Sunday, September 16, 2012

Nỗi hãi hùng của Tippi Hedren


 

Nỗi hãi hùng của Tippi Hedren
Tạp Ghi Quỳnh Giao

Tippi Hedren, star of Alfred Hitchcock's The Birds, poses with Ronald, one of the hundreds of trained ravens that were used in the film. Photo: AP Photo
Những người mê loại phim nghẹt thở của Alfred Hitchcock thì khó quên được tác phẩm có tên là “The Birds” được nhà đạo diễn thiên tài này thực hiện cách đây nửa thế kỷ.
Cuốn phim khiến người mẫu khả ái Tippi Hedren trở thành minh tinh màn bạc trong một sự nghiệp điện ảnh quá ngắn ngủi. Hình ảnh hãi hùng mà khán giả nhớ mãi trong phim “The Birds” là bầy chim độc ác đã từ biển ùa vào tấn công cư dân của một thị trấn ven biển tại California.
Sau này chúng ta mới biết đến chuyện hậu trường của bầy chim điên dại.
Mùa Thu năm 1961, báo chí trong Vịnh Monterey của California loan tin là nhiều loài chim biển như phát điên mà bay tứ tán vào đất liền rồi chết cả bầy. Ðạo diễn Hitchcock bắt được tin ấy thì nhớ đến một truyện ngắn của nữ văn sĩ người Anh là Daphne du Maurier có tên là “The Birds.” Ông nghĩ ngay ra cách hòa văn chương với thời sự vào một cuốn phim kinh dị tại ven biển Cali.
Trong khi các nghệ sĩ điện ảnh thực hiện cuốn phim thì giới khoa học Hoa Kỳ tìm hiểu hiện tượng lạ. Họ suy đoán rằng bầy chim trúng độc từ một tầu dầu gặp nạn trước đó, khi chúng ăn phải nghêu sò bị nhiễm hóa chất từ dầu. Não bộ của chim bị tê liệt làm chúng mê hoảng lao vào chỗ chết. Dường như là đầu năm nay, Quỳnh Giao đã kể lại câu chuyện ly kỳ ấy xoay quanh cuốn phim về bầy chim.
Nhưng sự thật lại còn ly kỳ hơn vậy.
Actress Tippi Hedren (L) holds a fake bird over the head of British actor Toby Jones during the HBO presentation. (© Fred Prouser / Reuters - REUTERS)
Sinh năm 1930 tại Minnesota, Tippi Hedren là một phụ nữ khả ái và nhỏ nhắn gốc Bắc Âu, sớm nổi tiếng là người mẫu có đôi mắt rạng rỡ dưới mái tóc óng ánh sắc vàng. Sau một đoạn phim quảng cáo, nàng lọt mắt xanh của Alfred Hitchcock nên được ông đích thân gọi điện thoại mời làm diễn viên chính cho cuốn phim. Nhà đạo diễn thời danh ra tận cửa phim trường Universal để đón nàng, và từ đấy Tippi Hedren bước lên đài danh vọng.
Nhưng nàng không ngờ đạo diễn thiên tài này cũng là một bạo chúa trên sàn quay.
Ông không dùng xảo thuật điện ảnh như đã hứa hẹn mà thuê chim thật để thu hình những màn tấn công dữ dội nhất. Trong cảnh bão táp ở phòng ngủ trên lầu mà khán giả khó quên được, Tippi Hedren phải đeo găng tay, quấn vải hộ thân mà vẫn hết hồn vì bị bầy quạ ập xuống đầu. Chuyên viên nuôi chim được thuê cho cuốn phim đã cột chân quạ quanh dải áo, trên đầu trên vai của nữ diễn viên. Dù mỏ của bầy chim được buộc dây cao su, nàng vẫn hoảng loạn, kiệt sức và khóc òa vì có lúc chỉ còn tơ tóc là bị quạ mổ trúng mắt!
Ðến thăm phim trường khi quay cảnh này, Cary Grant phát biểu rằng Tippi Hedren là vị nữ lưu can trường nhất mà ông đã gặp! Sự thật ấy vẫn chưa đáng sợ bằng một chi tiết khác do chính Tippi Hedren kể lại năm ngoái.
Chẳng biết là Alfred Hitchcock có mắc bệnh như loài chim điên hay không, nhưng hình như ông bị mê loạn vì Tippi Hedren.
Cứ như một Thượng đế, ông coi nàng là tác phẩm của mình, ngay năm sau, đưa nàng vào cuốn “Marnie” cũng nổi tiếng với tài tử Sean Connery. Chi tiết bất ngờ với Tippi Hedren là ông còn nhiều lần tỏ tình đến mức quá trớn và có hành vi mà ngày nay người ta gọi là sách nhiễu tình dục. Nhiều người ở chung quanh, kể cả bà vợ của nhà đạo diễn, cũng thấp thoáng thấy ra sự bất thường. Nhưng mấy ai dám làm thiên tài phật ý?
Khi bị Tippi Hedren cự tuyệt nhiều lần, Alfred Hitchcock bèn trả thù, với uy tín, thế lực và sự độc ác bất ngờ.
Sau phim “Marnie,” trong bảy năm liền Tippi Hedren là con chim bị nhốt trong lồng son của một giao kèo độc quyền mà Hitchcock nhất định không chịu nhả. Các đạo diễn khác, kể cả Francois Truffaut nổi tiếng của Pháp, mà tìm đến Tippi đều được Alfred Hitchcock trả lời là “vắng mặt”!
Trở thành người thất nghiệp tại chỗ ở tuổi ba chục vì một chuyện tình si biến ra tình hận, Tippi Hedren lặng lẽ bước xuống ngai vàng điện ảnh với những vai phụ và mờ nhạt dần.
Nhưng bản thân nàng thì đã tìm ra một thế giới khác. Người ta kể rằng trong cổ thư của Phật giáo, Shambala là tên một vương quốc huyền bí, như một cõi an nhiên dưới thế.
Năm 1972, ở tuổi 42, Tippi Hedren mở nông trại của mình gần Los Angeles để bắt đầu nhận các loài hổ báo, sư tử hay sơn miêu từ nhiều phim trường về nuôi nấng và chăm sóc! Sau này, nàng đặt tên cái vùng hoang dại đó là “Cõi Ẩn Shambala,” nơi mà các loại súc vật thuộc họ mèo vẫn có thể sống với thiên nhiên. Ðấy là chốn dung thân của súc vật và niềm vui của người ở ẩn.
Nhưng Tippi Hedren chẳng thể ẩn náu được lâu.
Biến cố 1975 của Việt Nam khiến người nghệ sĩ có tấm lòng bác ái phải chú ý. Là bạn thân của Kiều Chinh, bà vận động cho nữ diễn viên của chúng ta được vào Mỹ. Nhìn thấy thảm cảnh của người tỵ nạn từ Việt Nam, bà lên tận thủ phủ Sacramento của tiểu bang California tìm cách giúp đỡ những nạn nhân đầu tiên. Bà mở ra chương trình huấn luyện các thiếu nữ của mình về nghề làm “nail” mà nhiều người thành công sau này vẫn không quên được. Khi làn sóng thuyền nhân túa ra ngoài Ðông Hải và gặp nạn, Tippi Hedren cũng có mặt trên con tầu vớt người trên biển cả. Các phóng viên chạy theo minh tinh thì chụp hình được thảm cảnh thuyền nhân và đánh động lương tâm thế giới.
Ðược quốc tế vinh danh hơn 30 lần với các giải thưởng cao quý về nghệ thuật lẫn nhân ái, Tippi Hedren là một ân nhân của người vượt biển.
Alfred Hitchcock thì tạ thế từ năm 1980. Nhưng mà hình như khuôn mặt vĩ đại này của điện ảnh có nhiều mảng tối đang được ống kính rọi đến. Hệ thống BBC của Anh vừa hoàn tất cuốn phim tài liệu về Hitchcock có tên là “The Girl.”
Nội dung tác phẩm chú trọng đến sự mê đắm, săn đuổi và bao vây của nhà đạo diễn với Tippi Hedren. Tháng tới đây, đài HBO sẽ trình chiếu cuốn phim này cho khán giả Hoa Kỳ. Nếu được xem, có lẽ chúng ta thấy ra sự hãi hùng của Tippi Hedren về một thảm kịch của con người.
Ðược phỏng vấn về cuốn phim và Alfred Hitchcock, Tippi Hedren ôn tồn trả lời: “Ông ta làm tan nát sự nghiệp điện ảnh của tôi như đã hăm dọa, nhưng không thể làm tan nát cuộc đời của tôi.” Rất độ lượng, người phụ nữ đã 82 mà vẫn đẹp còn nói thêm rằng nhờ nổi danh từ hai cuốn phim của Hitchcock, bà đã dùng cái danh đó cho nhiều việc khác!
Lời cuối đẹp nhất vẫn là một lời cám ơn.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-10/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link