Wednesday, June 18, 2014

20/6: CSVN phải hồi đáp về nhân quyền UPR



www.ducme.tv Bài tham luận của Ts Phạm Chí Dũng phần 1 -03.05.2014


www.ducme.tv Bài tham luận của Ts Phạm Chí Dũng. kết -03.05.2014


Theo dòng UPR: con số và sự kiện - Vietnam UPR

Vào ngày 20/6/2014 , trong  phiên họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva-Thụy Sỹ,  chính phủ Việt Nam sẽ trình bày báo cáo kết quả, hồi đáp cho những khuyến
nghị tại phiên điều trần UPR ở kỳ họp lần thứ 18 đã diễn ra vào ngày 5/2.
Trong phiên họp này, các tổ chức XHDS sẽ không còn hoạt động bên lề, mà được được tham gia chính thức vào cuộc họp và phát biểu với tư cách là “bên liên quan”.

VietnamUPR xin giới thiệu bài tổng hợp theo dòng UPR với những con số và sự kiện liên quan đến kỳ UPR 2014 lần này, để bạn đọc quan tâm thuận tiện theo dõi những diễn biến vào kỳ họp thông báo kết quả UPR của Việt nam sắp diễn ra.

Trước phiên điều trần

Vào tháng 11/2013, Chính phủ Việt Nam chính thức nộp Báo cáo quốc gia về thực hiện nhân quyền ở Việt Nam theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát chu kỳ II cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bản Báo cáo khoảng 20 trang, được xây dựng với sự tham gia của 18 Bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ và Quốc hội, mà thiếu vắng sự tham gia của nhóm XHDS độc lập.

Bản Báo cáo quốc gia đã nêu lên những thành tích về cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ cho các nhóm yếu thế, quyền phụ nữ và trẻ em… và ca ngợi chính sách nhất quán trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

Đến cuối tháng 1/2014, trang thông tin từ Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ đã công bố gần 30 bản Báo cáo của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế, các tổ chức XHDS độc lập trong và ngoài nước, với tư cách là bên thứ ba có liên quan, đánh giá về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là tồi tệ trong nhiều lĩnh lực như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tôn giáo… và qua đó đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện và tôn trọng nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Khoảng một tháng trước phiên điều trần UPR của Việt Nam diễn ra, các hội đoàn XHDS đã tích cực chủ động gặp gỡ giới chức chính phủ Hoa Kỳ, và các quốc gia EU, để vận động các quốc gia này đề nghị Hội đồng nhân quyền gây sức ép mạnh mẽ lên chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.

Tại Hoa Kỳ, hai cuộc vận động hướng đến UPR mang tên “Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam” và “Chiến dịch Đòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam” được Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) phối hợp với các tổ chức bảo vệ nhân quyền đồng loạt phát động tại Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 16/1.

Đến ngày 30/1, tại Thụy Sỹ, đại diện của sáu tổ chức và nhóm XHDS bao gồm VOICE, Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, Dân làm báo, Mạng lưới Bloggers Việt Nam, Con đường Việt Nam và No-U Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Ngày Việt Nam” (Viet Nam Day) trong một hoạt động vận động bên lề UPR ngay trong trụ sở LHQ.

 Tại đây, phái đoàn đã thực hiện buổi gặp gỡ đại diện quốc gia Costa Rica (quốc gia trong nhóm Troika), Đại diện Cao Ủy nhân quyền Liên hiệp quốc, Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch, Văn bút Quốc tế, Phóng viên không biên giới… nhằm vận động quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.



Đến ngày 4/2, cũng trong một hoạt động vận động bên lề UPR, các tổ chức Phi chính phủ quốc tế như UN Watch, Pen International, Media Legal Defence Initiative, Article 19, COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam), Human Rights For Vietnam PAC, và đảng chính tri Việt Tân đồng tổ chức hội thảo ‘trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc’, để kêu gọi Việt Nam cải thiện và tôn trọng quyền con người ngày càng xuống dốc của Việt Nam.


Trong cùng ngày, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam phối hợp cùng Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH tổ chức buổi hội thảo tại trụ sở Liên hiệp quốc xoay quanh chủ đề “Tiếng nói của xã hội dân sự bị cấm đoán tại Việt Nam”, qua đó cũng nhằm mục đích kêu gọi cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


Các cuộc hoạt động vận động nhân quyền bên lề UPR diễn ra sôi nổi, đã thu hút được sự chú ý và quan tâm của dư luận trong và ngoài nước vào phiên điều trần UPR của Việt Nam sắp diễn ra vài ngày sau đó.


Trong phiên điều trần


Ngày 5/2/2014, trong kỳ họp thứ 18 của Hội Đồng Nhân quyền LHQ, phiên điều trần Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền của Việt Nam chính thức diễn ra vào lúc 3h chiều giờ Thụy Sỹ, tức khoảng 8h tối giờ Việt Nam.


Phái đoàn chính phủ Việt Nam tham gia điều trần UPR gồm 23 người, dẫn đầu là Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hà Kim Ngọc, cùng với đại diện các Bộ Công an, Bộ tư pháp, Bộ Thông Tin-Truyền thông… đã trình bày về tình hình nhân quyền Việt Nam trong 4 năm vừa qua trước Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Buổi kiểm điểm kéo dài 3 tiếng rưỡi, dưới sự điều phối của ba nước Troika là Costa Rica, Kenya và Kazakhstan, với một kỷ lục được ghi nhận 106 nước phát biểu trong phiên họp, đưa ra 257 khuyến nghị, vì sự trùng lắp được rút xuống còn 227 khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam.
 
Các khuyến nghị đã tập trung vào việc đề nghị Việt Nam cải cách tư pháp và pháp luật, xóa bỏ các điều luật nhằm hạn chế quyền con người như điều 79, 88, 258 của BLHS, thúc đẩy nhân quyền bằng cách tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, lập hội…, và phóng thích các tù nhân chính trị.
Toàn cảnh phiên điều trần UPR của chính phủ Việt Nam vào ngày 5/2/2014

Sau khi phiên kiểm điểm kết thúc, báo chí thuộc sự quản lý của nhà nước đồng loạt ca ngợi sự thành công của chính quyền Việt Nam tại kỳ kiểm điểm định kỳ này, và cho biết tại phiên điều trần quốc tế đã đánh giá cao về tiến bộ nhân quyền mà Việt Nam đạt được.

Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền đánh phiên điều trần này như là đợt “tổng sỉ vả” của quốc tế vào chính quyền Việt Nam vì thành tích nhân quyền ngày càng xấu đi.

Các tổ chức dân sự độc lập cho rằng, “báo cáo của đoàn Việt Nam không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp. Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn đưa ra nhiều thông tin sai sự thật và những lập luận có tính ngụy biện, lảng tránh nội dung chính của câu hỏi trong quá trình báo cáo và trả lời chất vấn”, bản Thông cáo báo chí của sáu tổ chức XHDS tham gia vận động UPR nêu lên vào ngày 5/2/2014 sau khi phiên điều trần kết thúc.

Chiều 7/2, phiên họp của Nhóm làm việc về UPR đã đệ trình bản “Báo cáo đầu ra” của Việt Nam. Bản báo cáo đầu ra đã đánh giá tình hình nhân quyền của Việt Nam, cũng như tập hợp lại tất cả các bình luận và kiến nghị của các nước trong phiên điều trần.

Hướng đến phiên họp báo cáo kết quả

Ngày 2/4/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo thông báo về kết quả UPR chu kỳ 2 do Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam).

Trong hội thảo này ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao đã cho biết: “Sơ bộ nhận thấy khoảng 75-80% khuyến nghị có nội dung tích cực và ta có thể xem xét chấp nhận được. Khoảng 40 khuyến nghị ta cần cân nhắc thận trọng hoặc không thể chấp nhận. 

Các khuyến nghị này tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như yêu cầu ta huỷ bỏ việc áp dụng án tử hình; thả các đối tượng “bất đồng chính kiến” và ”người bảo vệ nhân quyền”; thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia theo nguyên tắc Paris; phê chuẩn Quy chế Rome về Toà án Hình sự quốc tế, sửa đổi các điều 79, 88, 258 của BLHS, đưa ra lời mời ngỏ đến với tất cả các thủ tục đặc biệt của HĐNQ, yêu cầu ta đón một số báo cáo viên/ chuyên gia độc lập về những lĩnh vực nhạy cảm (tự do ngôn luận, mất tích cưỡng bức, tự do báo chí…).

Thông điệp mang tính chất dự báo này cho thấy chính quyền Việt Nam vẫn coi các quyền chính trị là “lĩnh vực nhạy cảm”. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động nhân quyền. Họ cho rằng, điều kiện cần trong việc bảo vệ nhân quyền hữu hiệu là nằm ở chỗ 20% khuyến nghị có nguy cơ bị từ chối, chứ không phải ở chỗ 80% khuyến nghị được chấp nhận. 

Vì các quyền thuộc nhóm 20% này là quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí,…. Đây là những quyền cơ bản góp phần xây dựng một thể chế dân chủ, bảo vệ vững chắc và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm vào các quyền khác.

Vào ngày 19/5/2014, tại Việt Nam, Phái đoàn EU ở Việt Nam, phối hợp với các Đại sứ quán Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy sĩ và Hoa Kỳ đã tổ chức một hội thảo quốc tế về “Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ phổ quát: chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế”. 

Hội thảo này như là một động thái để vận động chính quyền Việt Nam chấp nhận những khuyến nghị về các quyền tự do chính trị đang có nguy cơ bị chính quyền Việt Nam từ chối, cũng như nhằm xây dựng một diễn đàn đối thoại, trao đổi giữa chính quyền Việt Nam và các hội đoàn XHDS độc lập, vốn có nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận về tình hình nhân quyền.

Thế nhưng, khi buổi hội thảo này diễn ra, Bộ Công an và Bộ ngoại giao đã từ chối tham dự vào phút cuối vì sự hiện diện của các tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam trong hội thảo này. Nó cho thấy chính quyền Việt Nam chưa sẵn sàng “ngồi chung bàn” để đối thoại và trao đổi với các hội đoàn XHDS độc lập, vốn chưa được chính quyền thừa nhận.

Đến ngày 26/5/2014, để chuẩn bị cho phiên họp báo cáo kết quả sắp diễn ra vào ngày 20/6 tới, 15 tổ chức XHDS tại Việt Nam cùng với tổ chức World Alliance for Citizen Participation (CIVICUS) đã nộp một Văn bản Tuyên bố (writen statement ) đến Hội đồng nhân quyền theo tiến trình UPR.

Ngăn chặn và trả thù

Dù cơ chế UPR đã tạo điều kiện cho các cá nhân, các hội đoàn dân sự tham gia sâu rộng vào tiến trình UPR, cũng như nghiêm cấm việc trả thù hay trả đũa các nhà hoạt động UPR, nhưng chính quyền Việt Nam bằng nhiều hình thức và cách thức khác nhau đã sử dụng đến các biện pháp ngăn cản và trả thù các nhà hoạt động tham gia vận động nhân quyền ở UPR.

Ngày 15/1/2014, blogger Nguyễn Hồ Nhật Thành (Paulo Thành Nguyễn) bị Đồn công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) tịch thu hộ chiếu và cấm xuất cảnh “vì lý do an ninh quốc gia” khi ông chuẩn bị bay sang Mỹ để vận động nhân quyền trước thềm phiên họp UPR.

 Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng bị rơi vào tình huống tương tự vào ngày 1/2 khi làm thủ tục tại sân bay để sang Geneva, Thụy Sĩ tham gia một sự kiện bên lề UPR theo lời mời của UN Watch.

Một nhà tham gia vận động UPR khác là bà Nguyễn Thị Trâm, mẹ của luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang thụ án tù tại Việt Nam, khi trở về từ chuyến đi vận động UPR tại Mỹ, Thụy Sĩ và Úc thì bị chính quyền trả đũa bằng cách khám xét cơ thể mang tính chất xúc phạm đến nhân phẩm tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 17/2.

Blogger Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi), một thành viên của phái đoàn xã hội dân sự Việt Nam tham dự phiên UPR ngày 5-2 tại Liên hợp quốc, khi trở về nước vào ngày 24/2 thì bị an ninh câu lưu và thẩm vấn trong 8 tiếng tại sân bay Tân Sơn Nhất về các vấn đề liên quan đến chuyến đi vận động UPR, và còn bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó, vào sáng ngày 16-4, ông Lâm bị 8 an ninh mật vụ mai phục và hành hung trên một đoạn đường vắng vẻ gần cầu Kỳ Trung, TP. Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam, để lại cho ông những vết thương nặng nề.

Một thành viên khác của phái đoàn dân sự là ông Đặng Văn Ngoãn của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống bị cơ quan công an địa phương sách nhiễu, bằng cách liên tục đến nhà mời lên đồn công an làm việc với lý do “liên quan đến hồ sơ xuất nhập cảnh” sau khi ông trở về Việt Nam ngày 31-3.

Dù bị chính quyền sử dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và trả thù đối với hoạt động vận động UPR, nhưng các nhóm XHDS vẫn tiếp tục theo dõi và hướng đến đến cuộc họp lần thứ 26 Hội đồng Nhân quyền LHQ để xem xét bản “báo cáo kết quả” UPR của Việt Nam cũng như các diễn biến hậu UPR liên quan đến việc thực thi các khuyến nghị. Nó cho thấy một nỗ lực và quyết tâm lớn của các tổ chức XHDS trong việc theo đuổi một trong các cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ là UPR, nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam.

Cuộc họp sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh UN Web TV  vào lúc 15h theo giờ Thụy Sỹ, tức khoảng 20h tối giờ Việt Nam ngày 20/6/2014.

Sau khi cuộc họp này kết thúc, các hội đoàn XHDS sẽ tiếp tục tham gia vào tiến trình “hậu UPR”, bằng cách đóng vai trò giám sát việc thực hiện các cam kết của chính quyền Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, cũng như đưa ra các bình luận, khuyến nghị cho nhà nước cải thiện và thúc đẩy nhân quyền.

Nguồn: http://vietnamupr.com/2014/06/theo-dong-upr-con-so-va-su-kien/





No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link