Người dân địa phương biểu tình chống dự án xây dựng một tuyến
đường cao tốc mới nối Bắc Kinh đến Thẩm Dương, ngày 09/12/2012.
REUTERS/Petar Kujundzic
Đức Tâm
Một
nhóm học giả có tên tuổi tại Trung Quốc đã gửi thư ngỏ cảnh báo ban lãnh đạo
đảng Cộng sản về nguy cơ đất nước rơi vào một cuộc « cách mạng bạo động », nếu
chính phủ không đáp ứng những đòi hỏi của người dân và không cho phép tiến hành
các cải cách chính trị vốn đã bị trì hoãn từ lâu.
Theo
Reuters, 73 học giả, viện sĩ hàn lâm, giáo sư tại các trường đại học có danh
tiếng, luật gia, trong số này có những người đã nghỉ hưu, nhấn mạnh rằng cải
cách chính trị đã không theo kịp cải cách kinh tế.
Bức
thư viết: « Nếu các cải cách mà xã hội Trung Quốc đang rất cần ... tiếp tục
ngưng trệ không có tiến bộ, nạn tham nhũng chính thức và sự bất bình sẽ ngày
càng lớn ... thì một lần nữa, Trung Quốc lại bỏ lỡ cơ hội để cải tổ một cách
hòa bình và sẽ rơi vào tình trạng xáo trộn, hỗn loạn của một cuộc cách mạng bạo
động ».
Bức
thư ngỏ được lưu hành trên internet từ đầu tháng 12, tuy nhiên, những bài viết
trên báo chí Trung Quốc nhắc đến bức thư này đã bị rút xuống.
Theo
những người ký tên vào bức thư, chính phủ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản
Trung Quốc từ năm 1949, cần phải khuyến khích dân chủ và sự độc lập của hệ
thống tư pháp, đẩy mạnh cải cách thị trường.
Ông
Hạ Vệ Phương (He Weifang), giáo sư luật pháp ở Đại học Bắc Kinh, một trong
những người ký tên vào bức thư, cho rằng các đề nghị trong bức thư là có chừng
mực, nhưng đã đến lúc cần phải thực hiện, vào lúc ông Hồ Cẩm Đào chuẩn bị
chuyển giao chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình, người vừa được chỉ định
làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
18 hồi tháng 11 vừa qua. Theo vị giáo sư này, Trung Quốc đang ở thời điểm thay
đổi ban lãnh đạo. Người dân hy vọng tiếp tục có những bước tiến nếu tiến hành
cải cách hệ thống chính trị.
Trong
số những người ký tên vào thư ngỏ có ông Trương Tư Chi (Zhang Sizhi), nguyên là
luật sư của Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, người cầm đầu « Tứ nhân bang »,
lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966-1976) gây ra một thời kỳ hỗn
loạn khủng khiếp tại Trung Quốc.
Vào
giữa tháng 12, khoảng 65 học giả, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền cũng
đã ký tên vào một thư ngỏ kêu gọi các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung
Quốc khai báo tài sản của họ và coi đây là biện pháp cơ bản để chấm dứt nạn
tham nhũng.
Sau
đại hội Đảng 18, các nhà phân tích tìm kiếm xem có những tín hiệu nào cho thấy
là ban lãnh đạo mới có ý định cải cách chính trị hay không, như nới lỏng hơn
quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin trên internet, thử nghiệm mô hình dân
chủ hoặc trả tự do các tù chính trị. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn không chấp nhận
bất kỳ sự đối lập nào với vai trò của đảng Cộng sản, đặt ổn định, tức bảo đảm
quyền lãnh đạo của Đảng, lên trên hết. Không hề có tín hiệu khả quan nào theo
hướng thông thoáng hơn về chính trị, cho dù tân Tổng bí thư Tập Cận Bình cố
gắng tạo dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo mềm dẻo, cởi mở hơn so với
người tiền nhiệm.
Trong
bối cảnh đó, các học giả ký tên kêu gọi cải cách chính trị cảnh báo ban lãnh
đạo mới ở Bắc Kinh rằng dân chủ, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền
là một xu thế của thế giới không gì ngăn cản nổi. Bức thư viết: « Lịch sử
100 năm đẫm máu và bạo lực của Trung Quốc - đặc biệt là bài học đau đớn và bi
kịch của cuộc Cách mạng Văn hóa trong một thập niên, cho thấy là một lần nữa
chúng ta đang đi ngược trào lưu dân chủ, nhân quyền, chính phủ quản lý theo
Hiến pháp và pháp luật, người dân sẽ phải hứng chịu thảm họa và không thể có ổn
định chính trị và xã hội ».
Đầu
tháng 12, một cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho công bố
một bản nghiên cứu, báo động về hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, mầm mống
của sự bất bình và bạo động. Theo đó, tại Trung Quốc, hệ số GINI, thước đo mức
độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của cải trong xã hội, đã tăng từ
0,421 trong năm 2000 lên 0,61 trong năm 2010.
Hệ
số GINI dao động từ 0 – hoàn toàn bình đẳng – đến 1, bất bình đẳng tuyệt đối về
giàu nghèo. Theo giới chuyên gia, hệ số GINI 0,6 trong một xã hội không dân
chủ, toàn trị, báo hiệu nguy cơ rất cao về bất ổn xã hội.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment