Sunday, July 28, 2013

Việt Nam Quê Tôi: Âm Mưu Diệt Chủng Của CSVN Qua Vấn Đề Môi Trường


Hôm nay, 07/27/2013 12:40 AM
Nhật Báo Việt Báo, California.

 
Việt Nam Quê Tôi: Âm Mưu Diệt Chủng Của CSVN Qua Vấn Đề Môi Trường

(07/27/2013) (Xem: 155)

 Tác giả : Chu Tất Tiến <http://www.vietbao.com/D_1-2_2-44_10-43_12-1/> 

 
Một trong những tội ác lớn nhất mà Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện trên đất nước Việt Nam là tội hủy hoại môi trường sống không những của Con Người mà còn mạng sống của chim, muông, các loại trên đất, trên không và dưới nước.
 
Đây không phải là một tình trạng xẩy ra do sự lơ là, bất tài của lãnh đạo, mà là một âm mưu thâm độc của Nhà Nước. Vì lúc nào cũng sợ bị lật đổ khỏi những ngai vàng của mình xây dựng từ xương máu của hơn 3 triệu người Việt đã chết trong các cuộc chiến từ 1930 đến 1975, nên nhóm cầm quyền muốn để dân chúng lúc nào cũng sống trong thảm họa môi trường, hãi hùng với bệnh tật gây ra bởi môi trường độc và bẩn.
 
Khi mà suốt ngày nơm nớp lo âu, đau bệnh và căng thẳng toan tính cho việc ăn uống, sinh hoạt, thì người dân Việt sẽ không còn tinh thần mà truy ra kẻ chủ mưu đã tạo ra môi trường độc hại cũng như tình trạng túng đói đó. Điều này có thể chứng minh bằng vụ kiện chất độc Da Cam do nhà cầm quyền dàn dựng, đòi Mỹ bồi thường cho một số trường hợp mà họ cho rằng do hiệu quả của chất độc Da Cam mà Mỹ đã thả xuống rừng già trước đây.
 
Trong khi nhà cầm quyền dựng lên cả một chiến dịch rầm rầm rộ rộ, hô hào bằng những danh từ đao to, búa lớn, chống đối Mỹ thả chất độc gây ra cho một số người ít ỏi từ nhiều năm trước, thì họ lại làm lơ việc cả một giải đất Tổ Quốc hiện tại đã và đang bị nhiễm độc từ trên không xuống dưới mặt đất và dưới nước!
 
Trước 1975, họ có thể đổ thừa cho chiến tranh, nhưng từ 1975 đến nay, đã hơn 30 năm, họ vẫn bỏ những chất vấn của dân chúng về vấn đề môi trường vào sọt rác, cho dù họ biết rõ những tác hại khủng khiếp của chúng. Vậy sự hủy hoại môi trường có nằm trong “âm mưu diệt chủng” của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hay không?

 

Trong cuốn “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam”, xuất bản năm 2010, của tác giả Mai Thanh Truyết, Tiến Sĩ Hóa Học, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ, với 480 trang giấy, ông đã viết về những thảm họa môi trường ở Việt Nam, nếu không có những biện pháp khẩn cấp ngăn chặn và điều chỉnh, thì môt tương lai u ám của Việt Nam sẽ xẩy đến môt ngày không xa: cạn kiệt nguồn nước, “ngập mặn do hạn hán kéo dài, trong khi hệ sinh thái sẽ bi hủy diệt do ô nhiễm” (tr. 54).
 
Theo ông, “nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng dần, và cho đến hôm nay, có thể nói rằng tình trạng ô nhiễm trên những dòng sông Việt Nam đã tăng cường độ kinh khủng và không còn phương cách nào cứu chữa được nữa”(tr. 48). Ngoài ra, ông còn cho biết vấn nạn nhiễm độc Arsenic trong các nguồn nước ở Việt Nam cùng với việc ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm không khí, nhất là việc Nhà Nước cho tự do nhập cảng chất phế thải độc hại vào Việt Nam là một thực tế đáng sợ, sẽ đem đến cho người dân Việt những tai họa không thể lường trước được.

 

1- Ô nhiễm nước thải và ô nhiễm sông, kinh rạch:

Theo bản tin trên báo điện tử http://betid.com.vn/News/?ID=1051&CatID=54, cập nhật lúc: 07:52:56 AM | 08/09/2012:

 

“TP.HCM có khoảng 3.000 km hệ thống sông, kênh, rạch với mật độ dày đặc... Thời gian qua, tình trạng thi công lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất của các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh, rạch rất nhiều làm lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm nặng nề sông, kênh, rạch.”

 

Cũng bản tin này cho biết nguyên nhân chính là do nhiều năm liền công tác quản lý môi trường chưa được chặt chẽ, sản xuất công nghiệp chưa chấp hành nghiêm… Trên hết, việc triển khai nạo vét khơi thông dòng chảy lại chưa được các cơ quan chức năng đầu tư đúng mức. Bản tin trên cho biết:

 

“Theo Trung tâm chất lượng nước và môi trường - Phân viện quy hoạch khảo sát thủy lợi Nam bộ, nước tại hệ thống kênh, rạch tại TP.HCM đều bị ô nhiễm nặng. Các thành phần như: BOD5 (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), chỉ tiêu vi sinh (coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng... vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép. Điển hình như các kênh Thầy Cai, An Hạ (huyện Củ Chi); kênh B, C (huyện Bình Chánh); kênh Bà Búp, Trần Quang Cơ (huyện Hóc Môn); kênh Tân Trụ, Hy Vọng (quận Tân Bình)... nước có màu nâu đen, mùi hôi rất nặng, nhiều chỉ tiêu đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Các kênh, rạch bị xả rác nhiều như: rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, kênh Liên Xã (quận Bình Tân); rạch Bình Thái, rạch Nhỏ, Cầu Miếu (quận Thủ Đức); rạch Ông Đội nhánh 1, rạch Bến Ngựa, Bà Bướm (quận 7).
 
Đặc biệt trên kênh Tân Trụ và kênh Hy Vọng, không những lòng kênh bị xả nhiều rác thải mà còn bị xả thải bởi phân gia súc, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề.”

 

Đó mới chỉ là những đề tài nói đến chung quanh thành phố Saigon mà thôi, còn Biên Hòa, Đồng Nai, miền Bắc, miền Trung… việc nhiễm độc nặng đến nỗi tôm, cá chết nổi trắng trên mặt nước làm nghẹt lưu thông..
 
Các sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đều bị nhiễm độc. Những con sông này đã trở nên những “dòng sông bệnh”, tôm cá chêt hàng loạt, nước uống vào sẽ sinh ra những căn bệnh kỳ quái mà thế kỷ 20 chưa bao giờ có, như bệnh vẩy cá (người rơi rụng vẩy ra từng dúm), bệnh phù nề, dị dạng...

 

2- Về nguồn tài nguyên Rừng

 

Nói về tài nguyên “Rừng”, với sự thả lỏng cho Lâm Tặc và các Cán Bộ, “lâm tặc” được tự do chặt đốn cây quý để làm giầu cho Tư Bản Đỏ là các Quan cấp Tỉnh và Trung Ương. Thỉnh thoảng, có vài bản tin cho biết “lâm tặc hành hung cả Kiểm lâm, đập phá trạm.
 
Tuy nhiên, theo dư luận địa phương, thì việc lâm tặc hoành hành, đập phá trạm chỉ là màn kịch để xóa sổ những việc chính quyền địa phương cấu kết với lâm tặc để phá rừng, bán gỗ làm giầu. Có những Tỉnh Ủy xây dựng lâu đài toàn bằng gỗ quý, trị giá vài triệu đô la.
 
Nhiều cán bộ gộc cũng đua nhau làm nhà sàn bằng gỗ để nghỉ mát. Do đó, nếu tính từ năm 1975, diện tích rừng có 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Với mức độ phá rừng không chậm lại, thì chỉ chừng thập niên nữa, nước ta sẽ có thể tới hơn 50% là sa mạc.

 

“Độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động. Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp. Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh. 40 năm trước đây, 400.000 ha đất ven biển nước ta được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nhưng chỉ trong 5 năm, 2006 - 2011, 124.000 ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá - tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó. Rừng ngập mặn trưởng thành rộng lớn ở vùng châu thổ sông Hồng hầu như đã bị tàn phá. Hệ lụy kéo theo là sự giảm sút mạnh của năng suất nuôi trồng thủy sản ven biển và sự mất cân bằng môi trường sinh thái.

 

Trong vòng hơn 1 thập niên, tính cho đến cuối năm 2012, có hơn 20.000 ha rừng tự nhiên bị phá để sử dụng vào nhiều mục đích, nhiều nhất là để làm thủy điện. Trong ba năm, hoạt động khai thác sắt, ti-tan khiến các khu vực, rừng ven biển từ Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận… bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng mất đi và dân làng biển đang phải đối mặt bão, lũ, gió cát, và một tương lai sống trên đất cằn khô sỏi đá.
 
 Trong một hành động che mắt thế gian, nhà cầm quyền đã cho trồng bù lại, nhưng đổi cho 20,000 héc ta mất mát, người ta chỉ mới trồng bù được hơn 700 héc ta. Mà những héc ta này, dưới sự làm việc tham nhũng của cán bộ, thì thực tế, khó mà đoán được bao nhiêu héc ta sống sót. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều chiến dịch trồng cây, gây rừng, chỉ có tiếng thanh la, trống, phách, hò hét, nhưng trồng 10 cây thì chết 9 vì thiếu nước và vì trồng cầm chừng, hố đào nông, chỉ một gang tay.

 

3- Về hệ sinh thái thực vật và động vật:

 

Qua vấn đề hệ sinh thái thực vật và động vật, gồm các chủng loại thú rừng, thú hiếm, chim, cá, thật sự đã bước qua ngưỡng cửa của sự tuyệt chủng. Bài báo trên cho biết thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới. Thế nhưng: “trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong.
 
Và, mặc dù có vẻ nghịch lý nhưng có một thực tế là các trang trại gây nuôi động vật hoang dã như nuôi những loài rắn, rùa, cá sấu, khỉ và các loài quý hiếm khác vì mục đích thương mại ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lại không hề làm giảm bớt tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, mà thậm chí còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi những trang trại này đã liên quan tới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

 

Tiến sĩ Elizabeth L. Bennett, Giám đốc Chương trình Giám sát nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết: “Thay vì hoạt động nhằm mục đích bảo tồn, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã lại vì mục đích thương mại nên trên thực tế trở thành mối đe dọa với các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
 
Các phân tích từ những báo cáo cho thấy tác động tiêu cực của các trang trại này lớn hơn rất nhiều so với những ích lợi mà chúng có thể đem lại”. Thậm chí, những trang trại gây nuôi các loài sinh trưởng nhanh với tỷ lệ sinh sản cao cũng tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn vì những trang trại này liên tục nhập khẩu các loài động vật có nguồn gốc tự nhiên…

 

Tại các vùng gần rừng như Di Linh, Đức Trọng, Ban Mê Thuột, Pleiku, Định Quán, các tỉnh miền Trung gần Trường Sơn, nhiều cửa hàng bán thịt rừng mọc lên như nấm. Tuy có nghị định cấm săn bắt thịt rừng, nhưng theo một bài báo mạng, thì hàng tháng, mỗi cửa hàng tiêu thụ cả tấn thịt rừng. Những ông khách Cối Cán lớn muốn ăn con gì đặc biệt, thì phải đặt hàng, và nội trong ngày, cửa hàng sẽ cho người làm thịt đúng con thú ấy cho các Ngài xơi. Đau lòng hơn là trong khi tuyệt diệt các động vật quý hiếm, cũng như tiêu diệt các thú rừng nguyên thủy, thì nhà nước lại cho nhập vào những thú nguy hiểm:

 

“Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, như: ốc bươu vàng, cây mai dương, bọ cánh cứng hại dừa, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ - một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.” Ngoài ra, mới đây, người ta còn tìm thấy một loại cá nhỏ nhưng hung dữ hơn cá cọp, cứ tìm ăn tất cả mọi loại cá khác, dù to hơn mình gấp chục lần. Chỉ cần vài con cá quỷ này thì cả hồ nuôi tôm, cá sẽ bị mất trắng trong một thời gian ngắn.

 

4- Về chất thải rắn, chất thải công nghiệp:

 

Chất thải rắn là những chất thải khó phân hủy, vừa chiếm diện tích đất, vừa tạo ra những bãi rác mang nguồn bệnh khủng khiếp.Theo tin báo CS,hiện có hơn 1,000 con tầu có trọng tải lớn nhưng cũ nát đang neo vật vờ ở các cửa sông, nếu phá dỡ, sẽ đem lại một số rác khổng lồ, không biết tiêu thụ vào đâu. Những con tầu này, một phần do các tư bản đỏ mua về để chuyên chở, nhưng vì thiếu khả năng hoặc vì tham lam, nên mua nhầm tầu phế thải, môt phần là do Vinasin, công ty của nhà cầm quyền, muốn rút tiền của nhân dân làm của mình, nên đã đi mua bừa bãi về để xù đi những vụ thiệt hại công quỹ khổng lồ cả ngàn triệu đô la.

 

“Nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải. Bài học “xương máu” này đã từng xảy ra với ngành sản xuất xi măng, song vẫn có khả năng lặp lại nếu những dây chuyền luyện gang, thép bị loại bỏ ở Trung Quốc được đưa về lắp đặt ở Việt Nam… Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy, khu vực nông thôn thải ra khoảng 10 triệu tấn/năm chất thải rắn sinh hoạt, nhưng đến năm 2010 tăng lên tới 13,5 triệu tấn/năm. Số rác thải này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại.”

 

Người Việt từ hải ngoại vào trong nước, không ai không biết là tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt một cách tràn lan, không có kiểm soát đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, quá hạn sử dụng còn tồn đọng cần tiêu hủy là hơn 700 kg (dạng rắn) và hơn 3.400 lít (dạng lỏng). Tại chợ Kim Biên, do Tầu làm chủ phần lớn, có bán đủ loại chất hóa học ma quỷ, để làm tất cả mọi công việc, làm phân bón, làm cho trái cây, rau cải tăng trọng nhanh như điện, cho vào đồ ăn, thức uống, nấu nướng từ phở, hủ tiếu, đến bún bò…Tất cả những chất độc này đều có chứa những yếu tố gây ung thư cho người, nhưng vẫn được nhà nước cho thông qua, vì đã nhận tiền của bọn giết người thâm hiểm kia rồi. Nhiều ruộng vườn, nếu thử chất độc Dioxin thì sẽ thấy tỷ lệ Dioxin này cao gấp nhiều lần chất Da Cam ngày xưa mà Mỹ thả xuống rừng hoang.

 

“Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề đều cho thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng Hà Nội, khảo sát tại 40 xã cho kết quả khoảng 60% số xã bị ô nhiễm nặng từ các hoạt động sản xuất… Ở các làng tái chế kim loại, khí độc không qua xử lý đã thải trực tiếp vào không khí như ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Tây cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề.

 

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động gần đây cho biết, trong các làng nghề, những bệnh mắc nhiều nhất là bệnh liên quan đến hô hấp như viêm họng chiếm 30,56%, viêm phế quản 25% hay đau dây thần kinh chiếm 9,72%. Tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, tỷ lệ người dân mắc bệnh về thần kinh chiếm khoảng 71%, bệnh về đường hô hấp chiếm khoảng 65,6% và bị chứng hồng cầu giảm chiếm 19,4%. Còn tại làng nghề sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang) tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da là 68,5% và các bệnh về đường ruột là 58,8%.”

 

Với chất độc đầy dẫy trong không khí, trong nước, trong đất, trong thực phẩm như thế, số người dân mắc bệnh lạ càng ngày càng gia tăng. Bệnh thông thường như lao phổi, dị ứng, viêm phế quản thì tràn lan. Cho nên, bệnh viện nào cũng quá tải. Bệnh nhân thường phài nằm chung 2 người một giường, có khi 3 em nhỏ. Các bệnh nhân khác phải nằm đất, ngay chỗ các bệnh nhân nằm trên tiểu, ho xuống. Có những bệnh nhân mà phải căng lều ngủ bên hè phòng khám hoặc ngay hành lang bệnh viện, nơi người đi qua đi lại, xả rác, khạc đờm…

 


 

“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 (tức bụi có kích thước bé hơn 10µ) tăng 1,07 lần. Kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt chỉ mới được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên… Ông Jacques Moussafir, công ty ARIA Technologies (Pháp) cho biết: Nếu không có biện pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu tình huống này xảy ra thì số lượng người nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn, vấn đề tim mạch sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người già.”

 

Chỉ với một số thông tin trên, chúng ta đã thấy tình trạng môi trường ở Việt Nam đang ở vào trong một giai đoạn nguy kịch đáng cho vào Kỷ Lục Guiness về “Chính sách của nhà nước: Bỏ rơi và Giết Dân bằng độc dược”. Tuy môi trường nhiểm độc cực kỳ nguy hiểm và với số người dân bệnh hoạn như thế, mà sau 27 năm thống nhất, mãi đến năm 2002, mới có những văn bản thành lập chính thức Bộ Tài Nguyên và Môi Trường: Ngày 5 tháng 8 năm 2002 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến ngày 11 tháng 11 năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên thế giới, từ xưa đến nay, chưa có một quốc gia nào mà có nhóm lãnh đạo thờ ơ với sinh mạng của dân chúng đến như vậy! Thật kinh hoàng!

 

2- Những ghi nhận từ phía nhà cầm quyền:

 

Theo “tusach.thuvienvietnam.com/wiki <http://www.vietbao.com/siteadmin/D_CatID-3_Table-NewsArticle_LanguageID-2_SiteID-2/tusach.thuvienvietnam.com/wiki> ” về “Những vấn đề môi trường hiện nay của Việt Nam”:

 

“Chính phủ Việt Nam được sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế đã xác định 8 vấn đề môi trường bức bách nhất cần được ưu tiên giải quyết là:

 

Nguy cơ mất rừng và tài nguyên rừng đang đe doạ cả nước, và trong thực tế tai hoạ mất rừng và cạn kiệt tài nguyên rừng đã xảy ra ở nhiều vùng, mất rừng là một thảm hoạ quốc gia.

 

Sự suy thoái nhanh của chất lượng đất và diện tích đất canh tác theo đầu người, việc sử dụng lãng phí tài nguyên đất đang tiếp diễn.

 

Tài nguyên biển, đặc biệt là tài nguyên sinh vật biển ở ven bờ đã bị suy giảm đáng kể, môi trường biển bắt đầu bị ô nhiễm, trước hết do dầu mỏ.

 

Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái v.v... đang được sử dụng không hợp lý, dẫn đến sự cạn kiệt và làm nghèo tài nguyên thiên nhiên.

 

Ô nhiễm môi trường, trước hết là môi trường nước, không khí và đất đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc đến mức trầm trọng, nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường phức tạp đã phát sinh ở các khu vực thành thị, nông thôn.

 

Việc gia tăng quá nhanh dân số cả nước, sự phân bố không đồng đều và không hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng và các ngành khai thác tài nguyên là những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ dân số và môi trường.

 

Thiếu nhiều cơ sở vật chất - kỹ thuật, cán bộ, luật pháp để giải quyết các vấn đề môi trường, trong khi nhu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên không ngừng tăng lên, yêu cầu về cải thiện môi trường và chống ô nhiễm môi trường ngày một lớn và phức tạp.”

 

Về hiệu quả của việc môi trường bị nhiễm độc, cũng bài báo trên đã nêu rõ là tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng thập niên trở lại đây. Bài báo đó còn cho biết việc xếp hạng quốc tế như sau:

 

“Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm,... Còn theo kết quả nghiên cứu khác vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe. …. Mới đây, hai trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Đại học Yale và Columbia của Mỹ thực hiện báo cáo thường niên khảo sát ở 132 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Về ảnh hưởng của chất lượng không khí, Việt Nam đứng thứ 123/132 quốc gia khảo sát; về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe đứng vị trí 77; về chất lượng nước Việt Nam được xếp hạng 80. Tính theo chỉ số chung EPI, Việt Nam xếp thứ 79…”

 

Để kết luận, xin gừi một đoạn văn ngắn của nhà báo Minh Diện, trong bài viết “Những Mảnh Ghép Vênh Vẹo” trên blog Bùi Văn Bồng đã kể nhiều chuyện “vênh vẹo” khi về thăm quê ở Miền Trung, trong đó có ghi lời anh Lưu, cựu Hiệu trưởng một trường phổ thông trung học, khi đưa nhà báo Minh Diện thăm dòng sông Cô Giang.

 

“Dòng sông này chảy qua mấy thôn trong xã, ngày xưa nước trong xanh, giờ đổi màu đen kịt. Ông Lưu nói, nước đổi mầu mấy năm nay rồi, từ khi xuất hiện cái nhà máy cán thép Chen-Lee của người Trung Quốc. Cái nhà máy ấy, ban ngày cách xa khoảng nửa cây số có thể nhìn thấy ba ống khói màu nâu đậm nhô lên trên các mái tôn hoen rỉ, nhả khói đen xì, còn ban đêm, cách vài cây số cũng nhìn thấy từng quầng lửa đỏ rực bốc cao lên trời. Ngày ngày những chiếc xe Container, xe tải bịt kín ra vào nhà máy. Những con đường bị vằm nát, khói bụi mù mịt. Người dân quanh vùng chỉ biết cái nhà máy của Trung Quốc , trên đất đai tổ tiên ông bà mình như vậy!... Theo bà con quanh khu vực, năm năm trở lại đây số người mắc bệnh ung thư ruột, ung thư gan trong thôn tăng đột biến. Chỉ trong năm 2012 đã có mười người ở hai thôn Cổ Lạc và Mỹ Lạc tử vong vì ung thư. Phải chăng do bà con uống nước sông Cô Giang bị nhiễm chất độc từ nhà máy cán thép Chen – Lee thải ra?... Tôi gặp Quân, một công nhân trẻ từng làm việc ở nhà máy Chen-Lee. Nước da xanh xám, hai mắt lõm sâu, Quân dè dặt nói với tôi: “Tuy làm việc cho nhà máy ấy gần 5 năm, nhưng cháu chỉ là công nhân khuân vác vòng ngoài, phải qua ba vòng, ba trạm gác mới vào vòng trong. Chưa bao giờ cháu dám bén mảng tới đó. Bọn bảo vệ người Trung Quốc sẵn sàng dùng dùi cui cao su đánh vào đầu công nhân Việt nếu vô tình xâm phạm vùng cấm. Theo cháu biết thì không có bất kỳ công nhân Việt Nam nào được lọt vào vòng trong. Ở đó toàn công nhân Trung Quốc đầu trọc. Chúng được tuyển chọn, đưa từ Trung Quốc sang. Hầu hết có vợ con, thành lập một khu tập thể, treo cờ Trung Quốc, cấm người Việt lai vãng… Quân nói với chúng tôi: “Nó chở phế liệu từ Trung Quốc sang, nấu nhôm, sắt thành phẩm chở về Trung Quốc, còn các chất phế thải đổ hết xuống sông…” (bongbvt.blogspot.com/)

 

Đau lòng thay cho Việt Nam, dưới sự lãnh đạo “thiên tài” của Đảng Cộng Sản, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”, không bao giờ lầm lẫn, đang bước dần vào Ngày Tận Thế dành riêng cho dân Việt. Nếu không làm cách mạng, lật đổ hàng ngũ lãnh đạo vô lương, vô tâm, vô cảm này, thì nhất định ngày tàn của Việt Nam không xa.

 

Chu Tất Tiến.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link