Văn
Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 04.01.2013
VỀ QUÊ LẦN CUỐI
Rất bất ngờ, vào dịp cuối năm 2012, các ông Nhất Giang và Vi Túy từ Úc gọi điện thoại cho tôi với một câu hỏi cũng rất “giật gân”:
- Anh có muốn về Thái Bình không?
Tôi nghĩ hai ông này định dỡn mặt với mình đây. Tôi còn đang phân vân tìm cách đối phó để khỏi rơi vào bẫy việt vị, Nhất Giang nói ngay:
- Thật đấy, chuyến này báo Văn Nghệ sẽ đi làm từ thiện ở Thái Bình, quê hương anh đấy. Anh thấy thế nào?
Tôi trả lời không cần suy nghĩ:
- Các anh làm từ thiện từ Đồng Bằng sông Cửu Long đến Campuchia, rồi Huế, Pleiku, Kontum, chỉ còn thiếu miền Bắc. Đồng bào đói khổ thì ở đâu cũng là người Việt mình cả. Sao lại không ra miền Bắc một chuyến nhỉ?
Vi Túy hỏi rất thành thật:
-Theo anh, miền Bắc còn nhiều gia đình nghèo lắm không?
- Ở đâu cũng có người nghèo trên khắp giải đất VN này. Ở miền Bắc, họ hàng tôi còn nhiều, nhất là ở tỉnh Thái Bình mà các anh vừa đề cập tới. Có những người “trên không chằng, dưới không rễ”, nói rõ ra là họ không có người thân, không có họ hàng hang hốc với chính quyền địa phương, phần đông còn nghèo khó là cái chắc, chẳng khác gì những người ở các vùng quê miền Nam đâu.Chưa nói đến trường hợp như mấy đứa cháu tôi, sự nghèo khổ còn thê thảm hơn, kéo dài suốt từ năm 1954 tới bây giờ. Tôi kể lại sơ lược sự thật đó để các anh hiểu rõ hơn.
Nỗi khổ từ “muôn năm cũ”.
Năm 1954, sau khi gia đình tôi vào Nam, anh cả tôi ở lại miền Bắc bởi
anh theo kháng chiến chống Pháp từ những năm 1949. Như tôi đã có lần tường thuật
với bạn đọc về cái chết oan uổng của ông anh cả tôi. Anh đang là chính trị
viên, nhưng anh bị sốt rét nên sau khi đi bệnh xá, được nghỉ phép về làng dưỡng
bệnh. Gặp ngay đợt cải cách ruộng đất, phong trào đấu tố được “phát huy” lên đỉnh
điểm. “Chỉ tiêu” của làng tôi là phải đấu tố 3 anh địa chủ.
Thế là ông anh tôi,
vốn là con ông chánh tổng, bị lôi ra đấu tố rồi xử bắn. Để lại vợ và 3 đứa con
nhỏ, có cháu mới 2 tuổi, cháu lớn nhất mới 6 tuổi. Bà vợ anh không chịu nổi cảnh
nhục nhã này nên đã đâm đầu xuống ao nhà tự tử. Mấy đứa con nhỏ bị đuổi ra ở một
túp lều lá trong khu vườn chè nhà tôi.
Cả làng, kể cả người thân trong họ, cũng
không dám giúp đỡ bất cứ thứ gì cho các cháu. Một lần các cháu mò cua bắt ốc, bắt
được mấy con cá nhỏ ngoài đồng, mang về đến gần nhà, vô phúc gặp một anh dân
quân du kích bắt đứng lại khám xét. Thấy mấy con cá, anh dân quân này quả quyết
rằng hai đứa ăn cắp cá, anh ta mang đổ ngay mấy con cá xuống ao làng. Mấy đứa
cháu tôi sống nheo nhóc trong hoàn cảnh đó.
Tôi không muốn dài dòng về nỗi khổ
này của các cháu. Chỉ biết rằng nỗi nghèo khổ đó đã theo đuổi các cháu từ năm
1954 đến nay. Một cháu đã mất tại Nam Định, một cháu bỏ làng ra Hà Nội sống cuộc
sống lầm than cho đến bây giờ.
