Saturday, August 3, 2013

Trí thức người Việt vận động chính phủ Úc ngăn chận dự án đập Xayaburi


 

PHỎNG VẤN - MÔI TRƯỜNG - 

Bài đăng : Thứ năm 01 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 01 Tháng Tám 2013

Trí thức người Việt vận động chính phủ Úc ngăn chận dự án đập Xayaburi


Công trình xây đập Xayaburi tại Lào. Ảnh chụp của tổ chức International Rivers vào tháng 06/2012.

Công trình xây đập Xayaburi tại Lào. Ảnh chụp của tổ chức International Rivers vào tháng 06/2012.

@International Rivers

Thanh Phương  RFI


Ngày 18/07/2013, phái đoàn hỗn hợp gồm đại diện Cộng đồng Người Việt Tự Do NSW và Nhóm Nghiên cứu Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long (NCVHĐNCL) Úc châu đã đến hội kiến với Ngoại Trưởng Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng bộ Ngoại Giao ở Sydney. Mục tiêu là để trình bày với Ngoại Trưởng Bob Carr về một số vấn đề liên quan đến tình hình ở Việt Nam, mối bang giao lâu đời Úc Việt, tranh chấp Biển Đông và số phận người Việt gần đây đến lãnh hải Úc châu bằng đường biển.


Riêng đối với Nhóm NCVHĐNCL mục đích buổi hẹn gặp người cầm đầu Bộ Ngoại Giao Úc châu là trình bày với NT Bob Carr hai vấn đề của Đồng bằng Cửu Long Việt Nam (ĐBCLVN) :

+ Việc chính phủ Lào đơn phương tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi.

+ Tình trạng giáo dục sa sút ở ĐBCLVN với số học sinh ghi danh thấp và số bỏ học cao.

Nhân dịp này, RFI Việt Ngữ phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân từ Sydney. 

Ông Huỳnh Long Vân tại Sydney
 
01/08/2013
 
More
 
 

RFI : Kính thưa tiến sĩ Huỳnh Long Vân, trước hết xin được hỏi là vì sao nhóm NCVHDNCL đặt hai vấn đề nói trên với chính phủ Úc ?

TS Huỳnh Long Vân : Kính chào quý thính giả chương trình Việt Ngữ Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, kính chào Thanh Phương.

Hai vấn đề trên được nêu lên vì:

a. Úc châu là một trong số các quốc gia nòng cốt tài trợ cho hoạt động của Ủy Hội Sông Mekong (MRC); và cũng giống như hai cơ quan tiền thân là Ủy Ban Mekong và Ủy Ban Mekong Tạm Thời, Ủy Hội Sông Mekong ngày nay được thành lập từ năm 1995 với mục đích khuyến khích và phối hợp với 4 quốc gia thành viên Cao Miên, Lào, Thái Lan, và Việt Nam để việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong được công bằng, hợp lý đảm bảo sự phát triển bền vững chung của lưu vực Mekong, vì lợi ích chung của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này.

b. Chánh Phủ Liên Bang Úc Châu có chương trình viện trợ xóa đói giảm nghèo dành cho người dân ĐBCLVN, điển hình với:

*những công trình xây dựng các cơ sở hạ tầng như: xây cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, đào thêm một con kinh nối liền sông Tiền với Sông Hậu, không xa mấy với kinh Vàm Nao sẵn có, để vùng đất nằm giửa hai con sông này không bị ún ngập vào mùa nước nổi, giúp gia tăng diện tích canh tác nông nghiệp.

*chương trình nghiên cứu khoa học “CLUES”(*) giúp sản xuất nông nghiệp ở miền Tây Nam Phần VN được bền vững, thích ứng với những tác động tiêu cực của Biến Đổi Khí Hậu (BĐKH) trên châu thổ ĐBCLVN.

RFI : Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Bob Carr, chắc là nhóm NCVHCLDN đã đề cập đến những tác hại tiềm tàng của các con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. Xin ông có thể nhắc lại những tác hại đó ? 

