Tuesday, November 13, 2012

Vì sao Obama vội vã công du Myanmar ngay sau tái đắc cử?


 

Vì sao Obama vội vã công du Myanmar ngay sau tái đắc cử?

- Vừa tái đắc cử, Tổng thống Obama đã vội vã dự kiến đến Myanmar vào ngày 19/11. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ đến Đông Nam Á ngay sau khi tái đắc cử và đầu tiên tới Myanmar trong 50 năm được đánh giá mang ý nghĩa đặc biệt.

 


 Thực tế Tổng thống Mỹ không chỉ đi

 

Thực tế Tổng thống Mỹ không chỉ đi  Myanmar . Theo thông báo của Nhà Trắng, Đông Nam Á sẽ là địa điểm công du đầu tiên của vị tổng thống vừa tái đắc cử. Lần lượt ông sẽ đến Myanmar, Thái Lan và sau đó sang Campuchia dự thượng đỉnh Đông Á trong chuyến đi 4 ngày từ 17 đến 20/11/2012. Tuy nhiên,  Myanmar  là điểm dừng mà báo chí thế giới đặc biệt chú ý và bản thân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh.

 

Trong vài giờ ghé thăm, Tổng thống Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi để bày tỏ sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ đối với tiến trình dân chủ đang từng bước được thực hiện tại Myanmar.

 

Myanmar , trước đây là Miến Điện, đã trải qua gần nửa thế kỷ dưới sự nắm quyền của giới quân sự. Đất nước này bị cô lập và chịu những áp đặt trừng phạt kinh tế. Song riêng Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ bình thường với  Myanmar . Trung Quốc tăng cường sự hiện diện kinh tế và quân sự trong khu vực chiến lược quan trọng thuộc đông bắc Ấn Độ Dương nằm kề biên giới phía nam đất nước.

 

Vào cuối năm ngoái, Hoa Kỳ tuyên bố một sự đảo ngược trong chiến lược đối ngoại. Châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực quan tâm ưu tiên. Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga Boris Volkhonsky, bất kỳ quan sát viên nào cũng đều nhận thấy, việc Hoa Kỳ chuyển hướng chú ý đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương mang động lực mục tiêu hàng đầu kiềm chế chiến lược Trung Quốc.

 

“ Myanmar  không tiếp cận trực tiếp với Thái Bình Dương, nhưng sự bành chướng của Trung Quốc đâu chỉ giới hạn với đại dương này và các vùng biển lân cận. Trong những năm qua, Trung Quốc tích cực khẳng định sự hiện diện kinh tế và quân sự ở Ấn Độ Dương (chiến lược này được nhắc tới trong văn học Mỹ với cái tên “chuỗi ngọc trai”).”

 

Báo chí Myanmar không che giấu niềm hy vọng tương lai của quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi “gọng kìm” của Bắc Kinh. Chủ nhiệm tờ báo uy tín The Irrawaddy, nhà báo Aung Zaw, nhắc nhở, đây là lần đầu tiên một vị Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân đến Myanmar kể từ 50 năm nay. Dù thời gian thăm viếng ngắn ngủi, nhưng sự kiện này mang nhiều giá trị tiêu biểu.

 

Nhà báo Aung Zaw thậm chí còn cho rằng Hoa Kỳ sử dụng Miến Điện như “bản lề tại Á châu” và chiến lược này sẽ được Đông Nam Á quan tâm theo dõi, nhất là những quốc gia muốn chống lại ảnh hưởng bá quyền của Trung Quốc.

 

Từ trước đến nay, do  Myanmar  bị cấm vận, Trung Quốc là bạn hàng chính yếu của  Myanmar  về kinh tế lẫn vũ khí. Tuy nhiên, từ khi Barack Obama lên làm Tổng thống vào tháng 01/ 2009, Washington đã từng bước khuyến khích Myanmar cải thiện nhân quyền, cải tổ chính trị bằng chính sách giảm nhẹ cấm vận thay vì leo thang trừng phạt theo chính sách của người tiền nhiệm.

Kết quả là vào năm 2011, các tướng lãnh bảo thủ rút lui, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và hàng ngàn tù nhân chính trị được tự do, phe đối lập được phục hoạt và đắc cử vẻ vang vào Quốc hội .

Ngay sau khi chế độ ở  Myanmar  bày tỏ những động thái mang xu thế dân chủ hóa, Hoa Kỳ vội vã nắm bắt cơ hội hi vọng kiềm chế hiệu quả Trung Quốc. Phần lớn các biện pháp trừng phạt đối với  Myanmar  đã được gỡ bỏ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến thăm  Myanmar  vào cuối năm ngoái. Tiếp theo đó là các nhà lãnh đạo phương Tây khác, bao gồm có Thủ tướng Anh David Cameron. Vào tháng Chín năm nay, thủ lĩnh đối lập của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình đã đến Hoa Kỳ. Giờ tới lượt Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Myanmar. Về quân sự,  Washington  và Naypyidaw đã nối lại đối thoại quân sự. Quân đội  Myanmar  đã được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Hổ mang vàng do Mỹ tổ chức tại Thái Lan.

Chiến lược “chinh phục” Myanmar có thể xem là thành công lớn của chính quyền Obama không những về ngoại giao mà nó còn mở đường xây dựng một chính sách điạ chính trị toàn diện: Tái định vị tại châu Á. Theo thông cáo của Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Obama sẽ nhân chuyến công du từ 17-20/11 để thảo luận với các đối tác châu Á toàn bộ các hồ sơ có liên quan từ hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh đến nhân quyền.

 

Trong khuôn khổ chiến lược mới, các đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên đã được gửi đến  Australia  trước khi Tổng thống Obama lên đường sang Myanmar , Thái Lan và tham dự Thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia.

 

Tuy nhiên, nhiều người ở Mỹ cho rằng đây là chuyến đi hấp tấp. Những cải cách dân chủ tại  Myanmar  vẫn còn chưa mang lại kết quả triệt để trong khi xung đột sắc tộc và tôn giáo vẫn còn tiếp diễn. Bạo động đã cướp đi hàng chục sinh mạng và làm phức tạp cho tình hình không riêng trong nước mà cả các khu vực liền kề thuộc  Bangladesh  và Ấn Độ.

 

Nhưng những điều đó không ngăn được Tổng thống Hoa Kỳ phô trương tối đa chuyến thăm  Myanmar , - chiến lược gia Boris Volkhonsky nhận xét. “Khi lợi ích của các tập đoàn lớn ở Mỹ được đặt lên bàn cân, các doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi cơ hội tiếp cận thị trường gần 50 triệu dân hầu như chưa được khai thác, cộng thêm nhiệm vụ kiềm chế đối thủ địa chính trị là Trung Quốc, thì có thể tạm quên đi những khẩu hiểu của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ như "vì dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới.”

Vũ Quý 

Theo AFP, Voice of  Russia

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link