Thursday, January 3, 2013

Giải mã chính sách Biển Đông


 


Còn theo CNXH là còn còng lưng lệ thuôc Tàu,

là thà đi theo Tàu chứ không để mất Đảng.

Giải mã chính sách Biển Đông

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2013-01-02

Ngày đầu năm 2013, báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết quan trọng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, bày tỏ quan điểm của chính phủ Việt Nam đối với sự tham gia của các bên trong vấn đề Biển Đông.


AFP photo

ThượngTướng Nguyễn Chí Vịnh (giữa) thăm một khu vực bị ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, một cựu căn cứ không quân Mỹ, nơi buổi lễ khởi công dự án tẩy sạch Dioxin được tổ chức hôm 09/8/2012

 


 

Nội dung bài viết có thể rút ra ba điều chính, thứ nhất Việt Nam trước sau vẫn xem Trung Quốc là cùng ý thức hệ và hai chữ đồng chí lúc nào cũng quan trọng trong các cuộc đối thoại cấp quốc gia. Thứ hai, Việt Nam xem sự tham gia của Hoa Kỳ vào Biển Đông phát xuất từ lợi ích kinh tế của nước này và cảnh giác rằng không để lịch sử lập lại. Thứ ba, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoàn toàn không có lợi mà trái lại làm cho Trung Quốc viện cớ để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam.

Tương đồng ý thức hệ hay quyền lợi quốc gia?


Khi nói tới Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc Phòng khẳng định tính cách tương đồng của Hà Nội và Bắc Kinh cùng chung một ý thức hệ Cộng sản sẽ giúp cho sự nghiệp xây dựng CNXH dễ dàng hơn.

Thứ trưởng Vịnh công nhận rằng “Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.”

Đào sâu hơn vào sự khẳng định này sẽ nảy sinh hai câu hỏi lớn. Thứ nhất liệu Trung Quốc có còn theo đuổi con đường CNXH mà Việt Nam lúc nào cũng xác định hay không. Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh một nhà ngoại giao lão thành từng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Bắc Kinh cho biết:

Truyền thống ông cha đến giờ thì thời kỳ nào Trung Quốc cũng xâm lược Việt Nam thì làm gì có truyền thống hữu nghị? Chẳng qua là bịa ra thôi. Hai nữa là cái Ý thức hệ tương đồng cũng không đúng bởi vì từ khi ông Đặng Tiểu Bình ông ấy phát biểu câu “mèo trắng mèo đen mèo nào bắt được chuột thì là mèo tốt” thế nghĩa là ông ta đã đi theo con đường tư bản rồi, đã bỏ con đường Xã hội chủ nghĩa mặc dầu ông ấy vẫn nói XHCN mang mầu sắc Trung Quốc.

Trong thực tế ông ta đã đi con đường tư bản chủ nghĩa và hiện giờ xã hội Trung Quốc là một xã hội tư bản, phát triển chưa đầy đủ chứ không phải là xã hội chủ nghĩa, không tìm thấy cái gì gọi là XHCN. Tôi cho ông Nguyễn Chí Vịnh nói thế là không đúng, là cố nói lấy được mà thôi.

Câu hỏi thứ hai, người bạn mà Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho là rất lớn ấy có thật sự ủng hộ và hợp tác với Việt Nam hay không? Câu trả lời sẽ rất nhanh và ngắn gọn là “không” dựa trên những sự thật lịch sử không ai có thể chối cãi. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã làm sáng tỏ cho những ai còn tin rằng Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ hoàn toàn phát xuất từ lý tưởng Cộng Sản. Sự thật này nếu không bị Hội Nghị Thành Đô khống chế thì có lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam không đem sự tương đồng ý thức hệ ra để bảo vệ cho những hành vi mà Trung Quốc vẫn thường xuyên áp dụng với Việt Nam.

Có hai nước Trung Quốc hay sao?


000_Hkg8020398-250.jpg

Dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc. AFP photo

Hai nữa, nếu nhận diện vấn đề Biển Đông dưới cái nhìn tổng quan sẽ thấy rất rõ sự ham muốn Hoàng Sa, Trường Sa cùng nhiều đảo lớn nhỏ khác của Trung Quốc là chính sách xuyên suốt kéo dài nhiều chục năm qua mà điển hình nhất là vụ chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988.

Người đọc bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ cảm thấy rằng có hai nước Trung Quốc trong toàn văn bản này. Một Trung Quốc mang vẻ hiền lành, thân hữu, chí tình và đáng tin cậy trong các cuộc đàm phán giữa hai Đảng. Một Trung Quốc khác mà ông Vịnh nhắc tới trong cung cách e dè, cẩn trọng, tránh né không nêu bật lên tham vọng của nó trong các hành động xâm lược đối với Việt Nam.

Từ sự thật này, các câu trả lời của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khiến người đọc lạc lối: vậy thì Trung Quốc nào mới là tác nhân gây nên sự tranh chấp hiện nay? Trung Quốc với cùng hệ thống chính trị với Hà Nội hay Trung Quốc đã và đang xâm chiếm đất đai, lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Việt Nam qua sức mạnh của quân xâm lược?

Vai trò nước nhỏ luôn chịu thiệt thòi trong các cuộc giàn xếp của nước lớn đó là sự thật. Nước Mỹ từng bỏ rơi Việt Nam trong thập niên 70 cũng là sự thật. Tuy nhiên thiếu tế nhị trong việc đem sự thật ấy ra trong cung cách ngoại giao sẽ khiến đất nước dấn sâu vào vị thế tự cô lập mình là một sự thật khác.

Câu chuyện về nước Mỹ được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhắc tới như một cảnh báo trong tư thế quay lại Châu Á Thái bình dương của Washington. Ông Vịnh kể lại ông đã từng nói thẳng với một viên chức quốc phòng cao cấp của Mỹ rằng: “Nếu như các ông làm đúng những gì đã nói thì tôi hoan nghênh, còn nếu không các ông sẽ buộc phải rời khỏi khu vực như năm 1975 rời khỏi Việt Nam”.

Người dân Việt Nam nghe chuyện ước rằng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng dùng khẩu khí này để nói với Bắc Kinh vì Hà Nội hoàn toàn đủ thẩm quyền phát biểu với Trung Quốc những điều tương tự như thế đó là: “Nếu như các ông làm đúng những gì đã nói về 16 chữ 4 tốt thì tôi hoan nghênh, còn nếu không các ông sẽ buộc phải rời khỏi khu vực như năm 1979 rời khỏi Việt Nam”.

Dưới con mắt của các chính khách thiên tả, nước Mỹ đã và vẫn được nhìn như một sen đầm quốc tế. Cộng sản khai thác triệt để tư tưởng này trong các bài học tuyên truyền chống Mỹ trong thời chiến tranh lạnh và nó vẫn còn tiếp tục kéo dài cho tới ngày nay nhằm bảo vệ hệ thống độc đảng của các nước theo chế độ Cộng sản.

Nước Mỹ và sự thật lịch sử


000_Hkg8037033-250.jpg

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Cung Hòa bình ở Phnom Penh ngày 20 tháng 11 năm 2012. Ảnh minh họa. AFP

Cách nhìn này ảnh hưởng sâu đậm tới từng cái bắt tay ngoại giao với Mỹ và nó tiềm ẩn trong não trạng của lãnh đạo các nước độc tài. Việt Nam theo thể chế một Đảng nên tâm lý sợ Mỹ cũng không thể khác. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: liệu Mỹ có thực sự cần vai trò của Việt nam đến mức phải van nài như ông Vịnh miêu tả trong cái gằn giọng của ông với viên chức quốc phòng của họ hay không?

Nhiều người sẽ tin là không. Và cũng không ít người cho rằng Việt Nam đã tự nhấc mình lên khỏi mặt đất một cách thái quá.

Nếu so với một Trung Quốc đơn độc chỉ có vài đồng minh như Việt Nam hay Bắc Hàn thì nước Mỹ có đồng minh trên khắp thế giới. Không cần phân tích cũng thấy Hoa Kỳ đối xử với đồng minh của họ ra sao để cho tới giờ này sau hơn nửa thế kỷ những nước như Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines…vẫn gắn bó với họ và không nước nào tỏ ra sợ hãi như sợ một nước gian hùng như Trung Quốc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đưa ra sự lo ngại đối với Hoa Kỳ là cần thiết nhưng cách nói của ông sẽ khiến cho cả thế giới nghĩ rằng Hoa kỳ là một nước nhiều tham vọng và đáng bị dè chừng hơn Trung Quốc. Trong khi Hoàng Sa và một phần Trường Sa nằm trong tay họ. Trong khi ngư dân Việt Nam không thể ra khơi và mỗi lần bị bắt thì Quân đội Nhân dân Việt Nam bất lực ngồi nhìn. Thế nhưng Hà Nội vẫn coi trọng mối quan hệ độc Đảng hay sự giống nhau về ý thức hệ giữa hai nước thì khó có thể thuyết phục dư luận ngay cả trong nội bộ đảng viên Đảng Cộng sản.

Một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam không muốn nêu tên cho biết nhận xét của ông về sức chiến đấu hiện nay trong quân đội:

Tôi nghĩ rằng càng lên cao thì cái động cơ “trung với nứơc hiếu vời dân” càng giảm dần. Còn những người lính trơn thì người ta xuất phát từ con em của nhân dân cho nên tôi nghĩ nếu có chiến tranh thì người ta sẽ quyết tâm chiến đấu vì nhân dân thôi chứ còn ở trên thì càng lên cao càng giảm dần.

Giới nhân sĩ trí thức từng lo ngại rằng một đất nước có bề dày chiến đấu như Việt Nam nhưng ngủ quên trên chiến thắng quá lâu vẫn có thể trở thành yếu đuối và bị động. Một chính thể lấy quyền lợi đảng phái đặt lên trên quyền lợi quốc gia, nhất là đảng phái ấy liên hệ mật thiết với một nước khác thì sẽ không thể tránh họa mất nước vào tay người đồng chí của mình.

Theo dòng thời sự:




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-28/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link