Saturday, November 17, 2012

Đâu chỉ có Nông dân khổ


 


Đâu chỉ có Nông dân khổ


Thiện Tùng


Là cán bộ nghỉ hưu, tôi thuộc loại “bán công”, “bán nông”. Tôi đọc gần như tất cả các bài của anh Hoàng Kim đăng trên trang Bauxite VN.

Là người trong cuộc, anh Hoàng Kim “than phiền” về nỗi khổ của Nông dân như thế, không còn chỗ để tôi xen vào. Để có cái nhìn thoáng và công bằng hơn, tôi xin tản mạn một đôi điều để nói rằng “Nếu Nông dân đang chết đuối thì Công nhân và lớp nghèo thành thị cũng đang chết trôi”.

Sau giải phóng miền Nam, Đảng CSVN đổi tên nước, tên Đảng – từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Lao động Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc bấy giờ, cả nước VN ta cùng bước vào thời kỳ quá độ lên CNCS, tức là cải tạo và xây dựng XHCN. Kể từ ấy, chẳng có meo nào còn được quyền nắm giữ Tư liệu sản xuất (TLSX), tất cả nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất, những cơ sở dịch vụ… đều quốc hữu hóa hoặc tập thể hóa.

Cơ chế “Tập trung Bao cấp” đẻ ra bao trì trệ gây khốn khổ cho nhân dân, Đảng CSVN mở Đại hội lần thứ 6, còn gọi là đại hội “Đổi mới” kinh tế, chuyển đổi từ “kinh tế tập trung bao cấp” thành “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” – tức là Đảng ân xá lần thứ nhứt, cho phép mọi người tự tạo vốn, tạo nghề  để tự lo cuộc sống cho riêng mình và nộp thuế theo chính sách. Đảng “chỉ” nắm những ngành kinh tế, dịch vụ then chốt và đất đai.

“Kinh tế Quốc doanh đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế Quốc dân” là tiền đề hình thành Tư bản Nhà nước. Kinh tế Quốc doanh trở thành những đứa con cưng của chế  độ: Cần đất có đất công thổ, cần vốn có vốn từ ngân sách quốc gia hoặc vay ở nước ngoài, thế hệ sau trả. Kinh tế Quốc doanh trở thành vô địch, ngoài thống lĩnh ngành tài chính ngân hàng, nó còn hạ gục khoảng 200.000 doanh nghiệp tư nhân, đẩy hàng triệu người thất nghiệp ra xã hội. Người ta đưa người thân quen vào, biến kinh tế quốc doanh thành những tập đoàn kinh tế thuộc những nhóm lợi ích, cấu kết với tư sản trong ngoài nước thao túng nền kinh tế quốc gia, làm giàu trên xương máu, mồ hôi, nước mắt dân lành không phân biệt thành thị hay nông thôn.

Công nhân trong  nền kinh tế tư bản nhà nước, họ thực sự là người vô sản, họ chỉ còn đem sức lao động mặc cả bán cho chủ tư bản, nhưng Nhà nước ta lại xen vào qui định mức lương tối thiểu. Chủ Tư bản dựa vào đó trả lương tối thiểu cho công nhân. Nhà nước thành lập Công đoàn quốc doanh giống như tổ chức Công đoàn Vàng của Trần Quốc Bửu chế độ cũ, họ lãnh lương của chủ, tha hồ ức hiếp công nhân. Tôi chẳng hiểu Hạnh, Chương, Hùng có làm điều gì sai quấy nữa không, tôi chỉ biết họ đến nhà máy giày da của tư bản Đài Loan ở tỉnh Trà Vinh hô hào “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”. Công nhân ở  đây hưởng ứng bãi công, đưa ra 7 yêu sách được chủ xin lỗi và chấp nhận những yêu sách, thế mà Tòa án Nhân dân xử tội Hạnh, Chương, Hùng mỗi người từ 7 đến 9 năm tù giam ?!

Lớp nghèo ở thành thị, cuộc sống họ rất bấp bênh, nhà thì cất trên đất nhà nước, luôn nơm nớp lo bị giải tòa thu hối đất. Họ mưu sinh bằng lao động dịch vụ ở các chợ và lề đường, luôn lo sợ bị phạt vạ, đưổi xua. Không ít phụ nữ kẹt quá họ phải “bán dưới nuôi trên”; chấp nhận nghe theo mối lái, xếp hàng cho những gã đàn ông nước ngoài chọn vợ; lén sang các nước láng giềng hành nghề mãi dâm. Nhiều người vay mượn tiền chung cho “cai đầu dài”để được “xuất khẩu lao động” kiếm tiền nuôi sống gia đình, có không ít trường hợp bị lường gạt khóc ông khóc cha, v.v.

Vậy là ở thành thị, nếu không tự tạo, chẳng có người dân nào được sở hữu TLSX, ngay đất ở (thổ cư) vốn có tự bao đời cũng bị tước đoạt quyền sở hữu?! Họ tạm cư trên đất của Nhà nước để hành nghề lao động, dịch vụ kiếm sống qua ngày. Nếu bị giải tỏa, nhà nước chỉ trả giá trị sản vật hiện có trên mặt đất chẳng đáng là bao. Đến vùng tái định cư, với số tiền ít ỏi ấy, họ cũng chỉ  mua mảnh đất đủ cất cái nhà che mưa che nắng, không hành nghề cũ được, chẳng lẽ tối rủ nhau ngửa mặt lên trời hứng sương mà sống. Trong “phong trào đô thị hóa” trung ương mở rộng Thủ đô, các địa phương bắt chước làm theo, mở rộng thành phố, thị xã, thị trấn lan tràn. Quy hoạch giải tỏa chỗ này, lấy đất chỗ kia lập khu tái đinh cư, gây bất ổn dây chuyền đối với người dân.

Nếu anh Hoàng Kim kêu Nông dân đang chết đuối thì tôi kêu Công nhân và lớp nghèo thành thị đang chết trôi.Theo tôi, dầu sao Nông dân vẫn còn tạm sử dụng phần đất ngoài thổ cư để canh tác kiếm cơm.

Ở đời sao còn lắm cái vô duyên:

. Người ta theo chủ thuyết Cộng sản mà bảo người ta tư nhân hóa TLSX là vô duyên, không thể chấp nhận được? Chủ nghĩa CS mà tư nhân hóa TLSX thì nó không còn là nó, nó thành tư bản mất rồi?

.  Mặc dầu cố công nài nỉ,  Nhà nước VN cũng đừng trách: cớ sao các nước trên thế giới chưa chịu công nhận VN đã có nền kinh tế thị trường. Trách họ là vô duyên, bởi vì đường lối kinh tế VN nửa nạc nửa mỡ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Khư khư giữ  “kinh tế Quốc doanh đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế quốc dân” và “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”.

. Chấp nhận Chủ nghĩa Cộng sản thì phải chấp nhận hình thái ý thức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nó, đòi hỏi sửa đổi cái này, cải cách cái kia là vô duyên. Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội bị khuyết tật thì đó là do lỗi hệ thống như ý kiến ông Nguyễn văn An và bao người khác đã nói.

Ngày nào Đảng CS VN chưa  ân xá lần thứ hai –  tức là chưa cắt đuôi “định hướng XHCN”, thì ngày đó chuyện đau khổ đối với thường dân VN  được ghi tiếp thành

truyện dài nhiều tập.

Mỹ Tho, 10/11/2012

T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-2/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link