Friday, November 16, 2012

‘ HÃY NỔI GIẬN ! ’ ‘Indignez-vous!’ hay hiện tượng Hessel ở Pháp.


Subject: (CHÍNH NGHĨA): --> Mời đọc,rất đáng đọc- lý thú: ‘ HÃY NỔI GIẬN ! ’ ‘Indignez-vous!’ hay hiện tượng Hessel ở Pháp .điểm sách của Từ Thức

 

"...trí thức đích thực là trí thức tham dự sinh hoạt xã hội, chính trị để cải thiện xã hội, không phải chỉ là những ..."



HÃY NỔI GIẬN ! ’ ‘Indignez-vous!’ hay hiện tượng Hessel ở Pháp.

 

 

 

 


 

Tại sao vẫn chưa có « cách mạng mùa Xuân » ở VN ?

 

Một hiện tượng bất ngờ trong sinh hoạt văn hoá ở nước Pháp: một cuốn sách mỏng của Stéphane HESSEL, ‘Indignez-vous!’(Hãy phẫn nộ!) dự tính bán vài trăm bản, đã phá kỷ lục ấn hành : trên bốn triệu cuốn và tiếp tục gây tranh luận sôi nổi. Tác giả, một ông già 93 tuổi, hô hào mọi người hãy nổi giận, hãy đứng dậy chống lại tất cả những bất công, những lộng hành của giới thống trị, tài chính hay chính trị đang đè nặng lên đầu mỗi người.

Nổi giận, theo Hessel, là điều kiện tối cần để con người còn là con người, để xã hội khỏi phá sản. Hãy dẹp thói an phận thủ thường, thụ động, hãy đứng dậy cầm vận mệnh mình trong tay ! Người ta áp bức, bóc lột anh bởi vì anh chấp nhận. Khả năng phẫn nộ là điều kiện tối cần để anh trở thành, hay tiếp tục, là người có nhân phẩm và một quốc gia không trở thành một quốc gia chết.

Người Việt có , -hay còn - khả năng phẫn nộ hay không là câu hỏi và vài suy nghĩ vụn vặt trong bài này. Phải chăng cường độ phẫn nộ của dân Việt không đủ mạnh là một trong những lý do tại sao Việt Nam vẫn chưa có biến chuyển lớn như ở Trung Đông hay Bắc Phi ?

 

 

NHU CẦU PHẪN NỘ

 

Cuốn sách mỏng của S.Hessel, do một nhà xuất bản bỏ túi, Indigènes, ở Montpellier, miền Nam nước Pháp (trong khi sinh hoạt văn hóa tập trung ở Paris), không một dòng quảng cáo, mới đầu bán ở những tiệm sách tỉnh lẻ, dần dần nhờ truyền miệng, trở thành một hiện tượng văn hoá xã hội, được dịch trên 30 thứ tiếng.

Hessel từ chối nhận bản quyền, và nhà xuất bản hứa sẽ dùng số tiền bán sách để in những tác phẩm có thể giúp cải thiện xã hội.

Những tay nhà nghề trong giới ấn loát lắc đầu chịu thua: cuốn sách đứng đầu các danh sách từ gần một năm nay không phải là tác phẩm của những nhà văn ăn khách như Houellebecq, Jardin, Delerm, không phải là tiểu sử tài tử show biz, không phải sách dạy cách ăn uống cho khỏi mập, không phải là một chuyện tình ướt át, hay một tiết lộ động trời, thật hay bịa, không nói về cuộc đời tình ái náo nhiệt của DSK. Đó là cuốn sách rất khô khan của một ông già gần trăm tuổi hô hào dân chúng nổi giận, hô hào thanh niên đừng thụ động như những ông cụ non.

Hessel không phải là triết gia, không phải là nhà văn, cuốn sách rất mỏng của ông không phải là một tác phẩm lớn, nhưng cuốn “Indignez-vous” bán chạy như bánh mì, vì nó đáp ứng một nhu cầu người ta tưởng là thứ yếu: nhu cầu phẫn nộ .

Người ta mua tặng quà cho nhau nhân ngày Giáng sinh, ngày sinh nhật, trong đó nhiều người chưa hề mua, chưa từng mở một cuốn sách. Những phong trào phẫn nộ (les indignés) đã lan sang nhiều nước Âu Châu, như Hy Lạp, Tây Ban Nha (les indignalos), hay phong trào Occupy Wall Street ở New-York, trước cửa những ngân hàng thủ phạm của cuộc khủng hoảng kinh tế làm thế giới điêu đứng.

 

Hessel là người suốt đời nổi giận. Sinh năm 1917 ở Đức, gốc Do Thái, quốc tịch Pháp đã tham gia kháng chiến chống phát xít Đức. Bị bắt giam ở nhà tù phát xít nổi tiếng Buchwall, bị kết án tử hình, ông tráo căn cước của một người tù vừa chết bị án nhẹ hơn và vượt ngục. Sau chiến tranh, ông trở thành đại sứ của Pháp ở Liên Hiệp Quốc và tham dự việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Về hưu, ông già Hessel là một khuôn mặt quen thuộc trong những cuộc biểu tình cho nhân quyền, biểu tình bênh vực người di dân, bênh vực Palestine mặc dầu ông gốc Do Thái. Ở đâu có phẫn nộ, có bất công, ở đó có ông già Hessel.

 

Sau khi cuốn Indignez-vous ! trở thành một hiện tương xã hội, người ta trách tác giả chỉ xúi thiên hạ nổi giận mà không có đề nghị gì cụ thể, Hessel viết một cuốn sách mỏng khác: Engagez-vous (2) (Hãy tham gia hành động!), trong đó ông đề nghị tranh đấu đòi thành lập Tổ chức Thế giới về môi sinh, và một Chính phủ toàn cầu (gouvernement mondial). Một mơ ước hão huyền (utopie)? Tất cả những thay đổi lớn trong lịch sử, theo Hessel, đều là những utopie khi khởi sự.

 

Cuốn thứ ba, le Chemin de l’Espérance (Con đường của hy vọng) (3), viết chung với nhà xã hội học hàng đầu của Pháp, Edgar Morin, trong đó hai ông già, tổng cộng 184 tuổi vạch ra con đường hy vọng để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.


 
IL FAUT VIVRE INDIGNÉ

 

Hessel nối tiếp truyền thống của trí thức Zola, Camus. Emile Zola viết : Il faut vivre indigné (phải sống phẫn nộ). Từ Zola, trí thức đích thực là trí thức tham dự sinh hoạt xã hội, chính trị để cải thiện xã hội, không phải chỉ là những người có kiến thức. Ở Việt Nam, ngay cả kiến thức cũng không cần thiết. Trí thức chỉ cần có bằng cấp. Học gạo, học tủ, chong đèn học thuộc lòng, có xong cái bằng là trở thành trí thức, là khuôn vàng thước ngọc. Có bằng vừa vừa là trí thức vừa vừa, có bằng to hơn là đại trí thức… Trí thức vừa vừa được kính trọng vừa vừa, đại trí thức được kính cẩn tối đa.

 

Albert Camus nói trí thức cũng như mọi người, hơn mọi người chính bởi vì anh là trí thức, phải ghé vai gánh vác như mọi người, phải đổ mồ hôi chèo thuyền như mọi người. Khác hẳn hình ảnh trí thức ‘võng anh đi trước, võng nàng theo sau’ của người VN, có cái bằng bỏ túi là vinh hiển suốt đời, phó mặc chuyện đời cho thiên hạ.

 

Cuốn sách của Hessel ra đời trước khi cách mạng hoa lài bùng nổ ở Tunisie, mở đầu cho ‘mùa Xuân Ả Rập’ đang quét sạch những chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông. Cùng một lúc, từ Đông sang Tây, thế giới đang chuyển mình, đang tìm một hướng đi mới. Đã tìm ra lối ra chưa, đã thoát khỏi đường hầm chưa là chuyện khác. Bước đầu là ý thức mình có quyền phẫn nộ, có bổn phận phẫn nộ, và sự phẫn nộ có thể thay đổi thời cuộc, có thể và đã lật đổ những chế độ độc tài đã ngự trị từ lâu và tưởng sẽ ngự trị mãi mãi, như ở Ai Cập, Tunisie, Lybie.

 

Trước đó vài tuần, ai dám tưởng tương Moubarak sẽ bị kết án khổ sai chung thân, ông Ali phải cuốn gói bỏ của chạy lấy người, Khadafi bị bắn chết ? Trước đó vài tuần, họ nắm toàn quyền sinh sát, nắm quân đội, cảnh sát, hành pháp, lập pháp, tư pháp, nắm trọn kinh tế, tài chánh trong tay. Cái gì đã quét sạch tất cả: sự phẫn nộ của quần chúng, của những người hàng ngày chỉ biết an phận, cúi đầu.

 

Các chế độ độc tài không mạnh như người ta tưởng. Chỉ cần sự phẫn nộ của người dân, các lãnh tụ độc tài Trung Đông, Bắc Phi, một sớm một chiều, đã trở thành những con hổ giấy.

 

TỪ MIẾN ĐIỆN TỚI VN

 

Tại sao có cách mạng ở Trung Đông, ở Miến Điện mà ở VN chưa có “cách mạng muà Xuân”, mặc dù đã hội tụ đủ mọi điều kiện : bế tắc chính trị, khủng hoảng kinh tế, sa đọa xã hội, và ghê gớm, khẩn cấp hơn nữa, hiểm họa mất nước?

 

Lấy thí dụ Miến Điện. Tại sao có thay đổi ở Miến Điện? Những yếu tố hiển nhiên: Miến Điện sẽ làm chủ tịch ASEAN 2014, tinh thần quốc gia gần như cực đoan của giới quân phiệt cầm quyền (độc tài, tham nhũng không thua ai, nhưng vẫn yêu nước) thấy hiểm họa Trung Cộng trước mắt. Giới quân phiệt muốn nhích lại với Tây phương, không thể không nhượng bộ, không thể tiếp tục giam tại gia bà Aung Suu Kyi, khuôn mặt khả ái, khả kính của nhân quyền ở Miến.

 

Rất nhiều người VN lên đường chống thực dân vì lòng ái quốc, nhưng đảng Cộng sản đã đưa VN vào quỹ đạo Nga, Hoa, nhất là Hoa, ngày nay tập đoàn lãnh đạo bắt buộc phải bám vào Trung Cộng để sống còn, để bảo vệ quyền lợi. Bi đát hơn nữa : có muốn ra khỏi quỹ đạo cũng quá trễ. Cái thòng lọng Tầu đã xiết chặt cổ.

 

Đó là những yếu tố chính trị. Yếu tố văn hoá: người VN không có truyền thống phản kháng. Văn hóa VN không phải là văn hóa phẫn nộ của Stéphane Hessel. Văn hoá VN là văn hóa “một sự nhịn, chín sự lành”. Cái văn hóa “tránh voi chẳng hổ mặt nào ” giúp con voi càng ngày càng thô bạo.

 

Cái thói quen chịu đựng, cộng thêm với văn hoá Khổng giáo, đúng hơn là Tống nho, coi vua là con trời, hơn cả cha mẹ, và “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, đã biến chúng ta thành những người thụ động.

 

Câu hỏi đặt ra: tại sao cách mạng ở Tunisie và Ai Cập mà vẫn không có biến chuyển ở VN. Hai dân tộc Tunisie và Ai Cập được coi là hai dân tộc thụ động nhất ở Bắc Phi và Trung Đông. Tôi nhớ một buổi trò truyện với một số người Tunisiens sống ở Paris. Tất cả đều có bằng cấp cao, theo con mắt VN, đó là những nhà trí thức. Khi tôi hỏi về tình hình chính trị ở Tunisie, không ai trả lời, lảng sang truyện khác. Sau bữa ăn, khi mọi người ra về, còn lại một người, Ahmed, ông ta cho hay là chính trị xứ ông ta nát bét, dân chủ chỉ là trò bịp, tham nhũng khủng khiếp. Tại sao vừa rồi ông ta không nói gì? Ahmed cười, hơi ngượng, nếu anh nào phát biểu bừa bãi, sẽ có đứa báo cáo tòa đại sứ và hết về nước nghỉ hè. Hai tuần sau, Bouazizi tự thiêu, ngọn lửa phẫn nộ bùng lên, gia đình tổng thống Ali bỏ của chạy lấy người. Ngọn lửa phẫn nộ vượt biên giới, tràn sang Ai Cập và Lybie.