Tôi kể lại chuyện này để các anh hiểu thêm ở miền Bắc còn nhiều gia đình nghèo khổ, cái nghèo “tích lũy” lại từ bao năm nay, đôi khi hơn cả miền Nam. Ở những làng quê Thái Bình không thiếu những gia đình như thế. Các anh đại diện cho bà con người Việt ở nước ngoài phát quà cho bất cứ tỉnh nào ở miền Bắc cũng sẽ gây xúc động cho bà con nghèo trong nước và gây được một tiếng vang đáng kể đấy. Một việc nên làm và không phải ai cũng làm được.
Ông Nhất Giang kết luận một câu hỏi gọn lỏn:
- Vậy anh có đi không? Chúng tôi lấy vé máy bay nhé.
Tôi “nóng máy” gật ngay:
- “Đi thì đi”.
Kinh Kha qua sông Dịch
Thế là chuyến đi bất ngờ của tôi về quê hương được ấn định từ ngày
25 đến 27-12 vừa qua. Thật ra từ mấy năm trước, mỗi lần báo Văn Nghệ về VN tặng
quà, tặng nhà tình thương cho đồng bào nghèo, tôi vẫn còn đủ sức “chiến đấu” với
anh em, từ Lộc Ninh đến Biển Hồ Campuchia, đến Tiền Giang, Đà Lạt tôi đều có mặt.
Nhưng mỗi năm tuổi một cao, sức yếu không còn đủ sức “trường chinh” nữa.
Năm nay đã 80, tưởng rằng anh em cho yên thân “dưỡng già” trong cái chung cư mục nát này. Nhưng tiếng gọi của quê hương, của những người nghèo khó lại bất ngờ bật dậy, nói theo kiểu chữ nghĩa linh tinh ở đây là nó bật dậy “đột xuất”!
Tôi theo dõi tin thời tiết trên truyền hình, miền Bắc đang vào đợt rất lạnh, có hôm dưới 13 độ C, tôi hơi lo cho “cái thân già” này. Nhưng nhớ lại những ngày nằm trong trại tù cải tạo ở Sơn La, trời lạnh 3 độ C mà chiều vẫn phải tắm nước suối lạnh buốt còn chịu được thì có xá gì cái lạnh Hà Nội. Thế là thêm “dũng khí” ra đi, cứ như Kinh Kha qua sông Dịch vậy. Đi chuyến này rồi về có “bỏ mạng nơi xa trường” cũng đáng lắm.
Xin bạn đừng cho rằng tôi “quan trọng hóa” chuyến đi này. Ở vào tuổi tôi, nhiều bạn bè đã ra đi, nhiều bạn mới năm trước còn dong chơi đây đó, nay đã nằm bẹp, muốn đi đâu cũng không đi nổi. Bây giờ, tôi đi bộ hàng ngày chỉ 15 phút đã thở “bở hơi tai”. Biết mình sức yếu rồi, chỉ còn điều an ủi cuối cùng là “làm được cái gì thì cứ làm, đi được đến đâu thì cứ đi”. Chẳng có điều gì báo trước cho cỗ máy xài đã 80 năm, không hư chỗ nọ cũng hỏng chỗ kia, lắp vá lung tung, đến lúc nó “bung” là hết lết nổi. Do vậy mà chuyến đi của tôi hoàn toàn nằm ngoài dự tính và ngoài cả ý muốn, nhưng cũng phải “liều”.
Bạn đã đọc câu chuyện vui tôi gửi đến quý bạn tuần trước: Ở VN “không liều thì không sống được”. Cho nên tôi đi chuyến này cũng là liều. Bởi tôi biết rất rõ, đi với “cánh Văn Nghệ Úc” là đi liên miên, ngồi xe vào đường làng xóc như nhảy mambo, cuốc bộ đường ruộng hàng vài cây số, đi liên miên để đến được nhiều nơi.
Đầu năm, cho tôi được tậm sự đường dài với bạn đọc thân mến của tôi thế thôi. Năm sau chẳng biết còn đủ sức, đủ minh mẫn để hầu chuyện bạn đọc nữa không.
Người Sài Gòn tiết kiệm cả đêm Giáng Sinh
Đêm 24-12, tôi đón Giáng Sinh ở Sài Gòn, vốn lười đi và tiết kiệm
nên nằm nhà coi Ti Vi. Từ ngày phố xá Lê Lợi, Nguyễn Huệ trang hoàng đón Giáng
Sinh và Năm Mới, tôi chưa hề bước chân ra đến mấy con phố chính rộn ràng đó. Dường
như với người già ở thành phố này, nói chung, họ vẫn nghĩ năm nào cũng như nhau
thôi, có đi xem cũng chẳng thấy gì khác. Vả lại năm nay đời sống quá khó khăn,
những thứ đèn đóm xa hoa, năm nào cũng phải có cho đủ “lệ bộ” thôi, chứ khó mà
vui nổi khi còn trăm thứ lo bù đầu.
Vô tình, những thứ đó dành cho những người
giàu hay ít ra cũng đủ ăn đủ mặc. Dân nhà nghèo năm nay lo chạy gạo, lo thất
nghiệp, tiết kiệm cả đến một cuốc xe đi hưởng thú vui không mất tiền, tức là
không mất “phí”. Cái gì chứ nghe đến “phí” là dân nghèo hết hồn rồi.
Mất tiền đổ
xăng, chẳng lẽ không uống ly nước mía, thôi, thà ở nhà, tiết kiệm được cho gia
đình bữa ăn sáng, để dành tiền nộp phí sử dụng đường bộ. Đấy là một sự thật, ít
ai nghĩ đến.
Tôi chỉ dám thức đến 11g đêm bởi sáng sớm hôm sau, 05giờ đã phải thức dậy ra máy bay. Coi như phải “bỏ quên đêm Giáng Sinh”. Chuyến Jestar cất cánh từ Tân Sơn Nhất lúc 07g30 phút, sau 1g45 phút sẽ đến sân bay Nội Bài. Jestar là hãng hàng không giá rẻ nhất tại VN bây giờ. Nếu lấy vé trước 1 tháng hoặc 1 tuần, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Chỉ bằng nửa giá Air VN và ngang với giá xe lửa có giường nằm. Khoảng hơn 1 triệu đồng 1 lượt Saigon – Hanoi.
Tất nhiên bạn lấy vé khứ hồi sẽ còn được bớt thêm nữa. Máy bay lớn, khoang hành khách chật chội, tất nhiên không “sang” bằng những hãng khác, nhưng cũng không tệ. Khi máy bay sắp hạ cánh, phi hành đoàn thông báo nhiệt độ tại Nội Bài là 14 độ C. Cô gái ngồi cạnh tôi lè lưỡi rùng mình. Cô vận chiếc quần soọc để khoe cặp đùi dài trắng nhễ nhại. Có lẽ cô ra Hà Nội lần đầu.
Tôi “trang bị” khá kỹ, áo khoác dầy cộm, khăn len quàng cổ, những thứ hàng “son” mua ở chợ Đà Lạt từ mấy năm trước, nằm kỹ trong đáy tủ, bây giờ mới “phát huy tác dụng”.
Về quê hương mà chưa biết đó là quê mình
Từ sân bay Nội Bài, chiếc xe 16 chỗ chạy thẳng một lèo về Thái
Bình. Con đường khá dài, ngồi ê ẩm mới tới nơi tôi đã sinh ra và lớn lên rồi bỏ
xứ ra đi. Gần 3 tiếng sau chúng tôi tới giáo sứ Phục Lễ. Ngôi nhà thờ rất lớn,
với những hàng cây được nắn tỉa công phu quanh những khu vườn sạch sẽ làm tôn
thêm vẻ trang nghiêm của nơi này.
Người đón tiếp chúng tôi là cha Thao, rất lịch
lãm, trẻ và đẹp trai không kém gì tài tử màn bạc. Cha đãi đoàn một bữa cơm khá
thịnh soạn. Mọi chương trình đã được hoạch định từ trước cả chỗ ăn chỗ ngủ.
Nhưng để khỏi làm phiền nơi tôn nghiêm và có tự do hơn, chúng tôi xin phép cha
cho ra nghỉ ở khách sạn bên ngoài.
