Monday, March 24, 2014

Khủng hoảng ở Crimea làm thay đổi thế giới


Khủng hoảng ở Crimea làm thay đổi thế giới

Thanh Mai: Dịch từ bài phỏng vấn nhà báo Jefim Fistejn đăng trên tạp chí Reflex số 11/2014.
Nhà báo Jefim Fistejn (sinh tại Kiev năm 1946), tốt nghiệp khoa Báo chí tại trường Tổng hợp Lomonosov, Moscow, từ năm 1969 sống tại Praha với nghề phiên dịch. Sau khi ký Hiến Chương 77, ông bị theo dõi và bị buộc phải lưu vong sang Vienne. Từ năm 1981, ông là bình luận viên chính trị của đài phát thanh Châu Âu Tự do.
Ở khắp mọi nơi trong xã hội Séc đang nổ ra các cuộc tranh luận gay gắt về nguyên nhân và hậu quả của cuộc khủng hoảng của Ucraine, và cũng như về tham vọng của nước Nga. Ông Jefim Fistejn, công tác viên của Reflex
là một trong những người am hiểu nhất về tình hình đã trả lời vắn tắn những câu hỏi đặc trưng nhất của tờ Reflex.
Jefim Fištejn (Ảnh: Marek Illiaš- rozhlas)

Phải chăng trên thực tế Crimea đã sát nhập vào Nga? Như vậy bản đồ chính trị của châu Âu đã được vẽ lại? (bài phỏng vấn được đăng trong Reflex ra ngày 13/3/2014, trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea)

Đối với tôi, việc nước Nga lấy lại Crimea là việc đã rồi. Vì Kremlin không thể xem xét lại quyết định của mình về việc sáp nhập bán đảo Crimea. Để làm được việc sáp nhập này, Kremlin đã thực hiện tất cả các bước cần thiết: ở đây có cả quyết định của quốc hội Crimea, cả quyết định tạm thời của Hạ viện Nga (cơ quan lâp pháp) sẽ tuân theo “ý nguyện của người dân Crimea”. Trên thực tế, vùng đất trên bán đảo Crimea đã bị quân đội chiếm giữ và vào thời điểm này, không gì có thể bác bỏ được thực tế này. Các đoàn thủy thủ và những gì còn lại của hạm đội tàu chiến Ucraine bị chặn giữ trong cảng sẽ bị giam giữ: hoặc họ sẽ bị giữ làm con tin dùng để trao đổi nếu cần, hoặc sẽ bị mang ra xử như những kẻ xâm lăng. Nghị quyết của Quốc hội về việc thay đổi thuộc tính nhà nước tại bán đảo Crimea đã có hiệu lực ngay lập tức, và cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 chỉ có thể phê duyệt, chứ không thể quyết định về số phận của Crimea. Cơn cuồng chiến ở Nga không cho phép Putin rút lui khỏi kịch bản này mà không bị mất mặt. Ông ta đã đầu tư vào cuộc phiêu lưu này quá nhiều vốn liếng chính trị. Tuy nhiên, tấm bản đồ được vẽ lại lần đầu thường sẽ không bao giờ là tấm bản đồ cuối cùng – cả ở châu Âu, và cả trên thế giới có quá nhiều nhà nước, mà chủ quyền của họ thường hay bị nghi ngờ, bởi vì nó chia đôi các dân tộc lớn. Nói một cách không thương tiếc thì hiện nay chúng ta đang trên ngưỡng của việc dùng bạo lực để phân chia lại hoàn toàn lãnh thổ giữa các nước. 

Xã hội phương Tây có thể làm thêm được điều gì để luật quốc tế được bảo đảm? 

Có thể có những khả năng như thế nào? Qua sự việc này, luật quốc tế đã bị phương hại một cách không thể cứu chữa, và không có vẻ gì là nó sẽ có thể được khôi phục lại khi không có một chiến lược rõ ràng và lâu dài của phương Tây, mà hiện nay vẫn còn chưa thấy đâu. Đối với thế giới, những hậu quả của tình trạng này là vô cùng tai hại. Luật lệ và những nguyên tắc của cuộc chơi sẽ có hiệu lực một khi hiệu lực đó có thể đòi lại được, và một khi có một thế lực nào đó có khả năng trừng phạt trong trường hợp hiệu lực đó không được tôn trọng. Ngày nay, không có thế lực nào như thế. Điều đó, trên thực tế, đồng nghĩa với sự sụp đổ của một trật tự vốn đã tồn tại từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. 

