Thứ ba 13 Tháng Mười Một
2012
Trung Quốc và
thách thức thay đổi mô hình kinh tế
Công trường xây dựng một
trung tâm tài chính tại Thượng Hải ngày 12/11/2012.
REUTERS/Aly Song
Duy trì ổn định xã hội và
xây dựng mô hình kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng :
đó là thách thức lớn chờ đợi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Bài toán
càng nan giải khi các nhà cầm quyền bị hệ thống chính trị bó tay.
Trong bài diễn văn khai mạc
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ngày 08/11/2012 chủ tịch
Hồ Cẩm Đào đề ra mục tiêu cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhân thu nhập
bình quân đầu người lên gấp đôi từ nay cho đến năm 2020. Mục tiêu đó
chỉ có thể hoàn thành với điều kiện trong 8 năm sắp tới, Trung Quốc
liên tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên 10 % như thành tích đã đạt được
trong 2 nhiệm kỳ vừa qua dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào và thủ
tướng Ôn Gia Bảo. Nhờ thế mà nước đông dân nhất địa cầu đã qua mặt được
Anh Quốc, Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới,
chỉ thua có Hoa Kỳ. Tuy vậy, nhưng nếu tính theo thu nhập bình quân đầu
người, thì Trung Quốc chỉ đứng hàng thứ 121, tương đương với Thái Lan.
Đảng Cộng sản Trung Quốc
đang họp đại hội, chuẩn bị đưa một thế hệ lãnh đạo mới lên cầm quyền
trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chựng lại. Do tác động của
khủng hoảng châu Âu và khó khăn kinh tế toàn cầu, GDP của Trung Quốc
trong năm nay không tăng quá 7,5 %. Thành tích này quá kém cỏi để cho
phép Bắc Kinh bảo đảm công việc làm cho người dân, tránh gây bất ổn
trong xã hội. Bản thân ông Hồ Cẩm Đào nhìn nhận là Trung Quốc cần nhanh
chóng thay đổi mô hình kinh tế. Đây là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc Bắc
Kinh cần xét lại mô hình phát triển vốn dựa vào xuất khẩu, đầu tư quá
tải và chính sách tiền tệ quá dễ dãi.
Nhờ lấy xuất khẩu làm chủ
đạo mà kinh tế Trung Quốc trong một thập niên qua (2002-2012) đã duy
trì tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 10 % một năm. Thặng dư cán cân
thương mại luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Bắc Kinh đang làm chủ một
khoản dự trữ ngoại tệ trên 3000 tỷ đô la hơn hẳn cả so với tích lũy của
Nhật Bản. Lại cũng Trung Quốc là địa điểm hút đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào bậc nhất của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc
được mệnh danh là « cơ xưởng sản xuất lớn nhất toàn cầu ».
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu
trở thành những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Vấn đề đặt
ra là cả ba cột trụ kinh tế toàn cầu đó hiện đang gặp khó khăn, đặc
biệt là kể từ sau khủng hoảng 2008-2009, và không còn khả năng tiêu thụ
hàng Trung Quốc với nhịp độ như ở vào thời « hoàng kim ».
Ngoại tệ rót vào Trung Quốc
trở nên khan hiếm hơn. Trung Quốc vẫn có những lợi thế nhất định, nhưng
không còn là nơi có nhân công rẻ so với các nước chậm phát triển hơn.
Không có gì chắc chắn là Bắc Kinh bảo đảm được tăng trưởng kinh tế ở
ngưỡng 8 %, mức tối thiểu để tạo công việc làm cho đội ngũ lao động quá
dồi dào.
Đó là những thực tế mà các
nhà lãnh đạo Bắc Kinh thuộc thế hệ 5 – với hai gương mặt nổi bật là các
ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ phải đối mặt.
Bản thân Trung Quốc từ 5 năm
nay đã ý thức được điều này và đã tiến hành một loạt các biện pháp cải
tổ : nâng cao mãi lực cho người dân, dùng sức tiêu thụ nội địa làm
động lực tăng trưởng. Nhiệm vụ đó chưa hoàn thành và sẽ được chuyển
giao lại cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp.
