Monday, December 31, 2012

HIẾN PHÁP NHÂN BẢN VÀ DÂN CHỦ, NỀN TẢNG VÀ LÝ TƯỞNG KIẾN TẠO VIỆT NAM XỨNG ĐÁNG VỚI CON NGƯỜI (1)


 

[Attachment(s) from Huu Dong Nguyen included below]

Trân trọng kính chuyển.

NHDong

 

HIẾN PHÁP  NHÂN   BẢN   VÀ   DÂN   CHỦ, 

NỀN TẢNG VÀ LÝ TƯỞNG KIẾN TẠO VIỆT NAM XỨNG ĐÁNG VỚI CON NGƯỜI (1)

 

 

                                                                                                                                                            NGUYỄN HỌC TẬP

 

I - Tự do thuyết lý và tự do thực hữu, tự do tiêu cực và tự do tích cực.

 

Muốn thay đổi cơ chế ( hay tổ chức hành chánh : lập pháp, hành pháp, tư pháp) của một Quốc Gia, chúng ta cần thay đổi thể chế     ( quan niệm và lý tưởng) định hướng để tổ chức cơ chế của Quốc Gia đó.

Thỉnh thoảng đó đây, trên báo chí cũng như trên các Diển Đàn Điện Toán, chúng ta thường nghe một vài người đề nghị Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam bải bỏ điều 4 Hiến Pháp XHCN của họ, để đi đến một tổ chức lý tưởng cho Việt Nam trong tương lai.

Có thật, nếu Cộng Sản Việt Nam chịu bải bỏ điều 4 Hiến Pháp XHCN hiện hành ở Việt Nam, là chúng ta có thể tổ chức được cho Việt Nam cơ chế Quốc Gia lý tưởng cho đồng bào chúng ta trong tương lai không?

 

A - Tự do thuyết lý và tự do thực hữu

Điều đó còn tùy chúng ta có thấy phần còn lại của Hiến Pháp 1992 của XHCNVN là thể chế lý tưởng để định hướng tổ chức Quốc Gia chúng ta trong tương lai không?

Nói cách khác, trong Hiến Pháp 1992 hiện hành của XHCNVN có những điều khoản Nhân Bản và Dân Chủ như lý tưởng mà chúng ta mong muốn cho tương lai đất nước và có những điều khoản nào  bảo đảm thực thi những gì Hiến Pháp tuyên bố?

Tuyên bố suông bằng cách " sao y bản chánh" các điều khoản Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ, ai cũng làm được:

" Tự do cá nhân bất khả xâm phạm",

" Tự do gia cư bất khả xâm phâm",

" Tự do ngôn luận và tự do hội họp là những quyền bất khả xâm phạm",

" Mọi người đều có quyền tự do di chuyển"...…

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ chỉ nêu lên những quyền tối thiểu bất khả xâm phạm, mà bất cứ Quốc Gia thành viên nào cũng phải tuân giữ. Nhưng những quyền ở mức tối thiểu đó là những điều kiện sống Nhân Bản tối thiểu  mà con người phải có, chớ chưa phải là lý tưởng mà một cá nhân mong đạt đến. 

Và " sao y bản chính" để tuyên bố như vậy, ai cũng tuyên bố được, nhưng đó chỉ là cách tuyên bố "tự do thuyết lý " (liberté formelle), tuyên bố miệng và tuyên bố trên giấy tờ.

Ai chịu trách nhiệm đứng ra bảo đảm khi các quyền vừa kể không được tôn trọng và thực thi?

Tuyên bố và quy trách cho những ai sẽ chịu trách nhiệm trước Hiến Pháp trước tiên và trước luật pháp kế tiếp, đặt các điều kiện phải có để thực hiện và quy trách tội trạng đối với những ai không thi hành,  mới là phương thức biến các quyền tự do được bảo đảm thuyết lý thành "tự do thực hữu" ( liberté substantielle), có thật.

Sau khi xác nhận ở đoạn 1

 

" Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Kế đến Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức còn phải quy trách cho các cơ chế Quốc Gia phải chịu trách nhiệm thực thi những quyền mà Hiến Pháp đứng ra bảo đảm trước mọi người, nếu không muốn tuyên bố để mà tuyên bố:

 

" Những quyền căn bản được kể sau đây có tính cách bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp" ( Điều 1, đoạn 3, id.).

 

Nếu nhân phẩm con người bị vi phạm và con người không thực sự hưởng các quyền căn bản của mình, tổ chức Quốc Gia là chủ thể phải chịu trách nhiệm đầu tiên, bị Hiến Pháp quy trách cho có trách nhiệm trực tiếp, " là những quyền có giá trị bắt buộc trực tiếp", có nghĩa là những quyền người dân có thể kỳ vọng phải được thực hiện cho họ ( actionables), bằng cách nhờ cơ quan tư pháp hay Viện Bảo Hiến đứng ra bảo chứng.