Nhà thờ giáo sứ Phục Lễ
Đó là một kiểu “nhà nghỉ” ở giữa những con đường lớn. Có nơi treo bảng là “nhà ngủ” cho tiện việc sổ sách. Phòng chật hẹp, cũng có máy lạnh, toilet nhưng có vẻ hơi bầy hầy, bạn kiếm miếng xà bông cũng không ra. Đêm giữa đồng quê nghe ếch nhái kêu cũng vui tai. Tôi chợt nhớ ra là tôi rời quê ra đi vào năm 1950, đến nay đã hơn 60 năm tôi mới được ngủ lại ở chính quê hương mình.
Nhìn khung cảnh đồng quê trước mặt mơ hồ trong ánh đèn đêm, dường như nó vẫn vậy, không có gì thay đổi. Thay đổi chăng là ở con người. Tôi thật sự xúc động khi nhớ lại những con đường, những mái nhà, những ngôi trường tôi đã từng ê a học và những khuôn mặt từ xa xưa. Tất cả như còn đang lẩn khuất đâu đây và đang chờ đợi ngày chúng tôi trở về.
Nhưng đồng thời với cảm tưởng ấy là ý nghĩ thực tế hơn, có lẽ đây là lần cuối tôi nghỉ lại nơi này. Niềm vui và nỗi buồn đan xen trong cái đêm “hội ngộ” hi hữu này. Đêm đó dù rất mệt nhưng tôi vẫn không tài nào nhắm mắt ngủ yên được.
Sáng hôm sau trở lại nhà thờ Phục Lễ, nghe các giáo dân nói chuyện tôi mới biết giáo sứ này thuộc xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình. Vậy mà từ hôm qua tôi cứ tưởng giáo sứ thuộc huyện khác, mãi đến lúc đó tôi mới biết xã này thuộc huyện mình. Cách huyện lỵ Quỳnh Côi có 4 km, tức là cách làng An Hiệp của tôi 9 km. Bỗng dưng tất vả trở nên thân thuộc quá.
Buổi phát quà tại giáo sứ Phục Lễ
Đúng 9 giờ sáng buổi phát quà bắt đầu ngay tại sân sau nhà thờ Phục
Lễ. Chúng tôi thấy việc tổ chức phát quà cho đồng bào nghèo ở một nơi như thế
này là rất phù hợp. Nếu tổ chức ở một trụ sở hay ủy ban nào cũng bất tiện vì khẩu
hiệu cờ quạt lung tung… Buổi phát quà cho cả đồng bào theo đạo Thiên Chúa và đạo
Phật, không hề có sự phân biệt nào. Hơn 100 người đã tề tựu đông đủ, vài người
“giàu lắm” cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ. Phần quà gồm 2 gói thực phẩm và 100
ngàn tiền mặt.
Đến nhận quà, hầu hết là các cụ già, các cô gái và em nhỏ vừa đủ
tuổi xách được gói quà khoảng 4 kg. Quan sát những người dân ở đây, tôi không
thấy điều gì khác biệt với những người dân ở các địa phương miền Nam mà tôi đã
từng đi qua. Có lẽ người nghèo ở đâu cũng giống nhau cả thôi, quần áo “thời đại
si đa” đủ mốt, đủ màu, đủ quốc tịch, chữ ăng lê trên ngực áo đủ kiểu kể cả kiểu
“I ♥ you” trên áo các em nhỏ chưa đủ lớn khôn. Khác một chút là mùa lạnh nên ai
cũng mặc vài ba chiếc áo chằng đụp nên có vẻ có da có thịt hơn.
Các cụ già chờ
phát quà tại sân sau nhà thờ Phục Lễ
Tôi cũng được anh em cử ra đứng phát tiền sau khi các cụ đã lãnh quà. Có cụ bê không nổi, rớt lung tung, người khác phải tới “khuân” giúp. Có cụ quên cả lãnh tiền, dù đã được nhắc nhở, tôi phải kéo áo cụ lại mời cụ lãnh giùm cho. Có cụ nói “các ông cho nhiều quá, chưa có “ông” nào cho nhiều như thế”.
Tiếng gọi nhau í ới, vài người xúm lại “thồ” mấy phần quà trên chiếc xe đạp cũ. Họ vẫn còn quen với kiểu phương tiện vận chuyển thời chiến tranh đi tản cư, di cư.
Các cô gái cùng
nhau đưa quà lên xe đạp “thồ” về nhà
Ngay hôm đó đoàn lại tiếp tục đi đến 4-5 nhà thờ khác nằm trong địa phận cai quản của cha Thao ở giáo xứ này. Đường làng nhỏ hẹp như bờ ruộng, có nơi xe gắn máy đi còn chật.
Chúng tôi cuốc bộ từng chặng chừng 1-2 cây số. Thú thật, nếu không có mấy ông bạn mang giúp hành lý, tôi không đi nổi. Ở nơi nào bà con cũng có vẻ lạ lẫm với đoàn làm từ thiện từ nước ngoài về.
Thậm chí có nhiều người chẳng biết nước Úc ở đâu, nếu không giải thích, họ vẫn cứ nghĩ rằng đó là nước Mỹ. Bà con ở miền này biết đến nước Mỹ và đồng đô la chứ quả tình không biết đồng đô la Úc hoặc đô la Canada.
Cha Thao cai quản
11 nhà thờ tại Quỳnh Châu và tác giả
Xin bạn hiểu là rất nhiều người biết có đồng đô la chứ chưa nhìn thấy hoặc chưa được cầm đến bao giờ. Đó là điều ngược hẳn với dân Hà Nội. Ai cũng biết giá trị của từng đồng đô la và nhiều người định giá trị nhiều món hàng bằng đô la và tiêu bằng đô la mạnh tay hơn các cụ từ nước ngoài về VN đấy. Suy ra từ đấy, ở miền Bắc sự cách biệt về giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê quá xa. Xa hơn cả miền Nam.
Trở lại chính nơi chôn rau cắt rốn
Buổi chiều chúng tôi lại lên đường trở về Hà Nội. Trên đoạn đường
đó, chúng tôi đi qua huyện Quỳnh Phụ và qua cầu Hiệp. Đúng ra tên huyện cũ của
tôi là Quỳnh Côi, nhưng sau này, các ông “nhà nước mới” sát nhập hai huyện Phụ
Dực và Quỳnh Côi là một, đổi thành huyện Quỳnh Phụ.
Rồi nhiều huyện, nhiều tỉnh
thấy sự cai trị bất tiện nên lại tách lại các tỉnh huyện như cũ. Như Hà - Nam-
Ninh, Vĩnh - Phúc - Yên….Nguyên cái việc sửa tới sửa lui này cũng tốn hết biết
bao tiền của công sức của nhân dân. Giấy tờ đều phải làm mới để rồi làm lại như
cũ. Sự thiếu nghiên cứu, thiếu kinh nghiệm, với những bộ óc thích “đổi mới vô tội
vạ” đã làm điêu đứng người dân không ít.
Ngày nay, cái phố huyện nhỏ xíu bây giờ được nâng lên thành thị trấn và đặt lại cái tên Quỳng Côi quen thuộc, nhưng huyện thì vẫn là huyện Quỳnh Phụ.
Đi qua con đường đúng 5 cây số từ thị trấn về phố Bến Hiệp, tôi bồi hồi nhớ đến những năm tháng từ phố tôi đi học trường huyện. Con đường trải đá, hai bên đã mòn nhẵn, mỗi ngày có hai chuyến xe đò chạy từ Bến Hiệp đến tỉnh lị Thái Bình.
Con đường đã in đậm thuở ấu thơ của tôi, thuở mới tập và thích làm người lớn, thuở bắt đầu biết yêu vụng nhớ thầm cô hàng xén hoa khôi của phố Hiệp. Bốn năm dài như thế, mỗi ngày đạp xe đi trên con đường cái quan này. In đậm trong khối óc trẻ thơ của tôi là vào năm 1943, hai bên bờ cỏ, dọc theo con đường này có rất nhiều người chết đói, nằm la liệt bên đường.
Có những xác chết, vì không chôn kịp, đã cháy đen vì nắng như bị hỏa thiêu. Hầu hết họ là những người từ phương xa đến xin ăn ở huyện tôi. Nhà tôi đã bắt tôi phải nghỉ học cả tháng để tránh bệnh tật lây lan từ quãng đường kinh hoàng này. Bây giờ trở lại, đó là những hình ảnh bi đát nhất vẫn còn như trước mắt tôi.
