Câu hỏi của hậu thế
Phạm Hồng Sơn - Bertrand Russell (1872-1970) trí thức
quí tộc người Anh, thuộc số những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Suy tư của
ông đi sâu vào nhiều địa hạt tri thức của nhân loại như toán học, luận lý học,
triết học, xã hội học, v.v. Đương thời Russell còn là một trí thức dấn thân,
một nhà hoạt động nhiệt thành vì hòa bình, chống vũ khí hạt nhân. Đặc biệt,
Russell quyết liệt chống sự can dự của Hoa Kỳ, cũng như phương Tây, vào cuộc
chiến tại Việt Nam. Năm 1965 Russell công khai xé toạc tấm thẻ Đảng Lao Động
(Labor Party) mà ông đã gắn bó trên 50 năm chỉ vì ông hồ nghi chính phủ Anh
đương thời (do Đảng Lao Động lãnh đạo) có dự định đưa quân tham chiến Việt Nam.
Năm 1966 Russell, cùng với Jean-Paul Sartre –triết gia Pháp, thành lập một tổ
chức riêng gọi là “Tòa Án Russell” để vận động chống Hoa Kỳ tham chiến, tố cáo
tội ác chiến tranh của phía phương Tây tại Việt Nam.
Cho tới nay tính đúng-sai, khách quan-thiên lệch
hay thiển cận-viễn kiến của Russell trong cương vị một nhà hoạt động chống chiến
tranh Việt Nam có thể còn là một đề tài bỏ ngỏ nhưng khó có thể phủ nhận sự
thành thật, triệt để của nhà hoạt động xã hội Bertrand Russell.
Người như Russell, đương nhiên, phải được (bị)
chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các trí thức đi theo đảng cộng sản
nhận là “người bạn” quí. Cách đây không lâu, một số tờ báo của Việt Nam vẫn còn
nhắc đến “người bạn của chúng ta” – Bertrand Russell – một cách rất trân trọng.
Tờ Tia Sáng, tạp chí của Bộ Khoa học và Công
nghệ, với nhóm cộng tác viên có những cái tên vang tiếng như Hoàng Tụy, Phạm
Duy Hiển, Tương Lai, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Sĩ Dũng,…, ra ngày 15/05/2014, hai
tuần sau sự kiện Giàn khoan Haiyang 198 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đăng lại
một bài viết đã công bố năm 1988 của giáo sư Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử
học, trong đó có đoạn: “…Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng
nói rằng: 'Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người
chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay.’” Tháng 3 trước đó, Xưa & Nay,
tạp chí của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cũng đăng lại bài viết vừa kể với
câu trích đầy ấn tượng vừa dẫn[i]. Nhưng cả hai tờ tạp chí không nói tới hành
động ly khai chính trị của Bertrand Russell.
Trong nhiều năm qua ở Việt Nam cũng xuất hiện
nhiều trí thức, như Bertrand Russell, ngoài chuyên môn, còn dấn thân cho các
vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là vấn đề chủ quyền quốc gia bị Trung Cộng
xâm hại. Nhìn vào các cuộc xuống đường, các vận động xã hội, các chữ ký trong
các thỉnh nguyện thư, thường rộ lên sau mỗi cuộc gây hấn của Trung Cộng, có thể
thấy nhiều người vừa là giáo sư, tiến sỹ hoặc thạc sỹ, nhà nghiên cứu, nhà văn
lãnh đạo,… lại vừa là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kiện Giàn khoan Haiyang 981 đang diễn ra chỉ
là một dấu mốc mới nhất trong hành trình Bắc thuộc hóa Việt Nam trên 60 năm
qua:
Chiến dịch Biên giới 1950-Hiệp ước Genève
1954-Công hàm Phạm Văn Đồng 1958-Hoàng Sa 1974-Gạc Ma 1988-Thành Đô 1990-Hiệp
ước biên giới 1999-Hiệp định vịnh Bắc Bộ 2000-Tam Sa 2007-Bauxite Tây nguyên
2007-Cho thuê rừng đầu nguồn 2010-Cắt cáp 2011-Giàn khoan Haiyang 981.
Nhìn một cách khác, những dấu mốc có tính tượng
trưng này sẽ khoát ra hình ảnh một chiếc thòng lọng nhiều tròng, có lõi là Đảng
Cộng sản Việt Nam, đang ngày càng thít chặt vào dân tộc Việt do một bàn tay kéo
là Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lẽ tự nhiên, người Việt Nam yêu nước, cùng nhiều
trí thức đảng viên cộng sản, sẽ còn dấn thân, lên tiếng, thỉnh cầu, kiến nghị hoặc
sẽ làm nhiều việc khác trước nguy cơ diệt vong, Bắc thuộc đang cận kề. Cũng
không loại trừ khả năng toàn ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại sẽ gióng
giả hiệu triệu “chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh”. Những việc như thế
chắc chắn đang và sẽ được ghi lại rất chi tiết để dòng giống người Việt mai hậu
biết được người Việt hôm nay đã làm gì, đã can đảm, nguy nan, vất vả ra sao
trong việc lên tiếng, gìn giữ giang san, chống trả những âm mưu vừa xảo quyệt
vừa quyết liệt của giặc trong lẫn giặc ngoài. Nhưng rất có thể những con người
của ngày mai lại hỏi: “Khi nước nhà đã lâm nguy như thế, quí ông, quí bà đã
không làm gì?”○
Phạm Hồng Sơn
Bài liên quan:
- Còn sợ dân chủ là hỏng
- Cắt rời thủ đoạn
[i] Tôi (PHS) không chắc chắn câu trích dẫn này
là của Bertrand Russell.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment