Nhân
quyền tốt hơn sẽ giảm thuyền nhân
Nguyễn Quang Duy
Nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra, Úc
Châu.
Cập nhật: 14:36 GMT - thứ sáu, 26 tháng 7, 2013
Thảm trạng thuyền nhân Việt sau 1975 là câu chuyện không thể
quên
Rời
đất nước đã là một quyết định khó khăn. Ra đi trên một chiếc thuyền thiếu an
toàn, thiếu nước, thiếu lương thực, lênh đênh trên biển hằng tháng, không biết
bến bờ, không biết sống chết và không biết có được chấp nhận là thân phận của
các thuyền nhân.
Những người không còn cơ hội để lựa chọn khác hơn.
Là một thuyền nhân tị nạn cộng sản đang định cư tại Úc, xin chia
sẻ một số suy nghĩ và nhận định về các làn sóng thuyền nhân đến Úc, một đề tài
luôn gây nhiều chú ý và tranh cãi.
Tổ tiên thổ dân Úc đến Úc bằng thuyền. Người Tây Phương đến Úc
bằng thuyền. Người tị nạn cộng sản Nga và Đông Âu đến Úc bằng thuyền. Người tị
nạn Đông Timor đến Úc bằng thuyền. Người Việt, rồi người Afghanistan, Pakistan,
Sri Lanka, Iran, Iraq… đến Úc bằng thuyền.
Phải chăng Úc là quốc gia của thuyền nhân?
Vừa rồi, tôi có tham dự một sinh họat cộng đồng, vị quan khách
được mời chính là cựu Thủ tướng Tự Do Malcolm Fraser. Ông một ân nhân cộng
đồng, giữa thập 1970, trong khi nhiều chính trị gia còn đeo đuổi chính sách Úc
châu của người da trắng, ông Fraser đã đứng ra đấu tranh và ban hành chính sách
định cư người Việt tại Úc. Ông là một nhà lãnh đạo có tài, có đức luôn sẵn lòng
đấu tranh cho những người bất hạnh, cho thổ dân, cho thuyền nhân.
Thế nhưng trong thời gian ông làm Thủ Tướng, số thuyền nhân Việt
đến Úc gia tăng, gây ra nhiều tranh cãi và thúc đẩy chính phủ Fraser tích cực
hỗ trợ xây dựng các trại tị nạn tại Đông Nam Á và nhanh chóng nhận chục ngàn
thuyền nhân đến Úc định cư.
Năm 1989, khi các trại tị nạn cộng sản Đông Nam Á đóng cửa,
thuyền nhân phải qua thanh lọc, lại một lần nữa con số thuyền nhân Việt đến Úc
đột ngột gia tăng. Đến năm 1992, chính phủ Lao Động Paul Keating phải ban hành
luật giữ các thuyền nhân trong các Trung tâm để thanh lọc và cứu xét các hồ sơ
xin tị nạn.
'Thuyền nhân thế hệ
mới'
Đến đầu thập niên 2000, một làn sóng thuyền nhân mới từ Nam
Dương hay Mã Lai đã đổ xô đến Úc. Đa số các thuyền nhân xuất phát từ
Afghanistan, Pakistan, Iran, Iraq hay Sri Lanka, họ đến Nam Dương hay Mã Lai
mượn đường sang Úc.
Mẹ mất con trên biển: thuyền nhân Sri Lanka đắm tàu được với trở
lại Indonesia tháng 7/2013
Để đối phó chính phủ Tự Do John Howard cho ban hành Giải pháp
Thái Bình Dương giữ thuyền nhân tại hai đảo Nauru và Manus của nước Papua New
Guinea, họ chỉ được cấp giấy bảo vệ tạm thời và một số tàu tỵ nạn đã bị kéo ra
khỏi hải phận Úc bỏ lênh đênh trên biển.
Chính sách của Chính phủ Tự Do Howard đã bị công luận lên án gắt
gao, nhất là khi một số thuyền nhân đã tử nạn do bị Hải Quân Úc kéo ra khỏi hải
phận Úc bỏ lênh đênh trên biển. Cựu thủ tướng Tự Do Malcolm Fraser đã phản đối
chính sách này bằng cách bỏ đảng Tự Do, ông cho biết đảng này không còn phục vụ
lý tưởng tự do mà ông hằng đeo đuổi.