Thành công hay thất bại của
tiến trình cải tổ đó được coi là mang tính định đoạt đối với sự tồn tại
của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Tất cả vấn đề đặt ra là liệu hai người
đứng đầu guồng máy chính trị Trung Quốc tương lai, các ông Tập Cận Bình
và Lý Khắc Cường, có hoàn thành trọng trách đó hay không.
Hai ngày trước Đại hội Đảng
báo Thanh Niên Trung Quốc số đề ngày 06/11/2012 công bố một cuộc thăm
dò dư luận được thực hiện qua mạng internet. Theo đó 75,4 % những người
được tham khảo ý kiến cho rằng, bất bình đẳng về thu nhập là một mối đe
dọa đối với tương lai đất nước. Trong lúc chỉ có 31,3 % quan tâm đến
việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bị chựng lại.
Trong mắt gần 70 % những
người được hỏi, cải thiện hệ thống y tế được coi là một ưu tiên hàng
đầu ; 60 % kỳ vọng an toàn thực phẩm được cải thiện và 62,8 % mong
muốn hệ thống giáo dục được nâng cấp.
Nhìn lại quá trình điều hành
đất nước sau 2 nhiệm kỳ sắp khép lại của cặp bài trùng Hồ Cẩm Đào, Ôn
Gia Bảo, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Trung Quốc, chuyên gia kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ không phủ nhận những thành tựu đã đạt được
cho dù cách biệt giàu nghèo và những bất công quá lớn là một hiểm họa
đe dọa trực tiếp đến ổn định xã hội của một quốc gia với gần 1,5 tỷ
dân.
Nguyên Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng có, ở hai mặt chìm và nổi, với cái
vị chua ngọt, mà chua nhiều hơn ngọt, thậm chí hơi đắng. Năm 2002
là khi ông Hồ Cẩm Đào lên làm Tổng bí thư rồi Chủ tịch Nhà nước, tổng
sản lượng kinh tế của Trung Quốc được ước tính là 1 450 tỷ đô la, tương
đương với của Anh Quốc. Tính theo đầu người thì lợi tức một người dân
Trung Quốc là khoảng 1 100 đô la. Mười năm sau, với đà tăng trưởng
trung bình là 10% một năm, Trung Quốc lần lượt vượt qua kinh tế Anh, Đức,
Nhật. Thế hệ thể tư để lại một nền kinh tế có tổng sản lượng khoảng 7
400 tỷ đô la. Trung Quốc là nền kinh tế hàng thứ nhì thế giới, với GDP
cao gấp năm lần so với di sản họ nhận lãnh được từ thế hệ Giang Trạch
Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ. Tính trung bình thì mỗi người dân đã thấy
lợi tức từ 1 100 đô ma lên tới 5 400 đô la. Đó là mặt nổi và
có vẻ ngọt ngào của di sản kinh tế đang được bàn giao.
Cái mặt chìm là mấy con số
vừa nói chỉ là bình quân và không phản ảnh những dị biệt rất lớn ở bên
trong. Các nước tân hưng Đông Á đều có thể đạt mức tăng trưởng rất cao
vào giai đoạn khởi phát hay cất cánh. Nhưng không quốc gia nào lại có
mức dị biệt hay tỷ lệ bất công cao như ở Trung Quốc. Khi Hồ Cẩm Đào rồi
Ôn Gia Bảo cùng nói rằng kinh tế Trung Quốc thiếu công bằng, thiếu cân
đối, không phối hợp và không bền vững, họ đều ý thức được sự khác biệt
lợi tức quá lớn giữa các thành phần dân chúng và các địa phương. Mà
khác với ngày xưa, ngày nay, người dân đã có thông tin và ý thức được
sự khác biệt và bất công đó nên đã phản ứng.
RFI: Đấy là cái phần chua của vị chua ngọt. Nhưng anh
còn nói đến vị đắng. Xin anh trình bày cho một số ví dụ cụ thể.
Nguyên
Xuân Nghĩa: Vì địa
dư hình thể, lãnh thổ bát ngát của Trung Quốc có ba khu vực khác nhau.
Miền Đông ở vùng duyên hải gồm có 15 tỉnh thì tương đối trù phú. Miền
Tây là 11 tỉnh và khu tự trị hành chính của các sắc dân thiểu số thì
nghèo hơn nhiều. Khu vực thứ ba là vùng phiên trấn hoang vu từ Tứ Xuyên
lên Cao nguyên Thanh-Tạng, Tân Cương, Nội Mông và ba tỉnh Đông Bắc
thuộc đất Mãn Châu cũ thì còn nghèo khốn và lạc hậu hơn vậy. Chiến lược
Đặng Tiểu Bình đã giúp các tỉnh miền Đông phát triển mạnh nhất vì hướng
ra ngoài, nhưng lại bỏ quên các tỉnh ở bên trong.
Năm 1999, thế hệ lãnh đạo
thứ ba là Chủ tịch Giang Trạch Dân và thủ tướng Chu Dung Cơ đã muốn
điều chỉnh đó với kế hoạch "Phát triển Địa khu Tây bộ" nhằm
gia tăng đầu tư vào sáu tỉnh và năm khu tự trị hành chánh bị khóa trong
lục địa ở miền Tây mà không thành. Sau năm 2002, thế hệ thứ tư
cũng đòi khôi phục ba tỉnh Đông Bắc và một phần của Nội Mông trong kế
hoạch gọi là "Chấn Hưng Đông Bắc Lão Công Nghiệp Cơ Địa", rồi
kế hoạch phát triển sáu tỉnh thuộc khu vực Trung bộ gọi là "Trung
Bộ Quật Khởi Kế Hoạch", mà cũng không xong.
Tình trạng bất công và không
cân đối khiến Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều nói đến yêu cầu chuyển hướng
từ « lượng » sang « phẩm » và cải cách cơ chế cho
linh động hơn. Họ trù tính như vậy từ sau Đại hội 17 vào năm 2007 mà
cũng thất bại.
RFI : Thưa anh vì sao lại thất bại khi mà trong giai đoạn
ấy kinh tế Trung Quốc đã qua mặt nước Đức rồi nước Nhật ?
Nguyên
Xuân Nghĩa: Trung Quốc
dự tính là không tìm tốc độ tăng trưởng cao cỡ 9-10% mà nhắm vào phẩm
chất của tăng trưởng để điều chỉnh những khác biệt chúng ta vừa nói.
Nhưng, nhiều đảng bộ địa phương lại vẫn muốn tăng trưởng bằng mọi giá
và cản trở chính sách này. Đã vậy, vụ khủng hoảng tài chính và suy trầm
toàn cầu năm 2008-2009 khiến Bắc Kinh lo sợ rằng sản xuất sút giảm vì
thị trường xuất cảng suy sụp và nạn thất nghiệp gia tăng sẽ gây ra động
loạn. Vì vậy, tháng 11 năm 2008, Bắc Kinh ào ạt tăng chi ngân sách và
bơm thêm tín dụng qua hệ thống ngân hàng để kích thích kinh tế.
Kết quả là kinh tế có tăng
trưởng thật và vượt qua Nhật Bản vào năm 2010. Nhưng hệ quả là một
lượng tín dụng khổng lồ, tương đương với mấy ngàn tỷ đô la, được bơm
vào kinh tế, qua doanh nghiệp nhà nước và các cơ sở kinh doanh có quan
hệ tốt với viên chức địa phương, đã thổi lên bong bóng đầu cơ về địa ốc
và thương phẩm.
Một hậu quả khác là các địa
phương thực hiện nhiều dự án có giá trị kinh tế rất thấp mà vẫn được
ngân sách tài trợ, miễn là tạo ra công ăn việc làm. Khi đã hết ngân
sách thì các chính quyền địa phương lập ra công ty đầu tư của địa
phương để vay tiền ngân hàng của nhà nước ở địa phương nên đã chất lên
một núi nợ cực lớn. Mà lớn chừng nào thì không ai biết, kể từ Ngân hàng
Trung ương đến các cơ quan quản lý của nhà nước. Nghĩa là Trung Quốc
đang có một núi nợ vĩ đại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào với hậu quả còn
nguy ngập hơn những gì đã thấy tại Nhật Bản từ hơn hai chục năm trước,
rồi Âu Châu và Hoa Kỳ như người ta đã thấy từ bốn năm qua.
RFI : Dù sao thì Trung Quốc cũng nắm trong tay một khoản
dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ đô la mà một phần ba là công khố
phiếu của Mỹ, tức là họ đang là một chủ nợ của Hoa Kỳ. Thế thì di sản kinh
tế này là mạnh hay yếu?
Nguyên Xuân Nghĩa : Chúng ta có nhiều cách nhìn và đánh giá cái sức
mạnh biểu kiến này. Thứ nhất, so với cái núi nợ vĩ đại có thể
lên tới hơn phân nửa và thậm chí 75% của tổng sản lượng, tức là gần năm
ngàn tỷ đô la thì hơn ba ngàn tỷ dự trữ sẽ không đủ chuộc nợ khi núi
lở. Thứ hai, trong luồng giao dịch tài chính với bên ngoài, tính đến
tháng 6/2012 Trung Quốc đạt mức thặng dư tương đương với khoảng 1 750
tỷ đô la. Tức là kết số của tài sản họ đầu tư ra ngoài khấu trừ phần
đầu tư của ngoại quốc vào thị trường của họ.
Nhưng khi đầu tư ra ngoài,
như mua công khố phiếu để làm chủ nợ của Mỹ, thì họ được một phân lời
rất thấp trong khi phải trả một mức doanh lợi rất cao cho nguồn đầu tư
của nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. Nhìn vào tương quan trao đổi
bất cân xứng ấy, Trung Quốc vẫn là một xứ lạc hậu chứ không mạnh như
người ta tưởng. Sau
cùng, cũng phải nói rằng trong hoàn cảnh hiện tại, với nguy cơ đình trệ
toàn cầu, kinh tế Trung Quốc khó đạt mức tăng trưởng trên 8% là số tối
thiểu cần thiết để tránh động loạn.
RFI : Để kết
luận, anh cho rằng di sản kinh tế mà thế hệ lãnh đạo thứ năm sẽ tiếp
nhận sau này thật ra chẳng có gì là sáng sủa, có phải như vậy không ?
Nguyên Xuân Nghĩa :
Tôi nghĩ rằng di sản đó
không sáng sủa mà cực kỳ đen tối. Đấy không là một di sản kinh tế mà là
một di sản chính trị, một hệ thống chính trị không cho phép chuyển
hướng và cải cách dù lãnh đạo đã thấy ra vấn đề từ cả chục năm trước.
RFI : Xin cảm ơn chuyên gia Nguyên Xuân Nghĩa.
Nhà sử học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc nổi tiếng của Pháp, giáo sư François
Godement từng ví guồng máy lãnh đạo của Bắc Kinh như một chiếc « hộp
đen » : hiện tại, ngoài hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc
Cương, chắc chắn là sẽ tham gia Ban thường vụ bộ chính trị, 5 hoặc 7
ghế khác trong tổ chức này chưa biết sẽ về tay ai. Theo những nguồn tin
mới nhất có khả năng phe cải cách sẽ bị lép vế.
Vài giờ trước khi Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khép lại, một
số các nhà quan sát của phương Tây cho rằng đại hội lần này diễn ra vào
thời điểm nhu cầu cải tổ cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế đang trở
nên cấp bách hơn bao giờ hết. Không phải tình cờ mà tuần trước, Hoàn Cầu
Thời Báo công bố một cuộc thăm dò dư luận theo đó, 81,4 % người được
hỏi mong muốn Bắc Kinh cải tổ guồng máy chính trị, cho dù là có đến 69,7
% muốn sự thay đổi đó phải được thực hiện từng bước.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment