Thursday, June 19, 2014

Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Quốc



Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Trong thập niên qua chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới.

Duy Ái
18.06.2014
Nỗ lực ngoại giao văn hóa của Trung Quốc mới đây gặp phải một thất bại lớn với việc Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử. Trong một thông cáo công bố hồi đầu tuần này, AAUP nói rằng Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được cho phép không tôn trọng tự do học thuật.

Hôm chủ nhật 15 tháng 6 vừa qua, ông Lưu Vân Sơn, Bí thư Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đến dự một hội nghị liên tịch của các Học Viện Khổng Tử ở Âu châu tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland (Ái Nhĩ Lan). Tại cuộc họp, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của nhà cầm quyền Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các học viện này sẽ trở thành điều mà ông gọi là “đường xe lửa cao tốc tâm linh” nối liền giấc mơ Trung Quốc với giấc mơ của các nước và giấc mơ của thế giới.

Ông Lưu Vân Sơn đã phát biểu như vậy trong lúc báo chí quốc tế loan tin Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) thúc giục các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những viện này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của tự do học thuật và không tôn trọng tự do ngôn luận. Các nhà quan sát nói rằng hành động này của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ là một đòn nặng giáng vào dự án hàng đầu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm khuyếch trương quyền lực mềm của họ trên thế giới.

Theo tường thuật hôm thứ ba của tờ New York Times, AAUP kêu gọi các trường đại học bảo vệ các nguyên tắc tự do học thuật bằng cách chấm dứt hoặc thương thuyết lại những thỏa thuận đã đưa gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Quốc bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada. Một thông cáo của hiệp hội được thành lập từ năm 1915 và có 47.000 hội viên này nói rằng các trường đại học ở Mỹ đã đánh mất sự độc lập và phẩm giá của mình qua việc để cho chính phủ Trung Quốc quyết định về vấn đề  tuyển dụng và giám sát nhân viên giảng dạy, thiết kế học trình và đặt ra những giới hạn về tranh luận bên trong các Học Viện Khổng Tử.

Thông cáo này tố cáo “Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được phép không tôn trọng tự học thuật”, và “hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Học Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Quốc.”

Thông cáo trích dẫn một bài viết của giáo sư Marshall Sahlins trên tạp chí The Nation hồi tháng 10, trong đó vị giáo sư nhân chủng học của Đại học Chicago nói rằng “qua việc để cho Học Viện Khổng Tử được thành lập trong trường của mình, các đại học đó đã tham gia những nỗ lực tuyên truyền chính trị của một chính phủ nước ngoài với một cung cách trái ngược với những giá trị về tự do học hỏi và những phúc lợi của nhân loại.”

Trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới. Và đối với các trường đại học nước ngoài, việc dùng tiền bạc của chính phủ Trung Quốc để mở các lớp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho sinh viên của mình dường như là một việc chỉ có lợi mà không có hại gì cả. Do đó, kể từ khi Học Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004 tới nay, Trung Quốc đã lập ra hơn 400 Học Viện Khổng Tử tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tính đến cuối năm 2013, có 850.000 học viên ghi danh theo học tại các Học Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử tại hơn 600 trường trung, tiểu học. Ngoài việc giảng dạy Hán Ngữ, Học Viện Khổng Tử còn dạy các môn học đàn, chơi cờ, thư pháp, hội họa và võ thuật Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết những chương trình giảng dạy tại các Học Viện Khổng Tử được thiết kế để phô bày một hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản đương quyền và có nhiều đề tài cấm kỵ trong học trình. Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Miami, nói với tờ New York Times rằng phía Trung Quốc thường đòi các trường đại học Mỹ muốn họ giúp thành lập Học Viện Khổng Tử không được thảo luận về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay mời nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này tới thăm trường. Bà Dreyer cho biết có rất nhiều đề tài cấm kỵ từ Tây Tạng, Đài Loan, cho tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những vụ đấu đá bên trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ không phải là tổ chức học thuật đầu tiên phản đối Học Viện Khổng Tử. Tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Giáo chức Đại học Canada cũng đưa ra một thông cáo để hối thúc các trường đại học cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những lý do tương tự.

Tại Việt Nam, việc thiết lập Học Viện Khổng Tử đã diễn ra tương đối chậm chạp vì những yếu tố tế nhị trong lịch sử của mối bang giao giữa hai nước. Mãi đến tháng trung tuần 10 năm ngoái, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Hà Nội, hai nước mới ký kết một thỏa thuận để thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Thỏa thuận đó đã gặp phải sự chỉ trích của khá nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm ở Hà Nội cho Đài phát thanh Úc biết rằng nhiều người Việt Nam lo ngại “Viện Khổng Tử ở Việt Nam không phải chỉ tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học của Khổng Tử, Nho Học. Chức năng đào tạo tiếng Hoa, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc, giao lưu văn hóa, tư vấn du học … như giới thiệu cũng chỉ là bề nổi."

Đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền về một nước Trung Hoa hiện đại, thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc.” Ông Ngô Nhân Dụng, một nhà bình luận nổi tiếng trong giới truyền thông Việt Nam ở hải ngoại cho rằng “Viện Khổng Tử chính nó không nguy hiểm, nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Quốc.”

http://www.voatiengviet.com/content/tri-thuc-my-noi-khong-voi-hoc-vien-khong-tu-cua-trung-quoc/1940017.html


Trung Cộng ôm chặt công hàm Phạm Văn Đồng.

China.org.cn - Phương Anh dịch

Trong lúc Dương Khiết Trì sang Việt Nam thì truyền thông Trung cộng (China.org.cn) mượn danh "ý kiến chuyên gia" hô hào tuyên truyền rằng:
Việt Nam cần phải tôn trọng công hàm Phạm Văn Đồng
 (China.org.cn 18/6/2014)
*
Dẫn: Bài viết ngụy biện nguy hiểm này vừa được đăng trên trang China.org.cn hôm nay, trong tình hình Dương Khiết Trì đang ở VN. Chúng ta cần đọc để  hiểu lập luận của China và tìm cách gỡ những vướng mắc để có thể đưa China ra tòa quốc tế một cách thành công.
Nguồn: http://www.china.org.cn/opinion/2014-06/18/content_32701491.htm
Phương Anh dịch

***** 

Hà Nội phải thực hiện bổn phận pháp lý đã được nêu rõ trong trao đổi ngoại giao công nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là của China.

Một giàn khoan của China bắt đầu hoạt động khoan dầu bình thường trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa của China vào ngày 2 tháng 5 đã trở thành nạn nhân của hàng loạt vụ quấy rối từ các chiếc tàu của VN, mặc dù VN không hề có cơ sở nào cho phép thực hiện những hoạt động phá hoại và nguy hiểm của mình.

HN cần quay trở lại với sự công nhận đã có từ lâu rằng Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ của TQ. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 chính phủ CHNDTH đã ra thông báo rõ ràng rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và nguyên tắc trên lãnh hải có chiều rộng chủ quyền của 12 hải lý được áp dụng đối với các quần đảo. 

Trong một công hàm ngoại giao gửi Thủ tướng China là Chu Ân Lai 10 ngày sau đó, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho biết ông "công nhận và tán thành" tuyên bố của China và cam kết "tôn trọng đầy đủ" chủ quyền trên biển của China trong các quan hệ giữa hai nhà nước. Công hàm đã được ký này được VN gọi là "công thư của PVĐ".

Trước năm 1974, nước VNDCCH không hề có yêu sách chủ quyền trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa của China, cũng không hề tuyên bố những quần đảo này nằm trong phạm vi chủ quyền của mình. Ngược lại, chính phủ VN đã khẳng định lập trường của mình, cả bằng lời lẫn trên văn bản, rằng hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là thuộc về China.

Việt Nam đã chỉ thay đổi lập trường  sau khi thống nhất Bắc-Nam sau năm 1975 và từ đó đến nay luôn cố gắng diễn giải sai lệch và chối bỏ lập trường chính thức đã được nêu rõ trong công hàm PVĐ.

Trong chuyến viếng thăm China vào tháng 6/1977, để trả lời những phê phán của các nhà lãnh đạo China về việc thay đổi lập trường, PVĐ đã trả lời rằng "trong cuộc chiến chống Mỹ, VN phải đặt việc chống Mỹ lên trên hết, vì vậy cần phải hiểu các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ, kể cả bức thư của tôi gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, trong tình huống lịch sử lúc ấy."

Với lời chống chế thiếu thuyết phục này, PVĐ đã tỏ rõ lập luận rằng để đạt được mục đích tối thượng là độc lập và thống nhất, VN có thể làm bất cứ điều gì và không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả sau đó. Một số học giả VN đã cố gắng lập luận rằng công hàm PVĐ chỉ là một cử chỉ nhằm ủng hộ China với tư cách là một quốc gia đồng minh vào thời ấy và vì vậy không có liên quan gì đến yêu sách lãnh thổ. 

Vào thời điểm mà VN đang có chiến tranh với Mỹ, nước này cần phải công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh hải của chính phủ China để có thể có được sự hỗ trợ của Bắc Kinh, lúc ấy đang viện trợ cho VN.

Những lập luận ích kỷ từ phía VN không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Sự thật là China và VN đã có quan hệ hữu nghị tốt đẹp vào thời điểm ấy và VN đã có những cử chỉ ủng hộ China trên trường quốc tế trong một số trường hợp. Tuy nhiên, lãnh thổ luôn luôn là vấn đề quan trọng vì nó liên quan đến chủ quyền của một quốc gia. Nếu VN không đồng ý với China về vấn đề lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, thì PVĐ lúc ấy với tư cách là thủ tướng VN, một quốc gia luôn có lập trường dân tộc cứng rắn, hẳn đã không gửi bức công hàm ấy đến cho China, hoặc ít nhất sẽ không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Sự thật là VN đã gửi một công hàm ngoại giao với lời lẽ pháp lý chặt chẽ như vậy chỉ 10 ngày sau khi China đưa ra tuyên bố này, nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Bắc Kinh. Điều này, cùng với việc VN đã nhiều lần công khai công nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là một phần lãnh thổ của China, đã đủ để chứng minh công hàm PVĐ thừa nhận hai quần đảo là một phần lãnh thổ cố hữu của China đại diện cho lập trường thực của chính phủ VN.

Và cũng chẳng có chứng cứ nào để có thể nói rằng China đã lợi dụng việc VN cần hỗ trợ trong chiến tranh để buộc chính phủ VN phải đi ngược lại với nguyện vọng của mình và công nhận yêu sách lãnh thổ của China. Việc gửi bức công hàm đến chính phủ China và sử dụng những lời lẽ như vậy hoàn toàn là quyết định từ phía VN.
Theo các luật lệ, cách hành xử và chuẩn mực quốc tế, công hàm PVĐ là một tuyên bố đơn phương của một quốc gia có thể tạo ra một bổn phận pháp lý và chính phủ VN buộc phải thực hiện bổn phận ấy. PVĐ vẫn còn là thủ tướng sau khi thống nhất Bắc-Nam và cũng chẳng có thay đổi gì về bản chất công hàm mà ông đã gửi đến China với tư cách một tuyên bố đại diện cho một nước vào năm 1958.

Chính phủ VN không thề chối bỏ hiệu lực pháp lý của công hàm PVĐ. Bổn phận của VN là phải giữ lập trường nhất quán với bức công hàm ấy.
nguồn: http://vietnammaritime.blogspot.de/2014/06/


Trung Quốc hợp pháp hóa chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa

RFA 18.06.2014
Tờ Economic Observer có trụ sở tại Bắc Kinh hôm nay cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách mới cho phép dân chúng Hoa lục có quyền sở hữu đất đai tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà nước này đã chiếm của Việt Nam trước đây.
Nguồn tin của báo này còn xác nhận người dân, doanh nghiệp Trung Quốc ai cũng có thể đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất, nhà ở trên vùng biển đảo và quần đảo tại khu vực Biển Đông. Điều này có nghĩa là Trung Quốc xác định chủ quyền một cách bất hợp pháp đối với những đảo mà họ đã chiếm của Việt Nam trước đây.
Tờ Economic Observer xác nhận việc đăng ký sử dụng đất những nơi này sẽ bắt đầu vào năm 2018.

Trung Quốc mang giàn khoan thứ hai vào Biển Đông


Giàn khoan này có tên Biển Đông số 9 cũng thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Giàn khoan số 9 được cho là sẽ đưa vào khu vực đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tăng số giàn khoan hoạt động trái phép lên hai giàn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ không tiếp tục mang những giàn khoan khác nhằm uy hiếp các nước trong khu vực.

Báo chí Trung Quốc úp mở cho biết nước này đã đóng mới ít nhất là ba giàn khoan tương tự như HD 981 đang cắm tại vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, những giàn khoan này có số hiệu HD 982, HD 943 và 944, tổng trị giá các giàn khoan này lên đến 1 tỷ đô la.


http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/beijing-allows-rights-using-land-paracel-spratly-06182014141847.html

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link