Khi Chính phủ Lao động Kevin Rudd được bầu lên, giải pháp Thái
Bình Dương đã bị tức thời bãi bỏ. Nhưng Thủ Tướng Kevin lại không đưa ra được
giải pháp thay thế, số thuyền nhân lại tiếp tục gia tăng và đây là một trong
những lý do ông đã bị bà Julia Gillard đảo chánh.
Chính phủ Julia Gillard đưa ra Giải pháp Đông Timor và Giải Pháp
Mã lai nhưng đều bị Tối Cao Pháp Viện Úc phán quyết là bất hợp pháp. Cuối cùng
tháng 8-2012 bà Julia đã phải quay lại giải pháp Thái Bình Dương do Chính phủ
Tự do Howard đề ra.
Hiện có trên 40,000 hồ sơ thuyền nhân xin tị nạn chưa được cứu
xét và từ đầu năm 2013 đến nay đã có trên 15,000 thuyền nhân mới đến Úc. Hằng
năm chi phí lên đến hằng tỉ Úc kim là một lý do để không ít người Úc đòi hỏi
chính phủ phải có một giải pháp mang lại kết quả cụ thể. Ngày 26-6-2013, ông
Kevin lật đổ bà Julia.
Đến ngày 19-7-2013, Thủ Tướng Úc Kevin Rudd và Thủ Tướng Papua
New Guinea Peter O'Neill đã ký một 'Hiệp định Định cư trong Khu vực'. Ông Kevin
cho biết "…bất kỳ thuyền nhân nào đến Úc để xin tỵ nạn sẽ không được tiếp
nhận định cư ở Úc…".
Theo hiệp định này, những thuyền nhân đến Úc sau khi Hiệp Định
được ký kết sẽ bị chuyển đến Papua New Guinea để được cứu xét và định cư tại
quốc gia này. Cũng theo hiệp định, trung tâm tạm giữ trên đảo Manus sẽ được mở
rộng để có thể chứa 3.000 thuyền nhân.
Hiệp định vừa được thông báo thì ngay ngày hôm sau, ngày
20-7-2013, một cuộc bạo loạn đã xảy ra tại trung tâm tạm giữ trên đảo Nauru.
Tòan trung tâm bị đốt phá không còn tiếp tục sử dụng được. Rồi tin tức cho biết
những thuyền nhân trong trung tâm trên đảo Manus bị hiếp, bị bạo hành, bị khủng
bố,… nhân viên điều hành biết được nhưng không có hành động cụ thể nào…
Úc là thành viên đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn
1951 và theo Công Ước này, Úc phải có bổn phận giúp đỡ người tầm trú trong thời
gian họ nộp đơn xin tị nạn. Điều kiện tồi tệ và an tòan ở các Trung tâm tạm giữ
trên đảo Manus và Nauru luôn là nỗi ưu tư của Cao ủy Liên Hiệp Quốc và của các
Tổ chức Nhân Quyền và Người Tị Nạn.
"Bất kỳ
thuyền nhân nào đến Úc để xin tỵ nạn sẽ không được tiếp nhận định cư ở Úc"
Thủ tướng Kevin Rudd
Bởi thế giải pháp Papua New Guinea của Thủ Tướng Kevin Rudd đã
gặp ngay phản ứng của các Tổ chức Nhân Quyền và Người Tị Nạn. Giải pháp này có
thể bị đưa ra Tối Cao Pháp Viện, có thể sẽ được phán quyết là bất hợp pháp,
cũng như các giải pháp đã được chính phủ Lao Động Julia Gillard đưa ra năm
2008.
Khi thuyền nhân đã được nhận là người tị nạn, đương nhiên họ có
quyền xin được định cư tại Úc, nhất là những người đã có gia đình đang sinh
sống tại Úc. Như vậy giải pháp và tuyên bố của Thủ tướng Kevin có thể chỉ có
giá trị xin phiếu cho kỳ tranh cử vài tuần sắp tới.
Rõ ràng vấn đề thuyền nhân là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và
vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết. Nói thẳng ra vấn đề thuyền nhân
phải giải quyết từ gốc, từ nguyên nhân đã tạo ra hiện tượng thuyền nhân.
Không ngừng ra đi
Trường hợp Việt Nam khi đảng Cộng sản còn đó, còn độc quyền
chính trị, còn đàn áp nhân quyền thì vẫn còn người tị nạn cộng sản.
Những năm 2006, để gia nhập các tổ chức quốc tế đảng Cộng sản đã
phải ngừng tay đàn áp Phong Trào Dân Chủ. Những năm này gần như không có các
thuyền nhân Việt Nam đến Úc.
Khi đã được gia nhập các tổ chức quốc tế, đảng Cộng sản lại
xuống tay đàn áp và càng ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Đảng Cộng sản càng đàn
áp thì số người bỏ nước ra đi càng gia tăng. Năm 2010 chỉ 31 người, năm 2010
tăng lên 101 người, đến năm 2012 có 50 người, thì năm 2013 tính đến ngày ông
Kevin Rudd thông báo giải pháp mới đã có 759 người Việt đến Úc bằng thuyền.
Đa số thuyền nhân là những người công giáo bị đàn áp do tranh
đấu bảo vệ giáo xứ Thái Hà, một số khác bị khủng bố trong các vụ tranh tụng đất
đai bị nhà nước trưng thu, cũng có người là thành viên của các tổ chức đấu
tranh như Khối 8406.
Để được chấp nhận là người tị nạn, các thuyền nhân phải chứng
minh họ lo sợ bị đàn áp, bị hành hạ, bị bắt bớ bị tù đày, vì lý do chính kiến
hay vì sự kỳ thị chủng tộc kỳ thị tôn giáo theo điều khoản thứ nhất trong Công
ước quốc tế về người tỵ nạn 1951.
Cộng sản Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự vu vơ như điều
79, điều 88 và đặc biệt điều 258 để khép những bản án vô lý. Việc nhà báo
Trương Duy Nhất và nhà văn Phạm Đình Trọng bị bắt thì ai viết blog, ai sử dụng
Facebook cũng khó tránh khỏi có ngày vào tù.
Người tỵ nạn Việt Nam tại trại cấm Hong Kong trong thập niên
1980
Chỉ cần tham dự một cuộc biểu tình là bị an ninh theo dõi. Chỉ
cần diễn đạt chính kiến như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên là bị mất việc. Nhiều người
bất đồng chính kiến bị từ chối xuất hay nhập cảnh Việt Nam. Những người bất
đồng chính kiến bị cô lập kinh tế, bị khủng bố tinh thần, bị kiểm sóat đi lại,
bị bạo hành, bi tù đày.
Dân oan bảo vệ đất bị đàn áp. Tín đồ Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài
vì không theo các giáo phái quốc doanh bị đối xử kỳ thị. Những hoàn cảnh nêu
trên đều là những bằng chứng để chứng minh là người tị nạn cộng sản.
Khi đến Úc các thuyền nhân được lập hồ sơ và sau đó được Bộ Di
Trú cứu xét. Các đơn xin bị bác, sẽ được Tòa Án Tài phán Tị nạn (Refugee Review
Tribunal) cứu xét và phán quyết. Nếu Tòa Án này bác, người tầm trú có thể kháng
cáo lên Tòa Án Tối Cao.
Với một hệ thống hành pháp và tư pháp độc lập như thế có đến 90
phần trăm các thuyền nhân đến Úc được chấp nhận là tị nạn chính trị. Tỷ lệ được
chấp nhận tị nạn chính trị có thể cao hơn cho các thuyền nhân Việt Nam. Chỉ vài
trường hợp thuyền nhân Việt bị bác đơn và tự nguyện xin quay về nguyên quán.
Nhìn chung, thuyền nhân là một vấn đề chưa có giải pháp cụ thể
và luôn được tranh cãi. Giải pháp cho vấn đề phải phát xuất từ nguồn đã tạo ra
hiện tượng thuyền nhân.
Khi nhân quyền đã được tôn trọng, khi quyền mưu cầu hạnh phúc đã
được bảo đảm, người dân sẽ không bỏ nước ra đi, hay nếu muốn đi họ sẽ tìm những
phương cách an toàn hơn thay vì phải trở thành những thuyền nhân lênh đênh trên
biển không biết số phận ra sao.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông
Nguyễn Quang Duy, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và
phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment