những người Việt Nam đã chia rẽ, mâu thuẫn và tàn sát lẫn nhau. Sau khi trải qua những thăng trầm lịch sử, chúng ta hiểu rằng, đó là những giai đoạn đặc thù, những người Việt Nam có chung nguồn gốc, tổ tiên và một quốc gia, dân tộc cùng phấn đấu cho một tương lai chung, tốt đẹp cho con người và đất nước Việt Nam. 

Chúng ta bắt tay hòa giải để xây dựng tương lai chung đó. Tiến trình hòa giải và xây dựng tương lai chung sẽ tạo ra sự hòa hợp dân tộc đưa tới những kết quả tốt đẹp nhất. Thời gian vừa qua, chúng ta nhận thấy cả hai phía PTDC và nhà cầm quyền VN đều đề cập tới vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Phải khẳng định rằng, đối với nhà cầm quyền Việt Nam, đó là chiêu bài để thu hút các nguồn lực của người Việt hải ngoại, phục vụ cho mục tiêu duy trì thể chế độc tài toàn trị. Còn về phía PTDC, hay các tổ chức đối lập tại hải ngoại, đó là tư tưởng mới, tiến bộ. Tuy nhiên khi đề cập tới vấn đề này, các nhà lý luận mới chỉ đề cập tới khía cạnh lý thuyết, lý tưởng của triết lý hòa giải và hòa hợp dân tộc. Nếu như đặt vấn đề tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc chính là nhu cầu của thực tiễn, phân tích và đối chiếu với thực tế, thì sẽ có sức thuyết phục cao hơn. 

Trong tiến trình đấu tranh dân chủ, chúng ta cần sự hòa giải, hòa hợp ngoài lý tưởng cao đẹp và đúng đắn, thì thực tế tình hình cũng đòi hỏi như vậy. Những người trong nội bộ ĐCS và nhà nước VN thức tỉnh, tham gia vào công cuộc đấu tranh chung của PTDC, chúng ta hoan nghênh, ủng hộ và hợp tác với họ. Chúng ta không thể nói rằng, họ là Cộng sản, họ xuất phát trong lòng chế độ Cộng sản mà không hợp tác với họ. Ngược lại, những người này, cũng không thể nói rằng không hợp tác với những người Việt hải ngoại vì quan điểm xưa cũ của cộng sản, những người hải ngoại là ngụy quân, ngụy quyền... v.v...

Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc rất quan trọng trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ sau này. Xuất phát từ đòi hỏi, nhu cầu của thực tiễn, chúng ta buộc phải hợp tác, làm việc cùng nhau giữa các lực lượng chính trị, con người với những quá khứ mâu thuẫn, thậm chí là kẻ thù của nhau. Một viễn cảnh của tương lai, khi chuyển đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ, nếu xảy ra trong tương lai gần, hệ thống chính trị dân chủ chắc chắn phải sử dụng và hấp thụ một số lượng không nhỏ những người trong hệ thống chế độ cũ, bởi vì chế độ mới chưa thể chuẩn bị đủ nhân sự cho một hệ thống chính quyền trên toàn quốc. Mặt khác, nếu sự thay đổi diễn ra, các lực lượng chính trị mới nếu tập trung ngay vào việc thanh toán quá khứ, sẽ dẫn tới tình trạng hoảng loạn, hỗn loạn và là trở ngại rất lớn cho việc xây dựng thể chế dân chủ của đất nước.

Như vậy, nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn bắt buộc phải có tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Điều quan trọng là, nếu chúng ta nhận thức và thấm nhuần tinh thần cao đẹp này, thì việc thực hiện sẽ dễ dàng, thuận lợi và tự nhiên hơn rất nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc, tương lai của đất nước sẽ sáng sủa hơn trong tiến trình phát triển sau này.

3/ Xác định tương quan lợi ích của sự nghiệp chung với đoàn thể và cá nhân

Trong quá trình đấu tranh dân chủ, rất nhiều người đã gia nhập các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước. Việc đấu tranh sẽ là kết hợp mối quan tâm, tương quan lợi ích của cá nhân, với đoàn thể và PTDC nói chung. Có nhiều sự việc, công việc khi sự tham gia của cá nhân luôn bảo đảm hài hòa các lợi ích của bản thân, đoàn thể cũng như sự nghiệp chung của PTDC. Tuy nhiên, có những sự việc, công việc mà khi chúng ta tham gia hoặc không tham gia sẽ có những khác biệt hoặc mâu thuẫn về lợi ích. Ví dụ như, có một cá nhân hay một tổ chức không phải của mình, đưa ra các dự án, công việc chung cho PTDC mà các dự án, công việc đó có lợi cho PTDC, chúng ta có tham gia không và tham gia như thế nào? Hoặc chúng ta có tiếp tay phổ biến những sự kiện, bài viết của các cá nhân, tổ chức khác có lợi cho PTDC một cách vô tư hay không? Có một tình trạng, tuy không phổ biến nhưng rất điển hình, nếu các dự án, công việc của các tổ chức, cá nhân khác không phải của tổ chức mình thì nhiều tổ chức, cá nhân khác không quan tâm, tham gia hoặc hỗ trợ, giúp đỡ. 

Chúng ta cần có quan điểm đúng đắn về vấn đề tế nhị này. Trước hết, việc chúng ta tham gia đấu tranh dân chủ xuất phát từ mối quan tâm cho mục đích chung, mong muốn xóa bỏ độc tài, dân chủ hóa đất nước. Vậy thì, khi có những công việc, sự việc có lợi cho sự nghiệp chung, chúng ta cần tham gia, thực hiện hoặc hỗ trợ, giúp sức tùy vào khả năng của mình. Những lợi ích của đoàn thể hoặc cá nhân cần phải được đặt trong lợi ích to lớn của sự nghiệp chung. Nếu chúng ta không chung tay, góp sức (trong những việc không phải của tổ chức mình khởi xướng, thực hiện) thì người khác hoặc tổ chức khác cũng sẽ làm như vậy với các công việc của tổ chức mình. Và khi đó công việc chung, sự nghiệp chung sẽ bị ảnh hưởng. Một khi sự nghiệp chung không tiến triển được, sự tồn tại và hoạt động của các tổ chức không còn nhiều ý nghĩa.

Một trong các việc quan trọng, vì sự nghiệp chung của PTDC đối với các cá nhân và đoàn thể, đó là giữ gìn sự đoàn kết. Chúng ta đều biết, đoàn kết là sức mạnh, nhà cầm quyền VN cũng biết điều đó và họ chủ trương phá hoại sự đoàn kết trong PTDC từ rất sớm và rất thâm hiểm. Nếu chúng ta, vì sự nghiệp chung của PTDC, thì không bao giờ chúng ta đặt vấn đề nghi ngờ công khai một cá nhân, một đoàn thể nào khi mà chúng ta không có đầy đủ bằng chứng xác thực. 

Chúng ta cũng không thể công khai đặt nghi ngờ cá nhân, đoàn thể hoặc hoạt động của họ bằng những suy luận không có căn cứ xác đáng. Ví dụ, có người nói rằng, an ninh cài người này, người kia hoặc an ninh xui khiến làm việc này việc kia để từ đó họ có cớ, có lý do để đàn áp. Nếu chúng ta không có chứng cứ xác thực, chúng ta không được phép công khai những nghi ngờ, chỉ trích sẽ gây chia rẽ và mâu thuẫn trong nội bộ PTDC, trực tiếp làm suy yếu PTDC. Một vấn đề nữa, chúng ta biết rằng, việc cài cắm người và không chế những người đấu tranh dân chủ làm việc cho an ninh là có thật và không phải là ít. 

Nhưng khi chúng ta không biết đích xác, không có chứng cứ xác đáng, chúng ta không được phép công khai nêu lên những nghi ngờ đối với những cá nhân, tổ chức nào đó. Tóm lại, đặt sự nghiệp chung lên trên các lợi ích cá nhân, đoàn thể chúng ta sẽ có được phương thức ứng xử, hoạt động phù hợp, không làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của PTDC.

4/ Trang bị kiến thức, nhận thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ

Đây là vấn đề rất quan trọng, đối với mỗi cá nhân tham gia PTDC cũng như các tổ chức đoàn thể và PTDC nói chung. Trên bình diện chung, khi nhiều người trong chúng ta có kiến thức, nhận thức đúng đắn về tự do, dân chủ về phương thức tổ chức xây dựng thể chế dân chủ, chúng ta sẽ lựa chọn được những dự án hiệu quả và những con người có đầy đủ trình độ để thực hiện các dự án đó. Xét dưới góc độ cá nhân, vấn đề trau dồi kiến thức, nhận thức về tự do, dân chủ cũng vô cùng quan trọng. 

Nếu một cá nhân tham gia đấu tranh dân chủ, sau này có điều kiện và cơ hội tham gia trực tiếp vào xây dựng thể chế dân chủ tương lai, thì những kiến thức, nhận thức đúng đắn về tự do-dân chủ đó sẽ giúp cho cá nhân đó tìm ra được những phương pháp, phương thức, các nội dung đúng đắn, thiết thực và hiệu quả để xây dựng nên thể chế dân chủ tốt đẹp trong tương lai. Nếu cá nhân không có điều kiện và cơ hội tham gia trực tiếp xây dựng thể chế dân chủ, thì với các kiến thức, nhận thức có được cũng giúp cá nhân hỗ trợ, lựa chọn và ủng hộ những dự án hợp lý, khả thi.

Một điều cần nhấn mạnh, PTDC có những thành viên đấu tranh rất mạnh mẽ, tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, khía cạnh tự trau dồi kiến thức, nhận thức rất hạn chế và khó khăn (chúng ta rất lười đọc, lười nghiên cứu). Những hạn chế này sẽ có tác động tiêu cực trong tương lai, nếu chúng ta không kịp thời khắc phục. 

Chúng ta cần trang bị kiến thức về các vấn đề tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ không chỉ đem lại những lợi ích nêu trên, mà quan trọng hơn, chúng ta sẽ phổ biến cho người dân những kiến thức này. Một thể chế dân chủ vững mạnh và hiệu quả chỉ khi người dân thường tham gia xây dựng thể chế dân chủ và tự bảo vệ các quyền con người của mình. 

Muốn vậy, họ phải có được các kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng tự do dân chủ. Người dân chỉ có được những kiến thức và nhận thức này, nếu chúng ta, những người đi đầu và đấu tranh cho một thể chế dân chủ trong tương lai có được các kiến thức và phổ biến lại cho họ một cách chủ động và có ý thức.

Hà Nội, ngày 17/3/2014



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link