TS Huỳnh Long Vân : Nếu hai chương trình ngoại viện trên của chánh phủ Úc được thực hiên đúng theo mục đích đề ra thì sẽ đem đến cho người dân khu vực hạ lưu nói chung và vùng châu thổ ĐBCLVN nói riêng, những lợi ích to lớn và thiết thực.

Tuy nhiên trong thực tế sự việc không diễn ra như mong muốn vì trong khoảng thời gian vài năm gần đây, hai chánh phủ Lào và Cao Miên đưa ra kế hoạch xây 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong, 9 nằm trong lãnh thổ của Lào và 2 trong địa phận của Cao Miên.

Và theo những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành cùng những hậu quả tại hại thấy được trên môi sinh và cuộc sống của người dân, gây ra bởi các công trình thủy điện xây trên các phụ lưu sông Mekong như các đập Pak Mun ở Thái Lan; Nam Ngun, Hinboun-Theun, Nam Song, Xe Kaman ở Lào; Sesan ở Cao Miên; và Thác Yali ở Cao nguyên Trung phần VN, thì 11 đập thủy điện nếu được xây sẽ gây ra những tác hại cực kỳ nghiêm trọng, không thể đảo ngược trên môi sinh, sản xuất nông ngư nghiệp và cuộc sống của cộng đồng dân cư hạ lưu.

Vì thế không chỉ Nhóm NCVHĐNCL Úc châu chúng tôi đã lên tiếng chống đối việc xây dựng các công trình này mà ngay cả những cơ quan phi chánh quyền quốc tế NGO’s, các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài khu vực Mekong cũng đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối các đề án thủy điện này.

Bất chấp những nguồn phản đối nêu trên và những ý kiến đóng góp phê phán của các chuyên gia và báo cáo “Đánh giá Chiến lược Môi trường” kêu gọi đình chỉ xây dựng chuỗi 11 đập trong khỏang thời gian 10 năm, chánh phủ Lào vẫn ngang nhiên tự động tiến hành xây đập thủy điện Xayaburi, mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận với Cao Miên và Việt Nam.

Việc làm này của Lào là một hành động vi phạm thỏa hiệp đã được ghi rõ trong nội quy của Ủy Hội Sông Mekong: Quy Trình “Thông Báo, Tiền Tham Khảo và Ưng Thuận”- PNPCA. Động thái này của chánh phủ Lào sẽ tạo ra một tiền lệ để Lào và Cao Miên trong tương lai thản nhiên xây tiếp các đập còn lai. Thật thế Lào đã hoàn tất công việc chuẩn bị xây tiếp đập Pak Beng ở Bắc Lào và đập Don Sahong ở Nam Lào nơi giáp ranh với Cao Miên.

Điếu đáng phẫn nộ hơn là trước tình trạng này, Ban Bí Thư của Ủy Hội Sông Mekong, lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng mặc dù đã có sẵn trong tay:

* những tài liệu kỹ thuật nằm trong bản báo cáo “Đánh giá Chiến lược Môi trường” do Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường (ICEM) cung cấp, sau khi cơ quan quốc tế này tiến hành các chương trình nghiên cứu về những tác động tiêu cực do 11 đề án thủy điện gây ra trên sản lượng cá/sự di chuyển của cá lên xuống dòng sông, sự vận chuyển phù sa, phẩm chất của nguồn nước, khả năng tồn tại của hệ thủy sinh, tiềm năng sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân trong lưu vực.

* khuyến cáo của ICEM :

- Tất cả những quyết định về 11 đề án thủy điện cần được đình hoãn 10 năm để tiếp tục nghiên cứu đánh giá về những tác hại tiềm tàng chưa biết rõ của chuỗi 11 đập này;

- tuyệt đối không được dùng dòng chính sông Mekong như một thí điểm để thu thập các dữ liệu giúp cải thiện hay hoàn chỉnh kỹ thuật xây dựng đập thủy điện trên dòng chính các con sông. 

