Friday, November 16, 2012

Trung Quốc: Công khai tái lập chế độ « cha truyền con nối » cầm quyền


 

Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012

Trung Quốc: Công khai tái lập chế độ « cha truyền con nối » cầm quyền


Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.

Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.

AFP PHOTO / Ed Jones

Lê Phước


Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài phân tích sự « lên ngôi » của ông Tập Cận Bình với dòng tựa đáng chú ý : «Trung Quốc ở thời đại thái tử đảng».

Cùng với sự đăng quang của ông Tập Cận Bình, dĩ nhiên các thành phần thuộc hàng ngũ phe « thái tử đảng » cũng sẽ lên hương. Le Figaro so sánh : « Nếu như Hoa Kỳ có nhà Kennedy thì Trung Quốc có phe « thái tử đảng ». Cách gọi này dùng để chỉ con em của những quan chức cấp cao từng tham gia lãnh đạo cách mạng Trung Quốc từ những ngày đầu.

Thế hệ con cháu họ được xem như sinh ra là để làm quan, và dĩ nhiên có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn người khác. Khi phe thái tử đảng, mà đứng đầu là ông Tập Cận Bình, lên nắm quyền chóp bu đất nước, người dân Trung Quốc vẫn còn chưa hiểu rõ về các vị lãnh đạo mới của mình, và lấy làm lo lắng về chế độ độc tài và tình trạng lạm quyền do lợi ích phe nhóm.

Tờ báo nhắc lại, năm nay con em nhà hoàng thân quốc thích nói trên được dư luận chú ý đến rất nhiều. Được chú ý không phải vì lập được đại công cho dân cho nước, mà vì những vụ rùm ben về lối sống xa hoa hay tài sản kết sù. Vụ tai tiếng nhất có lẽ là vụ cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Đây cũng là một nhân vật thuộc phe hoàng thân quốc thích.

Đúng với câu «con vua thì được làm vua», tờ báo cho biết, những người xuất thân vương giả như Bạc Hy Lai hình như được sinh ra là để làm quan, con cái của họ đều được cho đi học ở nước ngoài, mà điểm đến ưa thích nhất đó là Hoa Kỳ, nước đầu tàu của chế độ tư bản. Con trai của ông Bạc Hy Lai và con gái của ông Tập Cận Bình đều học ở đại học Havard.

Le Figaro thừa nhận rằng, hiện tượng có nhiều ưu thế vì là con dòng cháu giống không phải chỉ tồn tại ở Trung Quốc, thế nhưng do chế độ độc tài và sự thiếu minh bạch trong chính trị ở Trung Quốc đã làm cho lợi ích nhóm và tình trạng bè phái cực kỳ nghiêm trọng. Lòng dân ngày càng bất mãn, và việc xử lý Bạc Hy Lai cũng không cải thiện được gì hình ảnh con em nhà vương giả.

Ở Trung Quốc, người ta thường bảo rằng có hai phe phái chính, đó là phe xuất thân từ Đoàn Thanh niên cộng sản và phe thái tử đảng. Phe Đoàn thanh niên cộng sản thường xuất thân bình dân và không có con đường quan lộ thênh thang và dễ dàng như phe thái tử đảng. Đại diện của phe đoàn thanh niên hiện là ông Hồ Cẩm Đào và đại diện của phe thái tử đảng là ông Tập Cận Bình.

Lợi ích nhóm sẽ ngày càng lớn mạnh
Thế nhưng, khi đi sâu vào chủ đề này, Le Figaro cho rằng, không chỉ có hai phe đơn giản như thế, bởi vì trong hàng ngũ của mỗi phe lại chia thành nhiều nhóm lợi ích, và cứ như thế thì lợi ích nhóm trong hồ sơ này vô cùng phức tạp. Một ví dụ là ông Bạc Hy Lai cũng thuộc phe thái tử đảng nhưng từng ra sức loại trừ ông Tập Cận Bình cũng thuộc phe thái tử đảng.


Nhận xét về viễn cảnh cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ năm của đảng cộng sản trung quốc dưới thời Tập Cận Bình, ông Jean-Philippe BEJA thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, đại hội nào cũng thế, trước đại hội thì luôn có những lời hứa cải cách thế nhưng sau đại hội thì đâu sẽ vào đấy. Ông cho rằng, ở thế hệ này lợi ích nhóm sẽ ngày càng lớn mạnh.

Nhật-Trung : sóng gió lại nổi lên
Tranh chấp lãnh thổ vẫn còn đang làm thương tổn quan hệ ngoại giao và trao đổi mậu dịch giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ấy thế mà biển chưa lặng thì bão táp lại sắp ập đến. Nhật báo Les Echos nhận định như thế qua bài viết : « Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh lại bùng lên căng thẳng ».


Nhân vật đang và sẽ làm cho sóng gió nổi lên trong quan hệ Trung-Nhật mà tờ báo đề cập đó là ông Shinzo Abe, từng giữ ghế thủ tướng Nhật năm 2006-2007. Do sức ép ngân sách, đương kim thủ tướng Nhật ông Yoshihiko Noda phải chấp nhận cho tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn. Và theo Les Echos thì chắc chắn đảng của ông Noda sẽ bị thua và ông sẽ mất ghế thủ tướng.

Người kế nhiệm ông Noda được cho là lãnh đạo đảng LDP, đảng lớn nhất trong các đảng đối lập được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, tức là ông Abe. Ông Abe nổi tiếng là người có lập trường dân tộc chủ nghĩa và là người không ngần ngại chỉ trích Bắc Kinh.

Dù chưa trở lại ghế thủ tướng, nhưng ông Abe cũng đã làm cho Bắc Kinh mất lòng khi hôm qua ông đã tiếp lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong buổi tiếp, ông Abe tuyên bố : «Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể trong phạm vi quyền lực của mình để thay đổi tình hình Tây Tạng ». Ông cũng không ngại khẳng định : « Tây tạng là nơi mà nhân quyền bị xóa bỏ ». Lập tức Bắc Kinh đã lên tiếng lên án cánh hữu Nhật Bản « đã ủng hộ các hoạt động li khai của Đạt Lai Lạt Ma ».

Nga-Đức : hứa hẹn có nhiều căng thẳng?
Nhìn về Châu Âu, Le Figaro chú ý đến quan hệ giữa hai đại gia của châu lục này là Nga và Đức với bài viết cho hay : «Berlin có lời lẽ cứng rắn hơn đối với Putin ». Dự kiến vào thứ sáu này, tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc hội kiến tại Maxcơva trong khuôn khổ Đối thoại Saint-Pétersbourg, một diễn đàn đối thoại Nga-Đức về xã hội dân sự.


Trong bối cảnh đó, những đảng chủ chốt trong quốc hội Đức đã thông qua một bản kiến nghị đề nghị chính phủ Đức « thể hiện rõ ràng » những chỉ trích của mình liên quan đến việc ông Putin trở lại điện Kremlin. Bản kiến nghị nểu rõ : « Từ khi ông Putin trở lại điện Kremlin, Nga đã dùng những biện pháp đàn áp và lạm dụng biện pháp hình sự đối với những công dân có động thái chỉ trích chính phủ ».

Các đại biểu còn yêu cầu xem xét lại quan hệ chiến lược giữa Nga và Đức. Đảng của bà Merkel cũng thông qua bản kiến nghị này. Điều đó thể hiện phần nào lập trường hiện tại của bà Merkel. Một đại biểu quốc hội Đức cho rằng, ở Nga hiện tại, cảnh sát, tòa án không ngừng đe dọa và đàn áp xã hội dân sự.

Trên cơ sở đó, dân biểu này khẳng định, quan điểm về hiện đại của hai nước đã khác nhau, vì thế phải xem xét lại quan hệ chiến lược giữa hai nước. Nga lập tức phản đối và cho rằng : một dân biểu thì chưa đủ quyền nhân danh cho cả nước Đức. Thủ tướng Đức Merkel cũng không còn ngần ngại tuyên bố là lấy làm « điếc tai» về những tuyên bố vừa nêu của Nga, và hứa sẽ có « một cuộc đối thoại hoàn toàn thẳng thắng » với phía Nga

Theo Le Figaro, Đức lệ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, là đồng minh đáng tin cậy nhất của Nga tại Liên Hiệp Châu Âu. Bà Merkel xuất thân từ vùng chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ là Đông Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức). Bà hay trao đổi trực tiếp bằng tiếng Nga với tổng thống Putin.

Chủ nghĩa khủng bố thời hậu Al Qaida ?

« Những phần tử thánh chiến mới », đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Le Monde phản ánh những mô thức mới của các tổ chức khủng bố thời hậu Al Qaida.Trùm khủng bố Ben Laden của tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida đã bị quân Mỹ hạ sát trên lãnh thổ Pakistan hồi năm ngoái.

Tưởng rằng chặt được đầu rắn là sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề, nhưng có ngờ đâu sau mùa xuân Ả Rập, bổng nổi lên ở nhiều nước như Tunisia, Ai Cập, Yémen hay Libya những tổ chức mang tên Ansar Al-Charia, tức « những người ủng hộ luật Hồi Giáo Charia ».

Hình thức hoạt động của các tổ chức này không giống như Al Qaida là hoàn toàn bí mật, mà đôi khi các tổ chức này còn công khai tham gia chính trường hoặc được sự dung dưỡng hay xem thường của một số chính phủ. Điều đáng chú ý là nó ngày càng thu hút giới trẻ Hồi Giáo.

Đó là một biến tướng của Al Qaida hay là một trào lưu Hồi Giáo cực đoan mới ? Tất cả còn chưa thể khẳng định dứt khoát được. Thế nhưng theo Le Monde, có một điều có thể khẳng định ngay, đó là mục tiêu của các tổ chức này chỉ có một: Thiết lập một nhà nước Hồi Giáo ở những nước vừa được giải phóng khỏi các chế độ độc tài.

Châu Âu : trẻ em cũng bị bóc lột sức lao động ?
Tối nay, đài truyền hình France 5 của Pháp sẽ phát một bộ phim tài liệu mang tên « Tuổi thơ làm việc : Châu Âu cũng có », phản ánh tình trạng tuổi trẻ ở Châu lục được xem là giàu nhất thế giới cũng phải bỏ học đi kiếm tiền. Nhật báo Cộng Sản Pháp L’Humanité đề cập đến bộ phim này với bài chạy dòng tựa báo động : «Ở Châu Âu, khủng hoảng buộc trẻ em đi làm việc ».


Bộ phim được thực hiện ở ba nước Châu Âu là Bungari, Anh và Ý, với tiêu chí lựa chọn không phải dựa trên sự lớn mạnh của nền kinh tế hay mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em, mà là vì hiện tượng trên tồn tại với ba hình thức khác nhau ở ba nước này.

Tại Bungari, trẻ em bị sử dụng trong ngành công nghiệp thuốc lá và phải đổ mồ hôi trên những rẫy thuốc. Đây là một thực trạng phổ biến ở nước này. Còn ở Anh thì trẻ em đi làm không phải vì gia đình khó khăn mà là để không phải sống lệ thuộc vào gia đình.

Số là xã hội Anh vốn kỳ thị người ăn không ngồi rồi, giới chức chính trị Anh thì luôn có lời lẽ cực đoan lên án người không việc làm phải sống nhờ vào phúc lợi xã hội. Bởi thế, một số cha mẹ bị thất nghiệp buộc phải cho con mình đi làm việc để nó không phải sống nhờ vào sự bảo trợ của xã hội. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em ở Anh dù đi làm nhưng vẫn không bỏ học.

Ở Ý thì tình hình có vẻ nghiêm trọng do khủng hoảng kinh tế và do chính sách khắc khổ. Tiền trợ cấp thì sụt giảm, việc làm của người lớn ngày càng bấp bênh. Ở một số nơi tỷ lệ trẻ em bỏ học đi làm chiếm đến 60% số trẻ em trong tuổi đến trường.

Như vậy, Châu Âu tưởng rằng việc lạm dụng sức lao động trẻ em chỉ còn trong ký ức, ấy thế nhưng thực trạng đã chứng minh điều ngược lại. Tác giả bộ phim kết luận : Nếu chưa thể kết luận được rằng tình trạng vi phạm quyền trẻ em là phổ biến ở Châu Âu, thì thực tế cũng cho thấy là có một số nước Châu Âu đã vi phạm một cách đáng báo động.

 

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link