Friday, November 16, 2012

Sự hoang tưởng của quyền lực





13/11/12 |

Sự hoang tưởng của quyền lực




Muammar Gaddafi, người từng nắm quyền lực tuyệt đối suốt 42 năm tại Lybia, đã phải sống những ngày cuối cùng của đời mình trong cảnh trốn chui trốn nhủi, ăn gạo sống và mì ống mà đám hầu cận nhặt được từ các nhà dân bỏ hoang. Bất chấp thực tế phũ phàng đó, suốt gần hai tháng trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli cho đến khi phải đền tội, ông ta vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực vì một mực cho rằng người dân Libya vẫn còn yêu quý mình lắm. Kết cục là ông ta bị đám chiến binh cuồng nộ hạ sát trong một cảnh tượng hỗn loạn, đầy bạo lực và khủng khiếp ngày 20/10/2011, rồi bị trưng bày trong kho lạnh của một cửa hàng thịt ở Misrata như “chiến lợi phẩm” cho đông đảo dân chúng “chiêm ngưỡng”.

Thời kỳ ở đỉnh cao quyền lực, Gadhafi thậm chí còn tự phong cho mình những “danh hiệu” vô tiền khoáng hậu như “Nhà lãnh đạo anh em”, “Người dẫn đường của cách mạng”, “Người bảo vệ hơn 6 triệu dân Libya”, “Vua của các vị vua châu Phi” hay “Lãnh tụ của Thế giới Hồi giáo”, v.v.

Cựu tổng thống Libya Gaddafi không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến trong thế giới độc tài: chứng hoang tưởng của những kẻ vốn quen với việc nắm giữ quyền lực chuyên chế và độc đoán.

Trước khi buộc phải dùng súng để tự kết liễu đời mình vào ngày 30/4/1945, Hitler từng nuôi tham vọng xây dựng một Đệ tam Quốc xã kéo dài tới 1.000 năm như Đế chế La Mã Thần thánh, thực thể mà ông ta gọi là Đệ nhất Quốc xã (Đệ nhị Quốc xã là Đế chế Đức do Bismarck tạo dựng). Viễn cảnh của ông ta là một đế chế thống nhất của các quốc gia Giéc-manh trên toàn Châu Âu, trong đó các dân tộc khác nhau sẽ gia nhập một chính thể thuần chủng dưới sự lãnh đạo của người Đức.

Các lãnh tụ cộng sản trên thế giới như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông vẫn mơ tưởng về một “thế giới đại đồng” thông qua một cuộc “cách mạng thế giới” do giai cấp vô sản tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Mao Trạch Đông, nhà độc tài của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 cho đến khi lìa trần năm 1976, từng quả quyết trong một cuộc họp Bộ Chính trị Đảng CSTQ tháng 8/1965: ”Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”.

Trong một dịp khác, “Người cầm lái vĩ đại” của Đảng CS Trung Quốc thậm chí còn khẳng định: “Chúng ta phải chinh phục toàn cầu để từ đó xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh” và “Các quốc gia và vùng đất gồm Myanmar, Lào, Bắc Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Bhuttan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, các hòn đảo Ryukyu, 300 hòn đảo trên Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải cùng với Kyrgyzstan, Mông Cổ, Đài Loan, Nam Kazakhstan, tỉnh Bahdashan và Transbaikalia của Afghanistan và vùng Viễn Đông cho tới Nam Okhotsk, Nga… lẽ ra là của Trung Quốc nếu triều đại nhà Thanh không sụp đổ”.

Về đối nội, Mao Trạch Đông là cha đẻ của chính sách “Đại Nhảy Vọt” giai đoạn 1958-1960, đồng thời là người phát động cuộc “Cách mạng Văn hoá” giai đoạn 1966-1976, những tấn thảm kịch đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người dân Trung Quốc.

Ở Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, người vẫn được ca tụng bằng những mỹ từ như “người hai trăm ngọn nến”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, hay “một tư duy sáng tạo lớn”, v.v., lại chính là “tác giả” của những “tư tưởng lớn” như “ba dòng thác cách mạng”, “làm chủ tập thể” hay ý tưởng xây dựng cấp huyện thành những “pháo đài kinh tế” trên toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người kế nhiệm ông, thì có câu nói xứng đáng được khắc vào bia đá để đời đời nhắc nhở hậu thế: “Dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc cũng vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”!!!

Trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 4/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài thuyết giảng “nổi tiếng” về chủ nghĩa xã hội tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez, với những lời khẳng định đanh thép như “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” hay “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”, v.v.

Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần rất khó cứu chữa. Nếu ai đó vẫn còn hoài nghi về điều này thì hãy xem bài viết mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân của GS.TS Nguyễn Đức Bình, người tiền nhiệm của GS.TS Nguyễn Phú Trọng trong Hội đồng Lý luận Trung ương nhưng đã rời khỏi Bộ Chính trị – “vị Vua tập thể” của “thời đại Hồ Chí Minh” – từ hơn 10 năm trước:

“Chuyển đổi” (Việt Nam) sang con đường tư bản chủ nghĩa chăng? Đã có “kiến nghị” như thế. Tuy nhiên, nhân dân không thể đồng tình…

… Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến nay và mãi từ nay về sau là chủ thuyết cách mạng nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác…

Ở nước ta không có đất cho chủ nghĩa tư bản thống trị như một chế độ xã hội, không có đất cho một chủ thuyết chính trị nào khác khả dĩ được nhân dân chấp nhận, ngoài độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khách quan lịch sử mà nói, một chủ thuyết chính trị khác, chẳng hạn chủ nghĩa xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, đối lập với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dù có tô vẽ ngụy trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc thực chất không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc thực dân bên ngoài…”

Lord Acton, tác gia kiêm chính trị gia người Anh thế kỷ 19, từng để lại cho đời câu châm ngôn bất hủ: “Quyền lực dẫn tới tha hoá, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối”. Sau những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20 cũng như đầu thế kỷ 21 này, đặc biệt là “dấu ấn” đậm nét của các lãnh tụ cộng sản “lỗi lạc”, nhân loại có lẽ đã “ngộ” thêm một “chân lý” nữa về quyền lực, đó là: “Quyền lực dẫn tới hoang tưởng, quyền lực tuyệt đối thì hoang tưởng tuyệt đối”.

© Đàn Chim Việt

  

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-2/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link