Cũng vậy,  sau khi tuyên bố người làm  việc phải được bảo đảm an sinh xã hội, những người tàn tật và kém khuyết có quyền được nuôi sống và trợ cấp xã hội để có được một đời sống xứng đáng với nhân phẩm con người, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc quy trách:

 

" Các bổn phận của Quốc Gia được kể trên đây sẽ được giao cho các tổ chức và cơ chế sẽ được thiết lập hay sẽ được chính tổ chức Quốc Gia bổ khuyết " ( Điều 38, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

Tuyên bố Nhân Bản và Dân Chủ, tiên liệu phương tiện để thục hiện và quy trách cho ai là chủ thể chịu trách nhiệm. Đó mới là khuôn mẫu Nhân Bản và Dân Chủ thực hữu, không nói để mỵ dân.

Hiến Pháp 1992 XHCNVN có những điều khoản tương tợ quy trách cho Nhà Nước hay " Đảng và Nhà Nước" trách nhiệm bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, và nếu " Đảng và Nhà Nước mình " không thực thi, thiếu trách nhiệm, làm việc tắc trách, bè đảng, thiên vị, Hiến Pháp có tiền liệu cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền " xách lỗ tai Đảng và Nhà Nước" không?

Ai bảo đảm được " Đảng và Nhà Nước mình" không sai lầm, làm việc tắc trách, không bè phái thiên vị ức hiếp người dân?

 

B - Tự do tiêu cực và tự do tích cực.

Chúng tôi chưa bàn đến nội dung quan niệm về nhân phẩm con người thế nào trong Hiến Pháp 1992 XHCNVN, mà chỉ mới  đề cập đến hình thức tuyên bố.

Lần đọc những điều khoản tuyên bố về quyền và tự do của người dân, chúng ta sẽ thấy rằng Hiến Pháp 1992 XHCNVN chỉ tuyên bố một loạt các quyền dưới hình thức tiêu cực, như những gì chúng tôi trích dẫn ở trên.

Tuyên bố " Tự do cá nhân bất khả xâm phạm" là hình thức tuyên bố tiêu cực, đồng nghĩa với phía bên kia, " phía bên Chính Quyền hay cá nhân khác " " không được xâm phạm, có bổn phận phải tôn trọng ". Người dân được " tự do khỏi, liberté de..."…, bị người khác xâm phạm.

Nhưng người dân trong một Quốc Gia không phải chỉ có mức sống luôn luôn phòng thủ tiêu cực "khỏi bị người khác xâm phạm ", người khác đó là Chính Quyền hay tư nhân cũng vậy , mà còn phải có cơ hội và điều kiện thuận tiện ho phép mình tự do phát triển con người của mình và cộng tác phát triển, đem lại thịnh vượng cho chính mình và cho đồng bào mình , " tự do tích cực, liberté à..., tự do để làm một cái gì).

Đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên ở một trong những điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp, đặt ở vị trí quan trọng nổi bậc:

 

" Bổn phận của nền Cộng Hoà Dân Chủ là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

Hay " Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập thành chính đảng để cộng tác theo phương thức dân chủ  định đoạt  đường lối chính trị Quốc Gia" ( Điều 49 , id.)

 

Như vậy tổ chức cơ chế Quốc Gia không những " không được cấm đoán", " không được xâm phạm" các quyền tự do của người dân hay người dân có tự do khỏi bị Quốc Gia cấm đoán ( liberté de...) quyền tự do gia nhập hội , mà chính tổ chức Quốc Gia còn tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, " dẹp bỏ đi những chướng ngại vật ", để người dân có thể xử dụng quyền  tự do nhập hội và hội họp của mình,  hành động mưu ích cho mình và cho Cộng Đồng Quốc Gia, tự do tích cực để, tự do để làm một việc gì … ( liberté à...…):

 

"...tự do cộng tác theo phương thức dân chủ định đoạt đường lối chính trị quốc gia, "( Điều 49, id.).

 

Thể chế tốt đẹp hơn cho tương lai Việt Nam không những cần phải có những điều khoản bảo đảm dưới hình thức tiêu cực, mà còn quy trách cho Quốc Gia tạo điều kiện vật chất và phương thế thích hợp, để khuyến khích người dân thăng tiến chính mình và cộng tác phát triển cho xứ sở đến văn minh và phú cường.