RFI : Trong cuộc gặp gỡ đó, các ông đã đưa ra những đề xuất gì về vấn đề này và phản ứng của Ngoại trưởng Úc ra sao?

TS Huỳnh Long Vân : Được biết chánh phủ Úc đã từng bày tỏ quan điểm tán thành nội dung bản báo cáo “Đánh giá Chiến lược Môi trường” kể cả khuyến cáo của ICEM nên chúng tôi, Nhóm NCVHĐNCL Úc châu hoan nghênh lập trường nêu trên của chánh phủ Úc và đồng thời đề nghị với NT Bob Carr :

- Yêu cầu ban Bí Thư Ủy Hội Sông Mekong phải bày tỏ thái độ phản đối với chánh phủ Lào, vì việc xây dựng các đập thủy điện này sẽ gây ra những tác hại cho khu vực hạ lưu và điều này hoàn toàn đi ngược lại chủ trương phát triển bền vững khu vực mà Ủy Hội Sông Mekong đề ra.

- Trực tiếp yêu cầu chánh phủ Lào, vì quyết định của chánh phủ Lào đơn phương tiến hành công trình Xayaburi trong khi chưa đạt được sự đồng thuận của hai quốc gia thành viên MRC là một hành động vi phạm quy ước PNPCA của MRC, hãy đình chỉ tức khắc công trinh xây đập thủy điện Xayaburi và để cho kế hoạch nghiên cứu bổ túc được tiến hành như đã được Hội đồng Bộ Trưởng 4 quốc già thành viên đồng ý vào cuối năm 2011.

NT Bob Carr tỏ ra rất quan tâm với đề nghị này; ông đã tiếp nhận và hứa sẽ chuyển tài liệu chúng tôi đệ trình đến cơ quan ngoại viện của Úc (Ausaid) điều nghiên. Ông có nhắc lại chính ông ngày trước cùng các ông Bob Hawke, Mick Young thành lập phong trào vận động thành công chống lại đề án thủy điện Franklin ở tiểu bang Tasmania, Úc châu; ngoài ra ông còn bày tỏ nhận thức là ngày nay nhờ hiểu biết được những tác hại trên môi trường mà các đập thủy điện gây ra nên các đập thủy điện thay vì xây thêm, được dần dần tháo bỏ.

RFI : Nhóm NCVHDNCL cũng đã đề cập đến tình trạng của ngành giáo dục của vùng châu thổ ĐBCLVN. Thực trạng ở vùng này hiện nay ra sao ? 

TS Huỳnh Long Vân : Thực trạng tồi tệ của ngành giáo dục ở vùng châu thổ ĐBCLVN là mối quan tâm đặc biệt từ lâu của LS Lưu Tường Quang và GS TS Trần Thạnh, cả hai đã thường xuyên đóng góp bài vở cho Tập san NCVHĐNCL. Hôm nay thay mặt LS Lưu Tường Quang và GSTS Trần Thạnh, tôi trình bày đề nghị của hai anh ấy với NT B. Carr.

Thưa quý vị,
Trên thế giới ngày nay, phát triển kinh tế phải đi đôi với đầu tư phát triển khả năng của nguồn nhân sự. Tuy nhiên theo thống kê của CHXHCNVN năm 2006 và một tài liệu nghiên cứu khác vào năm 2011 thì số trẻ em vùng ĐBCLVN ghi danh theo học cấp Tiểu học (t#85.6%) và Trung học (cấp2 #69,9% và cấp3 # 44,4%) rất thấp so với các vùng đô thị khác ở VN (t# 91,3%; cấp2 # 85,3% và cấp3  #69,5%) và tỷ lệ bỏ học rất cao (hơn 33%); và theo những tính toán đơn giản thì có trên 80% trẻ em khi ra đời, không có tay nghề; đây là một hình ảnh đáng được báo động.