 

 

Tại sao những dân tộc được coi là thụ động có cái khả năng phẫn nộ dữ dội như vậy, mà ở VN chưa có? Có một hiện tượng tạm gọi là hội chứng (syndrôme) Algérie. Lửa cháy chung quanh, nhưng Algérie chưa động tĩnh gì, vì dân Algérien đã mệt nhoài, cả về thể xác lẫn tinh thần, chỉ muốn được yên thân. Sau khi dành độc lập khỏi tay thực dân Pháp, đất nước rơi vào tay độc tài, tập đoàn của những lãnh tụ kháng chiến cũ, những người kháng chiến vì lý tưởng độc lập, tự do, công bình, nhân ái, khi nắm quyền làm ngược lại, chứng minh công thức “quyền lực đưa tới tham nhũng. Quyền lực tối đa, tham nhũng tối đa”. Algérie giống VN một điểm nữa: lực lượng công an cảnh sát hữu hiệu. Ở Alger, sau biến cố Tunisie, nhà nước huy động 35,000 cảnh sát bao vây, giải tán 500 người biểu tình. Một ông phẫn nộ, 70 ông cớm!

Algérie có thêm một đại họa: khủng bố Hồi giáo đã gây kinh hoàng và làm tê liệt đất nước. VN (lạy Chúa, lạy Phật) không có khủng bố Hồi giáo, nhưng có đại họa khác làm tiêu tan khả năng phẫn nộ: văn hoá tru di tam tộc. Người Cộng Sản đã khôi phục cái văn hóa của thời man rợ. Anh có tội - sợ mất nước là một cái tội, khóc với dân là một cái tội, nghĩ và đòi quyền sống là một cái tội - không phải chỉ có anh lãnh hậu quả, mà cả gia đình vợ con, cha mẹ, gia đình anh bị liên lụy. Anh có can đảm cùng mình, có coi nhẹ tù đầy và cái quý nhất của con người là mạng sống, anh cũng bó thay khi nghĩ tới cái vạ sẽ đổ xuống đầu những người thân. Cái văn hóa tru di tam tộc nó man rợ nhưng hiệu quả. Hiệu quả bởi vì man rợ. Ai có thể tưởng tượng điều đó ở thế kỷ 21?

 

Những kỹ thuật đàn áp ghê rợn, điển hình là cuộc Cải Cách Điền Địa đẫm máu, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, những Toà án Nhân dân (!), những trại cải tạo sau 75, đã tiêu diệt tinh thần phẫn nộ của người Việt.

 

SỰ MÒN MỎI CỦA LÒNG TRẮC ẨN

 

Bà Aung San Suu Kyi, trong bài diễn văn cách đây ít ngày ở Oslo than phiền những đóng góp cho các chương trình nhân đạo càng ngày càng giảm bớt. Bà Kyi nói: sự giảm sút đóng góp là kết quả cuả “sự mòn mỏi cuả lòng trắc ẩn ”. Thế giới sẽ đi về đâu, xã hội sẽ đi về đâu nếu không còn lòng trắc ẩn?

 

Người ta ngỡ ngàng trước cảnh một em bé bị xe nghiến trước sự dửng dưng của mọi người ở bên Tầu. Còn VN? Những chuyện tương tự xẩy ra hàng ngày. Một thí dụ, trong những thí dụ: Một bà già bị xe cán, nằm ôm cái chân gẫy, rên rỉ. Nhiều người muốn can thiệp. Người lái xe xuống xe, quát: “Đ.M. Có biết ông là ai không?” Mọi người nín khe, bỏ mặc bà già nằm rên rỉ. Người kể chuyện kết luận: chưa chắc gã lái xe là ông lớn hay con cháu ông lớn.

 

Còn đâu là lòng trắc ẩn? Không còn trắc ẩn, làm sao có phẫn nộ?

 

Đó chắc chắn là cái di sản ghê rợn nhất của những năm Cộng sản. Biến con người thành vô tâm, vô cảm. Bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để sống, thờ ơ trước bất công, lãnh đạm trước cái đau khổ của người khác. Những đổ vỡ về chính trị, về kinh tế có thể hàn gắn trong vài chục năm. Sự sa đoạ về con người, băng hoại văn hoá phải nhiều thế hệ mới hy vọng cứu vãn được. Nên bắt tay cứu vãn trước khi quá trễ. Trước khi bị diệt vong.

 

THÁI ĐỘ XẤU NHẤT LÀ SỰ THỜ Ơ

 

Trong bối cảnh đó, phải khâm phục những người dám bày tỏ sự phẫn nộ cuả mình ở trong nước. Những người đấu tranh cho dân chủ, cho nhân quyền, những Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, những Hà sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế và rất nhiều người khác.

 

Phải khâm phục những người nông dân mất đất đã tay không đứng dậy. Phải khâm phục những giáo dân, Phật tử đã xả thân đòi tự do tín ngưỡng. Phải khâm phục những bloggers, những nhà báo, những nghệ sĩ đã có can đảm nói lên sự thực. Phải khâm phục những người đã tranh đấu cho công nhân, ở trong nước hay bị bán ra ngoại quốc.

 

Cái trở ngại cho họ không chắc đã là chính sách đàn áp của người cầm quyền. Cái trở ngại cho họ là sự thờ ơ, thụ động của người chung quanh. Nhiều người tiếc VN không có một người như Aung Suu Kyi. Nhưng nếu bà Kyi là người VN, có bao nhiêu người đứng sau lưng bà như dân Miến. Những Lê thị Công Nhân tranh đấu trong sự cô độc. Cái bản tính thờ ơ, cố chấp, nghi kỵ, ganh ghét của người Việt, ngay cả giữa những người hoạt động cho dân quyền ở VN, đã khiến chúng ta chưa có Aung San Suu Kyi hay Nelson Mandela.

 

Hessel viết “thái độ xấu nhất là sự thờ ơ” (la plus mauvaise attitude est l’indifférence) và nhắc câu nói của Jean Paul Sartre: mỗi người, với tư cách cá nhân, có trách nhiệm với xã hội (vous êtes responsables en tant qu’individus).

 

Sự thờ ơ, với rất nhiều người Việt Nam, đã trở thành một đức tính, một thái độ khôn ngoan của những người từng trải. Người ta hãnh diện, khoe khoang cái túi khôn của mình và dè bỉu cái dại dột của người khác. Ở những nước tân tiến, những người dại dột, những người ăn cơm nhà vác ngà voi, là những tác nhân làm cho xã hội tốt đẹp hơn, công bình hơn, làm cho con người đối với nhau còn là con người.

 

Sống trong sự hoài nghi thường trực, với sự thờ ơ như một nhân sinh quan khả kính, với tính thụ động như một mục tiêu, lòng trắc ẩn mòn mỏi, với sự vắng bóng của phẫn nộ, bao giờ VN có cách mạng muà Xuân như ở Bắc Phi, Trung Đông, thay đổi chính trị như ở Miến Điện?

 

Stéphane Hessel nói, nếu anh sống dửng dưng, hãy tìm một lý do để nổi giận. Lý do để nổi giận không hiếm: sự lộng hành của tài phiệt đã đưa tới khủng hoảng kinh tế, sự bất công xã hội càng ngày càng ghê rợn, môi trường bị phá hoại… Với người VN, khỏi cần tìm kiếm, những lý do để nổi dậy đếm không nổi: độc tài, nhân quyền, tự do bị chà đạp, nhân công bị bán ra nước ngoài, sống như nô lệ, phụ nữ bị gởi đi bán dâm kiếm ăn, nông dân bị cướp đất, và hiểm hoạ đất nước sừng sững trước mắt.

 

Vụ Hoàng Sa, Trường Sa đã gây phẫn uất trong mọi giới. Một cơn gió mới. Hy vọng sự phẫn nộ đó sẽ là động lực đưa đến thay đổi ở VN. Thay đổi hay mất nước. Thay đổi hay là chết.

 

TỪ THỨC

(Paris, Juin 2012)

 

( 1 ) INDIGNEZ VOUS. Stéphane Hessel. Ed Les Indigènes, Montpelliers , France . 2010. Phát hành: Harmonia Mundi. Bản tiếng Anh: Time For Outrage. Hardoven Editions.

( 2 ) Engagez-vous. Stéphane Hessel. Editions de l’Aube. France . 2011.

( 3 ) Le Chemin de l’Espérance. S.Hessel § Edgar Morin. Ed Fayard. Paris . France . 2011.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-2/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link