Hiến Pháp 1992 Cộng Sản Việt Nam có những điều khoản như vậy không?

 

II - Thể chế Nhân Bản trong Hiến Pháp.

 

A - Thể chế độc tài là thể chế chống con người, trước khi chống thể chế dân chủ.

Đọc các Hiến Pháp Tây Âu, nhứt là Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, hai Hiến Pháp thoát xuất từ hai chế độ độc tài của Mussolini và Hitler, điều nổi bậc mà ai cũng thấy được, đó là tính cách Nhân Bản của người dân Âu Châu.

Trong quan niệm thường nhật, chúng ta thường đặt đối ngược nhau quan niệm Quân Chủ và Dân Chủ, Độc Tài và Tự Do.

Dường như Quân Chủ hay Độc Tài là những phương thức tổ chức hành quyền chống Dân Chủ hơn là chống Con Người, đàn áp và nô lệ hoá Con Người, đê tiện hoá nhân phẩm Con Người, không tôn trọng Nhân Bản.

Quan niệm Độc Tài, phương thức hành quyền chống Dân Chủ,  là quan niệm  không chính xác.

Bất cứ cách hành xử quyền bính Độc Tài nào cũng là cách  thức lạm  dụng quyền lực chống Con Người trước tiên, chống các quyền và tự do bất khả xâm phạm của Con Người, trước khi chống lại "phương thức tổ chức quyền lực  Quốc Gia dựa trên sự đồng thuận của người dân " hay Dân Chủ.

Đó là những gì được ghi trong hai Bản Tuyên Ngôn của hai cuộc Cách Mạng đưa đến tổ chức văn minh của nhân loại hiện nay, Cách Mạng Độc Lập Hoa Kỳ và Cách Mạng Pháp Quốc 1789:

 

   - Tất cả mọi người đều được dựng nên bình đẳng như nhau.

  Tất cả đều được Đấng Tạo Hóa ban cho một số quyền bất khả nhượng.

 Trong các quyền nầy, quyền được bảo toàn mạng sống, quyền tự do tìm kiếm hạnh phúc là các quyền thượng đẳng" ( Tiền Đề Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776).

 

- "Các đại diện đồng thanh tuyên bố rằng: các quyền của con người do Thiên Phú, bất khả nhượng và cao qúy " ( Tiền Đề Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp Quốc 1789).

 

Như vậy, lý do mà người dân nổi lên làm Cách Mạng, chống Quân Chủ, chống Độc Tài là để bênh vực Con Người bị chà đạp, đê tiện hóa và nô lệ hóa Con Người, để bênh vực Nhân Bản của mình.

Thừa hưởng tinh thần Nhân Bản trên, các vị soạn thảo  hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức ( CHLBĐ)  khởi đầu viết Hiến Pháp bằng cách quan niệm  Con Người phải được đặt  ở địa vị trung tâm điểm và tối thượng trong tổ chức cơ chế Quốc Gia, chống lại quan niệm coi con người như thú vật, bị đánh đập, tra tấn và lùa vào các lò sát sinh hay hầm chôn tập thể dưới  chế độ độc tài Hitler và Mussolini.

Nói cách khác,tổ chức Quốc Gia được thành lập  để phục vụ con người chớ không ngược lại.

Trong quan niệm đó, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ tuyên bố về con người ngay ở điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp:

 

" Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm " ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp CHLBĐ).

 

Và liên tục tuyên bố về các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người, phương thức liên hệ để bảo vệ liên tiếp trong 19 điều khoản kế tiếp, trước khi định nghĩa thể chế và kết cấu tổ chức Quốc Gia như là dụng cụ để bảo đảm, thực thi và tạo điều kiện thích ứng để phát triển con người từ điều 20 trở đi.

Hành xử như vậy, các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 CHLBĐ muốn đặt vị trí nổi bậc của con người trong tổ chức Quốc Gia.

 

Con người ở địa vị tối thượng và trung tâm điểm của tổ chức Quốc Gia.

 

Mục đích hiện hữu của tổ chức Quốc Gia là phục vụ con người, giúp cho con người đạt được những gì mà cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân không có điều kiện và phương tiện để thực hiện.

Cho đến bao giờ, Quốc Gia chưa có được một thể chế định hướng để tổ chức đất nước đặt trên nền tảng trên tôn trọng Nhân Phẩm, Quốc Gia đó còn chất chứa tranh chấp, lường lọc, chia rẻ, lấn áp, trả thù phục hận, là địa ngục trần gian.

Bởi lẽ thể chế và cơ chế của  Quốc Gia tổ chức chống lại Bản Tính con người, chống lại các ước vọng tự nhiên về tự do và bình đẳng, do chính bản tính con người đòi buộc.

Chế độ của Hitler và Mussolini đã minh chứng.

Đó là những gì Hiến Pháp 1949 CHLBĐ tuyên bố kế tiếp trong cùng một điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp:

 

" Như vậy dân tộc Đức nhìn nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hòa bình và công chính trên thế giới" ( Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Cũng vậy, Hiến Pháp 1947 Ý tuyên bố về con người từ điều 2 đến điều 54, trước khi xác định phương thức tổ chức cơ chế Quốc Gia  như là phương thức tổ chức để bảo đảm thực thi lý tưởng Nhân Bản, mà các điều khoản kế tiếp của  Hiến Pháp sẽ tuyên bố.

Ngay ở điều 2 của Hiến Pháp, địa vị con người được đặt trên một vị trí nổi bậc:

 

" Nền Cộng Hoà nhận biết ( riconosce) và bảo vệ ( garantisce) các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình " ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

B- Con người và người công dân.

Các vị soạn thảo của hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 CHLBĐ đã dùng chữ rất chính xác để nói lên tư tưởng quan trọng mà các vị đã đặt vào những dòng đầu của Hiến Pháp.

Các vị đã dùng từ ngữ " con người ", thay vì " người công dân" để nói lên tư tưởng nhân bản tối thượng mà mọi người phải tôn trọng:

 

- " Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp CHLBĐ),

 

- " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người..." ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

 

        ( 1 ) - Con Người.

 Khi đề cập đến "con người "   là chúng ta đề cập đến những đặc tính được cấu tạo do chính bản tính của con người xác định.

"Con người " đó bất cứ là ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Hể đã là người, chúng ta đều có nhân vị và nhu cầu như nhau, cần phải được kính trọng và thoả mãn, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, chính kiến, tôn giáo, địa vị cá nhân và xã hội:

 

" Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Người nam và người nữ đều ngang hàng nhau, đối với các quyền của mình.

Không ai có thể bị thiệt thòi hay được ưu đãi do phái tính, sinh trưởng, giòng giống, ngôn ngữ, quốc gia hay nguồn gốc, tín ngưỡng, lòng tin tôn giáo hay chính kiến" (Điều 3, đoạn 1,2 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

 

Tư tuởng trên cắt nghĩa tại sao người Đức không tuyên bố " trên lãnh thổ Đức  …"     hay "đối với dân tộc Đức, nhân phẩm con người bất khả xâm phạm", mà chỉ tuyên bố một câu ngắn ngủi như là một mệnh lệnh phải tôn trọng:

 

" Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm" ( Điều 1, đoạn 1, id.).

 

Mệnh lệnh của dân tộc Đức đã quá rõ: " Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm", bất cứ con người đó là ai và " bất khả xâm phạm " là điều bắt buộc đối với bất cứ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, nếu những người đó muốn có một cuộc sống hòa bình và thân hữu đối với dân tộc Đức, vì đó

 

"...…là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hòa bình và công chính trên thế giới" (Điều 1, đoạn 2, id.).

 

Nói cách khác, những thể chế và những ai hành xử theo những thể chế không tôn trọng nhân phẩm con người là những ý thức hệ và con người không thể nào có một cuộc sống cộng tác hòa bình và thân hữu với dân tộc Đức.

Bởi lẽ nếu họ không tôn trọng nhân phẩm con người, là họ miệt thị những giá trị mà dân tộc Đức đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của mình.

 

       ( 2 ) - Người Công Dân.

Như trên đã nói, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 CHLBĐ dùng danh từ " con người " thay vì " người công dân", để nói lên tính cách phổ quát của lý tưởng nhân bản mà bất cứ ai cũng phải được tôn trọng và đối với bất cứ ai.

Trong chính trị học, khi đề cập đến " người công dân" là chúng ta nói đến người dân liên hệ với một tổ chức Quốc Gia cá biệt, có thể chế, luật lệ và cơ chế đặc thù. Khi nói đến người công dân Ý chẳng hạn, là chúng ta đề cập đến người dân vừa kể liên quan đến tổ chức Quốc Gia Ý.

Quyền và nhiệm vụ của người dân do đó tùy theo luật pháp Quốc Gia Ý quy định.

Chúng ta đã thấy rằng Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đề cập đến địa vị và các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người từ điều 2- 54 và Hiến Pháp 1949 CHLBĐ, từ điều 1-19, trước khi định nghĩa thể chế chính trị và phương thức tổ chức cơ chế quyền lực Quốc Gia từ điều 20 trở đi.

Trái lại Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết chỉ đề cập đến " người công dân" của họ từ điều 33 trở đi, sau khi đã bàn thảo về thể chế chính trị ( điều 1-9), hệ thống kinh tế ( 10-18), phát triển xã hội và văn hóa ( 19-27), chính sách ngoại giao ( 28-30) và chính sách bảo vệ Quốc Gia và Chủ Nghĩa Xã Hội ( 31-33).

Điều đó cho thấy người dân được ý thức hệ Cộng Sản ban cho một chỗ đứng nào trong quan niệm tổ chức quốc Gia của họ.

Còn nữa, nếu Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 CHLBĐ cũng như các Hiến Pháp Tây Âu đề cập đến " con người ", thì Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết  chỉ đề cập đến " người công dân".

Và nếu Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tuyên bố

 

" nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…" ( Điều 2),

 

vì là những quyền " …được Đấng Tạo Hoá ban cho…" (Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776)

hay " là những quyền của con người do Thiên Phú bất khả nhượng và cao qúy" ( Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp 1789),

thì đây là những gì Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết ban cho " người công dân" của họ:

 

" Nhân dân Sô Viết ( hay Đảng Cộng Sản Sô Viết cũng vậy) được hướng dẫn bằng tư tưởng Cộng Sản Chủ Nghĩa khoa học và trung thành với các truyền thống Cách Mạng…xác định nền tảng của chế độ xã hội và chính trị của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, thiết định các quyền, tự do và bổn phận bắt buộc đối với người công dân, các nguyên tắc tổ chức và mục đích cho Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa của toàn dân" ( Tiền Đề, đoạn XIV Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết".

 

Như chúng ta vừa nói, khi đề cập đến " người công dân", là chúng ta đề cập đến người dân có liên hệ với tổ chức Quốc Gia. Quyền và bổn  phận của người dân tùy thuộc vào sự quyết định của thể chế và cơ chế Quốc Gia.

Đó là điều mà Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết tuyên bố:

 

" Nhân dân Sô Viết ( hay Đảng CS Sô Viết) …thiết định quyền, tự do và bổn phận bắt buộc đối với người công dân" ( Tiền Đề, đoạn XIV, Hiến Pháp 1977 Cộng Hoà Liên Bang So Viết)

 

Điều đó chứng tỏ rằng con người sống dưới chế độ Cộng Sản chỉ là "người công dân "liên hệ với tổ chức Quốc Gia Cộng Sản. Các quyền và tự do cũng như bổn phận phải do Đảng Cộng Sản " thiết định" cho mới có.

Và vì Đảng Cộng Sản có quyền " thiết định" các quyền và tự do của người dân họ, nên ai sống ngoài tổ chức của Cộng Sản, những ai không chấp nhận thể chế và cơ chế Cộng Sản, là người không được thể chế luật pháp Cộng Sản " thiết định".

Điều đó có nghĩa là những ai chống lại thể chế và cơ chế Cộng Sản, những nhà ly khai chẳng hạn, là những người không có được một quyền và tự do nào: Cộng Sản có thể tiêu diệt họ.

Ngoài ra nếu giới hành quyền Cộng Sản có quyền " thiết định" quyền và tự do của người dân, thì họ cũng có quyền " không thiết định", hay " thiết định nhiều hay ít và lúc nào tùy hỷ" : họ có thể giãm bớt hay truất hữu quyền làm người của những ai sống dưới chế độ Cộng Sản.

Hay nói như Linh Mục Tiến Sĩ Hortz S.J, giáo sư Luật Hiến Pháp tại đại học Gregoriana ( Roma):

 

- " Trong thể chế Cộng Sản không có con người" ( Hortz S.J., La Nuova Costituzione Sovietica, in Civiltà Cattolica, 1978, 40).

 

( còn tiếp )

3 comments:

  1. Hi there I am so excited I found your blog, I really found you
    by mistake, while I was researching on Digg for something else, Anyways I am here now and would just like to
    say thanks a lot for a fantastic post and a all
    round exciting blog (I also love the theme/design), I don’t have
    time to read through it all at the minute but
    I have book-marked it and also included your RSS feeds, so
    when I have time I will be back to read a lot more, Please do keep up the fantastic b.
    Feel free to surf my web page - transfer news at arsenal football club

    ReplyDelete
  2. I simply couldn't leave your site prior to suggesting that I really enjoyed the standard info a person provide to your visitors? Is gonna be again ceaselessly to check out new posts
    My blog :: man utd transfer news 2013

    ReplyDelete
  3. Thank you for the good writeup. It in fact was a amusement account
    it. Look advanced to more added agreeable from you! However, how can
    we communicate?
    Feel free to surf my web-site ; comprar perfume

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -25/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link