Về tổng thể, Crimea và Kosovo khác nhau như thế nào? 

Chủ thể của quyền tự quyết được ghi nhận trong Hiến chương của Hội đồng Liên hợp quốc và trong Hiến chương nhân quyền là các dân tộc. Chẳng tồn tại một dân tộc Crimea nào cả, và đã từ lâu dân tộc Nga đã thực thi quyền tự quyết của mình. Việc sáp nhập bất kỳ vùng đất nào vào một lãnh thổ khác sẽ là có thể, một khi có được sự đồng ý của nhà nước mà vùng đất nói trên muốn tách ra. Kosovo muốn sáp nhập vào Albania mà không được Serbia đồng ý, vì thế một nhà nước trung lập đã ra đời, và nhà nước đó được cộng đồng quốc tế công nhận chỉ với điều kiện là sẽ tồn tại một cách độc lập và trong giới hạn của chủ thể là liên bang. Crimea sáp nhập vào Nga không được Ucraine đồng ý. Bất chấp hiến pháp của Ucraine, trong điều kiện bị quân đội nước ngoài chiếm đóng và không hề có sự giám sát của các quan sát viên quốc tế. 

Ông nói sao về ý kiến cho rằng dù sao Crimea “ đã luôn luôn thuộc về Nga”? 

 Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự quốc tế được thiết lập trên một quan điểm hoàn toàn không quan tâm đến việc, cái gì lúc nào đã thuộc về ai, bởi vì không thể thiết lập một giới hạn mà chúng ta có thể coi là có tính quyết định, để xác định vùng đất nào thuộc về đâu. Crimea có 171 năm thuộc về Nga, có 60 năm thuộc về Ucraine. Sự khác biệt về thời gian có tính chất quyết định hay sao? Vậy thì sẽ nói sao với luận cứ cho rằng Crimea đã thuộc về Turkey trong một thời gian còn dài hơn thế, rằng ở đây còn có cả lãnh địa Crimean Tartar của Khan có trung tâm là thành phố Bachcisarai, rằng người Hy lạp đã sinh sống ở đây? Trên thế giới có hàng chục lãnh thổ, mà đường biên giới của chúng nhiều phần rất tình cờ, và không hiếm khi nó chia một sắc dân vào hai hoặc nhiều nước khác nhau. Nguyên tắc luật pháp vô cùng đơn giản: đường biên giới đã được công nhận là không được phép động đến. Một khi bắt đầu thay đổi đường biên để một dân tộc được đoàn tụ, chúng ta sẽ không biết phải dừng ở đâu. Việc lấy lại Crimea đã không tuân thủ theo nguyên tắc này, vì thế có nhiều người nhìn nhận sự việc này như khởi điểm của cuộc phân chia lãnh thổ một cách đầy hỗn loạn. 

Ông nói sao về luận cứ của nước Nga cho rằng đảo chính đã diễn ra ở Kiev, và mà đằng sau cuộc đảo chính đó là những người theo chủ nghĩa phát xít? 

Được đa số thông qua đúng theo hiến pháp, Quốc hội được thành lập dựa trên kết quả của lần bầu cử cuối cùng đã hạ bệ tổng thống Janukovic. Vì ngay sau đó Janukovic biến mất và tiếp tục mất tích cả trong mấy ngày sau đó, thỏa thuận về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc là không thể thực hiện được, đơn giản là không có ai để thỏa thuận. Ý định lập Janukovic lên lại sau khi ông ta bị chính đảng của mình coi là tội phạm, và bị Putin coi là xác chết chính trị là một điều không tưởng. Liệu chính phủ do cuộc bầu cử từ tháng Năm bầu ra có phải là chính phủ “phát xít” hay không thì không ai có thể biết trước. Đấy chỉ là một cách nói chữ mang tính tuyên truyền. Những thế lực mà bị lên án là theo chủ nghĩa quốc xã mới, hiện vẫn đang tồn tại trong tất cả các nước ở châu Âu. 

Ông có thể phác thảo những đặc điểm chính của chính phủ mới ở Kiev? Chính phủ đó có được tín nhiệm về mặt đạo đức và có tính chính danh ra sao? 

Một cách rõ ràng, chính phủ mới là chính phủ tạm thời. Chính phủ này không có và không thể có chính danh nào khác ngoài danh tính cách mạng. Chính tự thân chính phủ này cũng coi mình là nhà quản lý tạm thời của đất nước. Chính phủ gồm 4 phe: đảng Tổ quốc (Batkivshchyna) và đảng UDAR (Đảng liên đoàn dân chủ Ucraine chủ trương Cải cách) với những tuyên bố theo khuynh hướng phương Tây, đảng Tự do thiên về tinh thần dân tộc, và những người đại diện cho công chúng do những người biểu tình ở Majdan bầu ra. Hiện thời tất cả đều hành xử một cách cẩn trọng, tất cả đều tuyên bố trung thành với các giá trị của nền văn minh phương Tây. Về kết quả của cuộc bầu cử thì chúng ta chỉ có thể suy đoán. Xác suất của một chính phủ liên minh, nhiều phần theo phương Tây, là rất lớn. Độ tín nhiệm về mặt đạo đức của các bộ trưởng đương nhiệm rất khác nhau, tương quan với thời thế đầy xáo động và thậm chí không thể chờ đợi điều gì khác ở họ. 

Đặc tính của chế độ dưới thời Putin đã biến đổi như thế nào? Một số người Nga cho rằng đấy là một dạng “của nền dân chủ được điều khiến” 

Dưới thời Putin, những quan niệm mang tính ý thức hệ và là nền móng của chế độ, đã liên tục thay đổi. Một trong những quan niệm đó là nền dân chủ được điều khiến. Tác giả của thuật ngữ này là ông Gleb Pavlovskij, nhà kỹ nghệ trên phương diện chính trị (political technologist), sau năm 2010, ông chia tay với Putin và sau đó trở thành người phê bình Putin một cách không nhượng bộ. Ngày nay, quan niệm này đã lỗi thời. Xã hội vẫn do quyền lực điều hành, tuy nhiên những yếu tố dân chủ ngày càng mất dần. Pháp luật được ban hành trong hai năm cuối cùng đều nhằm để hạn chế các hoạt động dân chủ. Trên thực tế, quyền hội họp đã bị xóa bỏ hoàn toàn, Hạ viện Nga bị “bảo quản” trong tình trạng hiện nay không cho các chủ thể chính trị mới bất cứ cơ hội nào được xuất hiện. Bộ máy tư pháp đã mất đi mọi dấu hiệu mang tính hình thức chứng tỏ sự độc lập. Chế độ ngày càng thể hiện rõ các hình thức độc tài, diễn đàn của Hạ viện còn đề cử chức Tổng thống suốt đời. Ý thức hệ thực chất và duy nhất của chế độ là chủ nghĩa đế quốc. 

Ở Nga, khả năng phê phán chính phủ và Putin là như thế nào? Tự do ngôn luận ở đó ra sao? 

Một trong những xu hướng nguy hiểm nhất trong thời gian cuối đây – bên cạnh các điều luật chống dân chủ, quyền tự do ngôn luận bị hạn chế ngày càng rõ rệt hơn. Mới đây nhóm chính trị đầu sỏ quy tụ quanh Kremlin đã thâu tóm được phần lớn các hoạt động truyền thông. Kênh truyền hình độc lập cuối cùng, tuy chỉ phát trong phạm vi một vùng, mang tên TV Rain, đã kết thúc hoạt động đúng trong những ngày này. Nguyên nhân là vụ thăm dò ý kiến những người dân ở Petrohrad về việc liệu công cuộc bảo vệ thành phố trong những năm chiến tranh có xứng với cái giá phải trả là sinh mạng của hàng triệu con người. Người ta kết tội ban điều hành của Đài Truyền hình là xúc phạm ký ức các anh hùng đã hy sinh. Cũng trong những ngày này, ban biên tập một Đài phát thanh có vị thế tương đối độc lập là Radio Echo Moskva (tuy nhiên nằm trong quyền sở hữu của Gazprom Media) vừa được thanh lọc về mặt nhân sự, ghế giám đốc được thay thế, Alexej Venediktov vẫn là Tổng biên tập, nhưng nội dung chương trình đã mất đi tính phê phán. Trên lĩnh vực truyền thông chỉ còn hai, ba trang web, luôn luôn bị kiểm duyệt và bị kiểm soát tài chính chèn ép. Tờ báo in duy nhất Bolsoi gorod – Thành phố lớn – sau khi bị đổi chủ đã ngay lập tức bị đóng cửa. Chỉ còn lại các cơ quan tuyên truyền và những tờ báo lá cải. Bởi vì cả xã hội đang bị lôi kéo vào cơn cuồng chiến, các cơ quan tuyên truyền chỉ ra những “kẻ phản dân hại nước” mang bút danh Nga, đằng sau đó là nguồn gốc Do thái của những người chỉ trích chế độ. Hai nữ phát thanh viên nổi tiếng của Đài pháp thanh tuyên truyền Anh ngữ Russia Today không chịu nổi bầu không khí đầy dối trá, trong buổi phát trực tiếp đã tuyên bố thẳng thắn sự bất bình của mình với việc Nga đổ bộ vào Crimea và quyết định thôi việc. Đỉnh cao của xu hướng này là đề xuất của Nghị viên Fjodorov của Hạ viện Nga, yêu cầu ra điều luật xử tù bất cứ nhà báo nào nghi ngờ các bản tin thời sự chính thức. Theo luật mới này, phương tiện truyền thông này sẽ tức khắc bị bắt giữ, cùng với toàn bộ ban biên tập. Sự thiếu minh bạch và sự thao túng của bộ máy tuyên truyền Kremlin có thể thấy rõ qua số phận của chính Janukovic. Sau 4 ngày mất tích, ông ta xuất hiện trong cuộc họp báo và tuyên bố rằng “không yêu cầu sự giúp đỡ của người anh em”, ngày hôm sau người Đại sứ tại OSN đưa ra một bức thư mời, nghe nói là do Cựu Tổng thống ký, tuy nhiên chính ông Đại sứ cũng không thể khẳng định liệu có phải là chữ ký thật. Lại một lần nữa, Janukovic lại biến mất, thấy bảo là do ốm nặng. Nếu như mai này truyền thông có thông báo ông cựu Tổng thống từ trần vì bị tai biến não, hoặc vì cơn bạo bệnh nào đó, thì cả nhân chứng ương bướng cuối cùng cũng sẽ không còn. Không ai biết gì về tin tức của ông ta, không ai nhìn thấy ông ta. Không lẽ truyền thông tự do hoạt động như vậy hay sao? 

Những chuyển biến xung quanh vụ Crimea là sự mối đe dọa đến mức độ như nào đối với các nước còn lại ở Châu Âu? 

Mối đe dọa thường không bao giờ là trực tiếp, tuy nhiên chuỗi các lò lửa căng thẳng không sớm thì muộn, thế nào cũng động chạm đến chúng ta. Trước hết, một trật tự pháp luật sụp đổ sẽ không bao giờ không để lại hậu quả. Phương thức thành lập quốc gia bằng nguyên tắc công dân lại một lần nữa đã bị nước Nga thay thế bằng nguyên tắc mang tính dân tộc Blud und Boden (Máu và Đất), và như thế, chiếc bình Pandora đã bị mở ra trên khắp không gian thuộc hệ thống công sản cũ, nhưng đồng thời cũng mở cả ở những nơi khác, mà là nơi có đường biên giới phân chia các dân tộc. Luận thuyết “Crimea là của chúng ta vì ông cha ta đã đổ máu trên mảnh đất này” không phải là gì khác ngoài việc thực thi nguyên tắc Máu và Đất. Hãy nhìn xem, còn có biết bao nhiêu nơi mà đường biên giới có thể bị đặt dấu hỏi Nagorno-Karabakh, Transnistria, và người Hung ở Slovakia thì sao? Mà đấy là chưa nói đến nhiều nơi khác ở Balcan. 

Tại sao phương Tây lại yếu sức? Điều gì đã làm họ yếu đi đến vậy? 

Lời giải đáp cho câu hỏi này đang được các nhà tư tưởng ở khắp nơi trên thế giới tìm kiếm, và là nội dung của nhiều cuộc thảo luận nghiên cứu. Trên bình diện phổ cập nhất: chúng ta đang sống trong thời đại hậu-hiện đại (bây giờ có lẽ là hậu-hậu-hiện đại) khi mà quá trình tương đối hóa không dừng lại trước bất cứ một giá trị nào đã được công nhận trước đây. Hệ thống các giá trị cũ chưa được một hệ thống giá trị mới vẹn toàn thay thế, khoảng trống mới xuất hiện dễ dàng bị lấp đầy bởi các hình trạng ẩn khuất, cổ xưa, các thần linh ma quái đủ dạng, các huyền thoại thời trung cổ… Trong ngôn ngữ thực tế thì chính trị thời nay đã mất đi định hướng về các giá trị trong cuộc sống. Các nhà lãnh đạo chính trị yếu đuối, luôn bị buộc phải mua chuộc giới cử tri. Họ bị lệ thuộc vào ý nguyện của các cử tri ngày càng thiếu ý thức, vì thế họ thay đổi, và thậm chí nhiều khi họ ngưỡng mộ cả những giá trị kém cỏi của giới cử tri.  

Liệu chúng ta có cơ hội bảo toàn được mô hình dân chủ phương Tây trong tương lai xa, và có bảo toàn được xã hội phương Tây? 

Các ban viện quốc tế hiện nay đang không có khả năng hành động. Trên thực tế, sự can thiệp của họ luôn hàm chứa tinh thần của Hiệp ước Muchen, điều đó có nghĩa là phản xạ chính trị đầu tiên của họ là cố gắng bắt nước yếu phải nghe theo ý nguyện của kẻ mạnh hơn và hung dữ hơn. Điều này đúng cả với NATO và EU. Một sự lạm dụng các nguyên tắc của cuộc chơi vốn có hiệu lực từ cuộc chiến tranh cuối cùng, có lẽ sẽ dẫn đến điểm gẫy, đó là khi vì đã dẫn đến đụng độ, những nguyên tắc mới sẽ được thảo dẫn và một trật tự mới sẽ đươc thiết lập. 

Ông đánh giá thế nào thái độ của người Séc trong cuộc khủng hoảng này? 

Một cách tự nhiên, chính trường của Séc chia ra làm hai thể loại: Nửa đầu là một tập hợp kỳ quặc bao gồm cánh tả Bolsevic và những môn đồ cánh hữu, trong đó mỗi bên đều nhìn thấy trong sự trỗi dậy của đế quốc Nga cơ hội phục sinh cho ý thức hệ của chính mình mặc dù hai ý thức hệ đó là mâu thuẫn với nhau. Một bên thì hy vọng một cách vô ích rằng nỗi cay đắng trong xã hội Nga vì cái quá khứ cộng sản sẽ làm chủ nghĩa bolsevic hồi sinh, bên thứ hai có sự thành công của chủ nghĩa độc tài bảo thủ, họ gặp nhau trong niềm tin rằng tiềm năng sáng tạo của chế độ độc tài sẽ có khả năng ngăn chặn sự tan rã của nền văn minh phương Tây. Nửa thứ hai bao gồm những kẻ thiên về sức mạnh bạo lực theo truyền thống, họ có cảm giác, sức mạnh, đó mới là “vĩnh cửu” hoặc ít ra, sẽ bền lâu. “Những kẻ thích nghi” bắt đầu mơn trớn những kẻ tiềm tàng sức mạnh, theo nguyên tắc cẩn trọng thông thường. Và đó cũng là một cố gắng mang tính truyền thống. Những người can đảm rất ít, rất ít những người tự tin, rất ít những hình mẫu của cách xử sự đàn ông. 

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu (vietinfo.eu)

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link