Saturday, November 17, 2012

Mỹ tìm cách chinh phục châu Á Thái bình dương



Subject:  Mỹ tìm cách chinh phục châu Á Thái bình dương

 

Mỹ tìm cách chinh phục châu Á Thái bình dương


Sinh ra ở Hawaii cũng như có những năm tháng niên thiếu ở Indonesia, Barack Obama tự gọi mình là "tổng thống Thái Bình dương" và đang cùng các quan chức thân cận nỗ lực gây dựng vị thế bền vững của Mỹ ở khu vực này.



Trong vòng ít ngày, Obama sẽ có hai chuyến thăm lịch sử tới Myanmar và Campuchia, bên cạnh việc ghé thăm đồng minh Thái Lan. Ảnh: AFP

Đầu năm nay, Obama tuyên bố chiến lược quốc phòng mới của nước Mỹ, trong đó có việc rút hết hoặc từng phần binh sĩ ra khỏi Iraq và Afghanistan, đồng thời chuyển dịch dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình dương. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sau đó cụ thể hóa chiến lược này với tuyên bố 60 % số chiến hạm của Mỹ sẽ được đưa tới châu Á - Thái Bình dương trong thập kỷ tới.

Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng ngày một lớn và Mỹ không thể chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Chiến lược mới là một cách để Washington gây dựng lại hình ảnh tại khu vực có vị trí trọng yếu trên bản đồ thế giới. Bước tiếp theo trong chiến lược này là hàng loạt chuyến thăm mà Obama và các quan chức thân cận của ông đang và sẽ thực hiện tại khu vực này.

"Bạn mới"


Trong chuyến công du đầu tiên kể từ sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama sẽ ghé qua ba nước Đông Nam Á trong vòng 4 ngày. Điểm dừng chân đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng là nơi mà những người tiền nhiệm của ông thậm chí chưa từng nghĩ tới. Đó là Myanmar.

Ngày mai, Obama sẽ là tổng thống đương nhiệm đầu tiên tới thăm chính thức Myanmar, trong bối cảnh quốc gia này đang có những thay đổi nhanh chóng sau những năm dài cách biệt với thế giới bên ngoài. Chuyến thăm của tổng thống Mỹ sẽ là một sự khích lệ đáng kể đối với Tổng thống Myanmar U Thein Sein, người khởi xướng những cải cách suốt thời gian qua, và thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi. Cả hai người này cùng tới thăm Mỹ trong tháng 9.

Myanmar đã có hàng loạt thay đổi trong năm qua và đổi lại là việc Mỹ dỡ bỏ hầu như tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này. Chuyến thăm của ông Obama được coi là một tín hiệu của việc Myanmar ngày càng được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Sự xuất hiện của ông Obama cũng nhận được sự chào đón từ người dân Myanmar. Wall Street Journal dẫn lời Ma Thuri, 22 tuổi và là sinh viên năm thứ tư ngành sinh học tại đại học Dagon ở Yangon, cho biết: "Tôi cảm thấy Myanmar lúc này có một người bạn lớn với sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Nó giống như là cảm giác tôi có từ một người bạn tốt, người có thể hỗ trợ tôi và giúp cuộc sống của tôi an toàn".

Sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng như có được sự chấp nhận rộng rãi hơn từ phương Tây, Myanmar được các nhà đầu tư coi là một trong những thị trường lớn nhất châu Á vẫn còn chưa được khai phá, với những nhu cầu tiêu dùng và xây dựng cấp bách đối với hầu như mọi mặt trong cuộc sống.

Cũng trong chuyến công du Đông Nam Á, ông Obama còn tới Campuchia để tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ tới thăm Campuchia.

Cùng có mặt tại Campuchia với Obama sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, người tới Phnom Penh để gặp 10 quan chức đồng cấp thuộc khối ASEAN. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, George Little cho hay ông Panetta sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết ASEAN đối với ổn định khu vực.


Một người dân cầm trên tay tờ báo có hình của ông Obama tại Yangon hôm 14/11. Trang nhất có chữ O-Burma là cách chơi chữ bằng việc ghép tên ông Obama với Burma, tên cũ của Myanmar. Ảnh: AFP

Bạn cũ


Nhưng những mục tiêu của ông Obama và các quan chức thân cận không chỉ là những người "bạn mới" kiểu như Myanmar hay Campuchia, mà còn là những quốc gia đồng minh lâu dài như Thái Lan hay Australia.

Tại Bangkok, Obama sẽ gặp và hội đàm với Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhân dịp kỷ niệm 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời khẳng định sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh. Panetta cũng tới Thái Lan trong dịp này và đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á kể từ năm 2008.

Nếu Obama chỉ tập trung vào ba nước Đông Nam Á thì Panetta và Clinton còn hướng tới cả Australia, một quốc gia có vai trò quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Panetta và bà Clinton tới thành phố Perth để tham dự hội nghị bộ trưởng thường niên Mỹ - Australia. Sự kiện này còn có sự góp mặt của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey và Chỉ huy Bộ chỉ huy Thái Bình dương, Đô đốc Samuel Locklear.

Trong khi Thái Lan là một đồng minh lâu năm của Mỹ, Australia cũng là một nước đối tác quan trọng và là một đích ngắm không thể bỏ qua của Washington trong việc tăng cường sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình dương. Cuối năm ngoái, trong chuyến thăm Australia, Tổng thống Obama đã tuyên bố việc điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới quốc gia thuộc châu Đại Dương.

Việc triển khai thủy quân lục chiến Mỹ ở Australia đánh dấu bước chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang châu Á Thái Bình Dương và khiến Trung Quốc không bằng lòng. Bắc Kinh cho rằng việc Mỹ triển khai các lính thủy đánh bộ tới Australia là một bằng chứng của "tâm lý Chiến tranh Lạnh". Việc lính thủy đánh bộ Mỹ có mặt ở Australia cũng là thể hiện sự cam kết đối với một số quốc gia châu Á, những nước coi đây là minh chứng của Mỹ trong việc sát cánh với các đồng minh cũng như dành mối quan tâm cho khu vực này.

Thông điệp với Trung Quốc


Tất cả những chuyến công cán của ông Obama, ông Panetta và bà Clinton đều được cho là việc ngầm gửi một thông điệp tới Trung Quốc, nước đang trải qua quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo 10 năm một lần.

Cả Myanmar, Thái Lan và Campuchia đều có những mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, chính Myanmar, sau quãng thời gian cải cách và đổi mới nhanh chóng, đã thể hiện mong muốn ngày càng ít phụ thuộc hơn vào người láng giềng khổng lồ. Chuyến thăm của chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình dương tới Myanmar tháng trước cũng là tín hiệu của một mối quan hệ quân sự Mỹ - Myanmar bền chặt hơn, và thậm chí có thể phát triển hơn nữa nếu những tồn tại giữa hai bên được giải quyết rốt ráo.

Khu vực ASEAN có vai trò quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng quân sự ngày một lớn của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số quốc gia ASEAN, những động thái của Mỹ được cho là sẽ có tác động nhất định tới quá trình giải quyết các mâu thuẫn.

Trong bài phát biểu tại thành phố Adelaide của Australia hôm qua, Ngoại trưởng Clinton đã thể hiện những bước đi xa hơn của Mỹ trong việc có được một vai trò quân sự rõ ràng hơn tại châu Á - Thái Bình dương. Bà gọi Australia là một đồng minh không thể thiếu được của Mỹ, nhưng đồng thời cho rằng cả Canberra và Washington cùng muốn đẩy mạnh các quan hệ với Bắc Kinh cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Clinton gọi thế kỷ 21 là "thế kỷ Thái Bình dương".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc khéo cả Australia và Trung Quốc khi cho hay: "Tôi biết rằng có những thực tế có thể dẫn tới lựa chọn sai, ví dụ như Australia phải cân nhắc giữa những mối quan hệ lâu dài với Mỹ hay những liên kết mới thiết lập với Trung Quốc. Những suy nghĩ kiểu này chỉ dẫn tới các kết quả tiêu cực".

Theo AFP, bà Clinton tuyên bố Mỹ ủng hộ Australia có những mối quan hệ nhiều mặt và bền chặt với mọi quốc gia ở châu Á - Thái Bình dương cũng như thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. "Và tôi nhắc lại rằng, Thái Bình dương đủ lớn cho tất cả chúng ta", bà Clinton nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ lần lượt đến các quốc gia ở châu Á - Thái Bình dương trong những ngày tới.



Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: EPA

Ông Obama sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày từ ngày 17/11, với các điểm đến lần lượt là Thái Lan, Myanmar và Campuchia, Xinhua dẫn thông báo của Nhà Trắng hôm qua.

Chuyến thăm Myanmar của Obama sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ song phương đang được hâm nóng, sau khi Mỹ nới lỏng các lệnh cấm vận với Myanmar để đáp lại những cải cách đang được thực thi ở nước này.

Trong chuyến thăm, tổng thống Mỹ sẽ khuyến khích những tiến triển về dân chủ tại Myanmar trong cuộc gặp với Tổng thống U Thein Sein cũng như lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Cả ông Thein Sein và bà Suu Kyi đều tới Mỹ tháng 9 vừa qua.

Sau Myanmar, ông Obama tới Thái Lan. Tại Bangkok, ông sẽ gặp và hội đàm với Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhân dịp kỷ niệm 180 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời khẳng định sự bền chặt của mối quan hệ đồng minh. Rời Thái Lan, ông chủ Nhà Trắng tới Campuchia để tham gia hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chuyến công du châu Á là lần đầu tiên ông Obama ra nước ngoài kể từ khi tái đắc cử tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử hôm 6/11.

Từ ngày 11/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng sẽ lần lượt tới thăm Australia, Thái Lan và Campuchia trong chuyến đi kéo dài một tuần, như một phần trong chiến lược dịch chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình dương. Đây cũng là chuyến đi thứ 4 của ông tới khu vực này kể từ tháng 6,AFP đưa tin.

Ông Panetta sẽ tới thành phố Perth để tham dự hội nghị bộ trưởng thường niên Mỹ - Australia. Sự kiện này còn có sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey và Chỉ huy Bộ chỉ huy Thái Bình dương, Đô đốc Samuel Locklear.

Sau Australia, Panetta tới Thái Lan trong chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới nước này kể từ năm 2008, trước khi đến Campuchia để gặp gỡ 10 người đồng cấp ASEAN. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, George Little cho hay ông Panetta sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết ASEAN đối với ổn định khu vực.

Khác với hai ông Obama và Panetta, Ngoại trưởng Clinton còn có một chuyến thăm cá nhân ngoài công việc khi tới châu Á - Thái Bình dương sắp tới. Bà sẽ tới thăm những người bạn thân tại thành phố Adelaide ở phía nam Australia, với sự hộ tống của các quan chức an ninh. Clinton sẽ nghỉ lại tại một dinh thự tư.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link