Thursday, January 3, 2013

2013 : Thế trận từ biển Hoa Đông đến Biển Đông


 

 
Thứ năm 03 Tháng Giêng 2013
2013 : Thế trận từ biển Hoa Đông đến Biển Đông
 
Quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, ảnh chụp 13/12/2012 (REUTERS)
Quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, ảnh chụp 13/12/2012 (REUTERS)
Năm 2012 vừa qua là năm Trung Quốc "tiếp cận" với chính sách tái định vị của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương. Đây cũng là năm mà Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp "xác định chủ quyền" tại Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với bốn nước Đông Nam Á gồm Việt Nam và Philippines, Brunei và Malaysia. Dự báo tình hình 2013 ra sao ? Liệu tránh khỏi xung đột tại hai điểm nóng này hay không ?
Ngày đầu năm 2013 là khởi điểm hiệu lực của đạo luật Biển của Việt Nam khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Ngày này cũng là lúc Trung Quốc thi hành quyết định cho phép hạm đội hải giám và cảnh sát biển bố trí lực lượng tuần tra, tăng cường thêm hai khu trục hạm và một chục tàu chiến cải trang, truy bắt những ai « vi phạm vùng lãnh hải » của mình.
Theo lời báo động của một thuyền trưởng tàu cá Việt Nam, Lê Văn Ninh trên tờ Tiền Phong ngày 01/01/2013, thì « Trung Quốc đã xua hàng ngàn tàu cá ra Biển Đông và tàu chiến của họ mở rộng không gian kiểm soát. Trong tương lai gần ngư dân Việt Nam sẽ không còn ngư trường để đánh bắt ». Không rõ lời yêu cầu của vị thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90072 muốn thấy « cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ ngư dân » có được chính quyền lắng nghe hay không ?
Về phần Trung Quốc, thông qua Hoàn Cầu Thời Báo, đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định là Hoa Kỳ huy động đồng minh lập vòng đai bao vây Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, Học viện nghiên cứu xã hội, cơ quan tư vấn của chính phủ Trung Quốc dự báo sẽ không tránh khỏi xung đột quân sự với Nhật Bản.
Trong khi đó, nhà báo Peter Lee, trên Asia Times nhận định là Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh chỉ muốn đón chào Trung Quốc như là một là một đối tác tin cậy trong một trật tự thế giới mới nếu Bắc kinh chấp nhận luật chơi của Tây phương : dân chủ hóa chế độ chính trị, giải thể lãnh vực kinh tế quốc doanh và tuân thủ luật lệ kinh tế tư nhân với mục tiêu trung hạn là chế độ độc tài phải sụp đổ. Trung Quốc dân chủ cũng là ước mong của các nước lân bang đang bị tham vọng bá quyền đe dọa.
Tuy nhiên, trước mắt, vào năm 2013, ngoại trừ Nhật Bản nhờ có sức mạnh quân sự và thế liên minh với Mỹ, chắc chắn sẽ là năm đầy rủi ro cho các nước Asean đang nằm trong chính sách chia để trị và áp đảo của Bắc Kinh. Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích những nguyên nhân và hậu quả của « tình hình căng thẳng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông »
Nhà báo Lưu Tường Quang : « Cảnh sát Hải Nam và tàu hải giám của Trung Quốc bắt đầu kiểm soát, bắt giữ, trừng phạt những người bị gọi là vi phạm chủ quyền lãnh hải của họ. Năm 2013 là một năm quan trọng …tiếp theo năm 2012 Asean bị chia rẽ vì ông Hun Sen của Cao Miên theo đuổi quyền lợi riêng tư làm lá bài cho Trung Quốc hơn là quyền lợi chung của Asean.
Trong năm 2013, Brunei là quốcgia yếu kém nhất về quân sự và ngoại giao trở thành chủ tịch Asean. Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc sẽ một mặt khai thác Brunei cũng như đã khai thác ông Hun Sen và thứ hai là sẽ khống chế Biển Đông, đồng thời sử dụng quyền lực mềm và cứng để chia rẽ Asean và do vậy Việt Nam sẽ tiếp tục ở trong hoàn cảnh bất lợi…
Hoàn cầu Thời báo cho là Hoa Kỳ bao vây Trung Quốc. Vậy trong thế trận tranh giành chủ quyền của Trung Quốc biển Hoa Đông và Biển Đông đâu là điểm đâu là diện ?
Cái nguyên nhân sâu xa là do sự trổi dậy không hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ ảnh hưởng được Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Thái lan, Úc và một phần chính sách hướng đông của Ấn Độ để « bao vây Trung Quốc ». Nhưng một cách khách quan, sự kiện « tái định vị » của Mỹ tại châu Á Thái Bình dương là « hậu quả » của sự trổi dậy không hòa bình của Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ muốn trở lại châu Á Thái Bình dương để bao vây Trung Quốc, điều mà Hoa Kỳ lúc nào cũng cải chính.
Về « diện », Trung Quốc tranh chấp dữ dội với Nhật Bản tại Hoa Đông và với Việt Nam và Philippines tại Biển Đông nhưng hoàn cảnh tại hai nơi khác nhau và do vậy hậu quả cũng khác nhau. Thứ nhất, Nhật là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới. Tuy không phải là cường quốc nguyên tử như Trung Quốc nhưng Nhật Bản có hải quân hùng mạnh hàng thứ tư thế giới. Một yếu tố quan trọng khác là giữa Nhật và Mỹ có Hiệp ước quân sự hỗ tương….
Trung Quốc giờ đây xem tranh chấp tại Senkaku /.Điếu Ngư bước vào giai đoạn mới, đem cả tàu hải giám đi vào vùng biển và phi cơ thám thính xâm phạm không phận Senkaku, cho nên không thể loại trừ một cuộc chạm trán cục bộ nhưng một cuộc chiến tranh lớn khó xảy ra. Còn tại Biển Đông, Việt Nam không có sức mạnh quân sự đương đầu với Trung Quốc. Điểm thứ hai, về chính sách, Việt nam xác quyết chủ quyền nhưng không có biện pháp bảo vệ chủ quyền. Do vậy chắc không xảy ra va chạm tại Biển Đông, không phải vì Trung Quốc không dám sử dụng vũ lực nhưng vì Việt Nam né tránh sử dụng quyền chủ quyền.
Thủy chung với Trung Quốc ?
Gần đây, Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Thanh, thuộc Học viện chính trị, bộ Quốc phòng làm tôi thất vọng. Ông nói một điều mà ai cũng hiểu và đồng ý là Hoa Kỳ trở lại châu Á Thái Bình Dương là vì quyền lợi của Mỹ. Ông bảo « không thể vô ơn bạc nghĩa với Trung Quốc » là một việc vô cùng vô trách nhiệm. Mỹ trở lại Đông Nam Á là vì quyền lợi Mỹ thì đúng nhưng khi Trung Quốc đè bẹp, khống chế Việt Nam tại Biển Đông thì là vì quyền lợi của Việt Nam hay sao ? Việt Nam không có phản ứng thích nghi bảo vệ chủ quyền. Ngư dân Việt Nam tại Miền Trung sẽ tiếp tục là nạn nhân của chính sách đàn áp của Trung Quốc ».

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-28/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link