Trong khi tại Hà Nội và Sài Gòn có các trường Trung học quốc tế như Trung học Taylor, Trung học Việt-Đức và Đại học thì có Đại học Kinh Tế Fullbright của Hoa Kỳ , Vietnamese-German University của Đức và Royal Melbourne Institute of Technology của Úc, ĐBCLVN chưa có được một cơ sở tương tự, vì thế một Trung Tâm Giáo Dục với trình độ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế rất cần thiết cho sự phát triển vùng đất miền Tây, trước hết khuyến khích trẻ em theo học đông đảo hơn đồng thời giúp nâng cao kỹ năng của người dân địa phương, yếu tố cần thiết cho phát triển kinh tế.

Giáo dục giúp cải tiến xã hội nhưng cũng là một dạng của “sức mạnh mềm” góp phần cho tiến trình dân chủ hóa VN, vì thế LS Lưu Tường Quang và GS TS Trần Thạnh đề nghị chánh phủ Úc:

Xây cho con em của người dân ĐBCLVN một “Trung Tâm Giáo Dục Phổ Thông” tại Cần Thơ, khởi đầu với cấp Tiểu học và sau đó tiến dần đến Trung học; những học sinh của Trung Tâm, sau khi tốt nghiệp cấp 3 có thể theo đuổi chương trình Đại học ở Úc hay các quốc gia phát triển khác trên thế giới và thành phần xuất sắc sẽ được chánh phủ Úc cấp học bổng sang Úc du học.

Ngoài ra Trung Tâm Giáo dục Phổ Thông này cũng sẽ góp phần nâng cao nền giáo dục vùng châu thổ ĐBCLVN qua những trao đổi với các cơ quan giáo dục địa phương học trình, giáo án và phương pháp giảng dạy từ đó giúp loại bỏ được lối học từ chương chậm tiến và lâu đời trong xã hội VN; trẻ em không bị nhồi nhét bởi những tư tưởng chánh trị và có được những tư duy độc lập, vững chắc.

Chúng tôi nghĩ đề nghị này không vượt quá khả năng của chánh phủ Úc vì Úc đã thực hiện một chương trình tương tự cho Indonesia qua kế hoạch viện trợ 5 năm 2011-2016. Văn bản mô tả chi tiết đề nghị này cũng được trao cho NT Bob Carr chung với tài liệu về sông Mekong

Nhìn chung, cuộc hội kiến với NT Bob Carr là buổi làm việc thành công vì chúng tôi đạt được những mục đích đề ra. Sự kiện ông đồng ý có thêm cuộc gặp gỡ với chúng tôi lần thứ hai trong khoảng thời không lâu so với buổi hội kiến trước đây, cho thấy mối quan tâm của ông đối với sinh hoạt của Cồng đồng người Việt tự do và các vấn đề chánh trị, nhân quyền ở Việt Nam cũng như các lãnh vực xã hội, môi trường, giáo dục, phát triển kinh tế của khu vực hạ lưu Mekong và ĐBCLVN.

Vì thế trong dịp gặp gỡ với NT Bob Carr sắp tới, chúng tôi sẽ nêu lên một thông tin trong bản “Thông cáo chung Việt Mỹ”, sau khi cuộc hội đàm giữa TT Obama và Ông Trương Tấn Sang CT Nước CHXHCNVN kết thúc, là Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý tiếp tục theo đuổi kế hoạch “Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong Lower Mekong Initiative” mà trước đây vào năm 2009 NT Hillary Clinton đã đề xướng, và hai bên sẽ hợp tác để thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia trong lưu vực nhằm bảo đảm sự toàn vẹn và phát triển bền vững của châu thổ ĐBCLVN và từ đó sẽ đề nghị NT Bob Carr, nếu có thể, hai Bộ Ngoai Giao Úc và Hoa Kỳ phối hợp làm áp lực với chánh phủ Lào đình chỉ công trính Xayaburi.

RFI : Cảm ơn Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

TS Huỳnh Long Vân : Cám ơn tất cả quý thính giả đã theo dõi phần trình bày của tôi, kính chào quý vị và Thanh Phương.

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link