Chùa làng Sơn Đồng và ông sư tự thiêu
Đi gần hết quãng đường này, chúng tôi vì tò mò ghé vào làng Sơn Đồng
thăm ngôi chùa có vị sư mới tự thiêu cách đây hai tháng. Làng này cách làng tôi
vài cái bờ ruộng và một lũy tre thưa. Bà chị ruột tôi lấy chồng ở làng Sơn Đồng.
Anh chị tôi có chừng 7- 8 đứa con hiện ở cả bên Mỹ. Các cháu đề nghị tôi ghé
qua chùa thăm lại cảnh xưa có đúng như bức ảnh đã được đưa lên internet không
và lý do nào nhà sư đã tự thiêu.
Chúng tôi đến ngôi chùa Sơn Đồng vào buổi quá trưa “trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung”. Không khí chùa ngoài vắng lặng, không một bóng người. Tôi lần ra phía sau chùa vãn cảnh, bất ngờ gặp được sư thầy, có lẽ là vị sư tạm thời trụ trì ở chùa này sau khi vị sư chính tự thiêu.
Tôi gợi lại vài kỷ niệm cũ chứng tỏ mình là người cũ của địa phương này. Hồi đó bố tôi thường sai tôi sang chùa này mời cụ sư Hinh sang nhà tôi đàm đạo. Cụ sư Hinh rất phong khoáng trẻ trung nên tôi nhớ mãi tính cách đặc biệt của cụ. Vị sư thầy trụ trì mới này nhận ra ngay tôi là “người nhà”. Vị này tự giới thiệu tên thật là Phạm Tiến Hường.
Sư thầy Phạm Tiến
Hường và Văn Quang trước sân chùa Sơn Đồng
Sư thầy ra gặp anh em trong đoàn và thuật lại chuyện vị sư đã tự thiêu. Thầy nói khá chi tiết. Tôi chỉ có thể tóm tắt vài điểm then chốt. Vị sư tự thiêu là thầy Thích Thanh Hoằng; tên tục là Nguyễn văn Mười.
Thầy viết thư tuyệt mệnh nói rằng “Thầy không oán trách phật tử, tự thầy oán trách thầy”.
Vi Túy phỏng vấn
sư thầy Phạm Tiến Hường
Nhưng theo thầy Phạm Tiến Hường thì một buổi sáng thức dậy, thầy Thích Thanh Hoằng bị “người ta” lấy hết toàn bộ đồ dùng của thầy, trong đó có cả máy vi tính và nhiều sách vở. Thầy buồn lắm nên tự thiêu.
Tôi không thể suy luận hai chữ “người ta” đây là sư thầy Hường đã ám chỉ nhân vật nào hay cơ quan nào.
Vì một lý do nào đó, thầy Hường cũng chỉ nói hai tiếng “người ta”, nhưng bạn đọc thừa thông minh có thể hiểu đó là ai và tại sao thầy Hường không thể nói rõ hơn được.
Thầy Hường chính là người đã ở bên và giúp đỡ săn sóc cuộc sống cho thầy Thích Thanh Hoằng từ 10 năm nay nên biết rất rõ. Thầy Hoằng đã đổ 10 lít xăng lên người để tự thiêu vào buổi sáng. Sau đó vài ngày, chùa định làm một đám tang lớn nhưng lại được phường xã đề nghị cho đám táng đi vòng quanh con đường phía ngoài chùa rồi an táng thầy phía sau miếng đất của chùa Sơn Đồng.
Cây cầu Hiệp mới, nối liền Hải Dương- Thái Bình
Chúng tôi dừng lại chùa Sơn Đồng khoảng hơn 1 tiếng, buổi chiều anh
tài xế trẻ đưa đoàn ra Bến Hiệp. Đây chính là nơi tôi đã sống suốt thời thơ ấu.
Dãy phố có chừng vài chục căn nhà lầu, nơi có một số gia đình người Hoa làm ăn
buôn bán cùng người Việt. Ngày nay chỉ còn lại là những dẫy nhà tranh hai bên
đường. Chỉ có cái cầu Hiệp mới làm xong, đó cũng là đặc điểm nổi bật nhất của tỉnh
Thái Bình.
Lối lên cầu Hiệp
hiện nay
Cầu Hiệp bắc qua sông Luộc, nối liền đường bộ giữa 2 tỉnh Hải Dương - Thái Bình, cầu này thuộc 2 xã Hưng Long (huyện Ninh Giang) Hải Dương và Quỳnh Giao (huyện Quỳnh Phụ) Thái Bình, được khởi công xây dựng từ năm 2008.
Cầu Hiệp có chiều dài 542,5m, rộng 12m. Buổi chiều trời mưa dăng nhẹ như mưa phùn mùa đông, cây cầu uốn cong nổi lên trên nền trời khá hùng vĩ giữa vùng quê nghèo. Tôi nhớ đến những lần bọn nhóc chúng tôi trần như nhộng, bơi qua sông Luộc giữa mùa nước lớn, dòng phù sa đỏ quạch chảy cuồn cuộn, sang bên kia sông ăn trộm vài trái bắp với cái lý do ngây ngô rằng bắp Hải Dương mới ngon. Và chỉ bơi qua sông chạy trốn về bờ nhà khi có người đuổi theo hô hoán, đứng trên bờ chửi theo. Tuổi trẻ ngỗ nghịch có vài phút sống lại.
Cầu Bo Thái Bình cũ
và những cô gái thuở xa xưa
Cây cầu này khiến tôi nhớ tới cây cầu Bo, lối bắt đầu vào tỉnh lỵ Thài Bình, nơi bà ngoại tôi sinh sống. Mỗi lần tôi được “lên tỉnh”, nhìn thấy cây cầu Bo như nhìn thấy môt thiên đường mới. Đó mới là ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi về quê ngoại. Tôi nhớ đến mấy câu vè của bọn học trò vẫn hát om xòm: “Thái Bình có cái Cầu Bo. Đêm đêm trai gái lại bò lên chơi. Cứ 5 mét lại một đôi ...”.
Bây giờ Thái Bính có tới 2 cây cầu Bo, một mới và một cũ, nằm song song, nhưng chuyến đi này tôi không đi qua cầu Bo. Chiếc cầu Hiệp đã thay thế, nhiều xe chạy đường Hà Nội đã thay đổi lộ trình chạy qua đường cầu Hiệp sang Hải Dương ngắn hơn và đường xá tốt hơn.
Buổi tối về đến Hà Nội, chúng tôi quá mệt mỏi chỉ còn nước lăn ra ngủ. Trong chuyến đi của đoàn có một ông bạn từ Cali cũng tháp tùng. Ông Tiến, tục gọi là Tiến râu, người nằm chung phòng với tôi và mang vác hành lý, giúp đỡ tôi rất nhiếu trong suốt cuộc hành trình này. Thế là có cả độc giả từ Mỹ về cùng làm từ thiện cho vui vẻ.
Hà Nội đối với tôi chỉ là một trạm dừng chân đợi tàu xe. Nhưng cũng có nhận xét rất “vô tư” rằng người Hà Nội giàu hơn người miền Nam. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải điều này sau khi tôi tìm gặp một vài người bà con, kẻ giàu nứt đố đổ vách, người nghèo kiết xác như đứa cháu tôi ở giữa lòng Hà Nội.
Buổi tối chúng tôi trở về Sài Gòn trên chuyến bay cất cánh vào 19g30 hoàn tất chuyến đi làm từ thiện lần đầu tiên ở miền Bắc.
Thưa thật với bạn đọc, ba hôm sau hai bắp đùi tôi vẫn còn đau, leo
lên cầu thang lầu 1 chung cư không muốn nổi. Thế mới thấy rõ mình đã “quá đát”
và ngồi tiếc nuối thời trai trẻ. Nhưng dù thế nào tôi cũng bằng lòng với mình
vì đã “làm được gì cứ làm, đi được đến đâu cứ đi”. Đó chính là cuộc sống “có
lý” của tuổi già, phải không bạn?
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment